Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-02-2013

Trung Quốc : Mô hình đô thị hóa không bền vững

backinh dothihoa

 


Một công trình xây dựng tại Bắc Kinh, 18/01/2013.
REUTERS/Jason Lee

 

Tại Trung Quốc, đi kèm với nền kinh tế phát triển thần tốc là một quá trình đô thị hóa diễn ra ở nhịp độ phi thường.

Thế nhưng, đúng như câu « dục tốc bất đạt », nhà cầm quyền Trung Quốc chú ý đến chuyện « nhanh » mà không xem trọng « tính bền vững ».

Nhật báo Le Monde số ra hôm nay dành nhiều bài phân tích chủ đề này, trong đó bài đáng chú ý nhất : Đô thị hóa được Bắc Kinh xem là «động lực chính» của tăng trưởng.

Tờ báo đề cập đến bài viết vừa được đăng trên tờ Nhân dân nhật báo của thủ tướng tương lai Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường. Trong bài viết này, ông Lý đã khẳng định thêm một lần nữa đường lối phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc là : lấy đô thị hóa làm « động lực chính » của sự tăng trưởng tại Trung Quốc.

Tuy vậy, ông Lý cũng chỉ rõ : «Đô thị hóa không chỉ có nghĩa là tăng số người sống ở thành thị và mở rộng các thành phố.

Điều quan trọng hơn là phải thực hiện được quá trình chuyển tiếp trọn vẹn từ vị thế người nông thôn sang vị thế người thành thị trên các phương diện như cấu trúc công nghiệp, việc làm, lối sống và an sinh xã hội ».

Le Monde cho rằng, ông Lý Khắc Cường đã nói lên được nhược điểm của mô hình đô thị hóa tại Trung Quốc. Đó là : nhanh mà không chắc.

Tờ báo cho biết, ba mươi năm qua, quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc diễn ra với tốc độ chóng mặt. Trong năm 1980, số người sống nơi đô thị ở nước này chỉ có 200 triệu, trong khi đó con số này hiện tại là gần 700 triệu trên 1,4 tỷ dân.

Vào năm 2030, số thị dân tại Trung Quốc có thể sẽ lên đến 1 tỷ người.

Thế nhưng, nếu nhìn kỹ lại, trong con số nêu trên, có nhiều chục triệu người Trung Quốc được thống kê là « dân thành thị » nhưng lại chưa có hộ khẩu thành thị. Mà việc không hộ khẩu thành thị thì kéo theo nhiều thua thiệt đối với người sống nơi thành thị trên tất cả mọi phương diện.

Nhiều chục triệu người khác là người nông thôn di dân lên làm công ở các khu đô thị, sống tạm bợ trong các khu nhà trọ, và theo Le Monde là « hoàn toàn tạm bợ ». Thêm vào đó, số liệu thống kê của chính quyền Trung Quốc là không chính xác, vì đa số những nơi được xếp là thành phố nhưng lại còn bao bọc nhiều khu vực nông thôn.

Chưa hết, hệ lụy của việc đô thị hóa ào ạt cũng không nhỏ, nó kéo theo việc nhà nước trưng dụng đất đai của người dân với mức đền bù không thỏa đáng.

Hậu quả là : nông dân mất đất, chạy lên thành thị kiếm sống nhưng lại sống trong cảnh tạm bợ như nêu trên.

Theo một chuyên gia, mô hình đô thị hóa tại Trung Quốc là kết quả của « việc làm ngẫu hứng » dưới sức ép của sự tăng trưởng nhanh, vì thế mô hình này cần phải được sửa đổi để nhắm đến sự bền vững.

Tờ báo cho biết, kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc xem đô thị hóa là « một nhiệm vụ bắt buộc ». Thế nhưng, với việc đô thị hóa không bền vững thì sẽ có nhiều hệ lụy kéo theo, như lời một chuyên gia được Le Monde trích dẫn : « Nhà cầm quyền Trung Quốc đang chơi một trò chơi có nhiều rủi ro : đô thị hóa ào ạt có thể cải thiện nhanh chóng cuộc sống của nhiều triệu người, hay là đô thị hóa ào ạt là để làm trầm trọng thêm tình trạng của ''những thị dân nghèo'' ».

Chính quyền chạy theo đô thị hóa vì lợi ích của ai ?

Cũng bàn về chủ đề này, Le Monde đăng bài phỏng vấn chuyên gia đô thị hóa Jean-François Doulet với dòng tựa đáng chú ý : «Một mô hình kiến trúc theo kiểu sao y bản chính».

Jean-François Doulet dùng từ « sao y bản chính » để chỉ sự đô thị hóa ào ạt ở các địa phương Trung Quốc, « sao y bản chính » là bởi vì mô hình đô thị hóa ở các địa phương Trung Quốc rất giống nhau. Đó là, chính quyền địa phương tăng tốc xây cơ sở hạ tầng, với mục tiêu là để làm cho giá đất tăng lên, chứ không nhắm đến sự phát triển bền vững.

Chuyên gia này cũng chỉ rõ, mô hình đô thị hóa tại Trung Quốc là thiếu bền vững vì nó không đảm bảo sự hài hòa về kinh tế, môi trường và xã hội.

Nhìn về viễn cảnh sắp tới, chuyên gia Jean-François Doulet cho rằng, quá trình công nghiệp hóa- đô thị hóa tại Trung Quốc vốn nhắm ra thị trường nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư quốc tế, thu hút các đại tập đoàn các nước dời nhà máy đến Trung Quốc để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ.

Quá trình này bắt đầu từ khu vực miền đông Trung Quốc. Thế nhưng, hiện tại khu vực này đã mất dần tính hấp dẫn do giá nhân công đã tăng lên nhiều. Vì thế các nhà đầu tư bắt đầu chuyển sự chú ý đến khu vực miền tây và miền trung đất nước. Do vậy, chính quyền Trung Quốc đang ra sức đô thị hóa nhanh chóng những khu vực này.

San phẳng núi non để phát triển kinh tế

Để làm rõ hơn chi tiết hướng về miền tây và miền trung của quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc, Le Monde đăng bài «Khi Trung Quốc dời non để xây thành phố ».

Bài viết đề cập đến một đại công trình đang được tiến hành ở một địa phương thuộc tỉnh Cam Túc miền tây Trung Quốc.

Công trình này huy động mỗi ngày đến 600 xe cơ giới. Mục tiêu là san bằng đồi núi để lấy mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tăng trưởng. Tờ báo cho biết, ở đây, sẽ có 700 đồi núi bị san bằng, mỗi ngày máy móc san lấp và vận chuyển đi nơi khác đến 100 000m3.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đau đầu vì Bắc Triều Tiên

Vụ thử hạt nhân vừa qua của Bắc Triều Tiên tiếp tục thu hút báo chí Pháp. Nhật báo Le Monde hôm nay dành bài xã luận chạy tựa : « Bắc Triều Tiên thách thức Bắc Kinh và Washington ».

Tờ báo cho rằng, vụ thử hạt nhân vừa qua cũng có thể là một dư âm của cuộc chiến tranh lạnh vốn cứ tưởng chấm dứt sau khi Liên Xô và chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ.

Tờ báo nhắc lại, cách đây 60 năm, tức vào ngày 27/7/1953, chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc mà không có bên thắng bên thua, không một hiệp ước hòa bình nào được ký kết.

Hoa Kỳ khi ấy đã toan dùng đến bom nguyên tử để giúp miền nam giành chiến thắng trước chế độ Bình Nhưỡng và các đồng minh là Trung Quốc và Liên Xô. Kể từ đó, miền bắc bắt đầu phát triển theo kiểu độc tài gia đình trị. Đối mặt với miền nam là đồng minh của Mỹ, Bình Nhưỡng đã ra sức phát triển chương trình hạt nhân, bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế.

Theo Le Monde, nhà lãnh đạo thế hệ thứ 3 của nhà họ Kim là Kim Jong-un đã tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của cha và ông mình, lấy hạt nhân làm vũ khí « răn đe » chống lại « các thế lực thù địch ngoại bang », trong đó thế lực đầu tiên được nhắm đến đó là Hoa Kỳ.

Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên là một vấn đề gây đau đầu cho Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đối với Mỹ, quân đội nước này hiện vẫn còn có mặt ở miền nam. Từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, các đời tổng thống Mỹ đã lần lượt thi hành đủ mọi biện pháp từ đối đầu đến cởi mở, thế nhưng vẫn không có kết quả. Để đến năm 2001 và 2002, tổng thống Georges Bush khi ấy đã xem Bắc Triều Tiên giống như là Irak và Iran, tức những nước mà Mỹ cho rằng tài trợ cho khủng bố quốc tế.

Một nỗ lực khác của phía Hoa Kỳ, đó là cuộc đàm phám sáu bên bao gồm Nam Bắc Triều Tiên, Mỹ, Nga và Nhật Bản đã thất bại.

Còn đối với Trung Quốc, đây là nước đồng minh hỗ trợ tài chính gần như duy nhất của Bắc Triều Tiên. Trước sự lấn tới của Bình Nhưỡng trong hồ sơ hạt nhân, Bắc Kinh vừa qua đã bày tỏ sự bất bình và phản đối.

Ngay trước vụ thử hạt nhân lần thứ ba vừa qua, một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa cắt viện trợ nếu Bắc Triều Tiên thử hạt nhân.

Hiện tại, theo Le Monde, Hàn Quốc muốn nối lại đàm phán vơi Bình Nhưỡng. Thế nhưng, tổng thống Obama thì tỏ ra thận trọng. Trung Quốc thì lo ngại chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ sẽ kéo theo sự thống nhất hai miền Triều Tiên dưới sự ảnh hưởng của Mỹ, một điều mà Trung Quốc không hề muốn.

Tờ báo kết luận, một phần câu trả lời cho hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên nằm ở Bắc Kinh, bởi vì vụ thử hạt nhân vừa rồi cũng là một « sự thăm dò chính trị » đối với tân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ai Cập : Cần thêm một cuộc cách mạng chống hiếp dâm ?

Gần đây báo chí không ngừng đăng bài mổ xẻ tệ trạng phụ nữ bị xâm hại tình dục ở Ấn Độ sau vụ một nữ sinh bị cưỡng bức tập thể ngay trên xe buýt ở thủ đô New Delhi. Thế nhưng, cũng như nhiều lần báo chí đã khẳng định, tệ trạng này không phải là của riêng Ấn Độ.

Nhật báo Libération số ra hôm nay làm sáng tỏ thêm vấn đề này với bài viết : «Phụ nữ Ai Cập tập hợp chống hiếp dâm ».

Tờ báo cho biết, « một trong những vết thương nghiêm trọng nhất » của Ai Cập chính là nạn xâm hại tình dục đối với phụ nữ.

Ngoài những vụ xâm hại thường nhật, tờ báo lưu ý một hiện tượng đáng lo ngại : đó là trong các cuộc tập hợp biểu tình từ khi xảy ra cách mạng Ai Cập cách đây 2 năm, thì thường có những băng nhóm có võ trang tấn công và hiếp dâm tập thể các phụ nữ trong đám biểu tình.

Gần đây nhất là vào ngày 25 tháng rồi, tức kỉ niệm 2 năm ngày nổ ra cách mạng Ai Cập năm 2011, có đến 19 phụ nữ tham gia xuống đường đã bị hiếp dâm tập thể ngay tại quảng trường Tahrir. Là hành động tự phát hay chiêu bài chính trị ?

Tờ báo cho rằng, thật khó trả lời vì bọn hiếp dâm thường khi xong việc lập tức lẩn mất vào đám đông.

Một nhà nghiên cứu về phụ nữ Ai Cập cho biết thêm, vấn đề xâm hại tình dục tại Ai Cập không phải chỉ có ở Tahrir và không phải chỉ bắt đầu xuất hiện cùng với cách mạng 2011, mà đã có từ gần 20 năm nay.

Cái khác so với hiện tại là gần đây người ta bắt đầu đề cập đến nó nhiều hơn, trong khi trong xã hội truyền thống Ai Cập thì đó là một vấn đề cấm kị, người bị hại thì cảm thấy xấu hổ nên êm hơi lặng tiếng, các thủ tục tố tụng xử tội hiếp dâm thì rất phức tạp.

Tình hình nghiêm trọng đến mức mà, theo một nghiên cứu công bố năm 2008, có đến 83% phụ nữ Ai Cập và 98% khách du lịch nữ cho biết đã từng là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục ở các mức độ khác nhau, trong khi đó 62,4% đàn ông nước này thừa nhận đã từng có hành vi thuộc loại như vậy.

Tờ báo còn cho biết, nhiều phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp tại Ai Cập cũng trở thành nạn nhân bị hiếp dâm ngay trên quảng trưởng Tahrir.

Đối với nước Pháp, một nữ phóng viên của kênh truyền hình France 3 đã là nạn nhân tại Ai Cập hồi tháng 11/2011.

Trước thực trạng đó, phụ nữ Ai Cập đã bắt đầu đi đăng ký ở các lớp dạy võ tự vệ.

Các tổ chức phi chính phủ cũng đã vào cuộc tổ chức biểu tình cho chị em.

Tuy vậy, theo một đại diện của một tổ chức phi chính phủ tại Ai Cập, thì « Đó là một cuộc đấu tranh dài hơi, đòi hỏi không chỉ có vấn đề giáo dục ý thức mà còn cả về việc cải tổ hệ thống tư pháp trong việc xử tội hiếp dâm ». Chưa kể là việc giáo dục ý thức để chị em dám đứng lên tố giác tội phạm còn rất khó khăn, nhất là ở các vùng nông thôn, nơi mà truyền thống bạc đãi đối với nạn nhân hiếp dâm còn khá nặng nề.

Châu Âu : thịt ngựa giả bò, ai có lỗi ?

Liên quan đến vụ thịt ngựa giả thịt bò tại Châu Âu, báo chí Pháp mấy ngày qua không ngừng khai thác, từ đó vấn đề an toàn thực phẩm được đặt biệt quan tâm. Ủy ban Châu Âu còn yêu cầu Europol vào cuộc điều tra.

Nhật báo Le Figaro hôm nay cũng bàn về vấn đề an toàn thực phẩm này với bài viết chạy tựa : «Một nhà buôn tiết lộ qui trình mua bán thịt».

Nhà buôn mà tờ báo đề cập đó là anh Franck, 45 tuổi, nhân viên của một công ty nhỏ tại Pháp.

Nghề của anh này là mua thịt ở Anh để bán lại trên thị trường Trung Quốc và Nga. Anh này đã tiết lộ đôi điều đáng chú ý về quá trình buôn bán của mình.

Franck mua thịt ở các lò mổ tại Anh, sao đó cho đông lạnh đến -200C để bán lại ở Nga và Trung Quốc.

Qui trình mua bán như sau : lò mổ ở Anh gọi cho Franck để cho biết sẽ có thịt giao vào một ngày nào đó, tức là thịt thành phẩm chưa ra ; Franck thì liên hệ với các nhà phân phối tại Trung Quốc để nhận đơn đặt hàng và ra giá ; mục tiêu của Franck là tìm được đối tác mua hàng khớp với giờ có hàng của lò mổ bên Anh ; khi bên Anh có hàng, Franck, thuê tàu chở sang Trung Quốc.

Như vậy, qua cách làm việc đó, Franck rõ ràng không phải là « một nhà buôn », mà chỉ là « một người trung gian ». Vấn đề này rất quan trọng, vì nếu là nhà buôn thì sẽ có nhiều ràng buộc trong hợp đồng mua bán, còn người trung gian thì chỉ đứng giữa làm mai mối cho hai bên xa lạ bán buôn với nhau mà thôi.

Từ đó, tờ báo đề cập đến vụ tai tiếng thịt ngựa giả bò vừa rồi khi cho biết, dính líu đến vụ này đa phần là những cá nhân hay công ty làm vai trò tư nhân như Frank mà thôi. Bởi thế mà, khi vụ việc xảy ra, trách nhiệm thuộc về ai khó mà phân định, bởi các bên luôn tìm cách đổ lỗi cho nhau.

Switch mode views: