Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

'Người viết thư thuê cuối cùng' ở Bưu Ðiện Sài Gòn


SÀI GÒN (NV) - Một buổi chiều cuối năm, tôi ghé lại Bưu Ðiện Trung Tâm Sài Gòn tìm “người viết thư thuê cuối cùng” như cách thiên hạ hay nói về ông Dương Văn Ngộ.

Giữa không gian rộng lớn, tấp nập người qua lại, ông già tóc bạc quắc thước ngồi đó với gương mặt khắc khổ, bộ dạng lẻ loi, quê mùa.

Sự hiện diện của ông có phần lạc lõng như chính cái nghề viết thư hộ trong bối cảnh thời đại mà người người đều xài e-mail hay mạng xã hội.

duongvanngo vietthu 1Ông Dương Văn Ngộ trò chuyện với các du khách ngoại quốc tại Bưu Ðiện Trung Tâm Sài Gòn. (Hình: Luke Bùi/Người Việt)

'Ông già di sản'

Buổi chiều hôm ấy, có lẽ ông Ngộ không gặp may vì chẳng có vị khách nào đến nhờ ông làm công việc thường ngày. Tuy vậy, ông lại bận rộn không ngớt với những đoàn du khách ngoại quốc đến cách nhau chừng 15 phút.

Hết đoàn khách Pháp, Mỹ lại đến nhóm người Nhật, Hàn Quốc. Mỗi khi gặp người nói tiếng Pháp hoặc Anh, ông già lại thao thao bất tuyệt bằng vốn ngoại ngữ ông đã tích lũy từ hơn nửa thế kỷ trước.

Ông hãnh diện cho biết mình học tiếng Pháp trong trường Pétrus Ký và tiếng Anh từ binh lính Mỹ. Ông kể cho họ nghe về bưu điện trước đây thế nào, sau này đã thay đổi ra sao, ông đã làm nghề này bao lâu... Gặp những người nói các thứ tiếng khác, ông vẫn “nói chuyện” bằng cách cho họ xem các bài báo viết về ông bằng ngôn ngữ của họ.

Có lẽ ngoài sự hiếu kỳ, những đoàn du khách tìm đến ông già 85 tuổi là vì ông là di sản sống động, gắn liền với tòa nhà bưu điện được xây từ cuối thế kỷ 19.

Ông Dương Văn Ngộ ngồi viết thư thuê tại Bưu Ðiện Trung Tâm Sài Gòn từ 8 giờ 30 đến 4 giờ chiều mỗi ngày với thù lao khoảng 10,000 đồng/trang giấy.

Người nào muốn viết thư cho ông chỉ cần đề địa chỉ người nhận là: “Người viết thư thuê Bưu Ðiện Trung Tâm Sài Gòn” vì ông là người duy nhất làm nghề này ở đây.

Khi tôi tò mò hỏi, ông có chạnh lòng không khi hết đoàn này đến đoàn khác vây lấy ông hỏi han, chụp hình nhưng không ai trả tiền cho khoảng thời gian bị mất?

Ông Ngộ cười hiền: “Ðược nói chuyện với họ, giải thích cho họ những chi tiết về kiến trúc bưu điện ngày ấy và bây giờ cũng là niềm vui với tôi. Nói thật, tôi chỉ mong du khách đến đây coi tôi như một người bạn già có hiểu biết, trải nghiệm lâu năm ở Bưu Ðiện Sài Gòn và muốn kể lại cho người khác nghe, vậy thôi. Mà du khách cũng dễ thương lắm, lâu lâu lại có người gửi tặng tôi những tấm ảnh, bài báo viết về tôi ở nước họ hoặc một vài món quà nhỏ như chiếc kính lúp để tôi nhìn chữ rõ hơn...”

Bưu điện không có yếu tố chính trị?

Ông Ngộ kể mình gốc người Triều Châu, Trung Quốc, nhưng sinh ra ở khu Phú Lâm, Chợ Lớn. Ngược dòng thời gian, do nhà nghèo, ông đã nghỉ học từ sớm và đi làm từ năm 16 tuổi. Khoảng năm 1946, chàng thanh niên ấy nhận việc giám sát lao công ở Bưu Ðiện Thị Nghè. Ðến năm 18 tuổi, ông được nhận vào làm ở quầy trong Bưu Ðiện Trung Tâm Sài Gòn.

duongvanngo vietthu 2Ông Dương Văn Ngộ viết tặng nhà báo vài dòng làm kỷ niệm. (Hình: Luke Bùi/Người Việt)

Ông già bảo là mình làm nhiều công việc trong bưu điện nhưng không phải bưu tá như lâu nay các báo khác hay viết về ông. Ðặc biệt, mỗi khi trò chuyện với du khách, ông đều nói với giọng rất tự hào là mình được tín nhiệm tín nhiệm làm thủ quỹ tại bưu điện thời chính quyền Sài Gòn và tiếp tục công việc này sau năm 1975. Do vậy mà ông khẳng định chắc nịch rằng bưu điện không có yếu tố chính trị, những người làm ở đây cần mẫn từ năm này qua năm khác mà không quan tâm đến thế sự.

Tuy vậy, ông thoáng chút bối rối khi tôi cắc cớ hỏi: “Vậy chứ ông có nhớ Bưu Ðiện Sài Gòn trước năm 1975 có treo hình tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ở vị trí treo hình ông Hồ bây giờ hay không?”

Thay cho câu trả lời, ông Ngộ tiết lộ một chi tiết khá thú vị: Bưu Ðiện Sài Gòn trước năm 1975 có treo ba cái đồng hồ không có dây thiều, chạy bằng điện. Những người Sài Gòn thời trước đều biết chuyện này. Sau biến cố 30 Tháng Tư, người của Bưu Ðiện Hà Nội đã vào lấy đi một cái nên hiện giờ tòa nhà này chỉ còn treo hai cái đồng hồ.

Hay được khách hàng nhờ viết... thư xin tiền

Tôi nhìn qua “đồ nghề” của ông bày cạnh tấm bảng đề “Nơi chỉ dẫn và viết giúp.” Ðó là hai quyển từ điển cũ, tập tài liệu về mã bưu điện các nước, tập lưu lại các bài báo nhiều thứ tiếng viết về ông, album ảnh lưu niệm do du khách ngoại quốc gửi tặng, bưu thiếp... Ông già phân loại và giữ gìn chúng cẩn thận.

Cái duyên làm người viết thư thuê của ông Ngộ bắt đầu vào năm 1990, thời điểm ông nghỉ hưu mà vẫn lưu luyến không gian làm việc mỗi ngày.

Ông giải thích nghề viết thư thuê tại Việt Nam có thể khá lạ lẫm nhưng người nước ngoài rất quen thuộc với người làm “public writer.” Theo ông, “người viết thư cho công chúng” làm việc trên tinh thần phục vụ nên nhận phí dịch vụ tùy lòng hảo tâm của mỗi người.

Ông Ngộ khiến tôi bất ngờ khi cho biết ông không nhận viết thư bằng tiếng Việt vì “tiếng mẹ đẻ ai viết chẳng được, nhờ tôi làm chi cho tốn tiền?” Ông chỉ nhận dịch và viết thư bằng tiếng Anh, Pháp, cũng như tư vấn dịch vụ làm giấy tờ hôn nhân với người nước ngoài. Do vậy, ông không nhận viết thư cho người Việt ở Mỹ, ngoại trừ trường hợp người đó có chồng/vợ/con dâu/con rể là người nước ngoài.

Tuy làm một công việc khá đơn giản nhưng ông Ngộ “bật mí” với tôi rằng ông có những nguyên tắc nghề nghiệp của riêng mình.

duongvanngo vietthu 3Góc làm việc của người viết thư thuê cuối cùng tại Bưu Ðiện Trung Tâm Sài Gòn. (Hình: Luke Bùi/Người Việt)

Ðó là, việc hôm nào làm xong hôm đó không hẹn lại ngày mai (một phần vì tuổi ông đã cao, ngày hôm sau không biết còn khỏe để đi làm hay không); chỉ nhận dịch những thư có lời lẽ tích cực, thể hiện sự tôn trọng với người nhận; luôn hỏi rõ khách hàng về mức độ thân sơ với người nhận thư để có sự biểu đạt tốt nhất, giữ kín thông tin mà khách hàng trao đổi qua thư...

Ðáng lưu ý, ông không bao giờ nhận viết những lá thư có nội dung gây hiềm khích, bêu riếu, kích động nhau.

Trái với dự đoán của tôi, trong 25 làm nghề này, một trong những dạng thư mà ông Ngộ thường được yêu cầu viết là... thư xin tiền, chứ không phải thư tình. “Nhưng thư xin tiền dù mình viết khéo mấy cũng khó đạt kết quả lắm, vì tiền nơi xứ người đâu phải dễ kiếm, phải không chú?,” ông già cười hóm hỉnh tiết lộ thêm.

Ði làm không hẳn vì mưu sinh

Gương mặt buồn buồn của ông già tuổi 85 chợt sáng lên khi tôi hỏi bí quyết sống lâu minh mẫn. Ông bảo rằng tuy sống lâu là chuyện trời cho, nhưng bản thân mình cũng phải siêng năng vận động tay chân giúp cho máu lưu thông tốt. Mỗi ngày, ông đều cần mẫn đạp xe sáng đi chiều về.

Tuy thu nhập từ công việc viết thư thuê không nhiều nhặn, nhưng ông vui là mình không phải sống phụ thuộc vào con cháu.

“Ở nhà không làm gì, buồn tay buồn chân lắm, lên đây làm việc, gặp người này người kia, tôi thấy mình sống có ích. Với lại, tôi cũng muốn cho nhiều người thấy rằng dù đời sống hiện đại đến đâu, những lá thư tay vẫn giữ được cái hồn, nét chữ và trang giấy cầm trên tay thể hiện được tình cảm của người gửi hơn hẳn những dòng chữ vô hồn trong e-mail,” ông nói.

Trước lúc trò chuyện với ông Ngộ, tôi đã kịp để ý mặt ngoài bưu điện đang được sơn lại màu vàng nhạt hơn sau khi bị dư luận phản ứng kịch liệt vào cuối Tháng Giêng 2015. Khi tôi hỏi ông nghĩ gì về màu sơn mới, ông già có vẻ dè dặt, dường như ông ngại nói thật suy nghĩ của mình vì sợ đụng chạm đến người khác, sợ những người quản lý ở đây sẽ không muốn ông tiếp tục ngồi ở đây. Ông chỉ nói ngắn gọn: “Tôi thấy màu sơn đậm kỳ quá, màu lợt thì hay hơn!”

Gần đây, nhà báo Trung Bảo viết trên Facebook rằng: “Cũng như cái Bưu Ðiện Trung Tâm, ông già viết thư có thể coi như một di sản văn hóa của Sài Gòn. Có khi nào, lãnh đạo bưu điện có ý nghĩ nhận ông già làm một nhân viên danh dự chưa? Nếu làm vậy, dù bưu điện có được sơn màu gì thì vẫn đẹp.”

Khi tôi chào tạm biệt, ông Ngộ cẩn thận hỏi lại tên tôi rồi viết tặng mấy chữ “Ðể kỷ niệm ngày nhà báo đến phỏng vấn tôi.” Nét chữ rất thẳng và đẹp, không có vẻ gì là của một ông già đã ở tuổi xưa nay hiếm!

Switch mode views: