Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vì sao căng thẳng Mỹ-Iran lên tột đỉnh ?

iran usa spokesman

 



Tàu chở dầu đi qua eo biển Ormuz, ngày 21/12/2018.
REUTERS/Hamad I Mohammed/File Photo

 

Liệu Washington và Teheran sẽ dùng vũ lực để kiểm soát eo biển Ormuz, con đường huyết mạch vận chuyển 40% nhu cầu dầu thô trên thế giới ?

Nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên chuẩn bị lực lượng : Một hàng không mẫu hạm vào vịnh Ba Tư trong khi Iran đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Ormuz.

 

Vào thời điểm ghi dấu một năm ngày tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ Hiệp Định Hạt Nhân Quốc Tế với Iran, xung khắc Mỹ-Iran căng thẳng tột độ.

Thứ Tư 08/05, tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ loan báo các biện pháp sắp tới để đương đầu với Hoa Kỳ.
Một trong những biện pháp có thể làm cho Washington xem là khiêu khích là « gia tăng tinh lọc Uranium có độ phóng xạ cao ».

Trước đó, Mỹ ban hành thêm một loạt biện pháp nghiêm khắc hơn để bóp nghẹt kinh tế Iran : chấm dứt tình trạng đặc miễn cho 8 khách hàng dầu hỏa của Iran sau khi đưa chính quyền Hồi giáo vào danh sách « ủng hộ khủng bố » và cánh tay võ trang Vệ Binh Cách Mạng là « thành phần khủng bố ».

Bị ngăn cấm xuất khẩu dầu hỏa, Teheran đe dọa ăn miếng trả miếng : nếu tàu dầu Iran bị cấm lưu thông thì không một hải thuyền nào khác sẽ đi qua eo biển Ormuz, Iran đủ sức mạnh quân sự để phong tỏa.

« Ngoại giao 200.000 tấn »

Ngay lập tức, Washington đáp trả : nếu eo biển Ormuz bị Iran phong tỏa thì Mỹ sẽ giải tỏa bằng vũ lực.
Từ lâu nay giải pháp quân sự đã được dự kiến, Hoa Kỳ không chủ trương chiến tranh nhưng đã sẵn sàng đối đầu, theo tuyên bố của John Bolton, cố vấn an ninh tổng thống Mỹ.

Tại nước Nga, đồng minh của Iran, đại sứ Mỹ Jon Mead Hunsman Jr làm tăng nhiệt độ với tuyên bố : Hoa Kỳ đang chọn giải pháp ngoại giao 200.000 tấn, ám chỉ sức mạnh của tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng hải đội tác chiến đang hướng về Trung Đông.

Về không lực, theo AP, không rõ Mỹ sẽ huy động lực lượng oanh tạc cơ ra sao.
 Một phi đội B-1 từ Qatar trở về hậu cứ ở Texas hồi tháng Ba nhưng lần đầu tiên B52 được điều sang Trung Đông.

Vấn đề là lực lượng hùng hậu này có làm Teheran lo sợ hay không ?
 Theo AP, Keivan Khosravi, một phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Iran cho rằng Mỹ đánh đòn chiến tranh tâm lý.

Iran được yếu tố địa lợi

Đương nhiên, Iran không thể đọ sức với Mỹ nhưng hơn đối phương về địa lợi.
Vệ Binh Cách Mạng Iran đóng vai chính bảo vệ eo biển Ormuz, bố trí hàng trăm hỏa tiễn chống hạm trong các chiến hào kiên cố dọc theo bờ biển và các đảo nhỏ.

Tàu chiến, tàu dầu đi qua eo biển Ormuz, diễn hành qua các dàn phóng tên lửa của Iran giống như những mục tiêu bắn súng hơi ở các chợ phiên.
Ở vịnh Ba Tư, tương quan lực lượng bất lợi cho Iran. Hải quân chính quy Iran không thể đấu lại Hạm đội 5 của Mỹ nhưng có thủy lôi, có các thuyền xung kích đã từng liều lĩnh bám chặt, trắc nghiệm phản ứng tàu chiến Mỹ.

Nhà phân tích Alain Rodier, cựu sĩ quan tình báo, trợ lý giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Tình Báo Pháp so sánh một cách dí dỏm cuộc đọ sức giữa Iran với Mỹ, nếu xảy ra, với tình hình xã hội tại Pháp, Áo Vàng đấu với cảnh sát.

Cho dù Mỹ có đủ sức tiêu diệt hàng trăm tên lửa của Iran thì chiến sự phải kéo dài nhiều tháng, không kể lực lượng Al Qods thiện chiến của Iran có thể tung ra hành loạt vụ khủng bố ở Tây phương.
Trong thời gian eo biển Ormuz biến thành chiến trường, kinh tế thế giới ra sao, nếu bị thiếu dầu ? Chắc chắn, không ai được lợi.

Công lương hay công đồn ?

Trong hai năm cầm quyền vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump luôn dùng lời lẽ đao to búa lớn. Nhưng nếu quan sát thái độ của Washington đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, với Bắc Triều Tiên trong khủng hoảng hạt nhân, với Venezuela trong cuộc đọ sức với Maduro, dường như có một điểm chung.

 Chủ nhân Nhà Trắng và hai nhân vật cột trụ John Bolton, Mike Pompeo có vẻ nghiêng về chiến thuật « công lương » đánh vào hầu bao của đối thủ hơn là « công đồn », mà binh pháp Tôn Tử cho là hạ sách.


Switch mode views: