Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người Sài Gòn nói về biểu tình


nguoisg noive bt 1
Người dân bị dồn ứ do các chốt chặn ở khắp nơi trên đường phố Sài Gòn. AFP photo


Trong thời gian gần đây, chuyện kêu gọi tuần hành, biểu tình bảo vệ biển miền Trung và bảo vệ môi trường xanh cho biển Việt Nam, rừng  Việt Nam diễn ra rất mạnh ở các tỉnh, trong đó mạnh mẽ nhất vẫn là Sài Gòn và Hà Nội, hai thành phố lớn của Việt Nam.

Một cư dân Sài Gòn không muốn nêu tên, hiện sống tại quận 1, chia sẻ: “Thật ra thì họ không đúng. Hiến pháp quy định có quyền biểu tình mà. Họ giải tán, đàn áp người biểu tình thì họ không đúng luật. Họ dùng thanh niên xung phong, các lực lượng khác, như thế là trái với hiến pháp…”

Theo vị này, phía nhà cầm quyền đã tìm cách chặn đứng các đoàn biểu tình Sài Gòn ngay từ khi mới hình thành bằng cách phong tỏa những người từng tham gia biểu tình, trong đó nhà của những trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo bị các nhóm an ninh mặc thường phục và các nhóm thanh niên xung phong, dân phòng mặc đồng phục đến chặn lối đi. Họ luôn làm khó khi những người này đưa con đến lớp, đi chợ hoặc đi bất kì nơi đâu.

    Đây là chuyện lớn, rất lớn. Vì chuyện này sẽ còn ảnh hưởng đến mấy chục năm. Chắc chắn đây là kế hoạch lâu dài của Trung Quốc, nó đầu độc, làm suy thoái cả một dân tộc.
    - Một bạn trẻ

Theo ông, đây là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn về quyền tự do đi lại của công dân. Trong khi đó, các đài, báo của nhà nước vẫn luôn ra rả nói về dân chủ, về quyền con người, về văn minh, phát triển… Nhưng chỉ mỗi việc biểu tình ôn hòa, thậm chí chỉ là tuần hành để bày tỏ lòng yêu nước, bày tỏ nỗi trăn trở về tương lai dân tộc một khi kẻ ngoại bang đang trắng trợn xâm lăng và bôi bẩn môi trường Việt Nam.

Ông cho rằng hành vi cản trở công dân biểu tình phản đối Trung Quốc, dù nhìn theo cách gì thì đó cũng là che đậy cho cái xấu. Và hành vi cản trở người khác đi ra đường thì rõ ràng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cho dù đó là cản trở người đi biểu tình.

Vị này muốn kêu gọi quốc tế cùng chung tay với người Việt Nam, đồng hành với các nhóm tuần hành yêu nước để giúp họ cất lên tiếng nói của tự do, khoa học và sự công bằng, văn minh. Ông cho biết thêm là hiện tại, những người từng tham gia biểu tình đang gặp những trục trặc và gò bó do an ninh Việt Nam cũng như nhà cầm quyền địa phương mang lại.

Ảnh hưởng trực tiếp đến người dân

Một bạn trẻ từng tham gia biểu tình nhiều lần, hiện sống tại quận 4, Sài Gòn, chia sẻ: “Đây là chuyện lớn, rất lớn. Vì chuyện này sẽ còn ảnh hưởng đến mấy chục năm. Chắc chắn đây là kế hoạch lâu dài của Trung Quốc, nó đầu độc, làm suy thoái cả một dân tộc. Biển miền Trung chẳng qua là bắt đầu thôi, rồi theo dòng hải lưu, rồi cả Phi Luật Tân, Thái Lan cũng sẽ bị thôi, rồi miền Nam cũng bị. Người dân đi biểu tình ôn hòa để chống ngoại bang thì tại sao lại đánh đập, bắt bớ người biểu tình…”

Theo bạn trẻ này, ý nghĩa của các cuộc biểu tình trong tháng Tư và tháng Năm cũng như nhiều tháng khác sau này là bày tỏ lòng thương yêu, chia sẻ nỗi khốn khổ của ngư dân miền Trung nói riêng và người dân miền Trung nói chung. Những người dân sống nơi khúc ruột miền Trung với thời tiết khắc nghiệt, điều kiện kinh tế khó khăn và luôn phải đối mặt với những tai họa do người Trung Quốc gây ra. Từ đâm chìm tàu cho đến bắt bớ, đánh đập, tán gia bại sản, mất đất vì những dự án của Trung Quốc.

nguoisg noive bt 2
Các chốt chặn được dựng lên trên đường phố Sài Gòn. RFA photo

Bạn này cho biết thêm rằng bên cạnh ý nghĩa này còn có một ý nghĩa khác cũng không kém phần quan trọng, đó là đánh thức lòng yêu nước của người Việt Nam để còn kịp cứu nước, kịp tránh khỏi nạn diệt vong. Bởi một khi ngư dân không có biển để đánh bắt vì Trung Quốc ám hại và xả độc xuống biển, nông dân không đồng ruộng để sản xuất vì các công trình thủy điện thượng nguồn do người Trung Quốc xây dựng … thì tương lai đói và diệt vong là điều khó tránh khỏi.

Chính vì vậy, bạn này cho biết rằng bạn sẽ chấp nhận mọi rủi ro, thậm chí mọi thương tật khi bị công an hay dân phòng, hay thanh niên xung phong đánh đập. Bởi bạn tin rằng khi máu của dân đã đổ, chí ít cũng một lần làm cho những người đồng bào đang là công an, dân phòng và thanh niên xung phong kia tỉnh ngộ, vì họ thừa biết qui luật nhân quả, họ sẽ tự chùng tay và suy nghĩ nhiều hơn về lòng yêu thương.

Ngược lại, nếu họ không làm được điều đó, vẫn tiếp tục gây đổ máu, theo bạn này, họ đang tự chuốc họa vào thân. Bởi vì chỉ riêng thành phố Sài Gòn với hơn sáu triệu dân, đến một lúc nào đó, khi những người thực thi công quyền làm đổ máu dân nhiều quá, liệu họ có đủ sức chống trả với sáu triệu dân đang ngày càng bất mãn và căm ghét họ. Bạn nói rằng bạn tin là nhà cầm quyền, ông Đinh La Thăng sẽ có sách lược hợp tình, hợp lý trong thời gian tới!

Một người sẵn sàng nêu tên nhưng chúng tôi lại không muốn nêu tên trong bài tường trình này, hiện sống tại quận 2, Sài Gòn, chia sẻ: “Đó là một thảm họa môi trường nghiêm trọng. Hiện nó chỉ mở có mấy van mà đã vậy huống gì đến khi nó mở xả thải toàn bộ. Cả ngư dân Philippin, Malaysia… cũng không đi đánh bắt được. Mục đích của nó là để độc chiếm biển Đông.”

Theo vị này, câu chuyện biểu tình của người dân là chuyện sẽ còn phát triển lâu dài và khó mà kìm hãm được. Bởi lẽ, theo ông thì câu chuyện biểu tình không chỉ dừng ở vấn đề chính trị đơn thuần mà còn liên quan đến dân tộc học, sự sống còn của một dân tộc, một quốc gia, sự an toàn về môi sinh cũng như tính đảm bảo an ninh lương thực và an ninh tâm lý của quốc gia.

Giải thích cho vấn đề vừa nói, vị này cho rằng nếu như các cuộc biểu tình trên thế giới chỉ đơn thuần là đạp đổ độc tài và xây dựng một chính thể mới thì dường như trong cuộc biểu tình của giới văn nghệ sĩ, trí thức và người dân Sài Gòn, động cơ chính trị rất thấp mà lại được đẩy mạnh bởi động cơ yêu nước, yêu dân tộc, chống ngoại bang xâm lăng và chặn đứng mọi mối nguy có thể dẫn đến nạn diệt chủng của dân tộc Việt Nam.

Vị này giải thích thêm rằng nói một cách tế nhị thì các cuộc biểu tình sắp tới còn liên quan trực tiếp tới chén cơm, manh áo của hàng trăm triệu con người Việt Nam. Nhưng ông cũng đặt câu hỏi tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại không nhìn thấy điều này mà còn ngăn cản, đàn áp?

Vị này muốn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để kêu gọi nhà cầm quyền hãy cúi xuống nhìn nỗi thống khổ của người dân mà thương người dân của mình, đừng để bạo lực đi quá xa! Ông đã kết thúc cuộc trò chuyện bằng câu này.

Switch mode views: