Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Làng Bình Minh và những đời bám biển

QUẢNG NAM (NV) - Tuy ở miền duyên hải, nhưng Bình Minh mang dáng dấp của một đảo nhỏ, gần như đời sống ở đây khu biệt trong không gian vài xã thuộc huyện Duy Xuyên kết hợp với xã Bình Minh, thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Một không gian chầm chậm với chợ Nồi Rang, chợ Bà, bến bãi, những con tàu nằm phơi mình chờ sóng và những con người cũng sống chầm chậm, ít tiếp xúc và khó tiếp xúc bởi chính sự im lặng hàm chứa những con sóng ngầm, hàm chứa những cơn bão biển của lòng người.

xabinhminh 1Những lao động nghèo Bình Minh đang phơi cá cơm. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)

Heo hút như một hải đảo

Xã Bình Minh có chưa đầy hai ngàn dân, nhưng từng có đến gần một ngàn người chết vì biển. Một ngư dân bám biển lâu năm của xã Bình Minh, tên Hiệu, chia sẻ: “Ðời sống bà con ở đây chất phác, mạnh mẽ, dữ dội nhưng cũng rất ôn hòa, ít va chạm.”

“Sở dĩ mới giới thiệu về đời sống ở đây mà tôi lại nói dân Bình Minh ít muốn va chạm là cũng có lý do của nó. Bão Cheng-chu, có lẽ ai cũng biết trận bão kinh hoàng này, cũng vì nghe theo đài Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương, chúng tôi đã chết hàng trăm mạng giữa biển, mất xác, nhà nhà trở nên góa bụa, côi cút. Thế rồi khi đài truyền hình VTV tổ chức chương trình kêu gọi từ thiện cho Bình Minh, số tiền về mấy chục tỉ đồng, nhưng ngư dân ở đây có mấy nhà được nhận tiền đâu!”

“Mà có nhận thì cũng ba đồng ba cọc, chẳng thấm vào đâu, buồn cười nhất là có nhiều nhà ở tận Quế Sơn, tít tận núi cao lại được nhận tiền trong quỹ từ thiện dành cho ngư dân Bình Minh. Khi chúng tôi biết, chúng tôi kiện, họ lại xin lỗi, hứa hẹn lung tung rồi cuối cùng cũng trôi mất, chúng tôi thắc mắc vì sao vài chục tỉ nói là cho dân Bình Minh nhưng tổng cộng số tiền chi cho Bình Minh không tới hai tỉ đồng thì họ nói là giữ đó để điều tiết cho vay!”

Một ngư dân khác tên Hải, buồn bã nói với chúng tôi: “Nói chung làm biển bây giờ khổ, ngày xưa khổ vì không có tàu thuyền để ra khơi, có đánh bắt về bán cũng chẳng bao nhiêu tiền, còn bây giờ khổ vì nhiều thứ, tuy rằng cá mực đánh về bán cao giá nhưng tính ra quá khổ, nhất là cái anh Trung Quốc, cứ mỗi lần mua giấy thông hành hải của nó là tốn hết vài chục triệu đồng mỗi người.”

xabinhminh 2Một cơ xưởng sửa chữa tàu ở Bình Minh. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)

“Thì cái giấy đó mình mua của Trung Quốc, có nó ra khơi mới yên tâm, nói thực, dân Quảng cũng anh hùng lắm, nhưng nghiệt nỗi mình là dân câu mực, ngư dân Bình Minh chủ yếu là câu mực. Mà câu mực thì mỗi người mỗi thúng rái lênh đênh giữa biển, đến sáng hôm sau tàu mới tới đón, trong tình trạng này, nó kiểm tra bất ngờ, không có giấy là coi như chết, có khi nó thủ tiêu mình cũng xong, chẳng ai biết hết.”

“Chính vì có giấy thông hành hải mà lâu nay ngư dân ở đây đỡ bị bắt, chứ không thì Bình Minh cũng chẳng thua gì Lý Sơn đâu, khổ trăm bề!”

Thương nhân Trung Quốc lộng hành

Một ngư dân khác, yêu cầu giấu tên, cho chúng tôi biết thêm: “Mấy năm gần đây bị thương nhân Trung Quốc ép giá tơi tả, thì họ sang tận xã Bình Minh để mua chứ còn gì! Mấy năm họ mua giá cao, dần dà, họ khống chế được mình rồi thì họ ép giá.”

“Thì họ dùng tiền để ép chế thôi chứ gì, trước tiên là họ tìm cách lọt được vào nơi này mà không bị ai hỏi han, sau đó, họ mua với giá cao, buộc tư thương của mình từ gom hàng đi bán nơi khác chuyển sang gom hàng bán cho họ. Và khi các đầu mối cũ bị đứt dần, họ bắt đầu độc quyền và ép giá.”

“Cá cơm khô mấy năm trước họ mua giá năm chục ngàn một ký, bây giờ còn hai mươi mấy ngàn đồng, mực cũng thế, trước đây họ mua một trăm hai mươi ngàn đồng, bây giờ ép xuống còn bốn mươi sáu ngàn đồng. Mà mấy loại này thì buộc phải liên tục tiêu thụ mới có vốn mua dầu ra khơi, hơn nữa để lâu mà không xử lý qua công nghệ chuyên nghiệp thì sẽ bị lên mốc, lúc đó mang đi đổ cũng khó nữa chứ đừng nói đến là bán!”

xabinhminh 3Thuyền đợi ngày ra khơi. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)

Bà Nguyện, một góa phụ có con và chồng đã bỏ thân trên biển, không còn biết bám víu vào đâu, bà đi làm thuê, đi lặt cá cơm, phơi cá cơm cho các xí nghiệp chế biển cá cơm ở đây, nói với chúng tôi: “Làm ở đây lương thấp lắm, khổ!”

“Mỗi ngày người ta trả mình sáu mươi, bảy mươi ngàn đồng, chỉ đủ mua gạo ăn và dầu mè mắm muối, dư vài đồng thì nộp tiền điện, khi nào có đám cưới trong làng thì mình vay tiền hoặc ứng trước lương của chủ để đi, sau đó làm trừ dần.”

“Mình làm thì khổ vậy chứ người Trung Quốc họ sang đây ỷ có tiền, coi ai chẳng ra gì, đi nghênh ngang lắm, gần đây họ trả ép giá các chủ vựa nên lương của người làm cũng bị thấp theo. Bà con ai cũng khổ hết, nhưng nếu không đi làm nghề này thì biết làm nghề gì bây giờ! Dân ở đây vừa thất học vừa thất nghiệp hơi nhiều.”

Ðúng như lời bà Nguyện nói, tuy đường vào Bình Minh đã bê tông hóa, vẫn có “điện, đường, trường, trạm” và nhiều thứ khác nhưng người dân dường như chẳng đoái hoài gì đến việc học, một phần vì quá lam lũ, một phần học chẳng hấp dẫn họ được vì nó không những khô khốc mà còn làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Nói thì nói vậy, nhưng vẫn có nhiều nhà từng mơ cho con học tới đại học, và đã có nhiều nhà có con tốt nghiệp đại học, ra trường rồi thất nghiệp, lại quay về với nghề biển, lại đối mặt với sóng gió và đã có vài cử nhân bỏ mạng giữa trùng khơi.

Switch mode views: