Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Âu họp khẩn sau khi Đan Mạch tăng kiểm soát biên giới

Kastrups-Copenhagen

Nhân viên an ninh Đan Mạch kiểm tra giấy tờ của hành khách tại nhà ga Kastrups, Copenhagen 05/01/2016.
REUTERS /Bjorn Lindgren/TT News Agency

Cách nay hai hôm, tiếp theo Thụy Điển, Đan Mạch tái lập kiểm soát biên giới, để đối phó với làn sóng nhập cư qua ngả nước Đức.

Trước các diễn biến trực tiếp đe dọa Hiệp định tự do đi lại Schengen, Ủy ban Châu Âu có cuộc họp khẩn vào hôm nay, 06/01/2016.

Theo người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu, thành phần tham gia cuộc họp hôm nay là Ủy viên Châu Âu phụ trách di trú, Dimitris Avramopoulos, Bộ trưởng Tư pháp và Di trú Thụy Điển Morgan Johannson, Bộ trưởng phụ trách nhập cư Đan Mạch Inger Stojberg, Quốc vụ khanh Đức phụ trách Nội vụ Ole Schroder.

Mục đích chính thức của buổi làm việc là « cải thiện sự phối hợp giữa các nước liên quan, nhằm đảm bảo quản lý tốt hơn áp lực nhập cư », theo AFP.  

Ngay sau khi Đan Mạch và Thụy Điển tái lập các trạm kiểm soát biên giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo : Không gian Schengen « đang lâm nguy ».
Việc Đan Mạch tái lập kiểm soát biên giới với Đức, xảy ra sau khi Thụy Điển quyết định tăng cường kiểm soát các chuyến tàu và xe ca đến từ Đan Mạch qua cầu Oresund.
 Copenhagen lo ngại người di cư không giấy tờ bị Thụy Điển từ chối sẽ bị kẹt lại tại nước này.

Theo Ủy ban Châu Âu, « thoạt nhìn, quyết định (của Đan Mạch) tôn trọng các quy tắc » của không gian Schengen, theo đó việc kiểm soát biên giới nội khối có thể được tiến hành vào một thời điểm nhất định, trong các bối cảnh đặc biệt.
Người phát ngôn Ủy ban Châu Âu cho biết sẽ theo dõi sát tình hình. Châu Âu cũng đang thẩm định tính hợp pháp về phía Thụy Điển.

Đức tiếp nhận 1,1 triệu đơn xin tị nạn năm 2015

Hôm nay, chính phủ Đức thông báo con số chính thức đơn xin tị nạn năm 2015 là khoảng 1,1 triệu người, cao gấp năm lần so với năm 2014.

Bộ trưởng Nội vụ Đức nhấn mạnh, để đối mặt với làn sóng nhập cư khổng lồ này, chính quyền liên bang sẽ hỗ trợ cho Cơ quan nhập cư và tị nạn liên bang (BAMF) 4.000 cộng tác viên.
Chính quyền Đức cũng tài trợ cho các địa phương đón tiếp người nhập cư, theo mức mỗi người xin tị nạn được 670 euro/tháng.

Vẫn theo Bộ trưởng Đức, chính quyền sẽ cố gắng để số lượng người xin tị nạn tại Đức giảm trong những tháng tới.
Làn sóng tị nạn khổng lồ, chủ yếu đến Đức, khiến Thủ tướng Angela Merkel lần đầu tiên chịu nhiều phê phán từ dư luận trong nước, trong những tuần gần đây, ngay cả trong nội bộ liên minh cầm quyền.

Switch mode views: