Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chiến thuật bốn bước của Matxcơva chinh phục châu Âu

russia on the globe

Nước NgaWikipedia

Trong chiến lược phục hồi thế lực nước Nga và đọ sức với Tây phương, tổng thống Vladimir Putin đã ghi dấu một loạt chiến thắng.

Từ Ukraina cho đến Syria và Libya, nơi nào chính phủ hay lực lượng do Matxcơva hậu thuẫn cũng đều chiếm thế thượng phong trong khi nội bộ Tây phương chia rẽ.

Tình trạng này có dấu hiệu kéo dài với lợi thế nghiêng hẳn về phía Nga.

 Đây là chủ đề  "Chiến thuật bốn bước của Matxcơva chinh phục châu Âu" của tạp chí Tiêu điểm (Phần 2 : 100 năm Cách mạng tháng 10).

Trong chương trình « Địa chính trị » của RFI tiếng Pháp, ba chuyên gia Françoise Thom (đại học Sorbonne), Arnaud Dubien và Igor Delanoe, giám đốc và trợ lý giám đốc viện quan sát Pháp-Nga tại Matxcơva, tuy lập trường khác biệt nhau, nhưng có cùng một nhận định : Tây phương bất lực.

Trong tạp chí tuần trước, các chuyên gia Pháp đã phân tích vì sao Nga trở lại Trung Đông, mà điển hình là đã loại châu Âu và Hoa Kỳ ra khỏi vòng chiến ngoại giao và chính trị ở Syria.
Nhưng Syria chỉ là một bước trong kế hoạch bốn bước của Matxcơva : Ukraina, Syria, Libya để cuối cùng « hội nhập » vào châu Âu ở thế mạnh.

Trước hết, theo chuyên gia Igor Delanoe, sau khi củng cố được chiếc ghế tổng thống của Bachar al Assad tại Syria, Matxcơva bắt đầu đẩy quân cờ ở Libya qua tướng Khalifar Haftar, một sĩ quan Libya được đào tạo tại trường tham mưu cao cấp của Liên Xô trong thập niên 1980.

 Trong khi Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc công nhận chính quyền Tripoli đứng đầu là thủ tướng Fayez al-Sarraj thì Vladimir Putin ủng hộ Khalifar Haftar, chỉ huy một lực lượng ly khai ở Tobrouk, miền đông Libya.

Khi lựa chọn ủng hộ lực lượng đối nghịch với Tây phương ở Libya, Nga chiếm thế thượng phong vì có thể đối thoại với hai bên và làm trung gian trong khi Tây phương chỉ có đối tác duy nhất là chính phủ Tripoli mà nội bộ cũng không thống nhất.

Nga chỉ lập lại chiến thuật đã thành công tại Syria, ủng hộ Damas trong khi Tây phương vất vả với các nhóm đối lập phân hóa.

Theo quan điểm của Matxcơva thì từ vụ can thiệp vào Irak, tiếp theo đó là trong ngọn gió cách mạng Mùa Xuân Ả Rập ở Tunisia và Ai Cập, Tây phương can thiệp vào Libya lật đổ đại tá Kadhafi rồi ủng hộ cuộc nổi dậy ở Syria chống chế độ Bachar al Assad, Tây phương đã từ sai lầm này đến sai lầm khác.

 Giờ đây, chính nước Nga phải « ra tay » để ổn định tình hình đang bốc khói ở Trung Đông với Syria, nơi xuất phát làn sóng tị nạn chiến tranh và Libya, điểm xuất phát của phong trào vượt biển…tràn ngập châu Âu.
Vì lý do dễ hiểu, sợ bị sa lầy và đụng chạm quyền lợi với Ý nên Nga không đưa quân vào Libya.Tuy nhiên, sự « đóng góp» này không miễn phí và có tính toán địa chiến lược.

Đó là nhận định của chuyên gia Arnaud Dubien :
Trung Đông là một sân chơi rộng mở, trái với châu Âu là địa bàn chiến lược đã bị Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO khóa chặt.

Trung Đông cũng như châu Á, nhưng đặc biệt là ở Trung Đông, Nga có nhiều lá bài trong tay.
Nga có thể sử dụng các trung gian chiến lược, nối lại quan hệ với những đối tác cũ như Ai Cập, lợi dụng bầu cử ở nước này, khai thác khủng hoảng ở chỗ kia để đặt chân trở lại Trung Đông, đối thoại ngang hàng với các cường quốc .

 Nhưng thực ra, Trung Đông không phải là mục tiêu của Nga mà chỉ là « đầu cầu » để Matxcơva phục hồi uy thế trên trường quốc tế mà thôi.
 Trung tâm quyền lợi của Nga thực sự là châu Âu.

Hội nhập vào châu Âu là mục tiêu sâu xa của điện Kremlin ?
 Nhưng hội nhập như thế nào ?
Tuy cùng nhận định với Arnaud Dubien, giáo sư Françoise Thom của đại học Sorbonne cảnh báo chiến thuật của tổng thống Putin :

Tôi nghĩ rằng hồ sơ Syria chiếm phần lớn trong chính sách đối ngoại của Nga tại châu Âu. Mục đích thứ nhất của Putin là chứng minh với các nước châu Âu là Hoa Kỳ bất lực, Hoa Kỳ tê liệt trước những diễn biến tình thế tại Trung Đông.
Thứ hai là Nga có thể thay thế Mỹ giải quyết khủng hoảng.
Do vậy, tôi bi quan trước những ý kiến cho rằng Nga và Mỹ có thể hợp tác ở Trung Đông và ở châu Âu.

Nga đưa ra một thông điệp rất rõ ràng : châu Âu không nên tin cậy vào lời hứa của Hoa Kỳ. Lời hứa của Mỹ không có giá trị gì cả.
 Do vậy, châu Âu nên ngả theo kẻ mạnh nhất là Nga. Đó là lý do sâu xa của hành động can thiệp quân sự của Maxtcơva vào Syria.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên phóng đại thành tích của Matxcơva.
Chúng ta quen mắt thấy Nga đạt được những thành công ngoạn mục. Nhưng nếu chịu khó xem xét qua bài học lịch sử thì chúng ta thấy gì ?

 Chúng ta sẽ thấy chiến thắng của Nga chỉ là tạm thời. Nga không thể vãn hồi hoà bình tại Syria nếu không duy trì một đạo quân khổng lồ. Nếu không chiến tranh sẽ bùng lại.
Chúng ta có thể nói Nga đang xây lâu đài trên cát.

Từ khi Vladimir Putin lên cầm quyền, khái niệm bình định « ngoại biên » được tiến hành tối đa. Nơi nào NATO không phát huy được ảnh hưởng, nơi nào Liên Hiệp Châu Âu tính bỏ qua thì nơi đó Nga thu tóm theo quan điểm an ninh chiến lược.

 Sau khi Gruzia mất hai vùng « tự trị », đến lượt Crimée của Ukraina bị Nga sáp nhập vào tháng Ba 2014, là điều không thể tránh khỏi.
Nếu NATO không « ấn định một làn ranh đỏ » thì Putin vẫn từ từ tiến tới.

Trên đây là nhận định của báo chí Pháp vào năm 2014 khi tình hình nóng bỏng.

Liệu với một Donald Trump ở Nhà Trắng kể từ 2017 này, xung khắc Nga -Tây phương sẽ giảm đi ? Chuyên gia Arnaud Dubien :
Chúng ta bắt đầu nhận ra là Donald Trump là một nhân vật khó lường nhưng ông ấy có tính toán. Hiện thời, tân tổng thống Mỹ thực hiện những gì đã tuyên bố.

Đối với Nga thì Trump có quyết tâm không đi theo đường lối đối đầu Nga-Mỹ của người tiền nhiệm Obama.
Rất có thể, ông Trump sẽ trắc nghiệm chính quyền Nga qua chiến trường Syria tức là thử hợp tác chống Al Qaida và Daech.
Chuyện này có xảy ra hay không, cần phải theo dõi nhưng theo tôi chiến tuyến đang giao động một cách khá nhanh.

Cuộc tiếp xúc đầu tiên qua điện đàm giữa Trump và Putin có vẻ tốt đẹp vì xuất phát từ sáng kiến cá nhân. Dĩ nhiên, trong chính giới Mỹ ở Washington, đa phần không chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Nga.

Theo tôi, chính quyền Nga và Mỹ sẽ có một nỗ lực nào đó, trên hồ sơ Ukraina chẳng hạn. Nếu thành công thì sẽ tiếp tục còn nếu thất bại thì Nga-Mỹ sẽ quay trở lại thời kỳ xung khắc như hiện nay và sẽ có tác động nhân quả lên các hồ sơ khu vực mà hai bên tranh chấp.

Trong cuộc đọ sức này, Nga nắm trong tay nhiều lá chủ bài. Tây phương chỉ có vũ khí cấm vận nhưng nội bộ xào xáo.
Đức và Pháp muốn duy trì nhưng Hy Lạp, Ý, Hungary… không muốn.

 Trong nội bộ nước Pháp, hai ứng cử viên phe hữu và cực hữu đều chủ trương bỏ trừng phạt. Trong khi đó thì Nga nắm chìa khóa hoà bình hay bất ổn tại Ukraina.

Châu Âu muốn làn sóng vượt biển Địa Trung hải ngưng lại nhưng làm cách nào để thống nhất hai chính phủ ở Libya nếu Nga không ủng hộ ?
Vấn đề là mục tiêu của Kremlin là « putin hóa » châu Âu, theo nhận định của giáo sư Françoise Thom :

Tôi cho rằng vấn đề cốt lõi, hay là ưu tiên số một của Nga không phải là Ukraina, cũng không phải là các quốc gia baltic mà đó là toàn thể châu Âu.

Vấn đề các nước sát nách, vùng ảnh hưởng của Nga sẽ được « giải quyết » một khi toàn châu Âu bị « Putin hóa ».
Chỉ cần đọc báo Nga, xem đài truyền hình Nga là đoán biết Nga muốn gì và đâu là dự phóng tương lai theo quan điểm của Matxcơva.

Điện Kremlin muốn tạo ấn tượng là đang thắng trong cuộc đọ sức với Tây phương. Ukraina sẽ rụng rơi theo quy luật vạn vật hấp dẫn.
 Hấp lực của Tây Âu đang từ từ biến mất qua bộ máy tuyên truyền đánh phá của Nga nào là châu Âu đã đầu hàng, châu Âu suy đồi, châu Âu bị tê liệt vì phong trào mị dân thân Nga đang trổi lên ở châu Âu.

Chỉ cần ngồi đợi kết quả như tuyên bố của Alexandre Douguine, nhân vật được xem là lý thuyết gia của điện Kremlin: quả táo Ukraina đã chín muồi, hãy chờ đến muà thu 2017 là rơi rụng.

Cấm vận, vũ khí trừng phạt kinh tế, có được hủy bỏ hay không ? Điều này không quan trọng đối với Nga trong hiện tại nhưng về lâu về dài sẽ tạo ra hệ quả tâm lý.
Không một ngân hàng nào hăng hái cho doanh nghiệp Nga vay tiền.
Và hậu quả là sẽ gây nhiều khó khăn cho kinh tế Nga trong một thời gian rất lâu

Tại Hoa Kỳ, vụ tai tiếng Michael Flynn dẫn đến biện pháp Lê Lai cứu chúa, hy sinh cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống để cứu chủ nhân Nhà Trắng gây rối loạn nội bộ chính phủ Donald Trump có thể sẽ làm cho quan hệ Mỹ-Nga đóng băng.

 Phản ứng bàng quan của tổng thống Nga và một số nhân vật thân cận cho phép suy đóan Matxcơva bị mất nhiều lá chủ bài ở Washington.
Tuy nhiên chưa biết giữa Tây phương và Nga, bên nào bị thiệt nhiều nhất.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định « tổng thống Trump là người vô cùng cứng rắn đối với Nga » trong khi tướng Anthony Thomas, tư lệnh bộ chỉ huy hành quân đặc biệt tỏ ra lo ngại : chính phủ Mỹ tiếp tục bị hút vào vòng xoáy biến loạn.

Switch mode views: