Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thuyết trình Nghiên Cứu Ðiện Não khi Thiền Tập


Giới thiệu hai tác phẩm mới của Hòa Thượng Thông Triệt

HOA KỲ - Trong một cuộc nghiên cứu của chính phủ Hoa Kỳ năm 2007, có 9.4% người được phỏng vấn cho biết họ đã thực tập “quán niệm” trong 12 tháng trước đó. Tỷ số này khá lớn, chứng tỏ nhiều người sống ở Mỹ đang tìm học và tập những phương pháp tĩnh tu để sống hạnh phúc hơn.

Công ty Google đã dành riêng một phòng quán niệm và lập những con đường thiền hành trong trụ sở chính, sau khi nhân viên đã được học thiền quán. Chúng tôi dùng chữ “quán niệm” dịch chữ “meditation” mà trong tiếng Anh thường dùng để chỉ những phương pháp tương tự nhưng không nhất thiết từ thiền quán trong Phật Giáo, là phương pháp được truyền bá rộng nhất hiện nay.

naoboViệc nghiên cứu về quán niệm, dùng những kỹ thuật do khoa học hiện đại cống hiến, đã bắt đầu từ thập niên 1950, 60, tại các đại học ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, nơi người ta nhận thấy trong óc người thiền quán phát ra những tia điện của trạng thái tâm trí bình an, tĩnh lặng. Medical News Today đã tường trình nhiều khám phá mới tại các đại học khắp thế giới. Từ năm 2008, Giáo Sư Zoran Josipovic, Ðại Học New York City đã dùng phương pháp “điện não đồ” (brain scanner) xem những gì diễn ra trong bộ não của người thực tập thiền quán, gồm tu sĩ cũng như người thường, đa số theo truyền thống Tây Tạng. Ông đưa các thiền sinh và thiền sư vào nằm trong bộ máy f-MRI, máy chụp hình bằng cộng hưởng điện từ (functional magnetic resonance imaging), và trong khi họ thực tập thiền quán thì máy MRI nhìn thấy hoạt động trong bộ óc, qua vận chuyển của các mạch máu.

Giáo Sư Josipovic, có lúc cũng sống đời một tăng sĩ, hy vọng rằng khoa học sẽ tìm hiểu được nhờ đâu các người thiền quán có thể nhập vào trong trạng thái nhất như (oneness), vô phân biệt (nonduality), khi ý thức (consciousness) hòa với ngoại cảnh làm một; mà người Việt Nam thường gọi là trạng thái Ðịnh. Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC ông cho biết trong mười năm qua các cuộc nghiên cứu về thiền quán đã cho thấy khả năng chuyển hóa và tự hoàn thiện (optimise) của não bộ, mà những cuộc nghiên cứu trước đây chưa tìm ra. Công trình nghiên cứu này sẽ giúp loài người tìm hiểu được những kỹ thuật nhờ đó có thể sống tĩnh lặng và hạnh phúc hơn; và giúp cho việc trị bệnh. Ðầu năm nay, 2014, theo Medical News Today, một cuộc nghiên cứu tại Ðại Học Montréal, Canada, cho thấy những bệnh nhân ung thư trẻ thực tập quán niệm tỉnh thức (mindfulness-based meditation) theo lối thiền quán, đã chuyển thái độ sống an lạc hơn và ngủ ngon hơn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc ba viện đại học từ Na Uy và Úc Châu, Norwegian University of Science and Technology (NTNU), University of Oslo và the University of Sydney, đầu năm nay 2014 đã tường trình trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience kết quả cuộc nghiên cứu về quán niệm, với những người thực tập thuộc các tôn giáo khác nhau. Họ cũng dùng máy MRI đo lường hoạt động não bộ của những người tình nguyện. Họ thấy khi người ta quán niệm theo lối thả lỏng (nondirective meditation) thì não bộ hoạt động nhiều hơn trong các lãnh vực hồi tưởng và cảm xúc; nhưng khi ở trong trạng thái quán niệm tập trung (concentrated meditation) thì não bộ hoạt động ít hơn. Thiền quán trong các truyền thống Phật giáo thuộc loại thứ nhì. Những người đã thực tập thiền thì biết rằng tình trạng “không tập trung” các “vọng tưởng” dễ nổi lên, những hồi tưởng và xúc động xuất hiện; như những “lời nói thầm” vẫn chưa buông xả được.

Các cuộc nghiên cứu về não bộ khi thiền quán thường chỉ mời các tăng sĩ Tây Tạng tham gia. Tăng sĩ Matthieu Ricard, người Pháp, đã qua hơn 40,000 giờ thực tập thiền quán, đã từng tình nguyện dự nhiều cuộc thí nghiệm điện não đồ, ông cũng tu theo truyền thống Tây Tạng. Vị tăng sĩ Việt Nam đầu tiên tham dự vào một chương trình “thí nghiệm” kéo dài, hơn 5 năm qua, mà kết quả đã được công bố, là thiền sư Thích Thông Triệt; người sáng lập Ðạo Tràng Tánh Không, ở California. Chúng ta sẽ có dịp nghe và thấy về công trình nghiên cứu này trong dịp cuối tuần sắp tới.

Ngày Chủ Nhật, 10 tháng 8 năm 2014, từ 3 giờ đến 6 giờ chiều, sẽ có một buổi thuyết trình về công trình nghiên cứu của một nhóm giáo sư người Ðức, với sự cộng tác của thầy Thông Triệt, tại hội trường VNCR, 14861 đường Moran, thành phố Westminster, California. Người trình bày sẽ là Giáo Sư Michael Erb, Ðại Học Tuebingen; và Ni Sư Thích Nữ Triệt Như sẽ trình bày về “Những thành quả tổng quát của chương trình hợp tác chụp hình não bộ qua máy f-MRI tại trường Ðại Học Tuebingen (Ðức Quốc) và Hội Thiền Tánh Không, trong thời gian từ 2007 đến 2013.” Sau đó, Bác Sĩ Ðặng Ngọc Cương sẽ giới thiệu tác phẩm mới của Hòa Thượng Thông Triệt, Luận Giảng về Thiền và Kiến Thức Thời Ðại. Một cuốn sách khác cũng được ra mắt trong dịp này là Luận Giảng Vấn Ðáp về Tiến Trình Tu Chứng và Thành Ðạo của Ðức Phật.

Hòa Thượng Thông Triệt xuất gia tại Việt Nam trước đây hơn 40 năm, đã theo con đường thiền quán. Khi bị giam trong nhà tù “cải tạo,” từ năm 1975 thầy đã thực tập công phu nhưng sau nhiều năm vẫn chưa thấy kết quả, thân thể vẫn yếu vì bệnh tật trong cảnh sống nhà tù. Vào ngày mồng 4 Tết, năm 1982, trong trại Nam Hà, thầy bỗng trải qua kinh nghiệm “rơi vào trạng thái Ðịnh,” vững chắc, thấy tâm mình hoàn toàn yên lặng, trống không, nhẹ nhàng. Sau đó, sức khỏe phục hồi dần. Thầy nhận ra những tác động sinh học khi thân thể tự điều chỉnh cho khỏe mạnh hơn; lòng bình thản an nhiên, cuộc sống trong tù không còn tác động và chi phối mình nữa. Từ đó, thầy Thông Triệt ước mong sẽ tìm hiểu thêm, để giải thích công hiệu của Thiền Ðịnh và công phu tu tập theo Phật Giáo bằng kiến thức khoa học.

Năm 1989, thầy Thông Triệt được trả tự do, năm 1993 ông sang Mỹ định cư. Ông đã đi tìm hiểu các cuộc nghiên cứu về não bộ và thiền định tại thư viện các đại học ở Seattle và Hawaii. Khoảng năm 1995, với phương pháp chụp hình bộ óc, các nhà khoa học đã xác định được các phần trong não bộ liên hệ tới cái thấy và cái nghe; và họ đang trên đường tìm hiểu chỗ nào trong bộ óc điều hành xúc giác và cái thấy, ý thức. Thầy Thông Triệt cũng muốn sẽ chụp hình não bộ của chính mình trong lúc bước vào trạng thái Ðịnh, để xem bộ phận nào trong óc liên quan đến trạng thái đó.

Công cuộc này được thực hiện nhờ cơ duyên của hai bác sĩ người Việt Nam, cũng là những thiền sinh trong Ðạo Tràng Thiền Tánh Không ở thành phố Stuttgart, nước Ðức. Bác Sĩ Phạm Văn Phú chuyên về quang tuyến, và Bác Sĩ Phạm Ngọc Thịnh vốn là sinh viên y khoa Ðại Học Tuebingen. Nhờ hai vị bác sĩ người Việt giới thiệu, hai giáo sư của Ðại Học Tuebingen đã khởi công cuộc nghiên cứu từ năm 2007, Hòa Thượng Thông Triệt tự đặt mình vào cuộc thí nghiệm.

Tiến Sĩ Michael Erb và Tiến Sĩ Ranganatha Sitaram đã dùng máy f-MRI chụp não bộ Hòa Thượng Thông Triệt nhiều lần, từ 2007 đến 2013. Công trình nghiên cứu của họ đã được trình bày hai lần trong các hội nghị khoa học quốc tế của Hội Nghiên Cứu Chụp Ảnh Não Bộ (Organization of Human Brain Mapping) tại Barcelona, Tây Ban Nha, tháng 6 năm 2010, và tại Québec, Canada, tháng 6 năm 2011. Những phát kiến của hai nhà khoa học, với các cuộc thử nghiệm mới năm trong 2013, sẽ được tóm tắt và trình bày trong bài thuyết trình, với các hình chụp chứng minh trên màn ảnh, do Ni Sư Triệt Như phụ trách, tại hội trường VNCR vào lúc 3 giờ 50 phút, chiều Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014 sắp tới, với sự hiện diện của Giáo Sư Michael Erb, một trong hai nhà khoa học đã thực hiện cuộc nghiên cứu.

Những cuộc nghiên cứu về não bộ trong tình trạng thiền định giúp chúng ta hiểu rõ hiện tượng tâm linh nhiều hơn trước. Nhưng việc tu tập, tìm giải thoát, vẫn do công phu thiền tập, một việc hoàn toàn do mỗi người tự thử nghiệm bằng bản thân mình. Những quan sát, thí nghiệm khoa học là những phương tiện giúp người thiền tập tin tưởng hơn nhưng cũng chưa trả lời được câu hỏi tại sao trạng thái thiền định tác động trong não bộ như vậy. Các nhà nghiên cứu về óc (neuroscientists) giả thiết rằng hoạt động trí não là do những tín hiệu điện tử từ các neuron liên hệ với nhau. Nhưng chưa ai giải thích được mối liên hệ đó phát tác thế nào. Hiểu được cái tâm của con người, cái tâm trong toàn thể vũ trụ này còn xa xôi hơn nữa.

Trước những vấn đề lớn như vậy, hiểu biết khoa học, cho tới thế kỷ 21 này, vẫn còn rất giới hạn; ngay cả trong môn Vật Lý. Triết gia David J. Chalmers (trong The Conscious Mind 1996) đã đề nghị khoa học hãy nhìn trong vũ trụ có bao trùm một ý thức (consciousness) vượt trên phạm vi vật lý, mà hiện nay chúng ta chưa thể hiểu được ý thức đó bằng các phương pháp thuần lý. Thomas Nagel, tác giả cuốn Mind and Cosmos, mới xuất bản năm 2012, nói thẳng rằng khoa học phải từ bỏ một quan niệm căn bản, là nhìn vũ trụ chỉ thấy hai thứ, vật chất và năng lượng, như diễn tả trong công thức nổi tiếng của Einstein: E=mc2; ngoài ra không có gì khác. Thomas Nagel đề nghị các nhà khoa học hãy nhìn vũ trụ dưới ba dạng: Vật Chất, Năng Lượng, và Tâm (ông dùng chữ Mind). Tóm lại, cho tới thế kỷ 21 này khoa học của loài người, trong đó có phần nghiên cứu về não bộ, mới bắt đầu những bước đi chập chững trước các vấn đề căn bản nhất. Người nghiên cứu khoa học phải rất khiêm tốn, người tìm học và sử dụng các kiến thức khoa học càng phải khiêm tốn hơn.

Switch mode views: