Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thái-Trung xích lại gần nhau

Thủ tướng Yingluck tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc 

Thủ tướng Yingluck gặp ông Hồ Cẩm Đào khi thăm Bắc Kinh 2012

 

Trong lúc tranh chấp Biển Đông tiếp tục gây quan ngại, một chuyên gia lưu ý không phải nước nào trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Asean) cũng xem Trung Quốc là đe dọa, mà ngược lại, còn muốn thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh.

Tiến sĩ Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á làm việc ở Singapore, nhấn mạnh chi tiết hồi tháng Năm, trong khi đối đầu giữa các tàu của Philippines và Trung Quốc ở Bãi cạn Scarborough đã sang tháng thứ hai, hàng trăm thủy quân lục chiến của Thái Lan và Trung Quốc tập trận chung ở tỉnh Quảng Đông.

 Viết trên trang web của tổ chức Jamestown, một viện nghiên cứu của Mỹ, ông cho hay bên trong Asean, có những nước như Philippines xem Trung Quốc là đe dọa an ninh và chỉ Hoa Kỳ mới có thể giúp giải tỏa lo ngại.

Nhưng lại có các thành viên không có tranh chấp trực tiếp và xem trọng quan hệ kinh tế, chính trị, an ninh với Trung Quốc.

Thái Lan là ví dụ nổi bật. Nước này không muốn nêu lập trường về tranh chấp Biển Đông và cảm thấy thương mại với Trung Quốc ngày càng quan trọng.

Chia sẻ lợi ích

Theo tiến sĩ Ian Storey, quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc khăng khít trong cuối thập niên 1970 vì cùng chia sẻ lo ngại về Việt Nam sau khi Hà Nội đưa quân vào Campuchia.

Trong 10 năm Hà Nội đóng quân tại Campuchia, Bangkok và Bắc Kinh tạo lập một liên minh không chính thức.

 Trung Quốc tạo áp lực quân sự lên Việt Nam khi bộ đội Việt Nam xâm phạm lãnh thổ Thái Lan, còn Thái Lan giúp Trung Quốc chuyển vũ khí cho quân Khmer Đỏ dọc biên giới Thái – Campuchia.

Sau khi Hà Nội rút khỏi Campuchia, trọng tâm hợp tác Thái Lan – Trung Quốc nhanh chóng thay đổi sang thương mại và đầu tư.

Trong khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98, Thái Lan đặc biệt biết ơn Trung Quốc vì hỗ trợ kinh tế. Quan hệ hai nước tiếp tục tốt đẹp dưới thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra từ 2001 đến lúc ông bị quân đội lật đổ năm 2006.

Sau khi em gái ông Thaksin lên làm Thủ tướng tháng Bảy năm ngoái, quan hệ hai nước một lần nữa lại phát triển tích cực.

Trọng tâm mối quan hệ vẫn là thương mại và đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 20.3 tỉ đôla năm 2005 lên đến 46 tỉ đôla năm 2010.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại thứ hai của Thái Lan sau Nhật Bản, còn Thái Lan là đối tác thứ 14 của Trung Quốc.

Hợp tác quốc phòng

Trong vùng Đông Nam Á, Thái Lan là nước có quan hệ quân sự thân cận nhất với Trung Quốc, với nhiều dấu ấn “đầu tiên”.

Thái Lan, trong thập niên 1980, là thành viên Asean đầu tiên nhận vũ khí do Trung Quốc sản xuất, hoặc miễn phí hoặc theo giá “hữu nghị”.

Năm 2001, Thái Lan cũng là thành viên Asean đầu tiên thiết lập hội đàm thường niên về quốc phòng, an ninh với Trung Quốc.

Tập trận Hổ mang Vàng 2012

 

Tập trận Hổ mang Vàng 2012: Thái Lan còn giữ quan hệ quốc phòng truyền thống với Mỹ

 

Năm 2005, quân đội Thái lần đầu tiên có tập trận chung với Trung Quốc. Hai năm sau, đặc nhiệm Trung Quốc lần đầu thao diễn cùng nước ngoài – cũng với Thái Lan.

Năm 2010, cũng trong một dịp đầu tiên của Trung Quốc, thủy quân lục chiến Thái – Trung cùng luyện tập tại Vịnh Thái Lan.

Sau chuyến thăm ba ngày đến Trung Quốc của Thủ tướng Yingluck hồi tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan cũng dẫn phái đoàn quân sự cao cấp nhất từ 15 năm qua thăm Bắc Kinh.

Vấn đề trang bị tàu ngầm cho Thái Lan một lần nữa được khơi lại trong chuyến thăm. Hải quân Hoàng gia Thái từ cuối thập niên 1990 đã muốn có tàu ngầm, nhưng các chính phủ liên tiếp bác bỏ vì chi phí cao. Tuy vậy, đòi hỏi của hải quân trở nên thuyết phục hơn sau khi các nước láng giềng như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia lần lượt đặt hàng loại vũ khí này.

Theo nguồn tin riêng của tiến sĩ Ian Storey, năm 2008, Thái Lan đã xem xét hai tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc nhưng từ chối vì chi phí nâng cấp và đào tạo. Năm ngoái, Thái Lan lẽ ra đã mua sáu tàu ngầm cũ của Đức, nhưng việc mua bán cũng thất bại vì lo ngại chi phí.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, phía Thái đặt vấn đề đưa người sang đào tạo ở Học viện Tàu ngầm Thanh Đảo. Nhưng thủy thủ Thái sẽ phải học tiếng Trung, và việc học tập sẽ chỉ có ích nếu Thái Lan mua tàu ngầm Trung Quốc.

 Tiến sĩ Ian Storey đánh giá mặc dù Thái Lan không muốn mua tàu Trung Quốc, nhưng nước này cũng không có nhiều lựa chọn. Có thể Trung Quốc sẽ đề nghị bán tàu với giá hấp dẫn khiến Bangkok khó mà từ chối.

Theo sau chuyến thăm quốc phòng này, hai nước đồng ý sẽ có một sự kiện “đầu tiên” nữa: cuộc tập trận giữa không quân hai nước. Và mới hôm 9 đến 29 tháng Năm, thủy quân lục chiến hai nước đã có đợt diễn tập lần hai tại Quảng Đông.

Tranh chấp Biển Đông

Một lý do quan hệ Thái Lan – Trung Quốc tiến triển tốt đẹp là vì hai nước không có tranh chấp tại Biển Đông. Từ 20 năm qua, Bangkok chưa bao giờ phê phán hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, và cũng không ủng hộ Việt Nam hay Philippines mỗi khi căng thẳng.


 

Hội nghị ngoại trưởng của Asean năm 2012

 

Các nước trong Asean không có lập trường thống nhất về Biển Đông

Khá ngạc nhiên khi Thủ tướng Yingluck nhắc đến cuộc tranh chấp khi bà thăm Trung Quốc. Theo truyền thông Trung Quốc, bà nói: “Về các tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa, Thái Lan hiểu những lo ngại của Trung Quốc về vấn đề này.”

Mặc dù bà không nói thêm, nhưng bình luận dường như thể hiện sự thông cảm nào đó dành cho Trung Quốc trong lúc có khẩu chiến giữa Trung Quốc và Philippines vì Bãi cạn Scarborough.

Bên trong Asean hiện có hai nhóm nước: một có lợi ích chiến lược và kinh tế ở Biển Đông (Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, Indonesia và Singapore), và nhóm còn lại không muốn thể hiện lập trường vì có lợi ích gắn với Bắc Kinh (Miến Điện, Campuchia, Lào và Thái Lan). Sự chia rẽ này khiến Asean không có được lập trường và hành động thống nhất đối với tranh chấp Biển Đông.

Gió chiều nào theo chiều đó?

Lập trường của giới cai trị Thái Lan thường được gắn nhãn là “xoay theo chiều gió”. Trong hai thế kỷ qua, nước này duy trì tự chủ chính trị và chủ quyền bằng cách làm thân với nước nào có sức mạnh thống trị ở châu Á.

Từ 1954, Thái Lan là đồng minh có hiệp ước với Hoa Kỳ, có mặt cùng lính Mỹ trong nhiều cuộc xung đột như Triều Tiên, Việt Nam, Iraq.

Tuy vậy, có ý kiến nói liên minh này gần đây rơi vào cảnh “đình đốn”. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là nhà đầu tư lớn ở Thái Lan, nhưng kim ngạch hai chiều chỉ đạt 35 tỉ đôla năm 2011, kém hơn khi so với Trung Quốc.

Tác giả Ian Storey nói trong chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á, Hoa Kỳ cần đặt ưu tiên củng cố quan hệ với Thái Lan trong khi Bắc Kinh và Bangkok ngày càng gắn bó về chính trị, kinh tế, an ninh.

Switch mode views: