Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Ky cóp cho cọp nó xơi
- Thứ Hai, 06 tháng Sáu năm 2016 09:00
- Tác Giả: G.Đ.
VIỆT NAM - Song song với việc chính quyền và bảo hiểm xã hội Việt Nam dọa sẽ mạnh tay với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là sự bất bình ngày càng cao nơi doanh giới về chính sách này.
Công nhân - giới nghèo khổ nhất vẫn còng lưng đóng bảo hiểm xã hội nhưng có thể sẽ chẳng được nhận lại gì. (Hình: Lao Động)
Giống như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội là một kênh nhận đóng góp từ các nơi sử dụng nhân lực và cá nhân đang đi làm rồi chi trợ cấp nhằm hỗ trợ cho những người thất nghiệp, trả lương hưu.
Tuy nhiên tỉ lệ phải đóng góp cho bảo hiểm xã hội tại Việt Nam cao đến phi lý. Theo một thống kê được Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam thực hiện thì các doanh nghiệp đang phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam đến 18% trên tổng quỹ lương, còn cá nhân thì phải đóng cho bảo hiểm xã hội đến 8% trên tổng thu nhập.
Chưa kể, ngoài bảo hiểm xã hội, tính trên tổng quỹ lương, các doanh nghiệp còn phải nộp thêm 3% cho bảo hiểm y tế, 2% cho hệ thống công đoàn nhà nước, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp. Tính ra có tới 24% tổng quỹ lương bị các hệ thống được thiết lập như phương thức nhằm bảo đảm an sinh xã hội nuốt mất.
Những cá nhân đang đi làm cũng không khá hơn, họ bị ép phải đóng đến 10,5% tổng thu nhập. Ngoài việc phải nộp 8% tổng thu nhập cho bảo hiểm xã hội, những cá nhân đang đi làm phải nộp 1,5% cho bảo hiểm y tế, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 1% cho hệ thống công đoàn nhà nước.
Mới đây, ông Trương Văn Cẩm, tổng thư ký Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, khẳng định, chính sách hiện hành tại Việt Nam về bảo hiểm xã hội và phí công đoàn đã ngốn của cả doanh giới lẫn người đang đi làm đến 35%. Mức này dẫn đầu Đông Nam Á, cao hơn các quốc gia khác từ ba đến bảy lần.
Ông Cẩm nhấn mạnh, do tiền lương tối thiểu tăng liên tục, bảo hiểm xã hội và phí công đoàn thì dựa trên lương nên “gánh” đó càng lúc càng nặng, doanh giới không thể kham nổi nữa!
Đó cũng là lý do số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế càng ngày càng nhiều. Khoản nợ càng lúc càng lớn.
Năm ngoái, sau một cuộc thanh tra về việc đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, thanh tra của chính phủ Việt Nam cho biết, chỉ thanh tra 1,261 doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế “trong một thời gian dài” thì khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà những doanh nghiệp này còn thiếu đã lên tới 1,440 tỷ đồng. Tổng số tiền mà các doanh nghiệp còn thiếu bảo hiểm xã hội Việt Nam có lúc từng được ước đoán là 8,000 tỷ đồng. Có lúc được ước đoán là chừng 11,000 tỷ đồng.
Xin mời xem thêm video: Nhà máy nước sạch Ninh Bình bỏ hoang để cả ngàn gia đình “khát nước”
Đó cũng là lý do cả chính quyền lẫn bảo hiểm xã hội Việt Nam lên án việc doanh giới không đóng đủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là thiếu đạo đức, vô trách nhiệm. Tuy nhiên theo yêu cầu của nhiều giới, kết quả thanh tra hoạt động của bảo hiểm xã hội Việt Nam khiến người ta thấy cơ quan này cũng thiếu đạo đức và vô trách nhiệm không kém.
Năm 2014, cơ quan kiểm toán của chính quyền Việt Nam công bố kết quả kiểm toán bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo đó, tính đến năm 2013, việc lấy tiền trong quỹ bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp nhà nước vay đã làm quỹ bảo hiểm xã hội mất trắng 1,052 tỷ đồng. Chưa kể so với năm 2007 thì đến năm 2013, chi phí cho việc quản lý quỹ này đã tăng gấp năm lần. Từ 815 tỷ hồi 2007 mức chi tiêu để điều hành, duy trì hoạt động đã tăng năm lần thành 3,718 tỷ - tương đương 3% tổng thu.
Tổ chức lao động quốc tế từng dự đoán, với chính sách và lối quản lý điều hành như hiện nay, đến năm 2020, quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thâm thủng và đến 2014 sẽ vỡ. Lúc đó, những người đã và đang còng lưng đóng bảo hiểm xã hội sẽ không có lương hưu. (G.Đ)
Related news items:
Tin mới
- Cá nhiễm độc: Yêu cầu FDA kiểm nghiệm hải sản từ Việt Nam - 17/06/2016 01:09
- Hội An vơi dần những gánh hàng rong trưa nắng - 16/06/2016 01:12
- Phenol và giải pháp im lặng vẫn còn đó - 15/06/2016 21:32
- Ngư dân dài cổ chờ nhà nước hỗ trợ - 14/06/2016 15:10
- Hơn 1000 tín hữu giáo phận Vinh tiếp tục tuần hành bảo vệ môi trường - 12/06/2016 16:49
- Tìm thấy chất cực độc trong cá nục ở biển miền Trung - 12/06/2016 16:42
- Nhiều trẻ em ở Huế băng rừng sang Lào làm thuê - 10/06/2016 21:23
- Tại sao phải bưng bít thông tin? - 09/06/2016 23:39
- Xin hỏi bà Ninh Tôn Nữ: Động cơ nào… - 06/06/2016 17:18
- Hậu quả từ việc người Việt bán ‘nước cam tươi giả’ ở Thái Lan - 06/06/2016 17:06
Các tin khác
- Vì sao vẫn chưa công bố nguyên nhân cá chết? - 03/06/2016 00:46
- Người Trung Quốc đang lũng đoạn du lịch ở Nha Trang - 01/06/2016 23:57
- Xôi chiều ở Sài Gòn - 30/05/2016 19:42
- Nỗi lo của các thợ lặn Formosa Vũng Áng - 29/05/2016 00:45
- Câu chuyện một ngôi đền - 29/05/2016 00:04
- Trí thức tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức - 27/05/2016 21:20
- Giới trẻ nói về chuyến thăm của Tổng thống Obama - 27/05/2016 09:28
- Cà Mau đối mặt với nạn đói và trẻ hư hỏng do hạn hán - 24/05/2016 00:38
- Khánh Hòa ngộp thở vì người Trung Quốc - 24/05/2016 00:30
- Người Sài Gòn nói về biểu tình - 24/05/2016 00:21