Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-03-2013

Căng thẳng Nhật-Trung sẽ đi đến đâu ?

Bateaux japonais chine

 


Hai tàu tuần duyên Nhật Bản chặn tàu cá Trung Quốc tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, 15/08/2012 (DR)

 

Tranh chấp Nhật-Trung trên Biển Hoa Đông sẽ đi đến đâu ?

Nhật Báo Le Monde hôm nay góp phần giải đáp thắc mắc này với bài phỏng vấn hai chuyên gia về Trung Quốc Jean-Philippe Béja và Valérie Niquet.

Bài phỏng vấn chạy dòng tít cảnh báo : « Trung-Nhật, chiến tranh lạnh tại Châu Á ».

Hai chuyên gia đi vào phân tích cặn kẽ nhiều vấn đề cốt lõi trong tranh chấp Nhật-Trung, trong đó đại để có mấy vấn đề nổi cộm sau :

Trước tiên, nhìn về giàn lãnh đạo mới của hai nước, hai chuyên gia Béja và Niquet đều khắng định rằng, tại Trung Quốc, tân lãnh đạo Tập Cận Bình khi trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt ra ba mục tiêu, đó là: tiếp tục cải cách kinh tế, chống tham nhũng và khẳng định chủ quyền quốc gia.

Giờ đây, ông Tập đã chính thức trở thành chủ tịch nước. Ông cũng đã điều hành quân ủy trung ương. Ông lại là người thân với cánh quân đội.

Trong bối cảnh đó, nhìn sang Nhật Bản, thủ tướng Shinzo Abe từ khi nhậm chức đã liên tiếp tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trên hồ sơ tranh chấp biển đảo.

Thật ra, khi ông Abe làm thủ tướng năm 2006, ông cũng đã từng có ý xích lại gần Trung Quốc. Rồi chính phủ kế nhiệm của ông được bầu hồi năm 2009 cũng đã có ý này.

Thế nhưng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, Trung Quốc cảm thấy thời cơ đã đến để tiến những quân cờ trên Biển. Vì thế, Nhật Bản cảm thấy cái ý tưởng xích lại gần Bắc Kinh đã không có tác dụng gì. Trong một bối cảnh như vậy, hai chuyên gia cảnh báo, sắp tới, khó có cơ may căng thẳng Bắc Kinh-Tokyo được xoa dịu trở lại.

Trung Quốc muốn phân chia thế giới với Mỹ

Bàn về tham vọng của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cảm thấy đủ mạnh, và muốn thiết lập một trật tự thế giới lưỡng cực thời hậu chiến tranh lạnh, thế giới được phân chia ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong toan tính đó, trước tiên Trung Quốc muốn Mỹ để cho mình thống trị Châu Á.

Thế nhưng, hai chuyên gia cho rằng, điều đó là « không thể chấp nhận » đối với Mỹ và các cường quốc khu vực khác.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã kéo theo việc Mỹ trở lại Châu Á Thái Bình Dương, một sự trở lại được các nước trong khu vực mở rộng vòng tay chào đón.

Liên quan đến sách lược khu vực của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng chiến lược đó là :« Khiêu khích để làm cho đối thủ thấy sợ mà nhượng bộ ».

Thế nhưng, theo các chuyên gia Trung Quốc vẫn chưa đủ phương tiện để làm điều đó, mặc dù Trung Quốc vẫn đang hành động như thể đã có đầy đủ phương tiện.

Nói về tiềm lực quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa thể so bì với Mỹ, chưa kể là Mỹ còn có nhiều đồng minh khu vực rất hùng mạnh.

Trả lời câu hỏi « Mỹ sẽ đóng vai trò như thế nào trong hồ sơ này ? », Hai chuyên gia Pháp cho rằng, từ lâu Mỹ đã có chính sách « đưa Trung Quốc hội nhập vào hệ thống quốc tế ». Còn lần này, chiến lược của Mỹ là khẳng định cho Trung Quốc biết rằng : Mỹ vẫn còn hiện diện ở Châu Á.

Trong bối cảnh tranh chấp biển đảo căng thẳng trong khu vực với chủ nghĩa dân tộc dâng cao, với những bước lấn tới của Trung Quốc, với những ràng buộc kinh tế lẫn nhau giữa các bên liên quan, các chuyên gia nhấn mạnh, đối với Mỹ, để đương đầu với Trung Quốc trong hiện tại thì chỉ có một sách lược duy nhất, đó là tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh tại Châu Á.

Trung Quốc : Cải tổ nội các, đến hẹn lại lên ?

Đến với Trung Quốc, báo chí Pháp hôm này dành nhiều bài viết cho chủ đề cải tổ nội các vừa được đưa ra trong kỳ họp quốc hội thường niên của nước này.

Nhật báo Les Echos đăng bài lược lại sự cải tổ nội các này và nhận định rằng, dù rằng điều đó thể hiện quyết tâm cải cách của giàn lãnh đạo mới, nhưng đó là một hành động thường thấy mỗi khi Trung Quốc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo.

Tờ báo nhắc lại, ngay như hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã cũng thừa nhận, trong vòng 30 năm qua, Bắc Kinh đã có đến 7 lần cải tổ nội các. Nhưng thực tế cải tổ đến hiện tại như thế nào thì đã rõ ràng ra đó.

Nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro thì đăng bài nhận định về chế độ tập quyền tại Trung Quốc. Tác giả bài viết cho rằng, từ khi ông Tập Cận Bình tiếp nhận quyền lực từ người tiền nhiệm, báo chí tại Trung Quốc bắt đầu sôi nổi bàn về vấn đề phân chia quyền lực ở nước này.

Các nhà trí thức qua đó lên án sự tập trung quyền lực thái quá vào trong tay một bộ phận nhỏ người, đó là : cán bộ nhà nước, giới lãnh đạo và các doanh nhân. Những người này gắn kết nhau trong cùng một hệ thống chính trị, họ biết dùng chiêu bài « quan hệ » để củng cố quyền lực, giữ vững địa vị và sự giàu sang.

Nguy cơ chiến tranh Liên Triều ?

Nhìn về bán đảo Triều Tiên, Le Figaro có bài chạy tựa : «Kim Jong-un trên đường chiến tranh ».

Tờ báo nhắc lại, cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn đang diễn ra, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thì vừa thông qua lệnh gia tăng trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng vì lần thử hạt nhân vừa qua. Trong bối cảnh đó, chính quyền Bình Nhưỡng đã tỏ thái độ vô cùng cứng rắn như đình chỉ hiệp ước đình chiến mà hai miền Triều Tiên ký kết hồi năm 1953, các cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên thì liên tục đăng ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đi thăm các khu quân sự. Hàn Quốc thì cũng tỏ ra không nhượng bộ và tuyên bố đang trong tư thế sẵn sàng.

Le Figaro lo ngại về khả năng cuộc leo thang quân sự sẽ còn lên cao hơn nữa.

Miến Điện : Aung San Suu Ki bị chỉ trích độc tài

Tại Miến Điện, ngày 10 tháng này, bà Aung San Suu Kyi đã được tái cử lãnh đạo đảng đối lập mà bà đã tham gia thành lập hồi năm 1988 với một chiến thắng vang dội. Thế nhưng, nhật báo Le Monde đăng bài cho biết : «Hình ảnh bị bào mòn của lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi ».

Tờ báo cho biết, đã có những lời chỉ trích vang lên ngày trong hàng ngũ đảng do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Tờ báo trích dẫn một vài chỉ trích đó để minh chứng : « Đến hiện tại, bà ta vẫn là lãnh đạo của một tổ chức tập quyền thái quá, ở đó không ai dám phê bình hay bày tỏ quan điểm với bà ta » ; « Bà ấy được hỗ trợ bởi một đội ngũ giúp việc bất tài, những người tạo hình ảnh xấu cho đảng. Bà ấy có khuynh hướng xa rời mọi người ».

Brics đang phát triển chậm lại

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro có bài đáng chú ý chạy tựa : «Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin đang giậm chân tại chỗ ».

Nền kinh tế thế giới vẫn còn bệnh chưa dứt, thì giờ đây nhóm các nước đầu tàu trong các nước tân hưng (BRICS) đang bắt đầu sổ mũi nhức đầu. BRICS là chữ viết tắt chỉ các nước Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin được xem là ba nước đầu tàu. Thế nhưng, tăng trưởng của ba nước này đang mất đà.

Le Figaro cho biết, tân thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng chỉ đưa ra mục tiêu tăng trưởng năm nay ở mức 7,5%.

Trong hai tháng đầu năm 2013, tăng trưởng của ngành sản xuất xe hơi tại Trung Quốc chỉ đạt 9,9%, tức mức thấp nhất từ năm 2009, trong khi đó lĩnh vực bán lẽ của nước này cũng chỉ tăng 12,3%, mức thấp nhất kể từ năm 2004.

Tại Ấn Độ, giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2012, tăng trưởng nước này chỉ đạt 4,5%, và ước tính không cao hơn 5% trong năm 2013, tức mức thấp nhất kể từ 10 năm nay. Lượng xe hơi bán ra tại Ấn Độ trong tháng rồi đã giảm đến 26% so với năm ngoái.

Lối thoát lý tưởng của nước này là đầu tư nước ngoài, thế nhưng nhiều người đã xuống đường biểu tình phản đối việc mở rộng cửa hơn nữa trong một số lĩnh vực cho người nước ngoài.

Năm ngoái, tăng trưởng của Braxin chỉ có 0,9%, tức mức thấp nhất kể từ ba năm trở lại đây. Ngân hàng trung ương Braxin đã phải quyết định tiếp tục giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức 7,25%, tức mức thấp kỷ lục tại nước này.

Hôm nay bắt đầu bầu chọn giáo hoàng tại Vatican

Hôm nay, các hồng y tề tựu trong một cuộc họp kín để tiến hành bầu người kế nhiệm đức giáo hoàng Benedicto XVI. Báo Pháp dành ưu tiên đặc biệt cho sự kiện này.

Nhật báo Công Giáo La Croix chạy tựa lớn trên trang nhất : «Giờ phút lựa chọn ». Tờ báo dành nhiều bài thông tin chi tiết về sự kiện này. Đồng thời trên trang nhất, La Croix đăng bài xã luận có dòng tựa cảnh báo : « Một cuộc mật nghị hồng y không chắc chắn ». Tờ báo nêu ra những khó khăn mà cuộc mật nghị sẽ đối mặt để minh chứng cho nhận định « không chắc chắn đó ».

Nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro cũng chạy tựa lớn trên trang nhất : « 115 đức hồng y dưới ánh mắt theo dõi của thế giới ». Tờ báo dành ba trang cho chủ đề này, cùng với một bài xã luận trên trang nhất. Tờ báo diễn tả tâm trạng hồi hộp chờ đợi kết quả, một kết quả mà theo tờ báo là không đoán trước được.

Nhật báo cánh tả Pháp Libération cũng dành tranh nhất cho chủ đề bầu chọn giáo hoàng với bức ảnh lớn chụp từ phía sau của một hồng y, trong ngụ ý là khó biết ai sẽ trở thành người kế nhiệm đức giáo hoàng Benedicto XVI. Tờ báo cũng dành nhiều bài bàn luận về sự kiện này với ý nhấn mạnh, nhiệm vụ của đức giáo hoàng tương lai sẽ là cải tổ Giáo Hội Công Giáo sau nhiều vụ tai tiếng vừa qua.

Pháp tìm giải pháp đối mặt với tình trạng lão hóa dân số

Liên quan đến nước Pháp, các báo hôm nay tập trung vào chủ đề lão hóa dân số của nước này.

Nhật báo Libération chạy tựa : «Tuổi cao : bà bộ trưởng tích trữ các báo cáo », Le Monde chạy tựa lớn trên trang nhất : «Người cao tuổi bị lệ thuộc : Nước Pháp cần phải thu ngắn sự trễ tràng », La Croix thì đăng bài : «Pháp đối mặt với tình trạng lão hóa ».

Cả ba tờ báo đều thông tin về việc hôm qua có ba bảng báo cáo của giới chuyên gia được đệ trình lên chính phủ Pháp trong bối cảnh chính phủ này đang soạn thảo một bộ luật về người lớn tuổi dự định trình quốc hội vào cuối năm nay.

Các bản báo cáo nhấn mạnh đến việc lão hóa dân số của Pháp và việc nhà nước thiếu cơ chế để bảo đảm cuộc sống thoải mái cho lứa tuổi này.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực nhà ở, các chuyên gia chỉ rõ, ở Pháp chỉ có 6% nhà ở được thiết kế phù hợp với người tuổi cao, trong khi đó ở các nước phát triển khác như Hà Lan, Đan Mạch, tỷ lệ này cao hơn nhiều. Điều đáng chú ý là, mỗi năm ở Pháp có đến 9 000 cụ già tử vong do té ngã, vì thiết kế nhà ở không phù hợp với tuổi già. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất tăng cường các tiện nghi nơi đô thị dành cho người lớn tuổi.

Năm 2010, chi tiêu dành cho người già có cuộc sống lệ thuộc tại Pháp ước tính từ 26 đến 34 tỷ euro. Vấn đề là sắp tới cần phải bổ sung trên 2 tỷ euro nữa cho công tác này, trong khi kinh tế Pháp đang hồi khốn đốn.

Bệnh tim mạch không phải chỉ dành riêng cho thế giới hiện đại

Cuối cùng là một khám phá y tế thú vị đăng trên báo Le Figaro cho biết, "Bệnh tim mạch không phải chỉ dành riêng cho thế giới hiện đại".

Tờ báo thông tin về một nghiên cứu vừa được công bố cho biết, các bệnh tim mạch, như nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não, đã xuất hiện cách đây 4000 năm. Nghiên cứu được thực hiện trên 137 xác ướp có tuổi đời trên 4000 năm, thuộc các châu lục khác nhau.

Switch mode views: