Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháo bông, nghề chơi cũng lắm công phu!

 

Hàng ngàn thành phố lớn nhỏ trên toàn quốc Hoa Kỳ sẽ bắn pháo bông theo truyền thống từ hơn 200 năm vào ngày Lễ Ðộc Lập và dân chúng cũng có thể mua pháo bông đốt chơi. Cảnh tượng nơi đâu cũng nhìn thấy pháo bông lớn nhỏ nổ sáng trên bầu trời đêm là hình ảnh đặc biệt Mỹ của ngày July 4th.

Tuy nhiên cũng có không ít những người chỉ trích phê phán vì tiếng động và khói, về ảnh hưởng ô nhiễm không khí và những tai nạn có thể xảy ra do pháo bông.

phaobong 1Pháo bông ở Austin, TX,  ngày Lễ Độc Lập năm ngoái, cho thấy hai loại pháo bông - gắn trên mặt đất và phóng lên không trung - nổ cùng lúc. (Hình: Koke FM via AP, File)

Nhật báo USA Today, dẫn kết quả của một nghiên cứu khoa học mới nhất, nói là pháo bông làm cho bầu khí quyển trên khắp nước Mỹ trở nên độc hại trầm trọng. Theo EPA, cơ quan bảo vệ môi trường liên bang, những phân tử rất nhỏ, cỡ 2.5 micron (1 phần triệu của một mét) nghĩa là khoảng 1/30 bán kính sợi lông, do pháo nổ tung ra trên bầu trời, khi đi vào đường hô hấp tới phổi của mọi người gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe.

Bản nghiên cứu do cơ quan hải dương và khí tượng liên bang NOAA thực hiện cho EPA, cũng xác định rõ không khí độc hại nhất trong thời gian từ 9 đến 10 giờ đêm 4 tháng 7, nhưng giảm nhanh và trở lại mức bình thường vào buổi trưa ngày hôm sau.

Trong khói pháo và bụi có các phần còn lại từ những chất bị đốt cháy hay không cháy hết, bao gồm than, lưu huỳnh và nhiều thành phần hóa chất khác của thuốc pháo. Chẳng hạn để có ánh sáng màu xanh lá, phải dùng các hỗn hợp muối barium kể cả loại không độc và độc. Những màu sắc khác cũng đều do muối của các kim loại nặng tạo ra, aluminium ánh sáng bạc, lithium đỏ, sodium vàng, đồng xanh dương... Không có kết luận dứt khoát trong các tranh luận về vấn đề ô nhiễm không khí, bởi lẽ khó phân biệt mức độ gây ô nhiễm do từ rất nhiều nguyên nhân khác và pháo bông chỉ có ít tác dụng vì không phải là thứ được thường xuyên sử dụng.

Thuốc súng đen được phát minh khoảng thế kỷ thứ 7 ở Trung Quốc dưới triều đại nhà Ðường và các nhà hàng hải Á Rập đem phương pháp này truyền bá qua Tây Phương vào thế kỷ 13. Ðó là một hỗn hợp của lưu huỳnh, than và diêm tiêu - hay potassium nitrate KNO3 - lấy từ phân khô của loài dơi. Ðược sử dụng rất sớm vào hai mục tiêu gây tiếng nổ nếu nhồi trong ống tre bịt kín hai đầu và phóng lửa đi xa tức là hỏa tiễn nếu một đầu để ngỏ cho lửa cháy thoát ra.

Các kỹ thuật ấy đầu tiên sử dụng với mục đích quân sự, dần dần được phát triển trong dân sự thành pháo nổ và pháo thăng thiên, chỉ bay vọt lên cao. Sau đó pháo thăng thiên có thêm ngòi làm nổ trên không và tung ra nhiều màu sắc đẹp mắt nhờ các hóa chất trộn bên trong. Người Trung Hoa từ nhiều trăm năm đã đốt pháo nổ và pháo bông trong các lễ hội, tới thế kỷ 17 ngành này mới phát triển thông dụng ở các nước Tây Phương. Ðến nay trong ngành pháo bông có nhiều tiến bộ chuyên môn về thuốc nổ, màu sắc cũng như cách phát nổ và cháy của một trái pháo hay phối hợp nhiều trái pháo.

Những cuộc thi pháo bông được tổ chức hàng năm ở nhiều quốc gia trong đó nổi tiếng nhất là tại Montreal, Canada và Cannes, Pháp. Australia, Philippines, thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc và Ðà Nẵng, Việt Nam từ ít năm gần đây, cũng là những nơi diễn ra những cuộc thi hào hứng có sự tham gia của nhiều đội pháo bông quốc tế.

Pháo bông gồm hai loại chính: nổ trên cao và đặt trên mặt đất, có thể là cháy phun ra những tia sáng nhiều màu sắc, hoặc cháy sáng thành nhiều hình ảnh linh hoạt - kiểu này bây giờ hiếm thấy. Ngày nay hầu hết pháo bông là loại nổ trên cao. Pháo tự cháy và phóng lên cao cũng ít hơn là pháo được phóng bằng ống như kiểu súng cối.

Ngoài những pháo bông nhỏ do cá nhân đốt chơi, những cuộc trình diễn pháo bông quan trọng không còn đốt bằng cách châm lửa nữa, mà toàn bộ được kích hoạt bằng điện theo một chương trình định sẵn với sự điều khiển qua computer.

Theo sách kỷ lục Guinness, ngày 8 tháng 5 năm 2010, tại Cebu, Philippines, 125,801 trái pháo bông được đồng loạt phóng lên không chỉ trong vòng 30 giây, lập kỷ lục thế giới. Nhưng cuộc đốt pháo bông lớn nhất từ trước đến nay là tại Sogne, một thành phố nhỏ ở Na Uy, ngày 29 tháng 11 năm 2014, kỷ niệm 200 năm Hiến Pháp của quốc gia Bắc Âu này bằng 540,382 trái pháo nổ liên tiếp trong 90 phút.

Hoa Kỳ không chú trong nhiều đến những trình diễn đặc biệt nên không có các màn đốt pháo bông nổi tiếng thế giới như Harbor Bridge, Sydney, tháp Eiffel, Paris hay cao ốc Taipei 101, Ðài Loan. Những màn pháo bông đẹp mắt nhất - ngày Lễ Ðộc Lập hay Tết Dương Lịch - là ở Las Vegas với sự phối hợp của các hotels-casinos.

Tranh luận về an toàn, sau khi người ta đã thấy pháo bông đưa đến nhiều tai nạn bất ngờ cho người sử dụng cũng như người quan sát, là mối quan tâm chính của nhà chức trách Hoa Kỳ. Liên bang có những quy định tổng quát về những loại pháo bông được phép bán cho dân chúng, nhưng tiểu bang và các địa phương có quyền thi hành các luật lệ riêng phù hợp. Một số tiểu bang như New Jersey, Massachusetts, Delaware, cấm dân chúng chơi pháo bông.

Nhiều tiểu bang khác cho phép chơi pháo bông chỉ trong một ngày 4 tháng 7. Ngược lại New Hampshire, South Dakota, South Carolina, Tennessee, cho phép bán và mua các loại pháo bông hợp pháp bất cứ lúc nào. Cũng có tiểu bang cấm dân chúng dùng loại pháo bông phóng lên cao, hoặc lên quá một giới hạn ấn định, chỉ được dùng pháo bông không rời khỏi mặt đất.

Hội Ðồng Thành Phố Westminster năm nay mới biểu quyết 5-0 cho phép bán pháo bông, dùng trong một ngày 4 tháng 7 từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối. Năm 1990, Westminster cấm bán pháo bông cho dân chúng, sau khi đã được phép bán từ 1966. Như vậy Westminster ở trong số 5 thành phố quận Cam mới cho phép pháo bông trở lại, bao gồm Costa Mesa, Garden Grove, Santa Ana, Buena Park.

Westminster cho các quầy bán được dựng lên ở 15 địa điểm và ưu tiên cấp giấy phép cho các tổ chức bất vụ lợi để có thể gây quỹ bằng tiền lời, Các quầy chỉ bán trong 5 ngày từ 30 tháng 6 và phải dẹp trước ngày 9 tháng 7.

Phantom Fireworks là công ty lớn nhất tại Hoa Kỳ sản xuất pháo bông cung cấp cho nhiều cơ quan chính quyền, tổ chức và các cơ sở thương mại bán lại cho dân chúng vào dịp Lễ Ðộc Lập. Website của Phantom nói rằng ngoài trụ sở chính đặt tại Youngstown, Ohio, công ty có hơn 1,200 cơ sở sản xuất ở gần 40 tiểu bang trên toàn quốc. Pháo bông của Phantom bán cho dân chúng đều có dán nhãn xác nhận đủ an toàn của chính quyền và hợp pháp.

Walt Disney Company là nhà tiêu thụ pháo bông nhiều nhất thế giới bởi lẽ mỗi tối - ngoại trừ mùa Ðông - Disneyland ở California và Disney World ở Florida đều có 15 phút pháo bông. Từ 1999, Walt Disney World đã sử dụng ống phóng bằng hơi ép thay cho ống phóng dùng chất nổ như súng cối. Lợi điểm của phương pháp này là giảm bớt khói và có độ chính xác về tầm cao, để trái pháo nổ bằng đồng hồ điện tử thay vì bằng ngòi nổ. Công ty cũng phối hợp với các nhà sản xuất ở Trung Quốc, nước sáng chế và trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay là nước cung cấp pháo bông nhiều nhất cho các nước trên thế giới, để quy định tiêu chuẩn an toàn và nghiên cứu cải thiện những điều kiện giảm tác động đến môi trường.

Switch mode views: