Hãy cho em được sống!
- Chúa Nhật, 24 tháng Ba năm 2013 11:43
- Tác Giả: Ngọc Lan
GARDEN GROVE (NV) - Bé Esmund Nguyễn, 5 tháng tuổi, nằm ngủ ngoan trong chiếc nôi được đặt bên trong ngân hàng Bank of America, góc Brookhurst và Westminster. Trong khi đó, bé Nguyễn Doãn Hạ, 4 tuổi, có khuôn mặt kháu khỉnh, khi được mẹ bế, lúc tự mình đi tới đi lui cầm trên tay món đồ chơi ưa thích. Cả hai dường như có lẽ không biết gì đến những tấm biểu ngữ, những chiếc bàn mà các cô chú bác thiện nguyện viên của Hội Hiến Tủy Á Châu (Asian for Miracle Marrow Matches-A3M) đang ngồi dưới trời nắng xuân, chờ đợi người có lòng từ tâm ghé lại cho mẫu thử xem có thể hợp tủy với hai bé không, vào sáng Thứ Bảy, 16 tháng Ba.
Bé Hạ đang mang trong người căn bệnh ung thư máu từ hơn một năm rưỡi qua, trong khi bé Esmund lại đối diện với chứng bệnh hoại huyết ngay khi mới chào đời. Hai em đang cần có người hiến tủy để có thể giúp hai em sống cuộc đời dài lâu hơn bên gia đình, cha mẹ và bạn bè xung quanh.Cô Anh Nguyễn (trái), người giữ vai trò hỗ trợ bệnh nhân gốc Việt của A3M, cùng bố và anh trai của bé Esmund Nguyễn (giữa) và mẹ con bé Nguyễn Doãn Hạ (phải) tại buổi kêu gọi hiến tủy do A3M tổ chức. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Năm tháng tuổi mang căn bệnh hoại huyết
Mặc trên người chiếc áo có in hình người con trai nhỏ Esmund, anh Vinh Nguyễn, ba của bé Esmund, cư dân thành phố San Gabriel, kể, “Ngày Esmund được sanh ra, vị bác sĩ đỡ sanh nói với mọi người rằng đó là một phép nhiệm màu. Bởi vì những đứa bé được chẩn đoán mang bệnh hoại huyết từ trong bụng mẹ thì sẽ sống không quá ba tiếng sau khi được sanh ra.”
Khi mẹ Esmund có bầu em được sáu tháng, bác sĩ cho biết em bé “chắc chắn 100% bị bệnh hoại huyết.”
Không đồng ý với đề nghị của bác sĩ là “nên bỏ bào thai” đó, nhưng đồng thời cả hai vợ chồng anh Vinh đều “rơi vào tâm trạng khủng hoảng tinh thần” khi đón nhận tin như thế về đứa con sẽ chào đời của mình.
Liên lạc với một bệnh viện chuyên về huyết học ở Hollywood, vợ chồng anh Vinh được yêu cầu phải đến bệnh viện ngay vào ngày hôm sau để làm các xét nghiệm và truyền máu, “vì chỉ cần kéo dài thêm vài ngày là thai nhi có thể sẽ chết trong bụng mẹ.”
Dù được giải thích rằng: “một em bé bị bệnh hoại huyết sẽ không thể cầm máu được khi em bị đứt tay, nếu không có người cho tủy thì cứ mỗi ba tuần em phải vào bệnh viện để truyền máu cho đến suốt đời, cũng do thiếu máu như vậy nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Bên cạnh đó, với bé bị bệnh từ trong bụng mẹ thì sẽ không thể sống quá ba tiếng đồng hồ sau khi chào đời” nhưng cả hai vợ chồng anh Vinh vẫn quyết định giữ em bé lại cho đến ngày sinh bé ra.
Bé Esmund Nguyễn, 5 tháng tuổi, bị bệnh hoại huyết cần có người cho tủy để được sống lâu hơn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Chưa sanh ra thì làm sao biết nó như thế nào mà bỏ đi được,” người cha tâm sự.
Mẹ bé Esmund đã trải qua 4 lần truyền máu trước khi sanh bé. “Ấn định ngày giờ sanh bé, chọn cách sanh thường chứ không được mổ” đều là yêu cầu do bác sĩ đưa ra nhằm bảo đảm sự an toàn cao nhất cho hai mẹ con. Ngoài ra, theo qui định, hai vợ chồng anh Vinh còn phải theo học một lớp về cách chăm sóc bé, và em bé sau khi chào đời phải ở lại trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện ít nhất một tháng.
“Chính vì lường trước hết những rủi ro sẽ xảy ra, cho nên khi bé ra đời có lượng máu cao hơn mức trung bình, không cần phải vô máu ngay, và cũng không phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt mà bác sĩ nói đó là một điều kỳ diệu.” Anh Vinh kể.
Chỉ vài ngày sau khi sanh, nhận được điện thoại từ bệnh viện kêu lên mang bé về, hai vợ chồng anh Vinh vui mừng đến ngỡ ngàng, bởi vì “cứ như lời bác sĩ thì nó sẽ không sống được lâu sau khi sanh nên nhà tôi không có sắm sửa quần áo, xe nôi gì cho con hết.”
Hai tuần sau khi sanh, bé Esmund vẫn được cho là bình thường.
Tuy nhiên, niềm vui của đôi vợ chồng này không còn trọn vẹn khi đến tuần thứ năm bác sĩ bảo “Esmund cần phải truyền máu.”
“Từ đó đến nay, cứ mỗi ba tuần phải đến bệnh viện để vô máu. Bệnh nó ngày càng nặng.” Người cha tiếp tục kể, trong lúc tay vẫn đưa đẩy chiếc xe nôi cho bé Esmund tròn giấc ngủ.
Bốn tuổi, từ Việt Nam sang Mỹ mong tìm sự sống
Khác với bé Esmund, em Nguyễn Doãn Hạ, 4 tuổi, được cha mẹ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Đến năm Hạ hai tuổi rưỡi, qua các xét nghiệm, bác sĩ ở Việt Nam cho biết “Hạ bị bệnh ung thư máu.”
“Tôi không thể nào tin được đó là sự thật. Cứ như bị rơi vào một cảm giác gì đó. Cứ hy vọng sau một giấc ngủ tỉnh dậy thì tin đó không còn là sự thật nữa.” Chị Nguyễn Lan Phương, mẹ của bé Hạ, nhớ lại.
Người mẹ trẻ kể tiếp, “Năm ngoái, bệnh của bé trở nặng hơn. Bác sĩ bảo là bị xâm nhiễm hệ thần kinh trung ương. Và ở Việt Nam bệnh này không có hy vọng được cứu chữa.”
Bằng mọi cách phải cứu con mình, vợ chồng chị Phương lên Internet tìm hiểu thêm về bệnh ung thư máu, liên lạc với nhiều bệnh viện mong tìm cách chữa trị.
“Cuối cùng thì bệnh viện Children Hospital ở Los Angeles đồng ý chữa trị cho bé với điều kiện phải đóng cho bệnh viện trước số tiền là $200,000.” Chị Phương kể.Bé Nguyễn Doãn Hạ, 4 tuổi, bị bệnh ung thư máu, từ Việt Nam sang, hy vọng có người cho tủy để được sống khỏe mạnh cùng bố mẹ và gia đình. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Theo lời chị Phương, “tất cả gia đình nội ngoại cùng bạn bè quen biết đã cùng nhau gom góp, vay mượn” cho đủ số tiền đó đóng cho bệnh viện với hy vọng “bé Hạ sẽ được cứu sống.”
Tháng Mười Hai, 2012, hai mẹ con chị bồng bế nhau sang Mỹ, “ở nhà từ thiện phía sau bệnh viện với giá $5 một ngày”, hy vọng tràn trề về một tương lai khỏe mạnh cho con.
Cứ ngỡ có được số tiền lớn như vậy thì con mình sẽ được chữa lành bệnh, thế nhưng, “chỉ mới qua một vòng hóa trị ở bệnh viện, nằm ở đó một tháng thì bệnh viện báo cho biết là số tiền đó đã hết rồi, bệnh viện không điều trị tiếp được.” Chị Phương cho biết.
Tuy nhiên, do sự giới thiệu trước đó của bệnh viện, mẹ bé Hạ biết đến Hội Hiến Tủy Á Châu. Với sự giúp đỡ của cô Anh Nguyễn, người giữ vai trò hỗ trợ bệnh nhân gốc Việt của hội, bệnh viện đồng ý giữ bé Hạ lại tiếp tục điều trị, trong lúc hy vọng có người hợp tủy với Hạ, đồng ý cho em tủy để bệnh viện thực hiện ghép tủy, mang lại cuộc sống lâu dài hơn cho em.
Chiều Thứ Năm, 21 Tháng Ba, bé Hạ được nhập viện để chuẩn bị cho đợt hóa trị lần hai.
Lẩn quẩn bên con và nhìn người qua kẻ lại có cùng tiếng nói, màu da với mình tại Little Saigon, người mẹ từ Việt Nam mang con sang chữa bệnh, dù không hề có người thân nào tại đây, hy vọng, “Ở Việt Nam không hề có chuyện kêu gọi hiến tủy như thế. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến chuyện này. Tôi cũng đã ghi danh tên mình, đồng thời cũng hy vọng con tôi sẽ tìm được một người cho tủy.”
Giải thích thêm về việc hiến tủy sống, cô Anh Nguyễn nói, “Người ta thường cho là khi hiến tủy sống sẽ có nguy hại cho sức khỏe và có khi bị tê liệt nếu phạm vào hệ thần kinh nơi xương sống. Thật ra đó là một thành kiến sai lầm, vì nếu có rút tủy bào thì cũng chỉ dùng một cây kim chích lớn đưa vào xương chậu dưới đai lưng để rút tủy mà không hề đụng vào xương sống.”
“Tuy nhiên, với khoa học ngày càng tiến bộ, phương pháp ghép tủy bào ngày càng đơn giản hơn. Người ta chỉ cần rút ra một số tế bào gốc được phân lọc từ tĩnh mạch nơi cánh tay. Phương thức lọc máu tách ly tế bào gốc rất là thông dụng và không gây đau đớn cho người hiến tặng.” Cô Anh giải thích thêm.
“Hãy cho em được sống” là lời cầu xin và hy vọng lớn nhất hiện nay của cha mẹ bé Esmund Nguyễn và bé Nguyễn Doãn Hạ.
Ðể có thể tìm hiểu và ghi danh tên mình vào chương trình hiến tủy, quý độc giả có thể gọi điện thoại cho cô Anh Nguyễn (714) 553-0520 hoặc qua email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
. Hay vào trang mạng www.a3mhope.org.
Related news items:
Tin mới
- Kiểm soát gen khôi phục cơ tim - 18/04/2013 14:26
- Viêm mũi dị ứng - 12/04/2013 22:59
- Hai bước trong chế độ ăn uống có thể làm hạ huyết áp - 11/04/2013 14:38
- Ngồi nhiều, chết sớm - 11/04/2013 04:42
- Cholesterol có xấu không nhỉ? - 09/04/2013 00:46
- Thay đổi trên da báo hiệu bệnh nội tạng - 03/04/2013 21:53
- Trúng gió - cảm lạnh - 31/03/2013 20:53
- Thuốc tiểu đường loại mới làm tăng nguy cơ các bệnh khác - 29/03/2013 16:21
- Cải thiện đời sống cho bệnh nhân Alzheimer và người chăm sóc - 25/03/2013 21:36
- Ðàn bà sống lâu hơn đàn ông - 24/03/2013 18:29
Các tin khác
- Thuốc trụ sinh, kháng sinh - 21/03/2013 22:09
- Gừng + dấm = Tác dụng chữa bệnh thần kỳ - 19/03/2013 16:59
- Truy tìm ung thư ruột già - 18/03/2013 04:17
- Làm thế nào để tránh hoặc bớt hiểm họa có thể bị ung thư vú? - 16/03/2013 19:00
- Sắp tìm được thuốc chủng ngừa cúm phổ quát - 13/03/2013 15:11
- Bệnh lao và thuốc ngừa lao - 07/03/2013 20:05
- Vitamin D và Calcium chưa chắc giúp giảm nứt xương - 06/03/2013 02:50
- Các dấu hiệu tuổi già dự báo nguy cơ bệnh tim mạch - 23/02/2013 21:16
- Nghiên cứu về hải cẩu có thể giúp con người ngủ ngon hơn - 22/02/2013 18:48
- Mỹ chấp nhận võng mạc nhân tạo trong bước đầu - 20/02/2013 23:33