Bắc Triều Tiên làm dấy lại tranh luận về vũ khí nguyên tử ở châu Á
- Thứ Sáu, 08 tháng Chín năm 2017 21:32
- Tác Giả: Thụy My
Biểu tình chống triển khai hệ thống chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, ngày 7/09/2017.
Min Gyeong-seok/News1 via REUTERS
Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên với những vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo và các tiến bộ trong chương trình hạt nhân đã thúc đẩy trở lại cuộc tranh luận về việc có nên triển khai vũ khí nguyên tử Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc hay không.
Tại Nhật, ông Shigeru Ishiba, một trong những nhân vật uy tín thuộc đảng Tự Do Dân Chủ (PLD) của thủ tướng Shinzo Abe, là người đã tiên phong đặt ra câu hỏi này.
Cựu bộ trưởng Quốc Phòng, được cho là có khả năng kế nhiệm ông Shinzo Abe, đã không ngần ngại đặt lại vấn đề « ba nguyên tắc » - được đề ra năm 1967 và công bố năm 1971, đã mang lại giải Nobel hòa bình cho thủ tướng thời đó là Eisaku Sato.
Đó là « không phát triển, không sở hữu, không triển khai vũ khí nguyên tử ».
Trong một chương trình truyền hình, ông Ishiba đặt thẳng câu hỏi : « Vậy thì không nói gì cả về vũ khí hạt nhân luôn, như thế liệu có nên hay không ? »
Ông Takehido Yamamoto, trường đại học Waseda nhận định :
« Các chính khách diều hâu dùng những hành động khiêu khích ngày càng nhiều của Bình Nhưỡng làm đòn bẩy, để khai mào cuộc tranh luận, với lý do lá chắn hạt nhân của Mỹ chưa hẳn bảo đảm được, và kêu gọi nước Nhật phải tự bảo vệ ».
Cho dù nhìn nhận rằng việc để cho Hoa Kỳ bố trí vũ khí nguyên tử trên đất Nhật là một chủ đề nhạy cảm, dễ gây xúc động, ông Ishiba nói thêm :
« Liệu có đúng đắn khi nói rằng chúng ta muốn được bảo vệ bởi vũ khí nguyên tử Mỹ, nhưng lại không muốn đặt trên lãnh thổ chúng ta ? »
Phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga tuyên bố với báo chí : « Cho đến nay, chúng ta không thảo luận việc đặt lại vấn đề "ba nguyên tắc", và cũng không nghĩ đến việc này ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera nói tiếp : « Chính phủ luôn hành động trong khuôn khổ ba nguyên tắc trên, quan điểm chúng ta không thay đổi ».
Đối với chuyên gia Yamamoto, cho dù Nhật Bản sở hữu « công nghệ hạt nhân và có đủ lượng plutonium để sản xuất ra vài chục quả bom nguyên tử, nhưng cuộc tranh luận khó thể đi xa đến như thế », do những vết thương mà hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 vẫn còn gây nhức nhối trong công luận.
Tuy bác bỏ thẳng thừng ý tưởng Nhật Bản, « quốc gia duy nhất phải hứng chịu bom nguyên tử » nay trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng ông Ishiba vẫn cho rằng « chiếc dù chắn hạt nhân của Mỹ đã bị chọc thủng » và cần phải hành động.
Phản ứng tương tự cũng diễn ra ở Hàn Quốc.
Các dân biểu đối lập thuộc phe bảo thủ đã trình lên một nghị quyết đòi hỏi đất nước phải sở hữu vũ khí nguyên tử của chính mình.
Nhật báo Donga Ilbo hôm thứ Hai 4/9 viết : « Chúng ta không thể nào luôn trông cậy vào chiếc dù chắn hạt nhân của Hoa Kỳ ».
Cho dù theo các cuộc thăm dò, dư luận Hàn Quốc thuận lợi hơn Nhật Bản về vấn đề này, ngoại trưởng Kang Kyung Wha nhấn mạnh rằng Seoul luôn tôn trọng các cam kết về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia khẳng định, nếu chọn lựa vũ khí nguyên tử, sẽ tai hại cho Hàn Quốc.
Seoul có nguy cơ bị quốc tế trừng phạt, gây thiệt hại kinh tế nặng nề và các nhà máy điện nguyên tử của Hàn Quốc có thể không còn được cung ứng nhiên liệu.
Đối với Robert Dujarric, giám đốc nghiên cứu châu Á đương đại của trường đại học Temple ở Tokyo, cuộc tranh luận chỉ đơn thuần là lý thuyết.
Ông nói : « Chúng ta không thể xuất hiện với vài hỏa tiễn hành trình có gắn đầu đạn nguyên tử, như thể là đến nhà bạn chơi, mang theo nước uống và xúc xích.
Cần có những khu vực được giữ an ninh cao độ, với những người lính có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ chống những kẻ phá hoại, các đội đặc nhiệm của kẻ thù, những người biểu tình, v.v… »
Hơn nữa, công luận cũng không hề sẵn sàng cho một sự triển khai như thế. Ông Dujarric nhấn mạnh :
« Có những tiếng nói phản đối tại Nhật Bản. Những người sống gần nơi đặt vũ khí nguyên tử lo sợ sẽ bị quân địch tấn công đầu tiên ».
Ông cũng đặt vấn đề về lợi ích chiến lược của vũ khí hạt nhân:
« Có nên tiêu hao năng lượng để thuyết phục hay không, vì nó không làm tăng thêm sức mạnh răn đe.
Những hỏa tiễn, oanh tạc cơ Mỹ đặt trên đất Nhật, trên những tàu ngầm ngoài khơi Bắc Triều Tiên hay trên những máy bay ném bom ở Mỹ, vẫn không làm thay đổi tương quan lực lượng ».
Tin mới
- Quân đội Syria phá vòng vây phi trường Deir Ezzor của Daech - 10/09/2017 20:40
- Chính sách di dân của Tổng thống Trump - 09/09/2017 23:59
- Bão Irma đổ bộ vào Cuba, đe dọa Florida, 6 triệu người được lệnh sơ tán - 09/09/2017 23:00
- Liên Hiệp Quốc báo động: Người tị nạn Rohingya ở Bangladesh tăng vọt - 09/09/2017 22:28
- Tập đoàn quân sự Thái Lan lúng túng vì vụ cựu thủ tướng Yingluck đào thoát - 09/09/2017 22:03
- Hạt nhân Bắc Triều Tiên: Trung Quốc trông đợi vào tiếng nói của Pháp - 09/09/2017 20:54
- Phi cơ Mỹ-Nhật tập trận ở Biển Hoa Đông, gần bán đảo Triều Tiên - 09/09/2017 20:46
- Hun Sen: "Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm" - 09/09/2017 02:09
- Bà Yingluck Cựu Thủ Tướng Thái-Lan đã thực hiện 'vụ đào thoát vĩ đại' như thế nào? - 08/09/2017 23:25
- Tỉ phú Trung Quốc bị chế độ truy lùng, xin Mỹ cho tị nạn - 08/09/2017 21:38
Các tin khác
- Quốc Hội Anh xem xét dự luật rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu - 08/09/2017 21:07
- Nga trấn an NATO về cuộc tập trận sát biên giới Liên Hiệp Châu Âu - 08/09/2017 20:29
- Tổng thống Pháp kêu gọi tái thiết dân chủ châu Âu - 08/09/2017 18:45
- Các tổ chức phi chính phủ nỗ lực giúp người Rohingya tị nạn ở Bangladesh - 08/09/2017 18:39
- LHQ thảo luận các biện pháp trừng phạt triệt để nhắm vào Bình Nhưỡng - 08/09/2017 18:29
- Bão Irma quét qua biệt thự của Donald Trump ở Saint-Martin - 08/09/2017 16:40
- Đức giáo hoàng đến Colombia với thông điệp hòa bình, hòa giải - 07/09/2017 23:19
- LHQ : Sẽ phải cứu trợ cho 300.000 người tị nạn Rohingya - 07/09/2017 22:38
- Quốc tế chuẩn bị tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên - 07/09/2017 21:48
- Khủng hoảng Bắc Triều Tiên: Tổng thống Mỹ xuống giọng - 07/09/2017 21:39