Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thủ tướng Việt Nam yêu cầu không thay đổi thực trạng Biển Đông

nguyen tan dung asean



Từ trái sang phải: Các Thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore), Nguyễn Tấn Dũng (Việt Nam), Tổng thống Barack Obama (Hoa Kỳ), Thein Sein (Miến Điện).
REUTERS/Damir Sagolj

Vào lúc Bắc Kinh rốt ráo bồi đắp và mở rộng các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tại các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Miến Điện kết thúc ngày hôm qua, 13/11/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã liên tiếp kêu gọi các nước không làm thay đổi thực trạng các bãi đá, rạn san hô và bãi cát ngầm ở Biển Đông.

Yêu cầu từ phía Việt Nam đã được nêu lên trong các cuộc họp của ASEAN, cũng như trong cuộc tiếp xúc song phương vào hôm qua với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu bật lời kêu gọi này trong một bài phỏng vấn bằng văn bản dành cho hãng tin Mỹ Bloomberg, được gởi đi sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.

Theo bản tin của Bloomberg được công bố hôm nay, trong bài phỏng vấn, Thủ tướng Việt Nam đã xác định rằng các bên tranh chấp nên tránh các hành động có nguy cơ làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp và làm thay đổi nguyên trạng của các đảo đá và bãi ngầm.

Lời kêu gọi này được cho là chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, đang tăng tốc độ bồi đắp, mở rộng các thực thể địa dư mà họ đang chiếm giữ tại hai vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, xây dựng các cơ sở kiên cố trên đấy, thậm chí cả đường bay, có khả năng được dùng vào mục đích quân sự, phục vụ cho chiến lược cưỡng chiếm toàn bộ Biển Đông mà Bắc Kinh đang triển khai.

Nội dung lời kêu gọi này cũng đã được ông Nguyễn Tấn Dũng nêu lên tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, khi ông báo động :
"Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC" (Tuyên bố về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông năm 2002).

Trong tình hình đó, trong bài phỏng vấn dành cho Bloomberg, Thủ tướng Việt Nam nhắc lại lập trường của Việt Nam là "sử dụng mọi biện pháp hòa bình và cần thiết " trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền chính đáng của mình tại vùng biển đang bị tranh chấp.

Nhóm từ  "biện pháp hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế " được cho là ám ngữ để chỉ việc kiện ra trước tòa án quốc tế.

Bloomberg nhắc lại là hồi tháng Năm vừa qua, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết là Việt Nam đang chuẩn bị cho khả năng kiện Trung Quốc trước quốc tế về các đòi hỏi chủ quyền quá đáng tại Biển Đông.

Theo nhận định của Bloomberg, Hà Nội vẫn đàm phán với Bắc Kinh Quốc để làm dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông trong khi tiếp tục công khai phản đối các hành động của Trung Quốc bị coi là xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Việt Nam đồng thời tìm kiếm quan hệ hợp tác kinh tế, quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ và các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ.


Switch mode views: