Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ cố thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ

hoaky-ando



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parrikar thăm tàu sân bay USS Eisenhower neo đậu tại Virginia, ngày 10/12/2015.
AFP/ Mark Wilson

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua, 10/04/2016 đã bắt đầu chuyến công du 3 ngày tại Ấn Độ nhằm thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng mới với một quốc gia mà Washington xem là một đối trọng với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Đây là chuyến viếng thăm Ấn Độ lần thứ hai của ông Carter trong vòng chưa đầy một năm .
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã mở đầu chuyến đi tại bang Goa, sinh quán của đương kim bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.

Trong một cử chỉ cũng mang tính biểu tượng không kém, bộ trưởng Parrikar hôm qua đã mời đồng nhiệm Mỹ lên chiếc hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya của Ấn Độ, đang đậu ngoài khơi hải cảng Karwar.
Hành động này nhằm đáp lễ việc bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ được mời lên thăm hàng không mẫu hạm USS Dwight D Eisenhower khi ông công du Hoa Kỳ tháng 12 năm ngoái.

Đối với New Delhi, qua việc thắt chặt quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, Ấn Độ sẽ được tiếp cận nhiều hơn các công nghệ quân sự của Mỹ, vì New Delhi đang rất hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng quân đội trước mối đe dọa của hải quân Trung Quốc tại vùng Ấn Độ Dương.

Nhưng cho tới nay, Ấn Độ vẫn có truyền thống là cố không quá « thân mật » với bất cứ quốc gia nào.

Theo lời Shane Mason, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Stimson ở Washington, Ấn Độ rất ngại bị xem là quá thân với Hoa Kỳ, nhưng Lầu Năm Góc đang rất cần đẩy mạnh quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn.
Năm ngoái, ông Carter đã lập một nhóm đặc biệt trong Lầu Năm Góc để đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ.

Vào tháng trước, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, cũng đã tuyên bố là Hoa Kỳ muốn mở rộng các cuộc tập trận hải quân thường niên với Ấn Độ thành các chiến dịch tuần tra chung ở vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng New Dehli đã khẳng định ngay là không hề có những kế hoạch như vậy với Washington.
 Cho tới nay, Ấn Độ chưa hề tiến hành tuần tra chung với bất cứ quốc gia nào.

Về phần các nhà sản xuất vũ khí, thiết bị quốc phòng của Mỹ, họ hy vọng là việc thắt chặt quan hệ quân sự với Ấn Độ sẽ mang lại những mối lợi to lớn, vì đó là một trong những quốc gia chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất thế giới hiện nay, nhưng đang rất cần nâng cao khả năng phòng thủ.

New Delhi đang xây dựng lại lực lượng không quân (hiện chủ yếu là những phi cơ cũ ), cho nên hai hãng Lockheed Martin và Boeing đang thảo luận với Ấn Độ về việc sản xuất các chiến đấu cơ phản lực của hai hãng này ở Ấn Độ.

Bên cạnh đó, hai nước đang thương lượng về yêu cầu của Ấn Độ muốn được cung cấp 40 máy bay không người lái Predator ( loại có trang bị vũ khí ) của Mỹ.

Cho tới nay, New Delhi vẫn không muốn ký những hiệp ước có thể kéo nước này vào một liên minh quân sự với Hoa Kỳ, chẳng hạn như Hiệp định Hỗ trợ Hậu cần - Logistics Support Agreement ( LSA).

Với hiệp định này, quân đội hai nước có thể đi vào các căn cứ quân sự của nhau.
Nhưng trước chuyến viếng thăm của ông Carter, một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết là cả hai bên đều mong muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán ký kết hiệp định LSA.

Switch mode views: