Tỏi Lý Sơn ở Sài Gòn
- Thứ Sáu, 01 tháng Tám năm 2014 10:21
- Tác Giả: Duy Thức/Người Việt
Thời gian gần đây, người dân tránh dùng hàng nông sản Trung quốc. Từ trái cây như lựu, táo, lê… cho tới gia vị như gừng, tỏi… đều bị tẩy chay.
Tỏi Lý Sơn. (Hình: Duy Thức/Người Việt)
Thoạt tiên đó là vì nông sản Trung Quốc lạm dụng hóa chất. Các mặt hàng này đều đẹp mắt nhưng chất lượng kém xa hàng Việt Nam. Quả cam vàng ươm để một tháng không suy suyển, bổ ra mới thấy khô queo hoặc thối bên trong. Củ gừng to, bóng bảy nhưng ọng nước và không có mùi vị.
Dần dần người tiêu dùng quay về hàng Việt Nam tới nỗi khoai tây, cà rốt… xuất xứ Trung Quốc phải nhuộm đất đỏ giả dạng hàng Đà lạt, gừng khoác hiệu Tây nguyên… mới mong được khách chú ý mua. Vì thế không lạ khi ngoài đường vang lên tiếng rao tỏi Lý Sơn.
Tỏi Việt Nam thường được nhắc tới từ các địa danh Phan Rang, Phú Yên, Bắc Giang, tỏi tía và mới đây tỏi đen. Tuy nhiên nổi tiếng nhất lâu nay là Lý Sơn, tức cù lao Ré, một hòn đảo phía Bắc Quảng Ngãi được mệnh danh là vương quốc tỏi vì chất lượng hơn hẳn những nơi khác. Tỏi ở đây có mùi thơm nồng và vị cay dịu, nhiều tinh chất có thể phòng và chữa một số bệnh. Thêm lừng danh là loại tỏi một nhánh duy nhất được gọi là tỏi cô đơn, tỏi một hay tỏi mồ côi.
Thằng bé bán tỏi vẻ mặt học sinh vừa cong lưng đạp xe chầm chậm, vừa nhìn nghiêng ngó kiếm khách kêu:
Tỏi đây, ai mua tỏi miền Trung đây, tỏi Lý Sơn đây…
Nghe giọng rao nho nhỏ ngập ngừng như tiếng kêu của con thú nhỏ mới ra đời. Với nước da vẫn còn trắng trẻo chưa sạm đen nắng gió thì hẳn thằng bé này mới chân ướt chân ráo ra nghề chưa lâu. Bây giờ bán rong cũng cần xe gắn máy để có thể đi xa nhưng cậu ta chắc chưa đủ vốn và chưa rành buôn bán để đi xe gắn máy, mà vẫn đạp từ từ chiếc xe đạp cũ, một ngày qua cửa nhà tôi mấy bận.
Hàng rong hết hàng này tới hàng khác, suốt ngày chạy lũ lượt như đèn kéo quân qua phố xá. Riêng thằng bé bán tỏi không chở hàng trong chiếc sọt lớn bằng tre hay sắt như các hàng rau quả mà chỉ ràng hai chiếc giỏ nhựa nhỏ trước và sau đầu xe.
Chắc vì hành tỏi là gia vị, trong nấu nướng chỉ dùng rất ít nên đâu có bán nhiều chất núi như rau cỏ trái cây được. Trong rổ chỉ đựng độ hai chục túi nylon nhỏ. Mỗi túi chứa chừng hơn mười củ tỏi to độ hai trăm gram trông như hàng đồ chơi.
Ở ghi đông xe treo lắc lư thêm dăm ba túi tỏi nhỏ. Khi chưa biết trong rổ có gì thì người ta đã dễ dàng nhìn thấy những túi tỏi, giống như một cách chào hàng tại các ghe hàng chợ nổi dưới quê. Ở đó, trên cây sào dài trước mũi ghe thuyền, gọi là “cây bẹo” đều treo một túm hàng phất phơ bẹo hình để giới thiệu, quảng cáo món hàng của ghe đó: Khoai lang, xoài, bí đỏ, hành củ… Nhờ vậy, từ xa, người ta đã thấy để tấp vào mua.
Cậu thiếu niên đạp xe bán tỏi rong ở Sài Gòn. (Hình: Duy Thức/Người Việt)
Bắt gặp ánh mắt của tôi, thằng bé dừng lại mời:
-Ông mua tỏi Lý Sơn?
Tỏi Lý Sơn có giá tới mức được mang ra quảng cáo dễ dàng cho mọi loại tỏi. Với lại thật ra khách hàng cũng đâu mấy ai thông thạo để phân biệt tỏi mỗi địa phương khác nhau chỗ nào. Tôi nhấc túi tỏi tròn độ nắm tay hỏi:
-Bao nhiêu?
Thằng bé quần áo tươm tất mà vẻ mặt chơn chất thật thà lắm, trả lời:
-Một bịch tỏi bán mười ngàn.
Trời, không kể tỏi cô đơn có giá từ bảy trăm ngàn đến một triệu, tỏi Lý Sơn thường thường cũng đã một trăm ngàn một ký mà ở đây gói 200gram chỉ có mười ngàn đồng thì thử hỏi vốn bao nhiêu. Có thể đây là tỏi Bắc. Còn tỏi Trung Quốc giá cao lắm mười lăm ngàn một ký.
Tỏi Trung Quốc hầu như không có mùi vị, không thể so sánh sự thơm ngon với tỏi Việt Nam nói chung, tỏi Lý Sơn nói riêng. Thế nhưng loại hàng này vẫn bán chạy vì giá quá rẻ. Các quán ăn thường dùng gừng, tỏi, hành… Trung Quốc để pha nước chấm hoặc ngâm dấm lợi tiền nhưng đồng thời họ phải dùng thêm hương nhân tạo pha vào để lấy mùi hương đặc trưng. Chứ dùng tỏi Lý Sơn thì đâu có lời, chỉ dành cho bếp ăn gia đình thôi.
Bởi vậy hàng rong muốn rao tỏi gì thì rao, khách hàng cũng dư biết chẳng phải hàng Lý Sơn nhưng vừa túi tiền thì mua vậy thôi. Tôi ngạc nhiên nhìn rổ tỏi loe hoe vài gói:
-Sao bán ít vậy?
Thằng bé có vẻ khó giải thích, kể lể dông dài một lúc mới hay, cha mẹ nó dưới quê lên Sài Gòn sinh sống. Đây không phải hàng tươi cần lấy mối mỗi ngày mà khi nào hàng gần cạn, người cha mới đến chợ đầu mối mua. Người mẹ nhận hàng về, phân ra thành từng gói một hay hai trăm gram chất đầy rổ cho con trai đạp xe đi bán lẻ, còn chị ta cũng đi dạo nhưng là bán vé số.
Giữa trưa nắng nóng, thằng bé có người hỏi han nhân dịp được nghỉ chân, nên vui vẻ nói chuyện:
-Ba con chuyên chạy xe giao hàng cho đại lý tạp hóa.
Họ mướn phòng trọ gần bến xe miền Đông. Từ buổi sáng, vợ chồng con cái tản ra khắp nơi kiếm ăn, buổi trưa ăn uống ngoài đường. Hàng bán chạy thì ăn cơm mười lăm ngàn một dĩa, hàng ế thì gói xôi năm ngàn đồng cho qua bữa hoặc tiện đường ghé xin cơm từ thiện, đến tối mới về chỗ trọ mới nấu cơm cả nhà ăn.
Đôi khi thằng bé và mẹ nó đi bán ngoài phố tình cờ gặp nhau. Đó là một ngày rất vui vì cả hai mẹ con sẽ cùng vào quán ăn cơm hay uống nước mía trò chuyện một lúc nghỉ trưa. Tôi thấy tiếc thằng bé có gương mặt sáng sủa và ngây thơ, chưa nhuốm vẻ lam lũ của cuộc sống mưu sinh đường phố, hỏi:
-Con có đi học không?
Thằng bé nhìn ngang:
-Trước đây con có đi học hết lớp ba rồi nghỉ vì nhà nghèo quá. Xin vào làm cho xưởng bán trứng nổi tiếng, mỗi tháng được hơn hai triệu nhưng chỉ được hai tháng rồi nghỉ đi bán tỏi.
Tôi ngạc nhiên:
-Lương hai triệu cũng tạm được, lại khỏi nắng mưa?
Thằng bé có vẻ buồn:
-Con bị mấy thằng lớn trong xưởng ăn hiếp. Tụi nó vừa mắng chửi vừa sai bảo làm đủ việc nặng nhọc. Trong khi đó, bọn ma cũ chỉ ngổi chơi hoặc chạy xe đi bỏ mối trứng là công việc nhẹ nhàng.
Thằng bé chịu không nổi nên phải nghỉ việc về nhà. Nó thấy người ta đi bán hành tỏi mùa này đắt lắm, lại ít vốn nên bảo cha mẹ lấy hàng về bán rong. Cứ hết một rổ lại quay về nhà lấy hàng. Trung bình ngày nắng bù ngày mưa, mỗi ngày cũng lời được khoảng một trăm ngàn. Khu vực này đông dân cư lại lắm hàng ăn nên một ngày, thằng bé đảo qua mấy lượt. Tôi ái ngại hỏi:
-Con muốn đi học nữa không?
Thằng bé trả lời tự nhiên:
-Dạ không.
Nghĩa là cứ đi bán tỏi hay hết mùa tỏi lại tìm các thứ lặt vặt ít vốn khác để bán: chanh, hành củ, gừng… Rồi lớn lên sẽ đi phụ hồ, chạy xe ôm như mọi dân nghèo bình thường không có mơ ước gì. Chỉ mong sao kiếm đủ cơm ăn ngày hai bữa.
Hầu hết dân tình giờ đây như vậy. Họ gần như thất vọng hay chán nản mệt mỏi vì cuộc sống quá đỗi chật vật đến mức không thể biết hay nghĩ tới điều gì khác cả. Thằng bé có vẻ bần thần, ngẩng đầu lên giải thích:
-Con muốn kiếm tiền phụ cha mẹ gửi về quê nuôi em gái đang ở với bà ngoại già rồi…Mỗi năm chỉ được về quê hai lần, Tết và giỗ ông ngoại.
Té ra lại một gia đình vì mưu sinh mà ly tán. Gia đình thằng bé này may mắn vẫn còn ba người được ở với nhau, chứ phần lớn gia đình khác chồng một nơi, vợ một nẻo, con cái đứa nhỏ ở quê, đứa lớn lên tỉnh tha hồ mỗi người phiêu bạt một phương.
Với nền kinh tế suy thoái, lại thêm tình hình căng thẳng với Trung Quốc nên việc mưu sinh ngày càng khó khăn. Viễn cảnh gia đình xum họp và con đường về quê của dân nhập cư ở thành phố ngày càng xa vời.(DT)
Related news items:
Tin mới
- Trung Thu sớm ở miền Trung - 13/08/2014 21:07
- Dân biểu Mỹ kêu gọi trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa - 10/08/2014 13:51
- Đã đến lúc giải mật Hội Nghị Thành Đô? - 07/08/2014 16:04
- Thuyết trình Nghiên Cứu Ðiện Não khi Thiền Tập - 06/08/2014 20:03
- Phí đường bộ và đời sống thời kinh tế khó khăn - 05/08/2014 20:37
- Những người bán hải sản thời TQ chiếm biển Đông - 05/08/2014 20:26
- Bão sớm trên đất Bắc - 04/08/2014 01:05
- Người bán vé số bùng phát vì thất nghiệp - 04/08/2014 00:58
- Nghề nuôi tôm đất ở Đầm Dơi - 04/08/2014 00:53
- Trái cây Việt Nam và thị trường Trung quốc - 30/07/2014 23:35
Các tin khác
- Cẩm Lệ, trồng rau mơ nhà lầu - 30/07/2014 21:22
- Hương cốm Hà Nội và những gánh hàng rong - 27/07/2014 21:09
- Thiếu tiền xây cầu, bỏ mặc dân đu dây vượt sông - 26/07/2014 13:27
- Du lịch giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam hậu giàn khoan HD 981 - 23/07/2014 20:07
- Chuyện những chiếc cầu treo ở Tây Bắc - 23/07/2014 19:49
- Khi người Việt thiện cảm với Mỹ hơn với Trung Quốc - 23/07/2014 17:09
- Nghề chăm bệnh thuê ở Ðà Nẵng - 21/07/2014 19:00
- Câu chuyện trái vải - 21/07/2014 18:41
- Hải Dương 981: Hãy đi và đừng quay lại! - 19/07/2014 20:12
- Gái miền Tây lưu lạc xứ người - 19/07/2014 19:56