Venezuela : Thẻ căn cước mới, công cụ khống chế người dân ?
- Chúa Nhật, 19 tháng Hai năm 2017 03:29
- Tác Giả: Trọng Thành
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, ngày 09/02/2017, tại Caracas.Ảnh : Miraflores Palace/Handout via REUTERS
"Carnet de la Patria" (tạm dịch là “sổ quốc gia” hay “sổ yêu nước”) là một chiếc thẻ căn cước chứa các thông tin thông thường về một công dân như tên họ, nhưng được bổ sung thêm một số thông tin mang tính riêng tư hơn như: đảng phái chính trị hay phong trào xã hội tham gia, các trợ cấp xã hội được hưởng, về thực phẩm, y tế hay nhà ở, …
Chính quyền Venezuela hứa hẹn, thẻ cá nhân mới sẽ giúp tổ chức hiệu quả hơn việc phân phối các dịch vụ xã hội, chống nạn tham nhũng.
Trong khi đó, đối lập lên án “biện pháp kiểm soát” mới, trong bối cảnh kinh tế suy sụp, nhu yếu phẩm cạn kiệt.
Venezuela – vốn là một trong những quốc gia giàu nhất Nam Mỹ - đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và chính trị chưa thấy đường ra.
Ngày 24 tháng Giêng 2017, khoảng 2.000 người đối lập biểu tình tại thủ đô Caracas để kêu gọi bầu cử trước thời hạn, trong lúc đối thoại giữa chính quyền và đối lập bị gián đoạn từ tháng 12/2016.
Đây là cuộc cuộc biểu tình lớn đầu tiên của đối lập kể từ tháng 10, ít hôm sau khi tổng thống Venezuela tung ra sáng kiến thẻ căn cước mới.
Sau đây là phóng sự do thông tín Julien Gonzales thực hiện tại Caracas. Tạp chí Thế Giới Đó Đây xin giới thiệu.
Bà Guillermnina Diaz là một trong những người đầu tiên xếp hàng để nhận được “sổ yêu nước”.
Là cư dân của khu phố “23 de Enero”, một căn cứ địa của chế độ Chavez, bà coi đây là một công cụ hiệu quả để chống lại các lạm dụng :
"Cuốn sổ yêu nước này được lập ra để thanh lọc nhằm loại trừ nạn tham nhũng đang hoành hành tại các hội đồng địa phương hay trong các ủy ban phụ trách phân phối nhu yếu phẩm.
Đây là sáng kiến hay nhất mà chính phủ Maduro đưa ra. Những người nào thực sự cần được các chương trình xã hội trợ cấp mới được hưởng.
Về phần mình, tôi không cảm thấy bị làm phiền khi người ta hỏi tôi tham gia đảng phái nào. Tôi thuộc đảng PSVU, đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Venezuela. Tôi rất rõ ràng về điểm này".
Thẻ căn cước mới (Carnet de la patria)
Ảnh chụp qua Twitter
Trong khi đó, người tài xế tắc xi Gerardo Lopez thì kiên quyết không đăng ký nhận thẻ. Ông cực lực chỉ trích :
"Đây là một sự hù dọa và sự miệt thị đối với nhân dân. Điều này rất nghiêm trọng, bởi vì đây là một cách để mua chuộc dân chúng.
Đối với tôi, cuốn số này chính là sổ tem phiếu giống như của Cuba, nhưng hiện đại hơn, tinh vi hơn.
Bạn có cảm giác là các thông tin mà bạn cung cấp sẽ được xử lý bằng tin học".
Về phần các chính trị gia, lãnh đạo đảng Chavez tại Quốc Hội, ông Hector Rodriguez phản đối hoàn toàn các cáo buộc về việc chính quyền dùng thẻ mới để kiểm soát dân chúng về chính trị :
"Lúc điền vào sổ, bạn có thể cho biết là bạn không tranh đấu trong một đảng phái nào. Trong cơ sở dữ liệu, có tất cả các đảng phái. Đảng do Hugo Chavez sáng lập, nhưng cũng có đảng đối lập.
Và điều quan trọng là bạn có thể làm theo yêu cầu trong sổ hoặc không, bạn hoàn toàn tự do.
Từ lâu nay, người ta vẫn cáo buộc đảng của Chavez loại trừ mọi người ! Nhưng không có bằng chứng nào về các đối xử như vậy, mà hoàn toàn ngược lại : trong suốt 18 năm Cách mạng, chúng tôi có thói quen tham khảo ý kiến mọi người về mọi vấn đề, thống kê lại và hoàn toàn không loại trừ ai".
Tuy nhiên, đối lập Venezuela coi chiếc thẻ căn cước mới là ‘‘bất hợp pháp’’.
Lãnh đạo đối lập Henrique Caprilles, từng hai lần ứng cử tổng thống nhận định :
"Cái sổ yêu nước duy nhất mà chúng ta cần có, đó là giấy chứng minh, giấy căn cước của mỗi người.
Đa số người Venezuela kiếm được 40.000 bolivar, tức lương tối thiểu.
Làm thế nào mà họ có thể mua được một cân bột ở cửa hàng ? Không thể được !
Như vậy họ phải phụ thuộc vào tiền trợ cấp thực phẩm mà chính phủ cấp. Mà không có cuốn sổ này, người ta sẽ không còn cấp cho họ tiền trợ cấp nữa.
Với cuốn sổ này, chính phủ sẽ thống kê được những ai là người đi theo đảng của họ".
Đối lập Venezuela hiện chiếm đa số tại Quốc Hội, đã lập ra một ủy ban để điều tra về chiếc thẻ căn cước mới (1).
Vụ Petrobras-Odelbrecht : Tư pháp Mỹ Latinh khép chặt vòng vây
Trong khi Venezuela căng thẳng về chính trị, thì toàn châu Mỹ tiếp tục chấn động bởi các xì căng đan tham nhũng với cuộc điều tra "Lavage Express" (hay Lava Jato) do tư pháp Brazil khởi xướng.
Thứ Bảy tuần trước 11/02, hai người sáng lập của văn phòng luật sư Mossack –Fonseca, ở Panama, bị cảnh sát nước này tạm giam, vì bị tình nghi dính dáng đến mạng lưới hối lộ do tập đoàn xây dựng Brazil Odelbrecht chủ xương.
Văn phòng Mossack – Fonseca chính là tiêu điểm trong vụ Panama Papers chấn động, với 11 triệu tài liệu của hơn 200 nghìn công ty bình phong trên khắp thế giới, liên quan đến lãnh đạo nhiều quốc gia, bị đưa lên mạng hồi năm ngoái (xem bài "Panama Papers : Bí mật được 400 nhà báo giữ suốt hơn một năm").
"Jurgen Mossack và Ramon Fonseca của văn phòng luật sư Mossack/Fonseca bị cáo buộc đã che giấu các cổ phiếu và các khoản tiền có nguồn gốc mờ ám, đồng thời thủ tiêu các bằng chứng, có thể dùng để chống lại những nhân vật tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp.
Các hoạt động mờ ám ở đây được hiểu là đường dây hối lộ mà tập đoàn BTP Odebrecht của Brazil và một số công ty khác lập ra, để thao túng các công trình công cộng do công ty Petrobras chủ trì.
Petrobras là công ty mà chính quyền Brazil nắm cổ phần chi phối.
Thông qua hối lộ mà nhiều công ty tại Brazil và trên khắp châu Mỹ Latinh đã nhận được hợp đồng với Petrobras.
Đây là điều được phát giác qua chiến dịch điều tra Lavage Express, được khởi sự từ năm 2014.
Ramon Fonseca không chấp nhận ngã ngựa một mình. Lãnh đạo văn phòng luật sư Panama cáo buộc chính tổng thống Panama Juan Carlos Varela cũng đã nhận quà biếu của tập đoàn Odebrecht.
Tổng thống Panama bác bỏ đã nhận tiền hậu thuẫn cho chương trình tranh cử năm 2014".
Hôm thứ Năm và thứ Sáu vừa qua (16 - 17/02), chưởng lý của 15 quốc gia Mỹ Latinh họp tại Brasilia để phối hợp điều tra về vụ này.
Odelbrecht là một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất châu Mỹ Latinh, với doanh thu gần 40 tỉ hồi 2015.
Bên cạnh cựu tổng thống Peru bị tình nghi dính líu, đương kim tổng thống Brazil Michel Temer cũng nằm trong tầm ngắm của tư pháp.
Thái Lan : Núi rác trăm tấn trôi dạt trên biển
Trong lĩnh vực môi trường, tại Đông Nam Á, hiện tượng khối rác thải lớn dài tới một cây số và trọng lượng ước tính một trăm tấn đang trôi dạt ở bờ biển phía nam đang gây nhiều chú ý.
Rác thải tại Thái Lan không hiếm, nhưng một khối rác lớn đến như vậy, nhiều người cho là chưa từng có. Hiện tại chính quyền đang tìm cách xử lý.
Trong bài trường trình ngày 14/02, thông tín viên Arnaud Dubus cho biết cụ thể :
"Hồi tháng trước, có đợt lũ lớn tại miền nam Thái Lan. Nước chảy về vịnh Thái Lan mang theo hàng chục tấn rác nhựa.
Thoạt tiên thảm rác được phát hiện ở khoảng cách 500 cây số phía nam đất Thái Lan, nhưng gió đã đưa rác ngược về hướng bắc.
Hiện tại thảm rác nằm ở ngoài khơi tỉnh Prachuab Khirikan, nơi có nhiều bãi tắm.
Bốn chiếc thuyền và hàng chục tàu cá đã được huy động để vớt rác nhựa bằng lưới. Đa số rác là các hộp, túi, cốc hay chai nhựa.
Chiến dịch vớt rác sẽ phải kéo dài trong khoảng mười ngày. Tuy nhiên gió đã khiến cho khối rác nổi bị phân thành nhiều mảng, khiến việc làm sạch trở nên khó khăn hơn".
Arnaud Dubus nói rõ thêm về tác hại của núi rác :
"Rất đơn giản là một số động vật biển sẽ ăn phải, đặc biệt là cá heo, rùa biển có thể chết khi ăn phải các túi nhựa, mà chúng tưởng lầm là sứa.
Rác nhựa cũng có thể khiến các rặng san hô chết ngạt. Cần phải nói là số lượng rác mà chúng ta thấy nổi trên bề mặt đại dương chỉ chiếm 5% tổng số rác thải ra biển nói chung, phần còn lại chìm trong nước.
Trong một báo cáo mới đây, tổ chức Mỹ bảo vệ môi trường đại dương Ocean Conservancy cho biết Thái Lan nằm trong số năm quốc gia đứng đầu thế giới về gây ô nhiễm rác cho đại dương.
Bốn nước còn lại là Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam và Philippines (riêng Trung Quốc chiếm khoảng 40% rác thải nhựa thế giới, nhưng Việt Nam và Philippines dẫn đầu, nếu tính rác nhựa/đầu người).
Tình trạng này là do chính phủ Thái Lan thiếu sự hậu thuẫn đối với các ngành công nghiệp tái chế rác, nhưng đồng thời cũng do việc phân loại rác không được khuyến khích.
Nhiều mặt hàng thực phẩm hay đồ dùng khác được bán với số lượng rất nhỏ trong các bao bì nhựa. Tình trạng này dẫn đến hàng núi rác nhựa được thải ra các bãi rác, gần các nguồn nước".
Ảnh Pixabay
Pháp tiếp bước phong trào đoạn tuyệt túi nylon
Tình trạng rác thải nhựa trên đại dương cực kỳ nguy hiểm gây lo ngại nhiều hơn trong cộng đồng quốc tế, trong những năm gần đây.
Mọi người đặt rất nhiều hy vọng ở dự án "Ocean Cleanup" của chàng thanh niên Hà Lan Boyan Slat, hiện đang trong giai đoạn thí điểm, đặt mục tiêu dọn sạch lục địa rác trôi nổi lớn nhất thế giới ở phía bắc Thái Bình Dương trong 10 năm.
Tuy nhiên, không ít người cũng cho rằng, cái gốc của vấn đề vẫn là phải kiểm soát nguồn rác thải nhựa ngay từ trên đất liền.
Bởi với tốc độ bảy, tám triệu tấn rác nhựa dạt ra biển hàng năm hiện nay, thì chạy theo giải quyết hậu quả là vô vàn gian nan.
Túi nylon mỏng dùng một lần rồi vứt bỏ, với hàng trăm tỉ chiếc được sử dụng hàng năm trên thế giới, là một trong những thủ phạm chính của nạn ô nhiễm biển, bởi đây là một loại rác thải dễ phát tán, khó xử lý và rất nguy hiểm, trước hết cho động vật biển. Sau Ý, Bangladesh, Haiti, Mauritania, Mali, Togo, đầu năm 2017 này, đến lượt Pháp quyết định cấm sử dụng loại túi này (2).
Cậu bé Boyan Slat năm nào nuôi ước mơ làm sạch đại dương, vì ám ảnh Địa Trung Hải rác nhựa nhiều hơn cá.
Liệu cộng đồng quốc tế có kịp hành động, để ám ảnh kia không thành ác mộng ?
-----
(1) Sau nỗ lực yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý phế truất tổng thống bất thành, đối lập Venezuela cũng đang đứng trước một thách thức chính trị mới, sau khi Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia hồi đầu tháng Hai vừa qua quyết định đưa ra một số điều kiện mới, buộc hàng chục đảng phái nhỏ phải đăng ký lại vào các cuộc bầu cử địa phương sắp tới.
Một trong những điều kiện mà các nhà phân tích cho rằng gần như không thể được, nhất là đối với các đảng nhỏ nhất. Đó là thu thập được số chữ ký tương đương với 0,5% cử tri của 12 bang, trong vòng 14 giờ, với thời hạn tối đa là hai ngày.
Liên minh các đảng phái đối lập tố cáo chính phủ tìm cách tổ chức một cuộc bầu cử giống như Cuba, hoặc như Nicaragua vào năm 2016.
(2) Hiện nay công nghệ để sản xuất các loại túi thay thế bằng chất liệu tự hủy vẫn còn là một thách thức lớn với giới chuyên gia, nhất là về mặt giá thành sản xuất.
Trong những ngày gần đây, truyền thông Pháp giới thiệu nhiều về túi nylon tự hủy, làm 100% bằng bột củ sắn của nhà sinh học Indonesia Kevin Kumala, 32 tuổi.
Related news items:
Tin mới
- Nữ hạm trưởng Nhật và nữ hạm trưởng Mỹ đưa tàu chiến tới Hoàng Sa thách thức Trung Quốc - 20/02/2017 19:33
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-02-2017 - 20/02/2017 18:13
- Quân đội Irak tập trung tấn công vào phía tây Mossul - 20/02/2017 17:36
- Vladimir Putin muốn gì trong bầu cử tổng thống Pháp ? - 20/02/2017 17:17
- Biển Đông: Việt Nam bắt đầu có chiến lược mới chống Trung Quốc - 20/02/2017 15:30
- TT Trump ký sắc lệnh cấm chuyển Kiều Hối ,VN bị ảnh hửơng - 19/02/2017 23:51
- Quân đội Ukraina và phe nổi dậy thân Nga đạt thỏa thuận hưu chiến mới - 19/02/2017 22:18
- Bóng đá Pháp chinh phục miền đất hứa Trung Quốc - 19/02/2017 21:37
- Hàng không mẫu hạm Mỹ tuần tra Biển Đông - 19/02/2017 21:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-02-2017 - 19/02/2017 03:44
Các tin khác
- Giáo dân Philippines biểu tình chống chiến dịch bài trừ ma túy - 19/02/2017 02:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-02-2017 - 19/02/2017 01:57
- Nhà thờ Đức Bà, đặc trưng kiến trúc Pháp giữa lòng Sài Gòn - 18/02/2017 15:13
- Mỹ : Đô đốc Robert Harward từ chối chức vụ cố vấn an ninh quốc gia - 18/02/2017 14:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-02-2017 - 18/02/2017 03:16
- Tổng thống Mỹ đổ tội báo chí gây ra nhiều vấn đề - 18/02/2017 02:58
- Hiệp định tên lửa Mỹ-Nga 1987 bên bờ tan vỡ ? - 18/02/2017 02:50
- Mỹ sẵn sàng bảo vệ Nhật và Hàn Quốc bằng bom hạt nhân - 17/02/2017 17:09
- Hà Nội: Hàng chục người tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung 1979 - 17/02/2017 17:02
- Trump : « Hai nhà nước Israel-Palestin không là giải pháp duy nhất » - 17/02/2017 03:07