Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hiệp định tên lửa Mỹ-Nga 1987 bên bờ tan vỡ ?

us russie 1988

Lãnh đạo Mỹ-Liên Xô phê chuẩn hiệp định vũ khí hạt nhân tầm trung (INF), tại điện Kremlin, 01/06/1988.
Ảnh : Wikipedia

Hôm thứ Ba, 13/02/2017, Hoa Kỳ một lần nữa lại cáo buộc Nga vi phạm hiệp định cấm tên lửa tầm trung 1987, tiếp theo các thông tin trên báo chí cho biết Matxcơva có thể đã bí mật triển khai loại vũ khí này trong thời gian gần đây.

 Tờ New York Times, dẫn lời một số giới chức Hoa Kỳ, cho biết Matxcơva đã cho triển khai loại tên lửa bị cấm, đặc biệt tại miền đông nam nước Nga.
Theo nhiều nhà quan sát, Hoa Kỳ và Nga có thể đang ở điểm khởi đầu cho một cuộc chạy đua hạt nhân mới.

Hiệp định về vũ khí hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty/INF hay FNI) được Liên Xô và Hoa Kỳ ký ngày 08/12/1987, là một đóng góp quan trọng trong việc chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ giữa hai siêu cường.

Hiệp định do tổng thống Mỹ thời đó Ronald Reagan và chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev chủ trì, cam kết phá hủy toàn bộ các tên lửa trên đất liền, có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Thể theo Hiệp ước này, Hoa Kỳ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng hơn 2.600 tổ hợp tên lửa như vậy.

Năm 2014, Hoa Kỳ từng lên án Nga về một vụ thử tên lửa bị cấm theo Hiệp định tên lửa tầm trung trên bộ.
Để trả đũa hồi 2015, Lầu Năm Góc dự định triển khai hàng loạt tên lửa mới tại châu Âu.
 Kể từ đó đến nay, đây là một vấn đề thường xuyên khuấy động căng thẳng giữa Hoa Kỳ và NATO nói chung với Nga

Khi được AFP đề nghị phỏng vấn, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner, theo thông lệ, đã từ chối “bình luận về những vấn đề liên quan đến tình báo” quân sự.
Tuy nhiên, đại diện bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng nhắc lại rằng, về phần mình, “Mỹ đã nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế và nghĩa vụ kiểm soát vũ khí”.

Nhà ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh: Washington rõ ràng rất lo ngại về các vi phạm của Nga, và những nguy cơ của việc này đối với an ninh châu Âu và quốc tế, đồng thời đề nghị Matxcơva tuân thủ hiệp định.

Theo người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ, năm 2016 Hoa Kỳ đã ra một báo cáo, cáo buộc Nga vi phạm các quy định “không cho phép sở hữu, sản xuất hay thử nghiệm một tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km”, có thể dùng để tấn công các nước châu Âu.

Bóng ma “tên lửa châu Âu” 1980

Theo nhiều nhà quan sát, Hoa Kỳ và Nga có thể đang ở điểm khởi đầu cho một cuộc chạy đua hạt nhân mới.
 Các chuyên gia lo ngại một kịch bản như kiểu đầu những năm 1980 sẽ tái diễn, với châu Âu là đấu trường chính.

Vào thời điểm đó, Liên Xô đã cho triển khai các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân SS-20, nhắm thắng vào thủ đô các nước Tây Âu.
Khối NATO trả đũa bằng cách triển khai các tên lửa hạt nhân Pershing của Hoa Kỳ, có tầm bắn khoảng 2.000 km.

Cuộc chạy đua vũ trang đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại châu Âu, lấy khẩu hiệu của các nhà tranh đấu cho hòa bình người Đức “thà bị Đỏ (tức bị cộng sản hóa), còn hơn là bị chết”, làm phương châm dẫn đường.
 Hàng loạt các cuộc biểu tình khổng lồ vì hòa bình nổ ra khắp châu Âu.

Hiệp định về tên lửa tầm trung được ký kết năm 1987 cho phép chấm dứt “cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu”.

Trở lại hiện tại, theo AFP, cho đến nay, chính quyền Mỹ chưa có thông báo chính thức nào về việc Nga triển khai trên bộ các tên lửa, vi phạm Hiệp định 1987, nhưng liên tục lên án Matxcơva kể từ năm 2014.
Về phần mình, Nga cũng liên tục bác bỏ.

Tại Hoa Kỳ, các thành phần diều hâu, như thượng nghị sĩ Arkansas Tom Cotton, cho rằng các thông tin trên đã đủ là bằng chứng để Hoa Kỳ gia tăng sức mạnh hạt nhân tại châu Âu.

Về phần mình, chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng Viện John McCain cũng nhấn mạnh “Hoa Kỳ phải bảo đảm là các lực lượng răn đe hạt nhân của NATO đủ sức đề kháng, được huấn luyện tốt, để sẵn sàng ngăn chặn vũ khí hạt nhân Nga”.

Dù sao, các nhà quan sát ghi nhận một thực tế là dư luận châu Âu chắc chắn sẽ không chấp nhận việc Hoa Kỳ phá cam kết, triển khai tên lửa tại châu Âu, để lập lại thế cân bằng với Nga.

Trên lĩnh vực ngoại giao, các thương lượng về vấn đề này dường như đã không mang lại kết quả, theo chuyên gia về giải trừ vũ khí có tiếng Jeffrey Lewis, với trang mạng “Armscontrolwonk”.

Kẽ hở của hiệp định : Tên lửa trên biển và trên không

Đối với ông Jeffrey Lewis và một số chuyên gia khác, Hoa Kỳ một mặt phải duy trì Hiệp định 1987, bởi đây là một trong các nền tảng quan trọng của thế cân bằng chiến lược đã đạt được, tránh cho các nước không bị rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nguy hiểm và hết sức tốn kém.

Cần phải tiếp tục để ngỏ kênh ngoại giao với Matxcơva, nhưng mặt khác phải cho triển khai tại châu Âu nhiều vũ khí tối tân mới, vốn không bị cấm theo hiệp định 1987.

Các kẽ hở của hiệp định là không cấm các tên lửa cùng loại được bố trí trên tàu chiến hay trên máy bay.
Nga đã từng triển khai tên lửa hành trình Kalibr, trên tàu chiến, để sử dụng để tấn công phiến quân tại Syria mới đây.

Theo chuyên gia Jeffrey Lewis, đây là phiên bản tương đương với tên lửa mà Nga mới triển khai trên bộ, vốn bị cấm theo hiệp định 1987.
Các tên lửa như vậy dễ dàng mang đầu đạn hạt nhân.

Về phía nước Nga, theo Russia Beyond The Headlines, nhật báo nổi tiếng thân điện Kremlin, thì thông tin mà tờ New York Times vừa tiết lộ về việc Nga triển khai tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân, vi phạm Hiệp định 1987, có thể xuất phát từ một số phe phái trong chính quyền Mỹ, tung ra trong lúc các tranh chấp nội bộ đang hồi quyết liệt.

Hiệp định 1987 và quan hệ Mỹ-Nga nhiều bất trắc

Một chuyên gia Nga, ông Timofei Bordatchev, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về châu Âu và quốc tế của Nga, thậm chí cho rằng bài báo của New York Times có thể chứa các thông tin bịa đặt, do các thành phần trong chính quyền Mỹ, có thái độ cứng rắn với Nga, tạo ra không khí chính trị bất lợi cho mọi khả năng xích gần lại nhau giữa Nga và Hoa Kỳ .

Báo Nga đặt câu hỏi : Tại sao vấn đề Hiệp định 1987 về tên lửa tầm trung Mỹ-Nga lại được nêu lên trước thềm hội nghị Munich về an ninh châu Âu và quốc tế lần thứ 53, sắp diễn ra từ ngày 17 đến 19/02 ?

Theo các nhà quan sát, vấn đề Hiệp định 1987 về vũ khí hạt nhân một lần nữa được khơi lên khi quan hệ Nga – Mỹ dưới thời tân tổng thống D. Trump đang bước vào một khúc quanh mới, sau khi cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn của tổng thống bị sa thải, vì có những tiếp xúc bị coi là mờ ám với Nga, vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Obama.

Quan hệ Mỹ - Nga mà Donald Trump hứa hẹn sẽ khởi sắc, hiện đang rơi vào tình trạng khó lường đoán.

Hôm qua, 15/02, tân tổng thống Mỹ đột ngột tỏ ra cứng rắn hơn với Matxcơva, khi tung lên mạng twitter một bình luận, chê trách tổng thống tiền nhiệm Obama đã quá mềm yếu khi để Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina (1).

Hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân

Dù quan hệ Nga Mỹ thế nào, cụ thể là trong vấn đề vũ khí hạt nhân, thế giới giờ đây đã khác nhiều so với đầu thập niên 1980.
 Phong trào chống vũ khí hạt nhân dường như đã ngày càng được cộng đồng quốc tế cổ vũ.

Tiếp theo các thỏa thuận cấm vũ khí sinh học và hóa học, cuối năm ngoái Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết không mang tính cưỡng chế, được nhiều người đánh giá là "lịch sử" (nghị quyết L41), với 123 phiếu thuận (38 phiếu chống), trên tổng số 193 thành viên, kêu gọi giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Theo đó, Đại hội đồng "quyết định sẽ tổ chức trong năm 2017 một hội nghị Liên Hiệp Quốc nhằm thương lượng về một công cụ pháp lý mang tính cưỡng chế, nhằm cấm vũ khí hạt nhân và tiến tới loại trừ hoàn toàn" (2).

Một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ, Nga, Pháp phản đối mạnh sáng kiến này, khi cho rằng việc giải trừ hạt nhân không thể tách khỏi "các bảo đảm về an ninh rất cụ thể", mà cộng đồng quốc tế phải giải quyết, và chỉ có "một tiếp cận từng bước một" mới có thể "cho phép kết hợp được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân và việc bảo vệ sự ổn định của thế giới".

Mặt khác, các quốc gia nói trên lưu ý trước hết đến các tiêu chí thẩm định giải trừ hạt nhân, mà theo họ, sẽ ngày càng "trở nên bó buộc hơn", và chính chúng sẽ trở thành "các chuẩn mực… rất hiệu quả", giúp cho việc giải trừ (hoàn toàn) vũ khí hạt nhân sau này (theo thông cáo báo chí của Liên Hiệp Quốc, ngày 27/10/2016).

----

(1) Ngày 26/01/2017, ít hôm sau ngày Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, các nhà khoa học đại học Chicago, thuộc nhóm Bulletin of Atomic Scientists, phụ trách Đồng hồ Tận thế (“Doomsday Clock”) đã quyết định đưa kim nhích thêm nửa phút (ở phút thứ 57’30, có nghĩa là cách thời điểm tận thế 2’30 giây), trở về đúng cái mốc năm 1953, với lý do đơn giản Donal Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
Những phát biểu đầy ngẫu hứng của ông Trump về vũ khí hạt nhân là một trong số những điều để lại các ấn tượng tệ hại nhất.

Với hành động nói trên, các nhà khoa học phụ trách Đồng hồ Tận thế muốn nhắc nhở với công chúng về không khí vô cùng căng thẳng của thế giới hiện nay, giống như cách nay hơn 63 năm, khi Liên Xô thử bom nhiệt hạch đầu tiên ngày 12/08/1953. Thế giới bước vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

(2) Bài "Tại Berlin, Tổng thống Obama kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân", 19/06/2013.

Switch mode views: