Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-06-2013

 Tổng thống Pháp thăm Nhật : Chuyến đi đầy sóng gió
JAPAN-FRANCE songgio



Tổng thống Pháp François Hollande (REUTERS /Issei Kato)


Tổng thống François Hollande công du tại Nhật, nhưng những tin xấu từ nước Pháp đeo bám ông.

Nào là thủ tướng đầu tiên thuộc đảng Xã hội của nền cộng hòa V qua đời, cái chết của thanh niên Clément Méric, một cái chết mang màu sắc chính trị giữa cực hữu và cực tả, lại thêm hai người Pháp bị bắt cóc tại Syria, các sự kiện này làm cho chuyến công du của ông Hollande khá rối loạn.

Báo Aujourd’hui en France chạy tựa : « Thời sự đeo bám ông Hollande đến tận Tokyo ».Đó cũng chính là đề tài mà các báo chí Pháp hôm nay quan tâm.

Nhật báo Le Monde có bài viết mang tựa : « Tại Tokyo, François Hollande chăm chú quan sát hiệu quả phục hồi kinh tế Nhật.

Theo tờ báo thì thủ tướng Nhật đánh cược vào sự tăng trưởng mà xem nhẹ đến việc cân bằng ngân sách.

Một trong những hướng chiến lược đặt ra của thủ tướng Nhật Shinzo Abe là vẫn tăng chi tiêu công, bất chấp thâm hụt ngân sách đang ở mức khá cao, mũi nhọn thứ hai là hạ giá đồng yên nhằm kích thích xuất khẩu.

Mũi nhọn chiến lược thứ ba là tạo ra một khu vực kinh tế đặc biệt nhằm thu hút các công ty nước ngoài.

Tại Tokyo và một số thành phố lớn, các công ty được hưởng một chế độ thuế suất giảm nhẹ nhằm thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc.

Ông Abe còn dự định mở rộng tự do thương mại điện lực, tăng gấp ba trong vòng 10 năm các hợp tác giữa lĩnh vực công và tư nhân và cho phép bán tân dược không cần toa.

Mặc dù chính phủ Nhật tự tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi thế nhưng sự thăng hoa của nền kinh tế Nhật nhờ vào các chính sách này xem ra là không chắc. Theo các nhà phân tích thì chương trình cải tổ của Nhật Bản còn thiếu quyết tâm cải cách cơ cấu.

Về phần mình, tổng thống Pháp hoan nghênh chính sách của ông Abe vì cho là ưu tiên tăng trưởng cũng chính là quan tâm hàng đầu của châu Âu và hỗ trợ các hoạt động kinh tế nhằm kích thích tính cạnh tranh tại châu Âu.

Bên cạnh đó, báo thiên hữu Le Figaro thì phân tích sự kiện trên qua bài viết : « Tại Tokyo, ông Hollande châm chọc Ủy ban châu Âu » bởi theo bài viết, dường như tổng thống Pháp muốn học theo chính sách Nhật Bản hạ giá đồng yên. Chính sách này của Nhật đã bị nhiều lãnh đạo Âu-Mỹ lên án là « cuộc chiến của các đồng tiền ».

Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu, chính sách hạ giá đồng yên còn giúp Nhật giảm nợ quốc gia, con số đạt ở mức kỷ lục là 250% GDP. Thế nhưng việc áp dụng chính sách này tại châu Âu hay Pháp đặc biệt bị Ngân hàng trung ương châu Âu cấm.

Hoàn cảnh của Pháp không hề giống Nhật. Pháp nằm trong khu vực đồng euro và có mối quan hệ với các thành viên khác nên các chính sách về tiền tệ không thể được tiến hành đơn độc trong khi Nhật thì có thể tự giải quyết một mình.

Cuối cùng bài viết cũng ngờ vực về các chính sách của thủ tướng Nhật Abe.

Cựu thủ tướng Pháp Pierre Mauroy từ trần

Liên quan đến thời sự tại Pháp, Pierre Mauroy, cựu thủ tướng đầu tiên dưới thời tổng thống François Mitterand vừa qua đời vào hôm qua chính là đề tài lớn mà các báo chí Pháp hôm nay không bỏ qua.

Báo Le Monde dành ra hai trang lớn cho nhân vật khá nổi tiếng trong chính trường Pháp này với bài viết : « Pierre Mauroy : cựu thủ tướng dưới thời tổng thống Mitterrand, cựu thị trưởng Lille qua đời ».

Báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất : « Mauroy, cái chết của một hình ảnh mang tính biểu tượng của đảng Xã hội Pháp ».

Báo thiên tả Libération dành nhiều trang kể về công trạng của ông Mauroy từ lúc ông còn làm thị trưởng thành phố Lille.

Pierre Mauroy không giống như bất kỳ thủ tướng Pháp nào. Hầu hết các báo nhận định ông chính là một biểu tượng của đảng Xã hội nói riêng và của toàn cánh tả nói chung. Sự qua đời của ông gây nhiều xúc động trong xã hội Pháp.

Vì sao lại xem ông là một biểu tượng?

Chính là vì trong suốt thời gian tại nhiệm từ năm 1981-1984, dưới thời vị Tổng thống đầu tiên của đảng Xã hội Pháp Francois Mitterrand, ông đã dũng cảm thực hiện các cải cách xã hội mang tính đột phá mà không làm xói mòn các giá trị cơ bản của nền Cộng hòa đệ Ngũ.

Ví dụ như xóa bỏ án tử hình, giảm giờ công lao động từ 40 xuống 39 giờ/tuần, hạ thấp tuổi về hưu xuống 60 và tăng thời gian nghỉ phép cho người lao động lên 5 tuần, mở rộng tự do truyền thông...

Các tờ báo viết khá chi tiết về lý lịch cuộc đời và sự nghiệp của ông. Sinh trưởng trong một gia đình Công giáo đông con ở phía bắc nước Pháp và thuộc tầng lớp thợ thuyền, ông Mauroy được xem như biểu tượng của « sự thăng hoa trong xã hội » của một người xuất thân từ tầng lớp nghèo.

Con đường chính trị của ông Mauroy cũng không hề được trải thảm thảm đỏ. Gia nhập đảng Xã hội bằng cảnh cửa hẹp, sau đó, ông lần lượt thăng tiến và đảm đương các chức vụ quan trọng.

Ông Mauroy từng giữ chức Thị trưởng thành phố Lille ở miền bắc nước Pháp trong gần 30 năm (từ năm 1973).

Báo thiên tả Libération nhận định ông là « một người vĩ đại của thành phố Lille, một thị trương tuyệt vời ».

Tổng thống Hollande đã mô tả cựu Thủ tướng Mauroy là "một người trung thành, trung thành với nguồn gốc thợ thuyền, với vùng đất của mình, với lý tưởng và chủ nghĩa xã hội Pháp".

Phía cảnh hữu, chủ tịch đảng UMP cũng ca ngợi ông Mauroy là «một người đáng tin cậy, một thành viên đảng Xã hội chân thành, ông đã thu phục được lòng tin của mọi người, kể cả những người thuộc đảng phái khác».

Clément Méric chết vì lý tưởng

Vẫn trong dòng thời sự tại Pháp, báo chí cũng đặc biệt quan tâm đến cái chết của thanh niên Clément Méric được cho là mang màu sắc chính trị đối lập giữa phe cực tả và cực hữu.

Báo Le Monde có bài xã luận khá sâu sắc mang tựa : « Clément Méric, cảm xúc và các mớ lộn xộn ».

Bên trong tờ báo Le Monde có bài viết khác mang tựa : « Phe cực hữu bạo động bị lên án ».

Theo tờ báo, tám người theo khuynh hướng cực đoan bị giam giữ sau khi tấn công thanh niên trẻ Clément Méric.

Được biết là người tình nghi chính trong vụ việc tham gia nhóm cựu hữu. Bài báo cũng tóm lược chân dung của sinh viên trẻ Méric, 19 tuổi, học trường Khoa học chính trị của Paris.

Xuất thân trong một gia đình trí thức tại Brest, có cả cha lẫn mẹ đều là giảng viên dạy luật, tờ báo nhận định anh là một sinh viên « xuất sắc » và đầy nhiệt huyết.

Bạn học của anh thì khen ngợi « anh chính là một kiểu mẫu mà người người xung quanh đều muốn có được anh.

Một bạn học của anh phẫn nộ : « Clément bị giết vì những ý tưởng của anh » bởi được biết Clément vốn theo khuynh hướng cực tả.

Theo tờ báo, nguyên nhân của vụ tấn công vào Méric rất nhiều. Khủng hoảng kinh tế và xã hội bao trùm nước Pháp từ 5 năm nay trong khi các nhà lãnh đạo thì bất lực, không vực dậy được đất nước và vượt qua khó khăn càng làm gia tăng thất vọng và chán nản trong dân chúng. Từ đó, dễ dẫn đến trạng thái bực dọc và các hành động bạo lực.

Theo báo thiên hữu Le Figaro thì sau cái chết của Méric, bộ Nội vụ xem xét cách thức tốt nhất để bài trừ các nhóm cực đoan.

Đây chính là điều gây « đau đầu » cho việc hòa nhập xã hội. Vụ việc này nổi sóng trong các đảng phải chính trị.

Một dân biểu thuộc đảng UMP lên án « mọi hành động cực đoan bạo lực cho dù thuộc cánh hữu hay cánh tả».

Miến Điện : Aung San Suu Kyi muốn ra tranh cử tổng thống vào năm 2015

Liên quan đến tình hình tại châu Á, báo Le Monde hôm nay có bài viết cho biết bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel hòa bình, nhà đấu tranh vì dân chủ của Miến Điện tuyên bố muốn ra tranh cử tổng thống vào năm 2015.

Sau một năm sau khi đắc cử vào Nghị viện, lời tuyên bố của bà không có gì là lạ. Từ nhiều tháng nay, mọi người đều không chắc chắn về việc liệu bà có muốn trở thành tổng thống hay không. Lần này thì bà quả quyết : « Nếu tôi nói rằng mình không muốn trở thành tổng thống thì đó là nói dối ».

Hiện tại, bà được công chúng ủng hộ và tầm ảnh hưởng của bà khá lớn.

Thế nhưng, bà cũng phải vượt qua một chướng ngại lớn. Đó là theo Hiến pháp Miến Điện, những người lập gia đình và có con với người nước ngoài không được tranh cử tổng thống.

Bà rơi vào trường hợp này. Bà đã kết hôn với một người Anh và có hai người con. Do đó, bà đang đòi hỏi sự ủng hộ của các quân nhân ở Nghị viện để thay đổi Hiến pháp. Quân đội chiếm giữ 25% số ghế trong Nghị viện. Số phận của bà hiện nay đang trong tay nhà cầm quyền đương nhiệm.

Việc bà im lặng trước hàng loạt các vụ người Phật giáo cực đoan tấn công cộng đồng người theo đạo Hồi làm 200 người chết đặc biệt là cái cớ cho phe đối lập chỉ trích. Đồng thời, việc bà không giám lên án nhóm người theo đạo Phật gây bạo động như sợ bị mất sự ủng hộ từ một bộ phận dân số khá đông của đất nước.

Tổng thống Nga Putin thông báo sẽ ly dị

Thông tin đời tư của các nhân vật nổi tiếng vốn được giới báo chí quan tâm. Báo Le Monde hôm nay đăng tin tổng thống Nga khẳng định sẽ ly dị vợ.

Tổng thống Nga và phu nhân Lioudmila đã sống ly thân từ 9 năm nay. « Đây là một quyết định chung.

Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã kết thúc do chúng tôi ít gặp nhau » theo lời bà Lioudmila.

Bài báo trên tờ Le Monde còn cho biết gần đây, vào ngày 6/01/2013, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 55 của « đệ nhất phu nhân nước Nga », Putin đã thản nhiên đi trượt tuyết với thủ tướng Medvedev và báo chí đặt câu hỏi : « bà Lioudmila ở đâu ? ».

Switch mode views: