Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-02-2013
- Thứ Bảy, 16 tháng Hai năm 2013 17:11
- Tác Giả: Mai Vân
Trung Quốc : Đế chế của không khí thiếu trong lành
Chỉ riêng trong tháng Giêng 2013, Bắc Kinh đã có đến 23 ngày sương mù dầy đặc (REUTERS)
Nhìn về châu Á, Le Figaro hôm nay, 16/02/2013, dành nguyên trang 2 cho hiện tượng không khí ngày càng bị ô nhiễm ở Trung Quốc.
Tờ báo chạy tựa : “Trung Quốc, đế chế của không khí vẫn đục” - tít một bài phóng sự.
Với một giọng hóm hỉnh tác giả bài báo, Arnaud de La Grange, mô tả cảnh không khí ô nhiễm gây hoảng hốt trong dân chúng tại Bắc Kinh.
Ngay cả cảnh sát, tuy rất quen chống lại "các thế lực ngầm", cũng đã mất bình tĩnh. Không khí ô nhiễm, lớp sương mù nhơm nhớp chứa đầy hạt bụi li ti mà không một sắc lệnh nào có thể ngăn cản, đã làm cho họ mất tinh thần. Những người đảm bảo trật tự trên đường phố Bắc Kinh đã yêu cầu cấp cho họ khẩu trang, một thiết bị cần thiết không kém gì dùi cui hay chiếc còng tay mà họ đeo theo người.
Không khí ô nhiễm ở Bắc Kinh không chỉ làm cho con người phải ho hen, mà còn làm cho số 20 triệu cư dân hoảng sợ, và khiến cho cư dân mạng thì cực kỳ phẫn nộ. Vấn đề nghiêm trọng đến nỗi mà Bắc Kinh đã yêu cầu người dân giảm việc đốt pháo, bắn pháo hoa vào dịp Tết Nguyên Đán.
Đi đâu cũng nghe bàn tán xôn xao về sự kiện này. Người Bắc Kinh còn lao vào theo dõi trên điện thoại di động mức độ ô nhiễm mà Đại sứ quán Mỹ liên tục cập nhật. Họ tham khảo thông tin đó có lẽ còn thường xuyên hơn một nhà môi giới theo dõi giá cả thị trường chứng khoán.
Mực độ ô nhiễm rất đáng sợ tại Bắc Kinh cũng như ở các thành phố lớn khác - mức ô nhiễm lên 755 trên một thang bực mà mức tối đa chỉ là 500, và cao gấp 45 lần so với ngưỡng mà Tổ chức Y tế Thế giới OMS quy định.
Những ngày gọi là tốt không có bao nhiêu : trong tháng giêng, tính từ ngày mùng 1 đến ngày 28, thì đã có đến 23 ngày bị sương mù dầy đặc, thời gian ô nhiễm dài chưa từng thấy từ năm 1954 đến nay.
Le Figaro trích báo chí Trung Quốc cho biết là số người chở vào cấp cứu vì bị khó khăn hô hấp tăng 20%, trường hợp trẻ em thì tăng đến 50%. Một bác sĩ nổi tiếng về bệnh viêm phổi cấp tính SARS đánh giá là ô nhiễm hiện còn nguy hơn là bệnh SARS vì nó tác hại đền tim mạch.
Trước sự hoảng sợ và phẫn nộ của dư luận, chính quyền bắt đầu xem xét việc diệt trừ căn nguyên : Ô nhiễm không khí hiện nay ở Bắc Kinh xuất phát từ đâu ? Le Figaro trích lời phó đô trưởng Bắc Kinh liệt kê : 24,5% là do các nhà máy vùng lân cận, ở Hà Bắc, Thiên Tân; 22% do xe hơi; 16,7% do việc sử dụng than; 16,3% do nhà máy ở tại Bắc Kinh; 16% do bụi các công trường và 4,5% là từ chăn nuôi và nông nghiệp.
Tờ báo cũng ướm thử xem trong những căn nguyên này thì chinh quyền có thể đối phó như thế nào.
Lượng xe hơi có thể giảm với những biện pháp giới hạn hiện hành – như quy định việc đăng ký xe ngặt nghèo hơn qua hình thức rút thăm chẳng hạn, và giới hạn ở mức 20.000 chiếc mỗi tháng, vấn đề các nhà máy cũng khả thi, Bắc Kinh dự kiến đóng 1200 cơ sở bị đánh giá quá ô nhiễm, từ đây đến năm 2015. Thế nhưng vấn đề than thì có lẽ khó giải quyết. 70% năng lượng Trung Quốc đến từ than đá, và nhu cầu năng lượng thì không ngưng gia tăng.
Le Figaro điểm lại là chỉ có 1% trong số 500 thành phố Trung Quốc là có không khí dễ thở theo chuẩn mực của Tổ chức Y tế Thế giới. Cho nên, chính quyền đã rỏ ra minh bạch trên vấn để ô nhiễm, và dưới sức ép của dư luận.
Le Figaro cho là không thể đùa với tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc khi có vấn đề nghiêm trọng đối với sức khoẻ trẻ em. Hợp đồng "im tiếng" để đánh đổi lấy "tăng trưởng" được chấp nhận trong một thời gian dài, nay không còn được dung thứ nữa.
Hàn Quốc : Các thầy pháp đắt mối
Libération hôm nay cũng chú ý đến Châu Á và cũng trên bình diện xã hội, nhưng nhìn về phiá Hàn Quốc, nơi mà các pháp sư vẫn được chuộng.
Tờ báo nêu khiá cạnh lý thú trong hàng tựa bài viết : “Pháp sư ăn khách ở các quán cà phê ở thủ đô Hàn Quốc”.
Bài viết mở đầu với cảnh một cặp nam nữ Jaehyung và Minkyng, 26 và 24 tuôi, đến nhờ xem con đường tình duyên của mình ở một quán cà phê, ngay khu sinh viên Hongdae. Dĩ nhiên là có pháp sư ở đó.
Theo tác giả bài báo những quán cà phê có pháp sư gọi là "safu" đang ngày mọc thêm lên ở Seoul, tại những nơi gọi là thời thượng, và ở chung quanh các đại học lớn.
Bài báo điểm lại vào năm 2009, số pháp sư ở Hàn Quốc là 400.000 người và phần đông là phụ nữ, giá cả từ 7 đến 15 euro, nhiều ít tùy theo "chủ đề".
Libération trích dẫn một thiếu nữ 15 tuổi tên Yoojin, cho biết là cô rất muốn hỏi là khi nào mới gặp được một bạn trai, nhưng hỏi về vấn đề tình duyên thì phải trả giá cao hơn cho nên cô chỉ hỏi về học vấn mà thôi.
Vấn đề làm Libération chú ý là nếu trước đây, giới thường cầu viện đến pháp sư, thầy bói là những người ở một độ tuổi nào đó, nhưng ngày nay thì lại là giới trẻ, sinh viên, những người mới ra trường.
Chủ quán cà phê giải thích đó là vì con đường sự nghiệp, thành công trong nghề nghiệp đã trở nên mối quan tâm hàng đầu hiện nay trong xã hội Hàn Quốc.
Một pháp sư, bà Cheon Myung còn giải thích thêm là bà ghi nhận có một thay đổi là trước đây, khi đến gặp bà người ta thường hỏi cho cả gia đình, nhưng bây giờ thì khách nghĩ đến cá nhân mình nhiều hơn.
Có những người đến rất thường xuyên, với những buổi gặp có vẻ như mang tính chất chữa bệnh. Juha Cha, một nữ sinh viên xác nhận : “Tôi đi xem không phải chỉ để biết về tương lai, mà cũng là để nói về những mối lo âu, suy nghĩ của mình. Khi tôi đứng trước một giai đoạn khó khăn, tôi cần có người khuyến khích tôi.”
Thiên thạch tại Nga : Sao lại có nhiều người bị thương như thế ?
Một chủ đề quốc tế được quan tâm hôm nay là mưa thiên thạch làm gần 1000 người bị thương ở vùng Oural, Nga.
Hai tờ Le Figaro và Le Monde cùng đăng một bức ảnh trang nhất. Le Figaro tìm hiểu về hiện tượng vô cùng hiếm hoi này, và nêu câu hỏi làm sao có thể tránh va chạm vào trái đất.
Le Monde thắc mắc là thiên thạch rơi xuống vùng Oural phải chăng có liên hệ với thiên thạch bay sát trái đất 2012DA14 ?
Le Figaro đã tả cảnh thành phố Tcheliabinsk khi thiên thạch rớt xuống và nổ trên bầu trời : 3.000 nhà kính nổ tung, 1.200 người bị thương.
Tờ báo nhắc lại đây là lần đầu tiên trong lịch sử con người mà một thiên thạch khi rơi xuống trái đất lại làm nhiều người bị thương như thế.
Trước đây thì người bị thương do thiên thạch có thể đếm trên đầu ngón tay. Trường hợp thường được nhắc đến nhiều nhất là ở Alabama, khi một phụ nữ bị thương vì trúng một thiên thạch to bằng một trái bưởi trong lúc bà ngủ trưa trong nhà. Đó là vào năm 1954.
Gần đây hơn, năm 1992, một thanh niên bị một thiên thạch rơi vào đầu, theo tờ báo, may là mảnh thiên thạch đã rơi trúng một cái cây trước khi trúng đầu thanh niên này.
Trở lại vơí sự cố hôm thứ Sáu, với hậu quả nói trên, thoạt đầu người nghĩ là có nhiều thiên thạch rơi xuống Tcheliabinsk, nhưng thật ra chỉ là một tảng duy nhất, đường kính độ vài mét, bị vỡ tung khi vào khí quyển.
Le Figaro cũng trích viện Hàn lâm Khoa học Nga, đánh giá là tảng thiên thạch đó, nặng khoảng một chục tấn, đã vỡ tung ở độ cao từ 30 đến 50 cây số khi vào khí quyển với tốc độ 54.000 cây số/giờ. Tờ báo trích lời nhân chứng ở Tcheliabinsk, đã thấy một vệt ánh sáng dài to trên bầu trước nghe nổ một phút sau đó.
Le Figaro cũng mô tả nỗi kinh hoàng của người dân vùng Ural. Cho dù họ quen đối phó với thiên tai, nhưng họ sẽ khó mà quên cảnh đá từ trên trời rơi xuống đầu họ. Một cầu thủ đội bóng đá Cheliabinsk, ngồi trong nhà, đã tưởng là chiến tranh đang bùng nổ.
Nhân dịp này, tờ báo Pháp lên tiếng bảo vệ hoạt động của các cơ quan không gian : các thiên thạch nhắc lại cho con người là hiểm nguy có thể đến từ trời cao, và các cơ quan không gian không lãng phí thời gian khi nghiên cứu, theo dõi hành trình các thiên thạch.
Dĩ nhiên theo Le Fiagro khó thể có trường hợp một tảng đá với đường kính 10 cây số rơi xuống ngoài khơi Mêhicô như cách đây 66 triệu năm, nhưng mối hiểm nguy là ở những tảng nhỏ. Cho đến nay thì các nhà khoa học chỉ lập được danh sách 2500 tảng gần trái đất nhất, có từ 100 đến 150 mét đường kính trong số 100.000 đang bay quanh mặt trời.
Những tảng vượt quá kích thước trên có thể gây tác hại toàn diện đối với trái đất. Còn những tảng nhỏ có thể tàn phá một vùng hàng trăm cây số vuông, như đã xẩy ra vào năm 1908 trong vùng Toungouska ở Siberi.
Le Figaro nhắc lại phương thức đối phó hiện nay là làm sao chuyển hướng các thiên thạch nguy hiểm mà các cơ quan không gian, đang ra sức nghiên cứu.
Trang nhất các báo Pháp
Chủ đề được báo Pháp dành tít trang đầu ngày cuối tuần này khá tản mạn. La Croix chú ý đến “di sản” mà Đức giáo Hoàng Benedicto 16 để lại cho người Công giáo toàn thế giới, Libération thì nêu vấn đề cần sa bị chính phủ cấm đoán nhưng trong dư luận lại có tiếng nói chủ trương hợp pháp hóa.
Tờ báo chạy tựa : “Cần sa châm ngòi lại cuộc tranh luận”, nêu bật là có đến 3,8 triệu người ở Pháp hút cần sa trong 12 tháng vừa qua. Trong số này, có đến 1,2 triệu người hút một cách đều đặn. Libération so sánh là thay vì cởi mở, bao dung hơn như tại Hà Lan, thì chính phủ Pháp lại ‘nghiện’ chủ trương trấn áp.
Le Figaro chạy tựa về cuộc bầu cử địa phưong tại Pháp vào tháng 3 năm tới, 2014, ghi nhận là “Cuộc đấu giành Paris” đã bắt đầu, tít lớn trang nhất.
Về xã hội, tờ báo chạy một tựa tô màu đỏ thông báo: Kiến nghị chống hôn nhân giữa người đồng giới tính được 700.000 chữ ký.
Châu Âu : Vụ thịt ngựa (giả thịt bò) đang lan rộng
Tờ Le Monde cuối tuần chú ý trở lại “Vụ tai tiếng thịt ngựa (giả thịt bò) đang lan rộng”, tít mở đầu bản tin trang nhất. Theo tờ báo, trong vấn đề này, nhân dạng những kẻ phải chịu trách nhiệm về vu gian lận đang rõ dần tại Pháp và tại Anh Quốc.
Dựa trên kết quả đầu tiên của cuộc điều tra, một tuần sau khi vụ gian lận bị phát giác tại Pháp, chính quyền đã gợi lên trách nhiệm của công ty Spanghero, trụ sở tại tỉnh Aude, bị tình nghi là đã cung cấp thịt ngựa nhưng lại nói là thịt bò, cho các cơ sở chế biến thức ăn.
Giấy phép y tế cấp cho công ty này đã bị thu hồi. Về công ty lo phần chế biến là Comigel, tai tiếng của họ trong vụ gian lận này vẫn chưa hoàn toàn được rửa sạch.
Bị chính phủ Pháp vạch mặt chỉ tên, hãng Spanghero đã lên tiếng kêu oan, và cho rằng những lời buộc tội của bộ trưởng phụ trách tiêu dùng rất “hời hợt” và “cực kỳ khinh suất”.
Dẫu sao, theo Le Monde, vụ tai tiếng thịt ngựa đã nêu bật cách làm ăn thiếu trong sáng của một thị trường mà những hành vi gian trá nhiều lên vì giá cả bị tuột giảm nặng nề.
Tin mới
- Người Trung Quốc thuê đất trồng “lúa lạ” - 19/02/2013 01:19
- Tàu Trung Quốc tiếp tục xâm nhập hải phận Senkaku/Điếu Ngư - 18/02/2013 21:09
- Bắc Kinh hy vọng tân Giáo Hoàng sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc - 18/02/2013 18:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-02-2013 - 18/02/2013 18:02
- Trung Quốc tự cho là chủ nhân dầu hỏa tại Biển Đông - 18/02/2013 17:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-02-2013 - 18/02/2013 00:20
- VN tăng cường năng lực quốc phòng - 16/02/2013 20:28
- Mưa thiên thạch : Nga tránh tai nạn hạt nhân trong gang tấc - 16/02/2013 20:08
- Mali : Phát hiện tài liệu của tổ chức khủng bố AQMI - 16/02/2013 20:01
- Tập trận Cobra Gold : Công cụ giúp Mỹ củng cố uy thế quân sự ở châu Á - 16/02/2013 17:21
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-02-2013 - 16/02/2013 00:48
- Việt Nam không có mặt ở Hổ mang Vàng - 15/02/2013 05:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-02-2013 - 14/02/2013 21:32
- Mỹ hứa hành động «kiên quyết» sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân - 13/02/2013 19:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-02-2013 - 13/02/2013 18:41
- Mỹ bắt đầu chuyển quân bị ra khỏi Afghanistan - 12/02/2013 21:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-02-2013 - 12/02/2013 18:01
- Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba - 12/02/2013 17:18
- Đức Giáo Hoàng thoái vị, những điều gì sẽ xảy ra - 12/02/2013 03:06
- Quân nổi dậy chiếm được đập nước lớn nhất ở Syria - 12/02/2013 01:24