Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

IMF : Tác động từ tăng trưởng chậm của Trung Quốc nặng nề hơn dự kiến

stock china

Thị trường chứng khoán Thượng Hải tiếp tục sụt giảm, 02/09/2015.
REUTERS/China Daily

Tình trạng kinh tế Trung Quốc đang khựng lại, dù đã được dự kiến trước, nhưng tác động lại trầm trọng hơn người ta tưởng.

Đó là nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bản báo cáo công bố hôm nay 03/09/2015 nhằm chuẩn bị cho hội nghị các Bộ trưởng Tài chính khối G20 sẽ diễn ra tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

IMF nhận xét : « Việc Trung Quốc chuyển đổi sang một nhịp độ tăng trưởng chậm hơn, tuy nhìn chung là phù hợp với dự báo, nhưng dường như lại gây ra những tác động xuyên biên giới quan trọng hơn là đã tính toán trước đây. Điều này phản ánh qua việc sụt giảm giá cả các loại nguyên vật liệu, và cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ».

Theo định chế quốc tế, tăng trưởng thế giới trong quý I năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, « phản ánh một sự khựng lại ở các nước mới nổi, và sự phục hồi yếu ớt hơn tại các nền kinh tế phát triển. Các rủi ro nghiêng về hướng tiêu cực và viễn tượng là u ám hơn ».

Trong trường hợp các nước đang phát triển, đã từng giúp kéo tăng trưởng thế giới đi lên vào thời kỳ khủng hoảng tại các nước phát triển trước đây, « rủi ro ngắn hạn đã tăng ».
 Báo cáo nêu ra « quá trình chuyển đổi ở Trung Quốc », giá nguyên vật liệu thấp nhất từ trước đến nay, đồng đô la tăng giá và luồng vốn đi ngược sang các nước phát triển.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đại diện cho ngành ngân hàng, tuần rồi cho biết luồng tư bản hướng về phía các nước mới nổi đã bị khô cạn trong tháng Tám.
Các Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 tập hợp các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ họp lại vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy 5/9 tới tại Ankara để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 11 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.

IMF tuy vậy cũng dự kiến « hoạt động kinh tế tại các nước phát triển sẽ tăng lên một ít trong năm nay và năm tới », nhờ được lợi từ giá dầu giảm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo tiếp tục các chính sách tiền tệ phù hợp tại châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng đối với Mỹ, việc tăng lãi suất đang được chờ đợi cần phải dựa trên các dữ liệu kinh tế.

Báo cáo nhận xét : « Do không có áp lực trên giá cả và tiền lương cho đến nay, việc bình thường hóa cần phải tiến hành dần dần » tại Mỹ.
Được biết Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ họp vào giữa tháng Chín để quyết định có nâng lãi suất lên hay không, sau gần một thập kỷ giữ nguyên.

Trên lãnh vực tài chính, các thị trường chứng khoán châu Âu vẫn đang chịu áp lực, trong khi Wall Street có tăng lên, sau khi thị trường chứng khoán Thượng Hải hôm qua lại rung chuyển với việc cổ phiếu lại rớt giá trên 4%.

Thị trường chứng khoán Thâm Quyến đóng cửa với mức giảm gần 2%, Hồng Kông trên 1%, và hiện ngưng hoạt động cho đến tuần tới do Trung Quốc diễn binh kỷ niệm 70 năm Nhật Bản bại trận.

Một chuyên gia của JK Life Insurance nhấn mạnh, các nhà đầu tư đã mất lòng tin.
Nhiều người chơi cổ phiếu nợ nần quá nhiều đã buộc phải rời sàn chứng khoán, và tình trạng sụt giảm của các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã gây xáo trộn tâm lý.


Switch mode views: