Những phận người hiu hắt dưới gầm cầu ở Sài Gòn
- Thứ Ba, 22 tháng Tám năm 2017 09:00
- Tác Giả: Q.D.
“Nhà” của chị NTNL là gầm cầu Trung Sơn. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Dưới gầm cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 8), cầu Trung Sơn, rồi cầu Him Lam (huyện Bình Chánh) ở Sài Gòn, là những “cư dân” sống tạm bợ cho qua ngày đoạn tháng. Nhưng dù cuộc sống đầy biến cố và bất trắc, họ vẫn giúp đỡ lẫn nhau.
Chị PTTT (39 tuổi, có hộ khẩu phường 1, quận 8) nằm bất động trên chiếc võng kê dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ nhìn cơn mưa trắng trời. Cuộc sống của chị chỉ loanh quanh chiếc võng đó, dưới gầm cầu. Cơ thể chị lộ rõ sự mệt mỏi, ốm yếu. Chị đã bước vào giai đoạn cuối của căn bệnh HIV, theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Cuộc đời của chị buồn xơ xác. Chị cứ kể chuyện nửa chừng rồi bỏ lửng vì buồn quá, không kể liền lạc được. Nhà chị rất nghèo. Chị thất học, lớn lên làm đủ việc linh tinh kiếm sống. Rồi chị bước chân vào con đường bán dâm hồi nào không hay.
Chị có hai người con, cả trai và gái nhưng không nuôi được, đành phải cho người khác. Chồng chị cũng bỏ đi. Chị biết mình nhiễm HIV nhưng chị bất cần bởi không còn gì để mất nữa. Rồi sức khỏe chị tuột dốc rất nhanh khi bệnh bước vào giai đoạn cuối. Không đủ tiền để thuê nhà trọ, người thân họ hàng từ chối cho ở chung, chị đành ra gầm cầu tá túc.
Chị ở gầm cầu đã ba năm nay. Võng, ghế, quần áo đều được người dân tốt bụng gần đó mang cho. Hỏi chị có tiền không, chị gật đầu: “Mấy người xung quanh đây hễ có ve chai họ đem cho em. Quán nước đằng kia họ cũng cho vỏ chai để em đem bán. Trong túi lúc nào cũng có vài chục ngàn dằn túi, không sao đâu.”
Những đứa trẻ hàng xóm vẫn chạy ra chơi với chị, không có sự kỳ thị nào. Một phụ nữ đi ngang hỏi vọng vào: “T. ơi, chiều ăn cơm cá kho không tao mang cho?” Chị T. lại lắc đầu. Chiếc ghế kiêm chức năng bàn ăn của chị vẫn còn một nửa hộp cơm từ bữa trưa ai đó mang lại cho chị.
Dưới gầm cầu Trung Sơn (huyện Bình Chánh) có một hốc nhỏ được quây lại thành một “căn phòng” tối om. Phía ngoài không có cửa che mà được chắn bởi chiếc xe đẩy lượm ve chai. Đó là “nhà” của chị NTNL (37 tuổi, hộ khẩu quận 1).
Chị NTNL chia sẻ: “Hồi đó nhà em ở quận 1 nhưng khó khăn lắm. Lúc em 10 tuổi thì cha mẹ bán nhà rồi chia tay nhau. Tụi em bơ vơ. Em bị bạn bè lôi kéo chích ma túy rồi nhiễm. Em đã buông xuôi luôn. Nhưng khi gặp chồng em, ảnh là đồng đẳng viên giúp đỡ người có HIV. Em cũng tham gia công tác xã hội và lấy lại niềm tin vào cuộc sống.”
Nhưng chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của NTNL, chồng chị, đã mất đi khi cách đây hai năm. Chị suy sụp một thời gian. Chị cũng không xin được phụ việc trong quán ăn nữa vì nhìn chị tiều tụy quá. Không còn khả năng thuê nhà trọ, chị ra gầm cầu Trung Sơn tá túc và đi lượm ve chai.
Để tiết kiệm tiền ăn uống, hằng ngày chị đẩy xe lên tận đường Đề Thám, nơi có quán ăn 2,000 đồng, để được ăn cơm giá rẻ. Chị nói như muốn khóc: “Mình chỉ trả 2,000 đồng thôi mà họ phục vụ mình đàng hoàng như mình trả mấy chục ngàn vậy đó. Lâu lâu họ để thùng quần áo cũ cho mình lựa đem về mặc. Nếu có điều kiện, nhất định em sẽ quay lại làm công tác xã hội.”
Mỗi ngày chị kiếm được khoảng 70,000 đồng từ việc lượm ve chai, trừ những ngày mưa gió nhưng kiếm sống chưa phải là nỗi căng thẳng lớn nhất đối với cô gái có sức vóc nhỏ xíu, gầy nhom. Chị cho biết thêm các anh bảo vệ khu phố hay ra nhắc nhở, yêu cầu chị “chuyển nhà” nhưng biết đi về đâu…
Đó còn là bốn đứa trẻ sống chung với bà ngoại ĐTL. Mấy bà cháu từng sống lay lắt dưới gầm cầu cho đến khi con trai bà ra tù, thuê được cho mẹ và các cháu một chỗ ở tàm tạm. Bốn đứa trẻ có cha mẹ chứ không phải trẻ mồ côi. Nhưng cha mẹ chúng cũng đi tù hết vì dính vào ma túy.
Bà ngoại chúng vừa đi làm mướn, giúp việc để nuôi cháu. Thỉnh thoảng vẫn phải… lén đi khách để có tiền. Thế nhưng vẫn không thể nào trang trải đủ. Hai đứa cháu của bà còn nợ tiền học từ năm học trước. Trong đó, một bé vẫn chưa được xếp lớp cũng do chưa đóng học phí…
Vậy nhưng, ngay cả khi cuộc sống của bà đầy những biến cố và bất trắc không tưởng tượng nổi, bà vẫn muốn trao đi như một cách cảm ơn cuộc đời.
Khi biết chuyện về cô gái nhiễm HIV tên NL đang sống lay lắt ở gầm cầu Him Lam (huyện Bình Chánh), rất cần được giúp đỡ, nhất là để mua giúp cô cái thẻ bảo hiểm y tế để cô yên tâm trị bệnh…, bà ĐTL đã đến chân cầu Him Lam để gặp NL.
Bà cho biết bà là cộng tác viên của nhiều nhóm công tác xã hội. Thông qua bà, họ tiếp cận được rất nhiều nhóm đối tượng xã hội bao gồm gái mại dâm, nghiện và sau cai, người nhiễm HIV.. Bà là cầu nối của khá nhiều mảnh đời bất hạnh kết nối với các nhóm công tác xã hội. Cũng nhờ đó mà bà biết được nhiều chương trình giúp đỡ người nhiễm HIV.
Trong gầm cầu tối om, chỉ có một ngọn đèn, hai phụ nữ nắm tay trò chuyện rất lâu. NL rất vui vì “em biết uống thuốc ARV là sẽ kéo dài cuộc sống. Em còn ba đứa con…”
Bà ĐTL an ủi NL, cô sẽ có thêm nhiều người bạn mới. Khi có những cuộc họp mặt, tuyên truyền cho người bị nhiễm, nếu cô không đi được bà sẽ chạy đến chở cô đi.
Vấn đề còn lại là NL nghèo quá, không có nổi một chiếc xe đạp, cũng không có điện thoại nên khi cần không biết tìm cô ở đâu. Vậy mà bà cố gắng tìm được chỗ bán xe đạp cũ và điện thoại cũ rẻ để giúp NL, dù rằng bà khó khăn không thua kém cô. (Q.D.)
Related news items:
Tin mới
- Tâm tình của hai phụ nữ Việt bán hàng tại Thái - 21/09/2017 09:57
- Đà Lạt: Nguồn nước bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật - 19/09/2017 11:21
- Anh ngữ với người Việt tại Mỹ: Rào cản không của riêng ai - 15/09/2017 15:49
- Sống trong ‘mắt bão’ Irma - 14/09/2017 12:44
- Vàm Thuật: Dòng sông chết - 07/09/2017 11:40
- Người Việt sau cơn bão Harvey: Cần chỗ ở trong khi chờ dọn dẹp - 31/08/2017 12:34
- Nhật ký bão Harvey: Mưa lụt nhưng vẫn ấm lòng. - 31/08/2017 11:37
- Người Việt ở Houston sau 4 ngày đương đầu với bão Harvey - 29/08/2017 20:56
- CSVN viết lại lịch sử, Việt Nam Cộng Hòa không còn là ‘ngụy quyền’ - 21/08/2017 19:46
- Thứ Hai, xem nhật thực ở Little Saigon - 20/08/2017 19:39
Các tin khác
- Thơm lừng bánh hỏi thịt quay - 18/08/2017 00:34
- Sài Gòn rao sáng, rao đêm… - 15/08/2017 11:32
- Biển miền Trung tiếp tục hứng chất thải - 14/08/2017 10:36
- Ðà Nẵng ô nhiễm khắp nơi, biển chết dần vì nước thải - 09/08/2017 14:58
- Phố làm giỏ cần xé và nhân vật võ lâm nổi danh Chợ Lớn - 08/08/2017 16:50
- Hủ tíu Sài Gòn và những tiếng ‘nhạc gõ’ diệu kỳ - 07/08/2017 20:02
- Người Thượng tị nạn ở xứ Chùa Vàng - 06/08/2017 03:06
- Nghề truyền thống Huế ngày mỗi mai một - 04/08/2017 00:04
- Câu chuyện dạy và học võ ở Việt Nam - 01/08/2017 01:07
- Quân đội Mỹ chi quá nhiều tiền để mua Viagra - 28/07/2017 10:40