Tết về, với những người nghèo xa quê
- Thứ Tư, 29 tháng Giêng năm 2014 10:20
- Tác Giả: Văn Lang
SÀI GÒN (NV) - Tết về, đối với người miền Nam thì việc từ Sài Gòn trở về quê hầu như không mấy khó khăn, vì dù gì thì bất quá cũng là đi trong ngày. Hơn nữa, hầu như ai cũng có xe gắn máy, nên muốn về, đối đế quá thì chất hết mọi thứ lên xe và “đề-pa”...
Ðối với người miền Bắc, thì việc trở về quê ăn Tết phải tính toán vì đường xa, tàu xe khó khăn, nếu công việc cận Tết quá thì cũng khó mà về. Do vậy, ai đã định về thì về ngay từ đầu Tháng Chạp, còn những ai đã ở lại qua rằm thì coi như yên tâm ở lại mà làm ăn, đành hẹn quê nhà Tết sang năm.Nhiều công nhân chờ đợi trước của phòng bán vé của xe đò Phương Trang ở bến xe Miền Ðông để mong mua được vé về miền Trung ăn Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Dĩ nhiên đây là những người nghèo, những người lao động chân tay, những người buôn gánh bán bưng. Còn với những người nhà giàu, những ông bà cán bộ “đi mây về gió” bằng máy bay, thì nằm ngoài phạm vi của bài viết này.
Với người miền Trung, thì Tết đặc biệt nôn nao trong nỗi nhớ, vì miền Trung không quá gần, cũng không quá xa, cận Tết về cũng được, nên những ngày cuối năm được tính từng ngày nhất là với những người lớn tuổi, vốn có tính cẩn thận cố hữu của người miền Trung.
Cận Rằm Tháng Chạp, ngồi ăn cơm chay tại một quán bình dân ven quốc lộ 50, ngồi chung bàn với chúng tôi là một chị quê miền Trung.
Hỏi thăm, chị cho biết quê ngoài Bình Ðịnh, vô Sài Gòn gánh hàng đi bán dạo đã được hơn 10 năm nay.
Cận Tết, gánh hàng của chị bán không được chạy lắm vì hàng bán không mấy phù hợp với mặt hàng Tết của dân Sài Gòn. Vì ngoài một ít tôm khô, thì chị chỉ còn bán kèm thêm một số bánh trái loại bình dân, như bánh “hạnh nhân,” loại này được làm bằng bột củ mì tinh (người Bắc gọi là củ dong)...
Chị cho biết, dù sao cũng phải ráng bán cho hết hàng thì mới có thể về quê ăn Tết được, vì hàng còn tồn đọng lại để ở nhà trọ qua Tết thì không tiện.
Hỏi thăm về thu nhập hàng ngày, chị cho biết trung bình mỗi ngày chị gánh hàng đi bán dạo cả ngày cũng lời được 200 ngàn đồng, trong đó mất hết 20 ngàn đồng cho bốn chặng xe buýt đi-về trong ngày, chưa kể tiền ăn uống dù rất tằn tiện, cộng với tiền nhà trọ ở chung cùng với các chị em bán hàng khác là 300 ngàn đồng một tháng.
Chị kể, những ngày này ế, gánh hàng đi mỏi hết cả chân mà vẫn không có người mua, giữa phố xá đông người dập dìu nhau đi sắm Tết, tự nhiên thấy tủi thân, nước mắt chỉ muốn trào ra. Nhưng rồi nhớ tới hai người con còn đi học, đứa lớn đã học năm thứ 4 đại học, đứa nhỏ mới thi đậu vô năm thứ nhất, chị lại cắn răng cố gắng quẩy gánh hàng đi mời chào khách. Chị nói, bán dạo như thế này tiền không bao nhiêu, nhưng được cái khi mấy đứa con cần tiền chị có thế lấy tiền hàng gởi ngay cho con, rồi buôn bán lấy đồng lời trả lại cho chủ hàng, bao nhiêu năm nay chủ hàng đều vui vẻ chấp nhận như vậy. Một dì quê miền Trung gánh 'xơ mướp' đi bán dạo cuối năm mà lòng luôn mong ngóng ngày về quê ăn Tết với các con. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Mong mỏi lớn nhất của chị là khi nuôi hai đứa con ăn học ra trường, tự đi làm đi ăn được, chị sẽ trở về quê để tự tay chăm sóc người mẹ già. Mẹ chị ở ngoài quê năm nay đã 81 tuổi, bà đã bị lẫn, không còn làm chủ được những hành vi sinh hoạt hàng ngày. Nhắc tới mẹ, đôi mắt chị chợt đỏ hoe...
Khi chúng tôi hỏi thăm chuyện về quê ăn Tết. Chị cho biết, thường khoảng vào ngày 26 chị sẽ ra bến xe Miền Ðông, nơi đó có một chủ xe đò cùng quê, đã quen đi nhiều năm nay, xe giường nằm thì giá cao, nhưng họ sẽ sắp xếp cho chị một chỗ nhỏ, trải nệm nằm dọc hành lang (giữa hai dãy giường), và họ chỉ lấy chị có 300 ngàn đồng.
Vấn nạn tàu xe
Tàu xe ngày Tết, có lẽ luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người có quê ở xa. Ngoài việc tăng giá vô tội vạ, xếp lớp hành khách chẳng khác nào cá mòi hộp, còn là vấn nạn xếp hàng cả ngày vẫn không mua được vé về quê ăn Tết. Như trường hợp cả ngàn người xếp hàng từ 3 giờ sáng ngày 15, tại bến xe miền Ðông, mua vé của công ty Phương Trang không được, quay ra đập phá phòng vé...
Nhưng dù gì, ở đâu đó cũng vẫn còn tình con người với nhau, nhất là với những người cùng cảnh nghèo, xa quê như nhau.
Tại khu vực Gò Vấp, nơi có rất nhiều người gốc miền Trung nhập cư vô Sài Gòn từ thập niên 60 (khi chiến sự miền Trung trong thời chiến tranh leo thang dữ dội). Chúng tôi gặp dì Năm, quê ngoài Quảng Nam, vô Sài Gòn nhiều năm nay phụ người cháu bán quán cơm, dì cho biết, từ mấy năm nay khi tàu xe khó khăn, mấy người đồng hương của dì đã đứng ra tổ chức thuê xe (cũng của người cùng quê) rồi tổ chức bán vé cho bà con cùng quê, bảo đảm có xe về quê ăn Tết cho bà con đúng vào ngày 27, sau đó qua Tết (ngày 16) lại đưa bà con trở vô Sài Gòn làm ăn lại. Một lượt vé như vậy họ lấy 750 ngàn đồng, nhưng xe đưa rước tận nhà, ai cũng yên tâm không phải lo lắng chi hết.
Cũng không ít người quê ngoài Trung, vì hoàn cảnh khó khăn đành hát bài “Xuân này con không về.”Chợ Bà Hoa ở khu Bảy Hiền, Bà Quẹo, chuyên bán đặc sản của người miền Trung thường được những người xa quê tìm đến. Trong hình là đặc sản chả bò Ðà Nẵng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Như chú T, một cựu quân nhân biệt động quân VNCH, quê ngoài Huế, nói trong nụ cười vui mà ánh mắt lại như không cười: “Năm ngoái về rồi, năm nay về chi nữa!”
Hay như anh C, quê ngoài Quảng Trị, vô Sài Gòn mở tiệm hớt tóc, không đủ tiền trả tiền mặt bằng, phải kiêm luôn nghề đi mua một ít chim “dạt” ở chợ chim về “vỗ béo” rồi đợi có ông khách nào tới hớt tóc ưng ý thì “gả” để kiếm thêm chút tiền lời. Vì mùa Tết cũng là mùa hớt tóc đắt hàng, có khi mãi tới tối 30 vẫn còn có khách tới hớt muộn, và thường khách cũng chi đẹp hơn ngày thường nên anh C quyết định “Xuân này con không về” để cố gắng “hớt” thêm ít tiền Tết, ra Giêng thong thả về quê, có hơi buồn, nhưng thì thôi cũng đành...
Gặp một dì gánh một gánh hàng xơ mướp (trước kia dùng để lau chùi nồi niêu, xoong chảo, bây giờ ít ai dùng, người ta dùng miếng mút-xốp bán trong siêu thị), tại khu Ngã Bảy. Dì là dân Quy Nhơn, hỏi chuyện về quê ăn Tết, dì khẳng định: “Giá nào cũng phải về, nhớ con nhớ cháu lắm, đi quanh năm rồi, Tết phải về thôi!”
Chú Hai, một người quen của chúng tôi, quê miền Bắc. Mẹ chú bồng vô Nam từ năm 1943, mãi đến hơn 20 năm trước chú mới đưa Mẹ về thăm quê một lần trước khi bà mất. Nay chú đã ngoài 70, mỗi năm Tết đến nghe người ta nói chuyện về quê ăn Tết lòng chú cũng nôn nao, nhưng ngặt nỗi chú chỉ còn hai bàn tay trắng, vẫn sống “kiếp nhà thuê” biết làm sao đây?!
May mắn cho những ai còn có quê hương, còn có thân hữu nơi quê nhà, mà lại còn được may mắn trở về thăm quê hàn huyên bên ly rượu, bình trà, trong khói nhang trầm thơm ngát tỏa hương đầm ấm ba ngày Tết.
Related news items:
Tin mới
- Nông dân miền Trung méo mặt vì Tết - 30/01/2014 23:15
- Hoa trái ngày Tết Sài Gòn - 30/01/2014 14:48
- Chuyến xe ngựa cuối năm - 29/01/2014 13:19
- Tết nghèo của người dân thượng nguồn Quảng Ngãi - 28/01/2014 20:29
- Chợ nổi ngày cuối năm - 25/01/2014 18:31
- Đổi tiền lẻ cúng Tết - 25/01/2014 18:18
- Năm Ngọ: Ngó Chuyện Ngựa Dựa Theo Kinh Thánh - 24/01/2014 22:05
- Hình tượng Ngựa thờ qua một số công trình kiến trúc cổ ở Hà Tĩnh - 24/01/2014 21:55
- Ngựa trong khoa học và đời sống - 24/01/2014 21:41
- Tìm lại tuổi thơ theo tiếng trống lân mừng Tết - 24/01/2014 16:01
Các tin khác
- Human Rights Watch công bố phúc trình nhân quyền Việt Nam - 23/01/2014 01:21
- Bánh cổ truyền trên mâm cỗ Tết miền Trung - 22/01/2014 21:19
- Thưởng Tết và lo Tết - 22/01/2014 18:37
- Đi mua quần áo xổ ngày cận tết - 22/01/2014 16:12
- Việt Nam đón Tết trong thiếu, đói - 15/01/2014 00:13
- Sóng gió Biển Đông phép thử sự chính trực - 14/01/2014 16:42
- Sài Gòn, mùa Tết đã về - 13/01/2014 20:09
- Các nhà tranh đấu gặp gỡ đại diện 7 đại sứ quán ở Hà Nội - 13/01/2014 15:14
- Đả kích triển lãm Hoàng Sa thiếu hải chiến - 13/01/2014 14:59
- Người Việt trong và ngoài nước hưởng ứng Quỹ Nhịp Cầu Hoàng Sa - 12/01/2014 22:27