Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hội nghị G7 đặt vấn đề về chính sách khắc khổ của châu Âu

G7-FRANCE



Hội nghị bộ trưởng tài chính các nước G7 2011.
REUTERS/Jean-Paul Pelissier


Bị lên án là đã kìm hãm quá trình tái phục hồi nền kinh tế thế giới, các kế hoạch khắc khổ của châu Âu vốn bị Hoa Kỳ chỉ trích, được đưa ra bàn bạc trong hôm nay 10/05/2013 và ngày mai, nhân hội nghị tài chính của các nước G7 tổ chức tại ngoại ô Luân Đôn.

Bộ trưởng Tài chính Anh, ông George Osborne tiếp đón những người đồng nhiệm và các Thống đốc Ngân hàng Trung ương của G7, câu lạc bộ các nước giàu có gồm Đức, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Ý và Nhật từ chiều nay tại Aylesbury, cách thủ đô nước Anh khoảng 60 km.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, cũng tham dự.

Hội nghị G7 diễn ra sau hai hội nghị tài chính G20 hồi tháng Hai và tháng Tư, tiếp theo sẽ là cuộc họp thượng đỉnh G8 vào giữa tháng Sáu tại Bắc Ai Len.

 Trong số các nước G7 cũng có những ý kiến khác biệt với nhau về nhịp độ giảm thâm hụt ngân sách.

Bản thân ông George Osborne cũng là người cổ vũ cho kế hoạch thắt lưng buộc bụng bị dân Anh phản đối dữ dội.

Các kế hoạch tái cân bằng ngân quỹ tại châu Âu bị tố cáo là ảnh hưởng nặng nề lên tăng trưởng kinh tế thế giới, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ.

Tại G7 lần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew kêu gọi những người đồng nhiệm châu Âu thay đổi mục tiêu.

Hôm thứ Ba 7/5 khi đề cập đến việc giảm thâm hụt ngân sách, ông Lew đã nhấn mạnh:
“Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với châu Âu về lịch trình, và về việc liệu có phải khẩn thiết đạt đến mục đích ngay lập tức hay không”.

Một viên chức Mỹ giấu tên cho rằng việc siết chặt ngân sách một cách thô bạo sẽ cản trở tiêu dùng.

Một nguồn tin Pháp nhận định, nếu định ra các mục tiêu bất khả thi sẽ gây phản tác dụng vì hủy hoại động cơ tăng trưởng.

Bị kìm hãm bởi sự suy yếu của khu vực đồng euro, quá trình phục hồi kinh tế thế giới đang chao đảo.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào giữa tháng Tư đã hạ mức dự báo tăng trưởng thế giới năm nay từ 3,5% xuống còn 3,3%.

Các nhà tài chính khối G7 cũng sẽ thảo luận về cuộc đấu tranh chống nạn trốn thuế và các thiên đường thuế khóa, vấn đề đang được đặt lên hàng đầu sau các tiết lộ “Offshore Leaks”.

Sau khi hội nghị G20 hồi tháng Tư cổ vũ cho việc tấn công vào gốc rễ của bí mật ngân hàng, bằng cách đưa việc trao đổi thông tin tự động trở thành quy tắc chung, các bộ trưởng G7 hy vọng sẽ có bước tiến trước khi diễn ra hội nghị G8 sắp tới.


Switch mode views: