Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-02-2013

 Đám cưới Trung Quốc theo kiểu Pháp : Điều tra về một vụ biển thủ công quỹ

Damcuoi kieuPhap

 

REUTERS

 

Về các vấn đề xã hội, trang nhất Libération có hàng tựa đáng chú ý « Các đám cưới Trung Quốc rất tốn kém cho thành phố Tours ».

Báo Liberation có phóng sự về vụ xì căng đan liên quan đến các đám cưới của những người Trung Quốc giàu có được tổ chức tại Pháp, mà chính quyền thành phố Tours bị nghi ngờ là đã dùng tiền ngân sách để đài thọ.

Từ đầu năm nay, tại Touraine - một trong những vùng du lịch lãng mạn nhất nước Pháp, cách Paris khoảng 200 km về phía tây - không còn bóng dáng những chiếc xe ngựa, trắng màu vải tuyn, chở các cặp vợ chồng Trung Quốc mặt mày hớn hở, chạy vòng vòng trên các đường phố.

Cuối tháng 01/2013, bốn người bị khởi tố trong một vụ án biển thủ công quỹ, liên quan đến « những đám cưới lãng mạn của các cặp vợ chồng Trung Quốc » tại tòa thị chính thành phố Tours.

Năm năm về trước, chính quyền thành phố Tours bắt đầu nhận tổ chức lễ cưới cho những người Trung Quốc giàu có đã lập gia đình, đến Tours để làm thêm một đám cưới nữa theo phong cách Pháp.

Đầu năm 2008, ngay sau khi đắc cử, thị trưởng Tours - Thượng nghị sĩ Jean Germain (đảng Xã hội) -, muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Ông đã tuyển vào tòa thị chính một nhân viên mới để phụ trách « quan hệ Pháp – Trung Quốc ».

Người được tuyển dụng là bà Lise Han, người Touraine, sinh tại Đài Loan, đứng đầu doanh nghiệp « Hoa sen thanh thiên », nơi từng tổ chức các cuộc vui nhân dịp năm mới Trung Quốc và nhiều hoạt động văn hóa theo truyền thống Trung Hoa.

Một trong các nhiệm vụ chính của Lise Han là thu hút các cặp vợ chồng Trung Quốc đến vùng Touraine trong những kỳ nghỉ.

Với chi phí khoảng vài nghìn euro, trong kỳ nghỉ tại Pháp, những cặp vợ chồng này được có được một đám cưới theo kiểu Pháp, với nhiều nghi thức rộn rã, đặc biệt với nghi thức trao nhẫn của các cặp uyên ương, dưới sự chứng kiến của ông Jean Germain - thị trưởng Tours - tại phòng hôn nhân của tòa thị chính.

Theo một người chỉ trích ẩn danh, các hoạt động này đã không mang lại cho thành phố Tours dù chỉ một xu. Hơn nữa, theo phóng sự của Libération, tòa thị chính Tours lại còn phải rót khoảng 800.000 euro cho doanh nghiệp « Hoa Sen thanh thiên » để phát triển các quan hệ kinh tế với Trung Quốc và tổ chức « các cuộc hôn nhân lãng mạn » kể trên.

Đoàn quan chức tòa thị chính Tours cũng được chi trả rất nhiều tiền cho đợt tham dự triển lãm toàn cầu Thượng Hải năm 2010.

Các hoạt động đáng ngờ kể trên tại Tours đã diễn ra trong vòng năm năm trời, cho đến khi tờ báo trào phúng Canard enchainé phát hiện ra hoạt động hai mặt của Lise Han, nhân viên phụ trách « quan hệ Pháp – Trung Quốc » của thành phố Tours, bị cáo buộc vừa là người đặt hàng tổ chức các đám cưới nhân danh Tòa thị chính, lại vừa phụ trách doanh nghiệp thực hiện đơn đặt hàng này.

Ngày hôm qua, thị trưởng Tours đã từ chối trả lời câu hỏi của Libération, với lý do « cuộc điều tra đang được tiến hành ».

Theo một nhân vật có tiếng tăm ở địa phương, xin giấu tên, được coi là thuộc cánh tả, thị trưởng Tours là một giáo sư về luật công, chuyên về tài chính địa phương, nên « thật khó hiểu khi ông ấy lại bị dính vào vụ này ».

Một trong các lý do có thể là, Thượng nghị sĩ Jean Germain « rất ít có ảnh hưởng ở tầm quốc gia, (…) nên có thể ông ấy muốn tìm kiếm các ảnh hưởng bên ngoài biên giới nước Pháp ».

Trong khi đó, một dân biểu địa phương thuộc đảng đối lập thì bày tỏ sự bất bình : « Các hợp đồng liên quan đến các đám cưới Trung Quốc (tại Tours) thường rất mờ ám. Vụ việc này để lại một hình ảnh khủng khiếp cho Tours. Tiền công thì bốc hơi, còn lợi ích kinh tế thì không thấy đâu cả ».

Ngành công nghiệp chế biến thịt Châu Âu trong cơn khủng hoảng

Vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò tiếp tục là chủ đề chính của nhiều tờ báo.

« Thực phẩm : Cuộc khủng hoảng niềm tin » là tựa đề trang nhất Le Figaro.

Libération có hồ sơ lớn : « Món lasgane thịt ngựa. Phơi bày thực chất của một vụ phá hoại ».

Theo bộ trưởng phụ trách Tiêu dùng Benoit Hamon, được báo Les Echos trích dẫn, thì chính doanh nghiệp Spanghero phải « chịu trách nhiệm về vụ bê bối », «  vì Spanghero đã cố tình bán thịt ngựa, thay vì thịt bò (như hợp đồng) ».

Theo Libération, đây rõ ràng là một hành động ác ý. Bài « Món lasagne : Vụ bê bối hoàn toàn Pháp » khẳng định Rumani không hề có liên quan gì đến vụ giả mạo này, theo như các quy chụp ban đầu.

Rumani không hề xuất khẩu thịt bò băm sang Pháp. Vậy ai là người chịu trách nhiệm ?

Libération bực bội bày tỏ : « Trong một thế giới của đồ ăn thức uống hạ cấp, thì chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả. (…) Công chúng mong đợi rằng các cơ quan nào, đã để mặc các hoạt động lừa dối này tồn tại, sẽ phải đưa ra được các biện pháp kiểm soát tối thiểu, cho phép người tiêu thụ biết được thịt mà người ta ăn là loại thịt gì ».

Dù rằng, trong vụ việc này không có bất cứ nguy cơ nào về mặt an toàn thực phẩm – Libération công nhận -, nhưng người ta có thể thấy sự « yếu kém nghiêm trọng » của các cơ chế kiểm soát quốc gia cũng như của Liên Hiệp Châu Âu và « sự đồng lõa trên thực tế » của những nhân vật chủ chốt của ngành công nghiệp thịt.

Le Figaro nhận xét, như vậy là có « một cuộc khủng hoảng niềm tin » đối với ngành công nghiệp thịt.

Trên Le Figaro, một chuyên gia thực phẩm của UFC-Que Choisir – Liên hiệp những người tiêu thụ Pháp, thì nhấn mạnh « toàn bộ hệ thống an toàn (thực phẩm) bị đặt vào tình thế nguy hiểm ».

Nhìn chung, Spanghero - doanh nghiệp thịt của Pháp – nằm « ở trung tâm của một hệ thống lừa đảo về kinh tế rộng lớn ở quy mô châu Âu ». Chính vì vậy, người tiêu dùng phải được bảo vệ bởi « các cơ quan kiểm soát, do Nhà nước cấp chứng nhận và đài thọ » xã luận Le Figaro đề xuất.

Nước Pháp phải thích nghi với mức tăng trưởng 0%

Những hệ lụy gắn với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Pháp ở mức 0% là chủ đề của nhiều nhật báo. « Pháp : các thách thức của mức tăng trưởng 0% » là tựa đề chính trên trang nhất Les Echos.

Le Monde thì chạy tựa : « Paris sẽ phải gặp nhiều khó khăn khi đàm phán lại về mức thâm hụt ngân sách 3% (đã nhận được sự đồng thuận của Châu Âu) ». La Croix cũng có hàng tít tương tự trên trang nhất : « Nước Pháp bị đình trệ phải dựa vào Châu Âu ».

Về hồ sơ này, Les Echos có bài viết chính : « Pháp buộc phải thích nghi với mức tăng trưởng 0% ».

Ghi nhận công bố gây chấn động mới đây về mức tăng trưởng 0% của nền kinh tế Pháp, với sự sụt giảm 0,3% GDP trong quý 4/2012, tờ báo kinh tế đặt thực tế Pháp trong tình trạng chung của châu Âu, với tỷ lệ sụt giảm 0,6% trên toàn khối.

Ngay cả Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, cũng không thoát khỏi sự thoái lùi. Tuy nhiên, sự thoái lùi ở mỗi quốc gia mang một tính chất riêng. Nếu như Đức bị suy yếu với ngoại thương sụt giảm, thì tăng trưởng đi xuống của Pháp gắn liền với đầu tư cho các doanh nghiệp ít đi và xu thế các doanh nghiệp tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu dự trữ.

Tỷ lệ tăng trưởng 0% buộc Pháp phải thỏa thuận lại với châu Âu về tỷ lệ thâm hụt ngân sách được phép trong năm 2013, mà mức 3% trở nên rất khó thực hiện. Bài viết của Le Monde mang tựa đề « Pháp chờ phán quyết của Bruxelles » cho biết : Các số liệu dự báo của Ủy ban châu Âu sẽ được công bố vào ngày 22/02 tới, và trong vấn đề này lập trường của Đức là có tính quyết định.

Cho đến rất gần đây, việc từ bỏ chỉ tiêu 3% thâm hụt ngân sách, cam kết thứ 9 trong cương lĩnh tranh cử tổng thống của François Hollande, là một điều kiêng kỵ đối với phủ tổng thống Pháp.

Tuy nhiên, giờ đây điều này đã được chấp nhận. Thứ Tư 13/03 vừa qua, thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault tuyên bố, không nên giữ lại những mục tiêu nào không có khả năng thực hiện được. Ông cũng giải thích, mục tiêu giảm mức thâm hụt xuống 0% là của cả nhiệm kỳ 5 năm, vấn đề chủ yếu là toàn bộ lộ trình chung để đạt được mục tiêu này.

Vẫn theo bài « Pháp buộc phải thích nghi với mức tăng trưởng 0% » trên Les Echos, triển vọng tăng trưởng của Pháp 0,8% vào sang năm là khó thực hiện và cần phải xem xét lại, theo lời bộ trưởng Ngân sách Pierre Moscovici.

Cũng trên Les Echos có bài : « 2013, một năm 0% mới », nhấn mạnh đến việc hai đầu tầu tăng trưởng kinh tế rất khó khởi động lại : Đó là sức mua của người tiêu thụ Pháp và mức đầu tư cho các doanh nghiệp.

Theo Les Echos, tổng thống François Hollande hứa sẽ nói về vấn đề này khi trở về Pháp, sau chuyến công du để siết chặt các quan hệ kinh tế với Ấn Độ.

Lớp mái bọc nhà máy hạt nhân Tchernobyl có thể bị sụp

Về các nguy cơ đối với môi trường, báo Le Monde có bài mang tính cảnh báo : « Lớp mái bọc nhà máy hạt nhân Tchernobyl có thể bị đổ sụp ».

Bài viết ghi nhận việc tòa nhà bao bọc các turbine tại Tchernobyl đã bị sụp, và các bụi phóng xạ có thể thoát ra ngoài.

Hai mươi bảy năm sau thảm họa lớn nhất trong lịch sử hạt nhân tại nhà máy điện Tchernobyl (ngày 26/04/1986), cách thủ đô Kiev khoảng 140 km, một lần nữa công chúng lại lo ngại trước khả năng phóng xạ thoát ra từ một lò phản ứng hạt nhân cũ.

Hiện tại, không có đủ thông tin để biết được chính xác những gì đang thực sự diễn ra, như nhận định của một lãnh đạo hiệp hội sinh thái Ukraina.

Theo một số thông tin và ảnh chụp của Cơ quan phụ trách hạt nhân Ukraina, thì khu vực các turbine với một diện tích khoảng 600 m², bị hở. Đây không phải là khu có chứa các chất phóng xạ như ở trong lò phản ứng, cách đó khoảng 50 m.

Tuy nhiên, chỉ nội việc bụi phóng xạ tại đây thoát ra ngoài cũng có thể gây ra các hệ quả không lường được.

Hiện tại, tại nhà máy hạt nhân Tchernobyl, công trình xây dựng một lớp mái bọc mới bằng kim loại và bê tông dài 257 mét, cao 108 mét, đã bắt đầu được tiến hành từ đầu năm 2012, và dự kiến sẽ kết thúc cuối năm 2015.

Công trình này, chỉ cách khu vực các turbine, được thông báo là bị bục, có 150 mét, và 2.000 công nhân viện đang làm việc tại đây. Hiện tại nhiều nhân viên đã được sơ tán khỏi khu vực này.

Switch mode views: