Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Những xà ích cô đơn trên đất Hồng Lĩnh


Nếu như trước đây ngót nghét trăm năm, xe thổ mộ (xe ngựa) là một phương tiện đi lại có tốc độ tương đối nhanh và phổ biến trên đất phương Nam thì bây giờ xe thổ mộ trở thành dấu ấn xưa cũ, như một kỷ niệm của miền Nam một thuở.

Tuy nhiên, đâu đó trên đất Bắc và miền Trung, xe ngựa vẫn hiện hữu giữa đời thường như một phương tiện khá thân thiện, phổ biến, an toàn và dễ đi nhất.


xaich honglinh 1Buổi sáng của một người xà ích ở ngã ba Hồng Lĩnh.


Ðến Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, đi đâu cũng có thể bắt gặp những chiếc xe ngựa lộc cộc buông vó trên đường theo tiếng nhạc leng keng... leng keng...


Sạch và an toàn


Ở Thanh Hóa có làng xe ngựa núi Nhồi, vào những năm cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1990, đây là nơi cung cấp xe ngựa và ngựa thồ cho tỉnh Thanh Hóa. Ðến những năm cuối thập niên 1990, làng xe ngựa núi Nhồi dời về cầu Cốc trên đường Lê Lai, thành phố Thanh Hóa. Ðây được xem xe là “thủ phủ xe ngựa” của Thanh Hóa cho đến nay.

Và nếu như làng xe ngựa cầu Cốc, Thanh Hóa, tạo cho du khách cảm giác về một điều gì đó xa xưa, mang dấu vết ký ức hay các chuyến xe ngựa ở Nghệ An cho người bắt gặp cảm giác cổ tích, lẻ loi thì làng xe ngựa ở ngã ba thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, lại tạo ra không khí rất riêng, vừa hiền hòa, tĩnh lặng lại vừa có chút gì đó rất năng động.

Những con ngựa thồ đứng trầm lặng nơi ngã ba xuôi ngược xe cộ và những người xà ích ngồi nhâm nhi cà phê trong quán, thỉnh thoảng ôm một ít cỏ bỏ cho ngựa ngoài ngã ba, rồi lại ngồi đánh cờ, uống trà đá, chờ ai đó đến gọi thì đánh xe đi chở hàng.

Nhóm thồ gồm mười lăm xe ngựa. Những phu xe đến từ các vùng quê hẻo lánh và từ trên núi. Hai phần ba số họ là người trên núi chuyển xe ngựa xuống đồng bằng để chở hàng thuê. Trong số đó có hai người dân tộc Mường.

Làng xe ngựa bắt đầu hoạt động từ 3 giờ sáng. Ðến 7 giờ tối họ cho ngựa về chuồng hoặc nghỉ ngơi ở các bãi cỏ gần thành phố. Chủ xe tháo ngựa, buộc vào gốc cây và tựa xe vào một điểm nào đó lấy thăng bằng, biến xe thành chiếc giường ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, bắt đầu từ 3 giờ, ngựa và người đều thức dậy, di chuyển đến ngã ba Hồng Lĩnh, gần khu chợ Hồng Lĩnh.


xaich honglinh 2Xe ngựa ngày vắng khách.


Ðến nơi, họ cho ngựa và xe đứng dọc bên lề đường, còn chủ xe thì vào quán cà phê, ngồi uống chè xanh, hút thuốc lào, người nào có nhiều tiền thì uống ly cà phê. Vvới người từ Hà Tĩnh ra đến Ải Nam Quan, thói quen uống trà hoặc chè xanh, hút thuốc lào buổi sáng thành một điệu sống, việc uống cà phê là chuyện khá “xa xỉ.”

Rồi lại ngồi chờ có ai đó nhờ chở chuyến hàng sớm hoặc có ai đó gọi điện thoại, hẹn đến một điểm nào đó để chở hàng. Mỗi khi trong nhóm có người nhận được mối chở hàng thì cả nhóm đều vui mừng. Cung cách của những phu xe đối xử với nhau vừa gần gũi, vừa thân thiện lại vừa có chút gì đó đồng cảm với nhau, dường như họ thấu hiểu cái nghèo của nhau nên sống rất tự nhiên, chí tình.

Khi chúng tôi tiếp xúc với một phu xe tên Tuấn cũng là lúc trong nhóm có người mới nhận được mối chở sắt thép, đi chừng 10km với giá bảy mươi ngàn đồng, vị chi mỗi cây số chở hàng, người xà ích nhận được bảy ngàn đồng. Anh Tuấn cười vui vẻ: “Như vậy là đã mở hàng được rồi đấy! Nghề này đói mà vui!”

“Có thể nói xe ngựa là phương tiện vận chuyển sạch nhất và an toàn nhất hiện nay. Xe ngựa có nhiều cái nhất lắm, ngoài sạch nhất, an toàn nhất, còn nghèo nhất và buồn nhất nữa. Nói sạch nhất vì xe ngựa không thải khói độc vào môi trường, an toàn nhất vì từ xưa tới này, chưa có vụ tai nạn nào do xe ngựa gây ra. Còn nghèo nhất và buồn nhất thì...”


Ðời phu xe, đời cần lao


Anh Tuấn bỏ dở câu nói, ngồi nhấp một ngụm trà, rít một ngao thuốc lào rồi nhìn ra đường. Dường như trong ánh mắt thân thiện và vui vẻ của anh có chút gì đó trắc ẩn, buồn sâu thẳm.

Khi chúng tôi hỏi về việc chăm sóc ngựa và mức thu nhập trung bình của người phu xe cũng như đời sống gia đình, anh buồn bã kể thật: “Mình đánh ngựa đi thồ, mình nuôi nó rồi lợi dụng sức nó, chắc nó cũng buồn lắm, mà tụi mình cũng có vui gì đâu. Gia đình thì chật vật lắm!”


xaich honglinh 3Rong ruổi trên đường kiếm cơm.


“Ða phần anh em xe ngựa là nghèo, giàu có chẳng ai chọn nghiệp phu xe đâu! Dành dụm vốn liếng để mua con ngựa, nói thì nghe buồn chứ mua ngựa là một lựa chọn hơi ác, cũng vì mình nghèo quá thôi. Thường thì mua một con ngựa để thồ có giá từ hai chục đến bốn chục triệu đồng, nuôi chừng hai năm là bắt đầu đi thồ kiếm cơm.”

“Nghề này bây giờ ế ẩm lắm rồi, chủ yếu là thồ hàng thôi chứ ít có người đi ngựa thồ vì tốc độ phi nước kiệu chưa được hai chục cây số mỗi giờ khó ăn khách lắm. Nhưng nuôi ngựa thồ được cái là kiếm ăn hằng ngày, có tiền mua gạo mắm, nếu trúng quả thì để dành chút đỉnh. Gần đây thì khó để dành lắm vì mỗi ngày được có ngót nghét trăm ngàn đồng, có bữa không tới.”

“Mỗi ngày chi phí cho ngựa ăn hết hai chục ngàn đồng gồm tiền mua cám, mua chuối và đường, còn lại thì mình cho ngựa ăn cỏ. Bữa nào người được trên trăm ngàn đồng thì ngựa được trên hai chục ngàn đồng cho việc ăn uống, bữa nào ế quá thì ngựa ăn cỏ. Bây giờ xe ôm, taxi, xe tải nhỏ nhiều quá, ít ai chọn ngựa thồ.”

“Nói thì ác mồm, ngựa thồ sau khi chạy thồ, không sợ lỗ vốn. Ðến khi ngựa hơi già, hết chạy thồ được, mình mang nó đi bán ngựa thịt, cũng lấy được tiền vốn ban đầu nếu không tính chuyện tiền rớt giá. Có nhiều con ngựa khôn lắm, bán nó mà đứt ruột đứt gan. Nhưng không bán thì mình đói. Phải bán để mua con khác trẻ hơn mà tiếp tục chạy thồ...”

“Ngựa nó có tâm hồn, có linh cảm và suy nghĩ gần với con người lắm. Mình buồn thì nó cũng buồn, mình vui thì nó cũng vui. Trong một đàn, nếu có con nào đi không nổi nữa, bị bán xả thịt thì cả đàn bữa đó chạy ì ạch, buồn tẻ lắm. Thú thực là khi nhắc đến chuyện này, tôi chỉ biết buồn và mong sao mình chết trước con ngựa.”

“Khổ nỗi là con ngựa nó có tuổi thọ cũng ngắn hơn con người. Chính vì vậy mà một đời phu xe, có khi chứng kiến đôi lần ngựa mình bị lò mổ mang về, đây là cảm giác đáng sợ nhất! Nhưng cái nghèo không cho phép chúng tôi thủy chung với vật nuôi đồng thời là ân nhân giúp mình sống qua ngày nữa...”

Nói đến đây, anh Tuấn tạm ngừng câu chuyện bởi có khách gọi đi chở sắt từ thị xã về nông thôn cách đó ba chục cây số. Như vậy nghĩa là anh trúng quả đậm, chắc chắc kiếm được trên hai trăm ngàn đồng cho buổi sáng. Nhưng không hiểu sao dáng đi của anh lúc tạm biệt chúng tôi nghe nặng trĩu.

Và tiếng nhạc ngựa rung lên nghe không còn vui nhộn mà trầm bổng, ray rứt, có chút gì đó ta thán, khó nói. Những con ngựa khác vẫn đang đứng im hơi nơi ngã ba để đợi chuyến hàng.

Switch mode views: