Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mùng Năm Tết, kỷ niệm Chiến Thắng Ðống Ða


Ngày Mùng Năm Tết, người dân Hà Nội và quanh vùng, từ hơn 200 năm nay (1789-2014) sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, đã tập trung về gò Ðống Ða, Thái Hà Ấp, ngoại ô Hà Nội (nay là quận Ðống Ða) để mở hội đầu Xuân nhắc lại lịch sử oai hùng của một vị vua xuất thân từ người nông dân áo vải, vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

Sau 30 Tháng Tư, 1975, hàng triệu người Việt phải lánh nạn cộng sản, bỏ nước ra đi nhưng vẫn mang theo quê hương với lịch sử dân tộc để vào dịp đầu Xuân cũng mở hội mừng chiến thắng ngoại xâm của vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn, Bình Ðịnh.

bieudien vothuat dongdaBiểu diễn võ nhân ngày kỷ niệm Chiến Thắng Ðống Ða trước tượng Vua Quang Trung ở Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Năm nay, cũng như từ gần 30 năm qua, Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Ðịnh lại tổ chức kỷ niệm 225 năm Chiến Thắng Ðống Ða và Tưởng Niệm Ðại Ðế Quang Trung.

Qua nhiều năm, buổi lễ được diễn ra rất trọng thể với cuộc rước kiệu và bức hình truyền thần ngài được cung nghinh từ ngoài vào trong lễ đài trong tiếng trống lân của đoàn lân Quang Trung và mọi người tham dự đứng hai bên đám rước để cùng ban tổ chức đón rước.

Năm nay, lễ hội Quang Trung được tổ chức tại nhà hàng Moonlight, Westminster, vào lúc 11 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 9 Tháng Hai.

Chiến thắng Ðống Ða của Quang Trung Nguyễn Huệ đã ghi thêm oai hùng cho lịch sử chống ngoại xâm của một dân tộc nhỏ bé không chịu khuất phục trước một đất nước rộng lớn hơn nhiều lần là Trung Quốc.

Ðời nhà Lý, Lý Thường Kiệt đoán rằng quân nhà Tống sắp đem quân sang xâm chiếm nên đã “tiên hạ thủ vi cường” đem quân đánh vào hai châu Khâm, châu Liêm tiến đến châu Ung (nay là hai tỉnh Quảng Ðông và Quảng Tây) phá tan được quân lương vũ khí mà nhà Tống dự bị để tiến đánh nước ta. Thời nhà Trần, ba lần quân Nguyên của Thành Cát Tư Hãn bên Trung Hoa từng đem quân đánh chiếm gần hết Châu Á và cả một phần Châu Âu, nhưng đã phải bị đại bại vì tinh thần Diên Hồng của quân dân Việt.

Ðến thời nhà Nguyễn, Tây Sơn, Quang Trung Nguyễn Huệ lại đánh tan 20 vạn quân nhà Thanh. Con số 20 vạn này sử sách Việt Nam đều chép. Việt Nam Sử Lược Trần Trọng Kim cho biết, quân nhà Thanh gồm ba đạo lấy từ bốn tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam (mỗi tỉnh rộng gần bằng cả nước Việt Nam) thì chắc quân số không nhỏ. Hơn nữa, quân Trung Hoa ngay cả đến thời Tưởng Giới Thạch khi hành quân thường đem theo cả vợ con nên số quân càng đông hơn nữa. Nhưng đã có một vài người nghiên cứu xử, dựa vào tài liệu trong sử sách Trung Hoa lại cho rằng 20 vạn là nói quá, chỉ có vài mươi ngàn thôi.

Chép về Chiến Thắng Ðống Ða, Việt Nam Sử Lược Trần Trọng Kim viết: “Sáng mờ mờ ngày mồng Năm, quân Tây Sơn tiến đến làng Ngọc Hồi, quân Tầu bắn súng ra như mưa. Vua Quang Trung sai người lấy những mảnh ván, ghép ba mảnh lại làm một, lấy rơm cỏ dấp nước quấn ở ngoài, rồi sai quân kiêu dũng cứ 20 người khiêng một mảnh, mỗi người dắt một con dao nhọn, lại có 20 người cầm khí giới theo sau. Vua Quang Trung cưỡi voi đi sau đốc chiến. Quan Nam vào đến gần cửa đồn, bỏ ván xuống đất, rút dao ra xông vào chém, quân đi sau cũng kéo ùa cả vào đánh. Quân nhà Thanh địch không nổi, xôn xao, tán loạn, xéo lên nhau mà chạy. Quân Nam thừa thế đánh tràn đi, lấy được các đồn, giết quân nhà Thanh thây nằm ngổn ngang khắp đồng, máu chẩy như tháo nước. Các quan nhà Thanh như Trương Sĩ Long, Thượng Duy Thăng đều tử trận. Sầm Nghi Ðống đóng ở Ðống Ða (cạnh Thái Hà Ấp) bị quân Nam vây đánh cũng thắt cổ mà chết.”

Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn cũng ghi: “Một đạo quân do Ðô Ðốc Long cầm đầu, theo kế hoạch đã tiến đến Khương Thượng (một làng gần phi trường Bạch Mai ngày nay) vây kín đồn binh của Sầm Nghi Ðống. Quân nhà Thanh cố cầm cự nhưng không được tiếp ứng nên đã bỏ chạy. Chủ tướng Sầm Nghi Ðống không chịu hàng, trốn ra Ðống Ða thắt cổ tự vẫn trên một cành đa... Mùng Năm Tết, vua Quang Trung cùng đại quân và 80 thớt voi ung dung tiến vào kinh đô Thăng Long đúng như đã hẹn với ba quân từ hôm 20 Tháng Chạp khi kéo quân ra Bắc.”

Sau này nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã có những nhận định về Chiến Thắng Ðống Ða của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ về nhiều khía cạnh.

Trước hết là cuộc hành quân thần tốc, chỉ trong vòng 10 ngày hàng vạn quân binh đã từ Bình Ðịnh tiến ra tới Thanh Hóa cách gần cả ngàn cây số. Tiến quân được nhanh như vậy vì nhà quân sự Quang Trung đã sáng tạo ra nhiều hình thức tiến quân. Trước hết là chia ra cứ ba người làm một tổ, lấy tre đan thành võng cứ hai người khiêng một luân phiên nhau nên quân đi không lúc nào nghỉ mà vẫn thay nhau nghỉ ngơi trên võng. Thứ đến là quân lương. Bánh đa Bình Ðịnh chính là lương khô nuôi quân dọc đường. Quân đi đến đâu thì mộ thêm quân đến đó. Ðó là điểm giải thích cho kế hoạch chuyển quân thần tốc của Vua Quang Trung.

Thứ đến là tâm lý chiến và chiến thuật bất ngờ. Trước khi mở cuộc đại tấn công, Vua Quang Trung đã cho ba quân ăn Tết trước và hẹn sau Tết 7 ngày (ngày Mùng Bẩy) hạ xong thành Thăng Long sẽ ăn Tết chính thức. Trong khi đó thì quân nhà Thanh, chưa kịp biết quân Tây Sơn đã tiến ra Bắc, hạ được hai đồn lũy chiến lược Hà Hồi và Ngọc Hồi rất êm thấm vì đánh bất ngờ và chặn được tin cấp báo của giặc về Thăng Long.

Về chiến thuật tấn công, nhà quân sự Quang Trung đã sai quân làm các tấm ván bọc cỏ rơm tẩm ướt để tránh tên lửa và súng hỏa mai của quân nhà Thanh, tiến nhanh vào các đồn lũy của giặc. Rõ ràng Vua Quang Trung đã sáng tạo ra những chiến xa xung trận như ngày nay.

Với những chiến thuật như thế, quân nhà Thanh đã bị đại bại. Sử chép cũng như những lời truyền tụng từ bao đời của người dân quanh vùng kể lại, xác quân Thanh trong trận này được người dân quanh vùng vun thành đống rồi lấp đất trở thành một cái gò lớn như một quả đồi nhỏ nơi cây đa mà Sầm Nghi Ðống thắt cổ tự tử. Cũng tại gò Ðống Ða này, người dân Việt gốc Hoa đã xây lên một cái miếu nhỏ thờ Sầm Nghi Ðống. Gò và miếu vẫn còn đến ngày nay.

Mỗi năm, vào ngày Mùng Năm Tết, người dân Việt lại nhớ đến trang sử vẻ vang oanh liệt mà vua Quang Trung đã viết vào trong dòng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhất là vào năm nay khi mà Trung Quốc đang gia tăng mộng bá chủ Biển Ðông, đã nuốt chửng hải đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam, thì ngày kỷ niệm Chiến Thắng Ðống Ða, người dân Việt lại càng không thể không nhắc tới.

Switch mode views: