Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đài Loan muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng vẫn giữ quy chế độc lập

CHINA-TAIWAN

Phái đoàn Đài Loan tại khu mộ Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 12/10/2014
REUTERS


Lần đầu tiên kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền tại Trung Hoa lục địa, năm 1949, một phái đoàn cấp cao của Đài Loan đã tới Nam Kinh, ngày hôm qua 11/02/2014, bắt đầu chuyến công du chính thức Trung Quốc trong vòng bốn ngày.

Ngay trong ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm « lịch sử » này, hai bên đã đạt được đồng thuận về việc mở văn phòng liên lạc, càng sớm càng tốt, tại Đài Loan và Trung Quốc.

Các cuộc thảo luận tại Nam Kinh là một bước tiến lớn trong tiến trình thầm lặng bình thường hóa quan hệ song phương, được khởi đầu cách nay khoảng hai chục năm.

Theo giới quan sát, Bắc Kinh và Đài Bắc đã dàn xếp từng chi tiết cho cuộc gặp chính thức đầu tiên này.

Chuyến viếng thăm diễn ra vào dịp Tiết Nguyên Tiêu, (Yuan Xiao – 15 tháng Giêng âm lịch), với lễ cầu mong hòa giải và đoàn tụ gia đình.

Nơi tiến hành đàm phán cũng mang tính biểu tượng : Nam Kinh vốn là thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc, trước khi chính quyền Tưởng Giới Thạch rút chạy sang Đài Loan, năm 1949.

Đối với Bắc Kinh, thiết lập tiếp xúc trực tiếp giữa các cơ quan của hai bên là nhằm đề cập đến các vấn đề chính trị.

 Cho đến nay, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu vẫn từ chối mở đối thoại chính trị, lo ngại là khả năng hành động bị thu hẹp và buộc phải thảo luận vấn đề hòa giải với Trung Quốc.

Xu hướng chung tại Đài Loan là thận trọng, cảnh giác : Không tiến hành các thảo luận chính trị nếu chưa giải quyết được vấn đề bảo đảm an ninh cho Đài Loan, bởi vì gần 800 tên lửa của Trung Quốc vẫn chĩa vào Đài Loan và Bắc Kinh thường xuyên đe dọa, nếu cần, sẽ dùng vũ lực đánh chiếm đảo.

Thông tín viên RFI trong khu vực, Florence de Changy, nhận định :

« Chi tiết đầu tiên mà người dân Đài Loan ghi nhận trong cuộc gặp chính thức giữa hai quan chức Trung Quốc và Đài Loan phụ trách quan hệ song phương, đó là việc các quan chức này sử dụng chức danh chính thức của mình.

Chi tiết này rất quan trọng đối với Đài Loan, vì thông thường trong các cuộc gặp trước đây, Đài Loan không được dùng tên gọi chính thức để không làm phật ý Trung Quốc. Ví dụ, trong các Thế Vận Hội, Đài Loan có tên là Đài Bắc Trung Quốc, chứ không dùng tên Đài Loan hoặc tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, hay không có cờ của Đài Loan trong các phòng họp chính thức.

Vấn đề là cuộc gặp này gây lo ngại chứ không tạo sự hào hứng tại Đài Loan. Người dân trên đảo lo ngại là chính phủ hiện nay đi quá xa trong các cam kết với Trung Quốc và Đài Loan rơi vào bẫy của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, người ta cũng nhấn mạnh đến những tiến bộ cụ thể có thể đạt được nhờ có đối thoại dễ dàng giữa hai bên.

Thực vậy, hai triệu dân Đài Loan hiện sinh sống tại Trung Hoa lục địa không có cơ quan đại diện lãnh sự.

Sinh viên Đài Loan du học tại Trung Quốc không có bảo hiểm y tế. Còn đối với những người Đài Loan bị giam giữ trong tù tại Trung Quốc, họ không hề có một sự trợ giúp tư pháp nào.

Thế nhưng, gần 80% dân Đài Loan vẫn mong muốn giữ nguyên trạng tình hình hiện nay, tức là Đài Loan duy trì sự độc lập trên thực tế đối với Trung Quốc ».

Ông Jean Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc, giảng dậy tại Hồng Kông, lưu ý :
 « Cần phải dè chừng các biểu hiện bên ngoài và nhất là hãy cố gắng nhận diện các cạm bẫy đằng sau những nụ cười ».
 Ý đồ của Bắc Kinh là « buộc Đài Loan phải tiến hành các thương lượng chính trị nhằm tiến tới thống nhất ».

Theo báo Le Monde, đại đa số dân Đài Loan cho rằng không nên đặt ra vấn đề thống nhất, chừng nào hệ thống chính trị tại Bắc Kinh chưa thay đổi.
 Họ muốn giữ nguyên trạng và tin chắc rằng chính Đài Loan đang có một nền dân chủ với « các đặc trưng Trung Hoa ».


Switch mode views: