Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Số phận hẩm hiu của các huy chương vàng Trung Quốc

Giới thể thao đòi hỏi chính quyền « phải chấp nhận thực lực tự nhiên » như các nước Tây phương và Á châu khác.

chinese tap luyen kieu nuoi ga choi

Những vận động viên tương lai của Trung Quốc được huấn luyện kiểu "nuôi gà chọi".
REUTERS

Bắc Kinh trải thảm đỏ đón chào đoàn vận động viên từ Thế Vận hội Luân đôn 2012 mang về 38 huy chương vàng, hạng nhì trên bảng danh dự. Tuy nhiên để đạt vinh quang này theo chỉ tiêu của « Đảng », từ đất nước cho đến bản thân các vận động viên phải trả cái giá rất đắt cho hiện tại và tương lai.
 

Trong bài « Mặt trái của chiếc huy chương Thế Vận », báo mạng Asia Times tổng hợp những đắng cay và những lời phê phán của dân chúng bình thường đến những nhà báo thể thao có uy tín tại Trung Quốc.

Độc giả báo « Bắc Kinh buổi chiều » đã ngỡ ngàng và bất bình khi biết chiếc huy chương vàng bơi 1.500 mét của nữ vận động viên Tôn Dương đã tốn kém cho ngân sách 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu đôla).

Trên blog riêng, nhà báo Lý Thừa Bằng, một trong những nhà bình luận thể thao nổi tiếng của Trung Quốc than thở: « Đoàn vận động viên Olympic của Trung Quốc tốn kém nhiều tỷ đôla Mỹ ».

Nhiều « dân mạng » lý luận là Tôn Dương « không thể chiếm huy chương vàng nếu chính phủ không bỏ ra những món tiền khổng lồ chi trả cho việc tập huấn ». Họ trách nhà nước « xem trọng huy chương vàng hơn cuộc sống của người dân ».

Không tính phần của các chính quyền địa phương , chỉ riêng Tổng cục Thể thao đã tài trợ trong năm 2011 và cho đến Thế vận hội khai mạc gần 2,5 tỷ nhân dân tệ cho việc huấn luyện. Trung bình mỗi huy chương vàng gây tốn kém cho ngân sách 100 triệu đôla Mỹ.

Trong thời gian tập huấn tại Long Than, mỗi vận động viên có 7 người phục vụ, từ ăn sáng cho đến dọn phòng, cho cá vàng ăn.

« Được xôi rồi việc »

Chế độ Trung Quốc hiện nay bị chỉ trích là đang đi theo vết chân chính sách dùng thể thao tuyên truyền cho chính trị của thời Liên Xô cũ.

Bất chấp hậu quả tai hại cho sức khỏe các vận động viên, chính quyền Trung Quốc còn đem con bỏ chợ, vắt chanh bỏ vỏ.

Số phận nghiệt ngã của các cựu vô địch Trung Quốc đã được tạp chí Thể Thao Trung Quốc và Tài Tân tường thuật khá chi tiết : vận động viên thể dục Trương Thượng Vũ, hai lần vô địch Đại hội thể thao đại học thế giới « World University Games » hiện nay phải đi ăn xin.

Thái Lợi, vô địch cử tạ châu Á, chết vì bệnh phổi ở tuổi 33, vì không có tiền thang thuốc.

 Nữ vận động viên Lưu Phi, 7 huy chương vàng quốc gia và thế giới trong bộ môn thể dục dụng cụ thu nhập 800 nhân dân tệ mỗi tháng nhờ dạy kèm.

 Nữ vận động viên Ngải Đông Mai bán 19 chiếc huy chương để lấy tiền chăm sóc gia đình và hiện nay đi bán quần áo ở chợ trời.

Một nữ vô địch cử tạ là Châu Xuân Lan, vì cùng đường đã bán hết bộ huy chương mà cô đã giành được bằng mồ hôi và nước mắt lẫn tủi nhục.

 Châu Xuân Lan phát hiện thân thể phụ nữ của mình bị biến đổi do nhiều năm dài nghe lời huấn luyện viên tiêm kích thích tố nam. Hiện nay cô làm nghề đấm bóp để kiếm sống.

Nhà bình luận Hồ Thư Lập, trên tạp chí Tài Tân không giấu nổi bất bình. Bà viết : « Đoạt huy chương, chào lá cờ quốc gia … rất kích thích lòng ái quốc, nhưng chúng ta không thể không biết trong chế độ của chúng ta càng ngày càng có nhiều điều bất lợi ».

Dĩ nhiên, bao giờ cũng có tiếng nói bênh vực đường lối « chính thống » như bài xã luận của Bắc Kinh nhật báo : Chúng ta phải tin tưởng vào chế độ. Niềm tin này phản ánh quyền lực mềm của Trung Quốc.

Chính sách « vắt chanh bỏ vỏ » của Trung Quốc càng ngày càng bị giới bình luận thể thao công kích và đòi hỏi chính quyền « phải chấp nhận thực lực tự nhiên » như các nước Tây phương và Á châu khác.

 

Switch mode views: