Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng Thống Hillary R. Clinton?

Hillary-Clinton


Bà Hillary đã không được hậu thuẫn mạnh của khối cử tri DC tại các tiểu bang theo DC...

Cột báo này đã bàn qua kịch bản TT Donald J. Trump, bây giờ ta xét kịch bản TT Hillary R. Clinton.

 Nhiều người nghĩ bà Hillary sẽ hạ bất cứ ứng viên nào của CH đưa ra, kể cả ông to mồm Trump, và sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống tháng Hai năm tới.
Có chắc không? Nhiều triển vọng, nhưng không có gì chắc chắn cả.

Bà Hillary thực sự không có đối thủ trong nội bộ đảng DC cho dù bị cụ Sanders làm phiền, do đó sẽ là ứng viên của DC, nhưng thắng được ứng viên CH hay không lại là chuyện khác.

Hầu hết các chuyên gia và truyền thông đều tin bà có hy vọng 7 thắng 3 thua, hay 6 thắng 4 thua là tệ nhất, tuy cũng trầy da tróc vẩy mới thắng chứ không phải ngồi du thuyền tà tà vào Nhà Trắng đâu.

Con đường vào Nhà Trắng của bà Hillary đầy chông gai, khó gấp ngàn lần con đường của TNS Obama năm 2008.
Những khó khăn đó đến từ mọi hướng, từ chính sách đến con người, từ cánh tả đến phe hữu.

Ta thử duyệt xét lại xem những chông gai của bà Hillary.

Trước khi nhìn vào tin xấu, ta liếc qua … tin tốt.

Bà Hillary là một chính khách cực kỳ thông minh, đến độ xảo quyệt (dĩ nhiên ngu ngơ không thể xảo quyệt được!), tràn đầy kinh nghiệm chính trị so với bất cứ đối thủ CH nào, và thực tế mà nói, nếu chỉ nhìn vào khả năng “kinh bang tế thế”, phải nhìn nhận bà hơn xa tất cả mấy đối thủ của bà từ trong nội bộ DC cho đến phe CH.

Đồng thời bà cũng là người có tham vọng cực kỳ lớn, sẵn sàng làm hay nói bất cứ chuyện gì, dùng bất cứ thủ đoạn hay mánh mung gì để làm bà tổng thống đầu tiên của Mỹ.

Bà cũng đang được hậu thuẫn mạnh của cả guồng máy của đảng khi hầu hết cấp lãnh đạo đảng DC, từ dân biểu đến nghị sĩ, cấp tiểu bang cũng như liên bang, và thống đốc, đều ủng hộ bà mạnh mẽ.

Về quá khứ của bà, tin tốt thì ít, chuyện xấu nhiều… vô kể!

Bà Hillary nhẩy vào chính trị rất trẻ, từ ngày trung học. Xuất thân từ gia đình bảo thủ, bà tình nguyện đi vận động tranh cử cho ứng viên bảo thủ cực đoan nhất của CH là Barry Goldwater, chống lại TT Johnson.
Khi đó cũng là lúc bà chống cộng kịch liệt, hô hào thả bom VC không nương tay.

Sau khi ông Goldwater bị thua đậm, bà nhẩy rào. Bốn năm sau, chạy qua phe DC, ủng hộ ứng viên phản chiến nặng là Eugene McCarthy chống TT Johnson và ứng viên kế vị ông là PTT Hubert Humphrey. Ông Humphrey thua Nixon nặng.

Thời Nixon, bà Hillary đi học luật rồi làm luật sư. Khi TT Nixon bị quốc hội truy xét về vụ Watergate, bà Hillary làm việc cho khối luật sư DC tại Thượng Viện, thu góp hồ sơ để đàn hạch TT Nixon.

Chính vì cái tham vọng cực lớn của bà, mà bà đã bị dính dáng vào không biết bao nhiêu xì-căng-đan, tai tiếng, ngay từ những ngày đầu tại Arkansas, nơi bà làm đệ nhất phu nhân khá lâu.
Những loại xì-căng-đan mà bất cứ một chính khách nào yếu bóng viá hơn cũng đã ngã qụy từ lâu rồi. Rồi bà cũng nếm rất nhiều mùi thất bại chính trị trong thời các TT Clinton và Obama.

Một điều chắc chắn sẽ xẩy ra nếu bà Hillary là ứng viên DC: tất cả những xì-căn-đan, thất bại của bà hay của ông chồng, sẽ được mang ra chiên xào lại rất kỹ, bất kể ứng viên CH là ai, nhưng đặc biệt sẽ bị lên chảo cho đến cháy khét lẹt nếu ông Trump là ứng viên CH.

Trước hết, ta duyệt qua vài xì-căng-đan chính, không thể nêu lên hết được vì quá nhiều.
Cả chục cuốn sách đã viết về những chuyện này rồi, trong khuôn khổ bài báo này, ta chỉ cần tóm gọn vài chuyện lớn thôi.

WHITEWATER

Khi ông Clinton đắc cử Thống Đốc trẻ nhất lịch sử Arkansas, tương lai của ông thật huy hoàng. Nhưng chức thì to mà lương thống đốc rất nhỏ, do đó bà Hillary phải đi làm, làm luật sư cho một văn phòng luật tại Arkansas.
Phải nói cho ngay, cặp bài trùng trẻ này rất xuất sắc, có thể làm luật sư cho những văn phòng lớn tại Nữu Ước hay Hoa Thịnh Đốn với mức lương lớn gấp bội. Nhưng họ không làm vì chính trị là đam mê của họ.

Vì không giàu lắm, nên bị dụ dỗ đầu tư vào một dự án điạ ốc lớn kiếm chút tiền. Hùn hạp mua đất tại một vùng rất đẹp xa lắc giữa đồng không mông quạnh, hy vọng xây nhà nghỉ mát cho những nhà giàu chạy ra nghỉ ngơi cuối tuần hay khi về hưu.

Vụ đầu tư đổ vỡ, lỗ nặng, mất tiền to. Nhưng trước đó, có không biết bao nhiêu chuyện lem nhem dính dáng vào, đến độ một công tố đặc biệt đã được bổ nhiệm để điều tra.

 Từ việc Thống đốc Clinton mượn tiền một ngân hàng để đầu tư vào dự án trong những điều kiện đặc miễn, đến giả mạo giấy tờ.
Ngân hàng cũng là khách đặc biệt của văn phòng luật sư của bà Hillary, do đó giữa ba phiá, ngân hàng, văn phòng luật, và phủ thống đốc, đã có những dàn xếp, trao đổi qua lại rất mờ ám.
Rồi ngân hàng phá sản, bị đóng cửa và truy tố ra tòa vì lem nhem cho vay mượn mờ ám.

Cuộc điều tra kéo dài cả mấy năm, suốt thời ông Clinton làm tổng thống.
Khó khăn lớn nhất là không ai chịu hợp tác, khai báo chuyện gì hết, trong khi phần lớn hồ sơ liên hệ bất ngờ... bị mất một mớ, quan trọng nhất là tập hồ sơ biên lai tiền ngân hàng trả cho bà Hillary, và thư từ trao đổi giữa ngân hàng và bà.

Sau khi điều tra chấm dứt thì nguyên tập hồ sơ xuất hiện lại như một phép lạ, khi thư ký của bà Hillary khai báo thấy nguyên tập hồ sơ nằm chình ình trên một cái bàn trong Tòa Bạch Ốc.

Cho đến nay, vẫn chưa có ai giải thích tại sao mất và xuất hiện lại như thế nào, ai làm chuyện này.
Trong vụ Whitewater, ông ba Clinton không bị truy tố chuyện gì cả, nhưng bà đối tác chính bị lãnh án tù vì bất hợp tác không khai gì hết. TT Clinton sau đó ân xá bà này.

BENGHAZI

Khi bà Hillary làm Ngoại Trưởng, một tổ chức con rơi của Al Qaeda tại Libya đột kích tòa lãnh sự Mỹ và trụ sở CIA tại Benghazi, giết chết đại sứ Mỹ và ba cận vệ, bắn phá và đốt tan cả hai cơ sở.

Chính quyền Obama do bà Hillary dẫn đầu, mới đầu đổ lỗi cho một nhóm quần chúng nổi giận vì một khúc phim YouTube xúc phạm đến Tiên Tri Mohamed do một anh Ai Cập làm tại Mỹ.
Mãi mấy tuần sau mới chịu nhìn nhận đây là độc kích quy mô có kế hoạch của khủng bố.

Trong số các emails được công bố gần đây, có một cái của bà Hillary gửi một ngày sau khi toà lãnh sự bị tấn công, báo cho cô con gái biết là “khủng bố vừa đánh toà lãnh sự”, tức là ngay từ đầu bà đã biết đây là khủng bố đột kích chứ không phải biểu tình tự phát của dân chúng trong khi trước báo chí vẫn khẳng định vì cuốn phim.

Bà Hillary cũng bị chỉ trích đã không đáp ứng yêu cầu của đại sứ muốn tăng cường phòng vệ cho các cơ sở Mỹ tại Libya, cũng như đã không đáp ứng cầu cứu của đại sứ khi đang bị tấn công.

Lực lượng tiếp cứu khẩn cấp của quân lực Mỹ đóng tại Ý được lệnh án binh bất động trong khi cuộc tấn công kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ.
Nội vụ còn đang bị Hạ Viện điều tra. Kết quả có thể được công bố bất cứ lúc nào, tùy khối dân biểu CH đang kiểm soát Hạ Viện.

QUỸ CLINTON FOUNDATION

Sau khi rời Nhà Trắng, ông ba Clinton lập ra Quỹ Clinton Foundation, trên nguyên tắc để thu góp tiền làm chuyện phước thiện trên khắp thế giới.
Quỹ này mau chóng nhận được bạc triệu, tính cho đến nay đã xấp xỉ hai tỷ đô.

Tuyệt đại đa số những số tiền thu được đều đến từ những lãnh tụ hoặc là khét tiếng tham nhũng, hay là nổi tiếng độc tài tàn bạo của các tiểu quốc nghèo mạt rệp như Haiti, Nigeria, Congo, Kazhakstan,...

Câu hỏi là tại sao những lãnh tụ này không giúp dân mình một cách trực tiếp mà lại mất công gửi tiền cho ông cựu tổng thống Mỹ, nhất là khi bà vợ Hillary đang làm ngoại trưởng và lại có nhiều hy vọng làm tổng thống luôn.

Chỉ có những đệ tử trung kiên nhất mới không chịu nhìn nhận đó là hình thức “phong bì” cổ điển nhất. Tham nhũng “Made in USA”. Bạc triệu, bạc tỷ, không xài bạc cắc.

HỆ THỐNG EMAIL RIÊNG

Bà Hillary khi làm Ngoại Trưởng, cho lập hệ thống email cá nhân ngay trong nhà mình, mà không sử dụng hệ thống chính thức của Bộ Ngoại Giao, vừa vi phạm luật hành chánh áp dụng cho tất cả nhân viên Nhà Nước, vừa tạo cơ hội cho các tin bí mật về chính sách đối ngoại bị lộ dễ dàng.

Khi mãn nhiệm, bà in cỡ 50.000 bức thư email gửi lại cho Bộ Ngoại Giao, khẳng định đó là toàn bộ các emails liên hệ đến công việc. Rồi tự tiện xóa hết các email khác, không ai biết là bao nhiêu, và trong đó có gì.

Bà Hillary biện minh các thông tin trao đổi đều không có tính cách mật quan trọng, và tất cả các ngoại trưởng trước bà đều sử dụng email riêng.

Không hoàn toàn đúng sự thật. Cả ngàn emails của bà giao nộp đã bị Bộ Ngoại Giao xác nhận là có tính cách mật, nhiều tin tối mật, trong khi các vị tiền nhiệm thỉnh thoảng có gửi emails qua hộp thư cá nhân, nhưng không ai gửi cả 50.000 cái (hay cả trăm ngàn cái, ai biết được?) như bà Hillary, và cũng không ai đặt hệ thống riêng trong nhà mình.
Bà Hillary phạm tội là điều khó chối cãi và FBI đang điều tra.

Dù vậy, có nhiều triển vọng chính quyền Obama sẽ áp lực FBI nhận chìm vụ này vì hậu quả chính trị quá lớn, có thể khiến bà Hillary bị truy tố và phải rút lui khỏi cuộc tranh cử tổng thống.
Dĩ nhiên nếu bị FBI truy tố thì vấn đề khỏi cần bàn thêm vì bà sẽ không thể ra tranh cử nữa, mà có ra thì cũng không thể đắc cử.

Trường hợp này xẩy ra thì DC sẽ đau đầu nặng vì không ai biết sẽ phải làm gì cho ổn. Không chừng ta sẽ thấy cụ phó Biden xuất hiện lại vì DC không thể để cụ xã nghiã của thế kỷ trước ra đại diện.

Trên đây chỉ là vài xì-căng-đan lớn nhất liên quan trực tiếp đến bà Hillary, còn nhiều vụ mang danh là filesgate (bà ra lệnh lấy hồ sơ cá nhân của gần 1,000 viên chức CH cho bà tham khảo), travelgate (bà sa thải toàn bộ nhân viên văn phòng du lịch của Tòa Bạch Ốc để trao job cho một bà bạn), Fostergate (người hợp tác thân tín nhất của bà tự sát), giftgate (bà dọn ra khỏi Nhà Trắng mang theo đồ đạc, tranh ảnh, dĩa chén trị giá cả mấy trăm ngàn đô), cattlegate (bà đầu tư hợp đồng kỳ hạn mua bò, bỏ ra $1,000, mười tháng sau đẻ ra $100,000)..., không kể những chuyện khác của ông chồng như vụ cô Monica.

Hậu quả gộp lại là hình ảnh của một chính khách xảo quyệt, nói láo và mánh mung đủ kiểu, miễn sao thực hiện được ý nguyện làm nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Hơn 60% dân Mỹ cho bà Hillary là người không lương thiện và không đáng tin.
Chuyện tất nhiên là khi đối đầu với ứng viên CH, thì tất cả những vụ này sẽ bị khui ra lại. Nhất là khi đối thủ là ông Thiên Lôi Trump.

Đó là chuyện tương lai. Trong hiện tại, khó khăn của bà Hillary đến từ những tấn công của ông Sanders.
Mặc dù ông này hầu như vô vọng, nhưng cũng đã phạng bà nhiều đòn đau điếng, di hại luôn đến cuộc tranh cử của bà với ứng viên CH sau này.

Ông Sanders tuyệt đối tránh không nhắc đến những vụ xì-căng-đan nêu trên, mà chỉ chú trọng vào một điểm chính: đó là những quan hệ đặc biệt của bà Hillary với giới tài phiệt Wall Street đang thao túng chính trường Mỹ.

Điển hình là những hình thức “phong bì” kiểu trả bạc triệu qua màn kịch hai ba trăm ngàn đô một bài diễn văn chưa tới một tiếng đồng hồ.

 Bà nói gì với giới tài phiệt là điều bí mật vì bà từ chối không công bố các bài diễn văn, nhưng ai cũng hiểu chắc chắn nội dung khác xa những tấn công tài phiệt bà hò hét trong khi đi vận động bầu cử.
Chẳng lẽ Goldman Sachs trả bà 300.000 đô để bà đến ngân hàng đó sỉ vả họ?

Thông điệp của ông Sanders đang có tiếng vang lớn, được sự ủng hộ nhiệt liệt của giới trí thức cấp tiến trẻ, tức là khối cử tri quan trọng nhất của TT Obama trước đây.

Bây giờ khối này nhất tề đứng trong hàng ngũ ông Sanders chỉ trích bà Hillary. Theo những thăm dò mới nhất, ít nhất là một phần ba khối cử tri này sẽ nằm nhà ngủ không đi bầu cho bà Hillary nếu bà đắc cử làm đại diện cho DC.

Ông Sanders cũng đã ép bà Hillary phải chạy về phiá cực tả để chống đỡ quan điểm thiên tả của ông.
Sau này, nếu đắc cử làm đại diện cho DC ra chống với CH, bà sẽ gặp nhiều khó khăn giải thích quan điểm thiên tả của bà với khối cử tri độc lập có quan điểm ôn hoà.

Cộng vào những khó khăn trên là vai trò của bà Hillary trong chính quyền Obama, đặc biệt là trong các quan hệ ngoại thương.

Việc TT Obama và bà ngoại trưởng Hillary cổ võ cho các hiệp ước thương mại quốc tế như NAFTA (bắc Mỹ, do TT Clinton ban hành) và TPP (Liên Thái Bình Dương) bị coi như nguyên nhân đưa đến cạnh tranh từ ngoài nước làm suy yếu kinh tế Mỹ, nâng cao tỷ lệ thất nghiệp.

Khối thợ thuyền lao động, lực lượng cử tri cốt cán của đảng DC đang “đào ngũ” bỏ đảng DC để chạy ào ào qua ông Trump, là người chỉ trích các hiệp ước này mạnh nhất và đang hứa sẽ xé bỏ hết.

Có lẽ đây mới đúng là mối đe dọa lớn nhất cho bà Hillary. Mất khối cử tri thợ thuyền này, và mất khối cử tri cấp tiến trẻ, bà Hillary chỉ còn trông cậy vào khối cử tri da màu thiểu số như da đen, da nâu, và da vàng.
Ngay cả phụ nữ nói chung, cũng không ủng hộ bà. Gần 60% các bà có ấn tượng không tốt –unfavorable opinion- với bà.

Một chỉ dấu đáng ngại nữa của bà Hillary: cho đến nay, bà thắng tại nhiều tiểu bang hơn ông Sanders, nhưng phần lớn các tiểu bang bà thắng lại là những tiểu bang miền nam, thành đồng của CH mà bà không có hy vọng thắng trong cuộc bầu tháng Mười Một.

Trong khi đó, tại những tiểu bang xôi đậu hay những tiểu bang DC sẽ thắng thì ông Sanders hạ bà nặng, như tại Michigan, Minnesota, Colorado, Wisconsin... Có nghiã là cho đến nay, bà Hillary đã không được hậu thuẫn mạnh của khối cử tri DC tại những tiểu bang theo DC, giúp cho CH có hy vọng chen chân vào.

Chưa hết, bà Hillary lại gặp phải một nguy cơ mới là... ông chồng. TT Clinton trước đây nổi tiếng là người có tài ăn nói vô địch, nhưng gần đây, không biết có phải vì lớn tuổi hơi lẩm cẩm hay không, mà lại ăn nói rất hồ đồ. Hoặc giả là có ngụ ý rõ ràng.

Trước hết, trong một bài diễn văn khoe tài của bà vợ, ông bảo đảm bà Hillary sẽ có đầy đủ khả năng mang nước Mỹ ra khỏi cảnh tệ hại của 8 năm qua mà TT Clinton gọi là “the last awful 8 years”.

Sau câu tuyên bố này, bàn về những khó khăn của Âu Châu, TT Clinton cho rằng đây là hậu quả của việc Âu Châu nhận di dân từ Trung Đông.
Đây chính là lập luận chống di dân của ông Trump, trái ngược với chính sách phủ dụ và kêu gọi nhận di dân Trung Đông của TT Obama.

Rồi mới đây, TT Clinton cho rằng thế giới đang tan rã –falling apart-. Cho dù TT Clinton không hề nêu đích danh TT Obama, nhưng ai cũng hiểu ông đang nói đến ai.
Những câu tuyên bố nẩy lửa của TT Clinton đã gây nhức đầu không ít cho truyền thông, cho dù ban tham mưu của bà Hillary gân cổ cải chính.

Nếu TT Clinton nói hớ một lần thì là lỡ miệng, nói hớ liên tục thì phải có ngụ ý. Và cái ngụ ý đó chỉ có thể là phe Clinton đang muốn kéo về lại một số cử tri DC bất mãn với TT Obama đang chạy qua ông Trump.

Rồi lại đến chuyện bà Hillary không có nghệ thuật “dẻo lưỡi” và thường hay nói hớ.

Câu nói hớ mới nhất: được hỏi về “nhân quyền của bào thai”, bà đã dùng những danh từ như “những người chưa ra đời” (unborn people) và “trẻ em” (child), khiến cho cả hai phe cấp tiến và bảo thủ đều nhẩy dựng lên đả kích.

Phe cấp tiến chưa bao giờ nhìn nhận bào thai là “người” hay “trẻ em”, trong khi phe bảo thủ nêu vấn đề đã là “người” và “trẻ em” thì phải có nhân quyền và không thể phá thai, tức là giết.

Quý độc giả cũng thấy rõ là kẻ viết này còn chưa đề cập đến chuyện bà Hillary là một chính khách thời cơ thay đổi lập trường như chong chóng (theo phe cực hữu Goldwater rồi chạy qua cực tả McCarthy, biểu quyết đánh Iraq rồi chống, chống hôn nhân đồng tính rồi ủng hộ, nhận cả trăm triệu tiền của Wall Street rồi quay qua hứa sẽ truy diệt tài phiệt, cổ võ cho TPP rồi chống,...).

 Hai phần ba cử tri cũng cho bà thuộc tập đoàn cai trị hiện hữu –establishment- đang bị cả nước nổi loạn chống lại.

Nói tóm lại, bà Hillary là một trong những ứng viên yếu nhất mà đảng DC đã đưa ra từ mấy chục năm nay.
Vừa quá nhiều hành trang, vừa không có khả năng vận động thu hút người nghe.

Ấy vậy mà bà Hillary vẫn là ứng viên có nhiều triển vọng đắc cử tổng thống nhất. Chỉ vì một số lớn dân Mỹ muốn đột phá, bầu một phụ nữ lần đầu tiên làm tổng thống, và quan trọng hơn nữa, vì phe CH còn yếu và tệ hơn nhiều.
Nhiều cử tri vào phòng phiếu, sẽ phải … bịt mũi để bỏ phiếu cho bà vì không còn lựa chọn nào khác. (10-04-16)

Switch mode views: