Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

LHQ : Sẽ phải cứu trợ cho 300.000 người tị nạn Rohingya

Rohingya-bangladesh3

Một người tị nạn Rohingya sau khi vượt biên sang Bangladesh ngày 05/09/2017.
REUTERS/Mohammad Ponir Hossain

Người Rohingya Miến Điện tiếp tục ồ ạt chạy sang Bangladesh tị nạn kể từ khi bạo lực bùng phát tại bang Rakhine cách nay hai tuần.

Theo một chuyên gia Liên Hiệp Quốc, cần sẵn sàng các biện pháp cứu trợ cho 300.000 người tị nạn, theo kịch bản tồi tệ nhất.

Reuters dẫn lời người phát ngôn của Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP) tại Bangladesh, ông Dipayn Bhattacharyya, theo đó tại Bangladesh, tổng số dân tị nạn ước tính từ 120.000 đến 300.000.
Theo đại diện Chương Trình Lương Thực Thế Giới, « những người tị nạn đến nơi trong tình trạng suy kiệt,… họ không những hết sức đói mà còn rất hoảng sợ».

Làn sóng người tị nạn, trong đó có nhiều người bị thương, bị bệnh, đòi hỏi rất nhiều hỗ trợ, trước hết về nơi ở, thực phẩm, nước sạch và các phương tiện vệ sinh, đặc biệt cần thiết bởi khu vực này đang giữa mùa mưa.

Đại diện của WFP kêu gọi các nhà tài trợ khẩn cấp đóng góp phương tiện. Chương Trình Lương Thực Thế Giới ước tính, để bảo đảm đời sống tối thiểu cho 300.000 người tị nạn, tổ chức này cần huy động thêm ít nhất 13,3 triệu đô la, để lương thực đủ dùng cho bốn tháng.
Ông cảnh báo, nếu thiếu lương thực thì việc tranh giành sẽ xẩy ra, bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, chắc chắn sẽ gia tăng.

Về phía các trại tị nạn ở bang Rakhine, kể từ cuộc tấn công của quân nổi dậy Rohingya (lực lượng ARSA) vào các trạm biên phòng Miến Điện, các tổ chức quốc tế, như Chương Trình Lương Thực Thế Giới, không còn phân phát được thực phẩm cho dân cư trong các trại tị nạn, đa số là người Rohingya, nơi có khoảng 80.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng.

Quân đội Miến Điện tiếp tục chiến dịch truy quét rộng lớn tại khu vực này.
Theo con số do quân đội nước này đưa ra hôm nay, trong hơn 430 người chết kể từ đầu khủng hoảng, chủ yếu đó là « quân khủng bố » Rohingya.
Hiện tại, khu vực bang Rakhine hoàn toàn bị phong tỏa, không có phóng viên độc lập nào được phép tác nghiệp.

Phong trào đòi tước giải Nobel của Aung San Suu Kyi

Thảm cảnh của người Hồi Giáo Rohingya Miến Điện khiến nhiều người nổi giận chống lại bà Aung San Suu Kyi, được coi là người đứng đầu chính phủ Miến Điện « trên thực tế ».

Ngày hôm qua, trên đường phố Karachi, thủ đô Pakistan, người biểu tình đốt hàng loạt tấm hình nhà lãnh đạo Miến Điện.
Theo AFP, một kiến nghị trên mạng đòi tước giải Nobel Hòa Bình của Aung San Suu Kyi đã huy động được hơn 364.000 chữ ký, tính đến sáng nay.

 Theo người chủ xướng bản kiến nghị, một công dân Indonesia, cho đến nay, nhà lãnh đạo Miến Điện đã « không làm gì để ngăn chặn tội ác chống nhân loại này, xảy ra trên đất nước mình ».

Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Yanghee Lee, bày tỏ hy vọng bà Aung San Suu Kyi thể hiện « nhiều tình thương hơn… trong thời điểm hệ trọng này của lịch sử Miến Điện », như những gì bà từng tuyên bố.

Về khả năng tước giải Nobel, thư ký của Ủy Ban cho AFP hay, vấn đề này sẽ hoàn toàn không được đặt ra, bởi không có trong di chúc của người sáng lập, cũng như quy chế của Quỹ.
Giải thưởng chỉ căn cứ trên nỗ lực của người được trao giải, cho đến thời điểm đó.

Về vai trò thực sự của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiều nhà quan sát cho rằng nhìn chung, giải Nobel Hòa Bình bất lực trước làn sóng Phật Giáo cực đoan và trước một giới quân sự còn rất mạnh, kể cả về mặt chính trị, sau gần nửa thế kỷ độc tài quân phiệt.

Hiện giới quân sự nắm ba bộ lớn trong chính quyền, kiểm soát quân đội, cảnh sát và biên phòng, cùng với một phần tư ghế trong Quốc Hội, đủ thẩm quyền để ngăn chặn mọi cải cách Hiến pháp.

Miến Điện là một quốc gia hơn 130 sắc tộc, với hơn 90% theo Phật Giáo, người theo đạo Hồi ít hơn 5%.
Các thành phần Phật Giáo cực đoan, có quan điểm chống Hồi Giáo, rất có ảnh hưởng.

Đa số dân chúng lại tin rằng dân Rohingya là người nước ngoài, đến từ nước láng giềng Bangladesh, nhiều người cho rằng đây là một « vấn đề an ninh quốc gia ».

Switch mode views: