Nghề chăm bệnh thuê ở Ðà Nẵng
- Thứ Sáu, 25 tháng Bảy năm 2014 09:34
- Tác Giả: Phi Khanh/Người Việt
Những người bệnh không có đủ điều kiện kinh tế để chữa chạy nhưng biết bệnh mình không thuộc dạng nan y, những người nghèo khổ, không nơi nương tựa, mượn bệnh viện làm nhà, lấy bệnh nhân làm bạn bè và người thân, những sinh viên tốt nghiệp trung cấp y tế thất nghiệp, đang chờ việc... Tất cả họ đã chọn một công việc mà nếu không có kiên nhẫn và lòng yêu thương, e rằng sẽ không bao giờ làm được hoặc nếu làm được cũng chỉ tạm bợ, qua loa: chăm bệnh thuê.Nuôi bệnh cũng đòi hỏi cái tâm và cái đức. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Cái tâm nhà nghề
Một người chăm bệnh thuê tên Trang, ở Ðà Nẵng, chia sẻ, “Nghề chăm bệnh thuê ở miền Trung khó khăn hơn rất nhiều so với nghề chăm bệnh thuê ở các thành phố miền Nam và miền Bắc.”
“Bởi miền Trung nghèo khổ, những người giàu có, quan chức đã có osin trong nhà, những người tầm tầm bậc trung thì lại tính toán từng đồng để phòng cơ, để vì... nhiều lý do. Chính vì thế, câu chuyện chăm bệnh thuê ở các bệnh viện miền Trung kể ra, lúc nào cũng cóp nhiều điều để chảy nước mắt.”
Chị Hiền, một phụ nữ ở Thằng Bình, Quảng Nam, cách đây bảy năm phải vào nằm viện vì bị tai nạn xe trong lúc chở trái cây đi bán. Phải nằm viện, không tiền, nhìn ra chung quanh, thấy nhiều người cũng không có tiền giống y hệt như mình, tự dưng cám cảnh, thương mọi người, thương mình, và bắt đầu tập tọ đi chăm sóc những người bị bệnh nặng chung quanh, ai thương thì cho chén cơm, không có thì thôi, nghề chăm sóc bệnh thuê của chị khởi nghiệp như thế.
Chị Hiền kể, “Hồi đó mình nghèo quá, cái ăn còn không có lấy đâu mà chạy chữa, người gây tai nạn cũng tử tế lắm, cũng đưa mình đến bệnh viện và đền bù. Nhưng nhìn thấy gia cảnh năm đứa con, một cô vợ bị đau tim, anh chồng phải chạy xe ôm để nuôi gia đình, mình nỡ nào mà cầm tiền của họ, thế là đói trong bệnh viện, chỉ biết trốn ra vườn cây ngồi khóc....”
“Rồi đâu cũng vào đó, cái khó ló cái khôn mà, lúc đó nghề nuôi bệnh thuê không rầm rộ và cũng có thu nhập rất hấp, không như bây giờ. Mình làm chủ yếu kiếm miếng ăn qua ngày và chờ ai đó thấy mình làm được, thương tình cho vài đồng, cứ dành dụm như vậy để có tiền mà điều trị. May mà mình bị tai nạn gãy xương vai, nên khi bó bột xong, vẫn ráng để lau chùi cho các bệnh nhân khác được, trời còn thương...!”
“Mình làm được hai năm thì nghề này phát triển thành một nhóm nghề, mình bắt đầu thấy yêu cái nghề chưa có trong lịch sử nghề nghiệp Việt Nam này. Mình cứ nhìn các cô y tá chăm sóc cho từng bệnh nhân rồi hỏi, họ cũng chịu khó bày vẽ. Lúc đó y tá còn lương thiện, không chua ngoa như bây giờ đâu em ơi!”
Một sinh viên ra trường đã ba năm nhưng chưa có việc làm, cũng đi nuôi bệnh thuê gần hai năm nay, yêu cầu giấu tên, chia sẻ, “Bệnh viện bây giờ chán lắm mấy bác ơi! Muốn vào làm được chỗ này, phải biết điều, nếu không biết điều, y tá họ đuổi như đuổi tà, khó mà sống nổi. Nhóm em có sáu đứa đều là sinh viên thất nghiệp đi chăm bệnh thuê, đứa nào cũng khó khăn, da xanh mét vì thức đêm và ban ngày thiếu ngủ....”
“Bây giờ giá chăm bệnh cũng cao so với trước đây, chuẩn giá chung trên toàn quốc là 250 đến 300 ngàn đồng cho 24 giờ đồng hồ. Tùy bệnh nặng hay nhẹ mà giá khác nhau. Nghề này phải kiên nhẫn, phải không biết gớm trước những người bệnh nặng, thậm chí phải biết tu nghiệp, nếu không thế, khó mà chăm cho người bệnh chóng lành. Chính vì thế mà đứa nào cao tay nghề thì chăm đổi bệnh nhân liên tục vì các bệnh nhân chóng lành, tin đồn mát tay được nhiều người kêu làm. Còn đứa nào chăm ù lì thì cứ một người bệnh kéo dài từ tháng này qua tháng nọ, gần như sống bám vào người bệnh vậy!”
Không ít bệnh nhân nghèo lây lất qua ngày bằng những bữa cơm, bữa cháo tình thương. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Nghề nào cũng đòi hỏi cái tâm. Nếu không có cái tâm thì khó làm lắm. Một người quét rác mà có cái tâm, khu vực của anh/chị ta làm sẽ ít bệnh vì không có nhiều vi trùng, ngược lại, một bác sĩ mà thiếu cái tâm thì tự dưng bệnh rất là đông ở nơi nào ông/bà ta đến. Ðời là thế!”
Thời buổi khó khăn...
Một người chuyên chăm bệnh khác tên Thủy, chia sẻ, “Gần mười năm nay, nhà của tui là bệnh viện đa khoa Ðà Nẵng, thỉnh thoảng con cái nó nhớ tui, nó bắt xe bus ra Ðà Nẵng rồi hẹn gặp tui ở quán cà phê, tui nhớ nó quá thì gọi điện thoại, trước đây chưa có điện thoại thì ra bưu điện, gọi về nhà hàng xóm, nhờ họ nhắn giùm nó ra thăm.”
“Ðiều kiện của mình quá khó khăn nên không thể đi tới đi lui, tốn tiền. Hồi đó tui bị bệnh phổi, đi điều trị, ông chồng ổng nuôi tui lành bệnh thì ổng ngã bệnh tai biến não, ba đứa con bỏ học mất mấy năm để phụ tui chăm sóc cho cha. Tui cố gắng làm thật nhiều tiền để lo cho chồng và các con. Hiện nay con tui đã đi học bổ túc lại rồi. Tuy không hy vọng nó vào đại học nhưng dù sao cũng có được cái chữ....”
Nói đến đây, chị Thủy khóc nghẹn ngào, một lúc sau mới kể tiếp, “Mấy anh đừng cười tui dễ khóc và cũng đừng nghĩ tui sến mà tội tui. Thực sự, khi nghĩ đến gia đình là tự dưng tui khóc, không kìm lại được. Mà tui cũng không than vãn gì đâu nghe mấy anh. Vì tui tự lo cho gia đình, tui không xin ai, mặc dù bây giờ cạnh tranh khốc liệt lắm nhưng tui vẫn sống được!”
“Thì người ta thất nghiệp nhiều quá, mà công việc thì quá hiếm nên chỉ có chỗ này là dễ thở, nếu chịu khó thì mỗi tháng kiếm cũng được năm, sáu triệu đồng. Như vậy là đủ sống, đủ lo cho gia đình, mà nghề này lại không tốn chỗ thuê trọ. Mình cứ đóng vai người nhà bệnh nhân, nằm lê nằm lếch trong bệnh viện, đỡ được một khoản tiền khá lớn cho việc thuê phòng trọ!”
“Thật sự là hai năm trở lại đây. Cái nghề này khó khăn, cạnh tranh dữ quá! Nhưng dù sao thì vẫn sống được nếu biết kiên nhẫn và biết hy vọng. Biết kiên nhẫn với người bệnh, biết hy vọng vào gia đình, công thức sống của tui là vậy. Nhờ vậy mà tui thấy cái bệnh viện này đáng yêu từng chi tiết, tui thấy đời sống đáng quí biết nhường bao!”
Nói đến đây, chị Thủy lại thút thít khóc. Câu chuyện của những người nuôi bệnh thuê còn dài lắm. Nhất là những người phải làm những việc mà ngay cả người thân của người bị bệnh cũng thấy e ngại khi nhúng tay vào.
Related news items:
Tin mới
- Người bán vé số bùng phát vì thất nghiệp - 04/08/2014 00:58
- Nghề nuôi tôm đất ở Đầm Dơi - 04/08/2014 00:53
- Trái cây Việt Nam và thị trường Trung quốc - 30/07/2014 23:35
- Tỏi Lý Sơn ở Sài Gòn - 30/07/2014 21:29
- Cẩm Lệ, trồng rau mơ nhà lầu - 30/07/2014 21:22
- Hương cốm Hà Nội và những gánh hàng rong - 27/07/2014 21:09
- Thiếu tiền xây cầu, bỏ mặc dân đu dây vượt sông - 26/07/2014 13:27
- Du lịch giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam hậu giàn khoan HD 981 - 23/07/2014 20:07
- Chuyện những chiếc cầu treo ở Tây Bắc - 23/07/2014 19:49
- Khi người Việt thiện cảm với Mỹ hơn với Trung Quốc - 23/07/2014 17:09
Các tin khác
- Câu chuyện trái vải - 21/07/2014 18:41
- Hải Dương 981: Hãy đi và đừng quay lại! - 19/07/2014 20:12
- Gái miền Tây lưu lạc xứ người - 19/07/2014 19:56
- Hàng ngàn người Ðà Nẵng đổ xô đi tìm vàng - 19/07/2014 19:46
- Đằng sau sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan - 18/07/2014 23:27
- Việt nam: Mất Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian? - 17/07/2014 22:01
- Ði xe 'vừa nằm vừa run' - 16/07/2014 23:17
- Ngư dân Việt Nam kiện Trung Quốc - 14/07/2014 21:12
- Vô ơn - 14/07/2014 21:02
- Đội Brazil làm 'tan nát trái tim' dân cá độ Sài Gòn - 14/07/2014 20:47