Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dân Mỹ Bầu Cho Ông “Vũ Như Cẩn”

Ngày 6 tháng 11 vừa qua, dân Mỹ đã đi bầu tổng thống, và hàng ngàn chức vụ liên bang và tiểu bang khác.

Official portrait Obama

 

TT Obama đã tái đắc cử với 50% phiếu dân và 332 phiếu cử tri đoàn, so với TĐ Romney được 48% và 206 phiếu cử tri đoàn. Tất cả các tiểu bang “xôi đậu” đã bầu cho TT Obama, ngoại trừ North Carolina. TT Obama thu được khoảng 61 triệu phiếu. So với 70 triệu phiếu của năm 2008, 9 triệu người đã bỏ ông.

 

Dù vậy, thắng lợi của TT Obama vẫn lớn hơn kết quả của tất cả mọi thăm dò dư luận trước đó. Ngay cả các chuyên gia thiên về đảng Dân Chủ cũng ước tính TT Obama sẽ thắng với 290 phiếu cử tri đoàn là tối đa.

Cuối tuần trước ngày bầu, tổng hợp một tá thăm dò của Real Clear Politics cho thấy TT Obama thắng TĐ Romney 0.2% (47.4%-47.2%), với 5% lưỡng lự.

Cuối cùng, phần lớn số lưỡng lự ngả theo TT Obama.

Dân Mỹ năm nay đã bầu cho ông “Vũ Như Cẩn” để duy trì tình trạng ... vẫn như cũ, sau khi hai chính đảng bỏ ra khoảng năm tỷ để tranh cử, hai tỷ cho cuộc tranh cử tổng thống và còn lại cho các cuộc tranh cử dân biểu, nghị sĩ, thống đốc, và địa phương.

Vẫn tổng thống Dân Chủ, vẫn đa số Dân Chủ tại Thượng Viện và đa số Cộng Hòa tại Hạ Viện. Vẫn là cuộc chiến giữa ba ông Barack Obama trong Tòa Bạch Ốc, Harry Reid tại Thượng Viện, và John Boehner tại Hạ Viện.

Thông điệp của dân Mỹ khá rõ ràng: họ chấp nhận cho TT Obama thêm thời giờ để giải quyết vấn nạn kinh tế, nhưng sẽ có mấy ông Cộng Hòa canh chừng để tổng thống không thể vung tay quá trán quá đáng như trong những năm 2009-10.

Trên cột báo này cách đây không lâu, những ưu thế của TT Obama đã nêu lên rõ ràng trong bài “TT Obama Có Ưu Thế” ngày 2/10/2012.

Quan trọng nhất là ba yếu tố:

- Dân Mỹ thường khá kiên nhẫn và chấp nhận cho tổng thống thời gian để làm việc;

- TT Obama cũng có vẻ như ôn hòa, vị tha, dễ có cảm tình, gần với họ hơn triệu phú Romney;

- TT Obama được sự tiếp sức công khai và mạnh mẽ của cả khối truyền thông dòng chính, ảnh hưởng của truyền thông không phải là nhỏ trong xứ tự do này;

Những ưu thế đó quá lớn để một người như TĐ Romney có thể vượt qua được. Khoan nói tới khối cử tri Dân Chủ và độc lập, ngay cả trong khối bảo thủ Cộng Hòa, TĐ Romney vẫn chưa lấy được niềm tin trọn vẹn của họ. Cái quá khứ thống đốc tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ và “cha đẻ” luật cải tổ y tế của Massachusetts vẫn làm cho họ hoài nghi, hoặc ông là “cấp tiến nằm vùng”, hoặc ông là người lập trường chao đảo, theo cơ hội chủ nghiã. Nhất là khi TĐ Romney đã đưa ra những quan điểm khá cực hữu để tranh thắng trong cuộc bầu trong nội bộ đảng Cộng Hòa, rồi sau đó khi ra tranh cử chống TT Obama thì lại đổi giọng, ôn hòa hơn.

Số phiếu của TĐ Romney ít hơn tới 2 triệu phiếu so với TNS John McCain năm 2008, tức là hai triệu người ủng hộ ông McCain đã không tin tưởng ở TĐ Romney.

TT Obama cũng đã có một chiến lược tranh cử hết sức hữu hiệu, dựa trên hai vế chính:

- Một mặt, trong những tháng cuối cùng trước bầu cử, ông đã ra một loạt biện pháp nhỏ, nhắm vào những khối cử tri đặc biệt:

1) giảm lãi suất trên nợ của sinh viên, 2) cấm trục xuất con của di dân bất hợp pháp đang còn đi học, và 3) ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Những biện pháp này hiển nhiên phản ánh chiến lược lấy điểm cử tri “gà nhà”, theo mô thức của TT Bush trước đây, trong khi TĐ Romney thì lại bỏ quan điểm bảo thủ, nói giọng ôn hoà để kiếm phiếu trong khối độc lập.

- Mặt khác, tập trung mọi nỗ lực tô vẽ ông đối thủ Romney như một đại họa cho đất nước này: tài phiệt làm giàu bằng cách sa thải nhân công hay chuyển jobs đi Trung Cộng hay Ấn Độ, không quan tâm đến khối dân nghèo (47%!), muốn giết kỹ nghệ xe hơi, cắt tiền già, tiền thuốc, tiền thất nghiệp, và biết bao tội khác. Và hiển nhiên, chiến lược này đã thành công.

Có thể nói lần đầu tiên TĐ Romney “ra mắt” dân Mỹ là lần tranh luận đầu tiên với TT Obama tối 3 tháng 10. Ông đã thành công xoá bỏ phần nào hình ảnh “ác qủy, tài phiệt vô cảm” mà TT Obama đã tô vẽ lên người ông suốt mấy tháng tranh cử. Nhưng sự thành công quá nhỏ và đến quá muộn, lại còn bị bão Sandy làm lu mờ mất.

Một số quan sát viên cho chiến thắng lớn bất ngờ của TT Obama có thể là vì trận bão Sandy, xẩy ra một tuần trước bầu cử, đã thay đổi quan điểm của nhiều người. Trận bão đó đã khoá miệng và dấu hình ảnh của TĐ Romney đúng lúc ông đang phất lên, trong khi lại đưa ra hình ảnh TT Obama đang xả thân cứu dân.

Virginia là tiểu bang được coi như sẽ bầu cho TĐ Romney, cuối cùng đã bầu cho TT Obama sau khi bị Sandy tàn phá. Theo Tom Bevan và Carl Cannon viết trên Real Clear Politics ngày 7/11, 40% cử tri vùng đông bắc nhìn nhận cách TT Obama đối phó với bão Sandy đã có ảnh hưởng trên lá phiếu của họ. Nếu đúng vậy thì âu cũng là … số trời! Cũng không khác gì khủng hoảng tài chánh xẩy ra đúng một tháng trước ngày bầu cử năm 2008, phá tan mọi hy vọng của TNS McCain.

TT Obama thắng tại tất cả các tiểu bang kỹ nghệ vùng Đại Hồ, ngoại trừ tiểu bang Indiana. Chứng tỏ giới thợ thuyền tại đây đã tin lời quảng bá của TT Obama là ông đã cứu kỹ nghệ xe và cứu jobs của họ. Khẩu hiệu “Để Cho Detroit Chết” (Let Detroit Die) mà các nghiệp đoàn dán lên trán TĐ Romney đã quá mạnh và quá hữu hiệu đối với hàng trăm ngàn công nhân trong vùng, dù là không đúng sự thật.

TT Obama đã chiếm được phiếu của dân nghèo, thiểu số, phụ nữ, và khá nhiều người cao niên vẫn sợ hãi hình ảnh một triệu phú vô cảm sẵn sàng cắt trợ cấp của họ.

Huyền thoại Cộng Hòa bảo vệ quyền lợi nhà giàu, chuyên cắt trợ cấp an sinh người nghèo đã có từ cả trăm năm nay, cho đến giờ vẫn được nhai lại, và vẫn không ít người tin, cho dù trong lịch sử cận đại Mỹ, chưa có một tổng thống Cộng Hòa nào cắt một đồng xu trợ cấp an sinh nào, trong khi người “sáng lập” ra Medicare Part D là trợ cấp tiền thuốc cho người già chính là TT Cộng Hoà Bush con.

Chiến lược hù dọa những người ít hiểu biết về những vấn đề phức tạp như trợ cấp an sinh vẫn có tác dụng.

Chính TĐ Romney cũng tự hại mình bằng những câu nói hớ kiểu khoe bà vợ có hai xe Cadillac, hay lời bình luận về khối 47% dân không đóng thuế.

Cái thế khó khăn của TĐ Romney lại còn bị vài ông đồng chí Cộng Hòa làm cho khó khăn thêm. Hai ông ứng viên thượng nghị sĩ tại Missouri và Indiana đã tuyên bố những câu cực đoan, ngu xuẩn, và khó tha thứ nhất trong cuộc bầu bán năm nay.

Một ông thì cho rằng có những vụ hãm hiếp có thể là “chính đáng” (legitimate rape), một ông thì cho rằng thụ thai khi bị hãm là “ý của Chúa” (God design). Dĩ nhiên, cả hai ông trước đó coi như có rất nhiều hy vọng giúp đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Thượng Viện, đã thua sát ván, kéo luôn theo cả triệu phụ nữ bỏ ông Romney và đảng Cộng Hòa.

TT Obama mặt khác đã cố tình ém nhẹm một số tin bất lợi cho ông. Năm ngày trước bầu cử, Iran bắn rơi một phi cơ không người lái của Mỹ, nhưng chính quyền Obama đợi bầu cử xong mới loan tin.

Trước đó, vụ giết đại sứ Mỹ tại Benghazi đã gây nhiều thắc mắc, TT Obama cho điều tra, nhưng dĩ nhiên, kết quả điều tra không thể nào xong được trước bầu cử. Thêm nữa, FBI điều tra và khám phá ra đại tướng Petraeus, Giám Đốc CIA, có vợ bé từ lâu nay, nhưng đợi đến ba ngày sau bầu cử mới cho ông Petraeus từ chức. Những vụ này, nếu được công bố đầy đủ trước ngày bầu cử thì chưa biết sẽ ảnh hưởng như thế nào lên kết quả bầu cử.

Một yếu tố quan trọng nữa là những thay đổi lớn trong dân số Mỹ. Giới mày râu da trắng là khối ủng hộ TĐ Romney mạnh nhất, đang trở thành khối thiểu số trong xã hội Mỹ.

Khối cử tri chẳng những lớn mà lại càng ngày càng lớn thêm là phụ nữ, khối dân thiểu số da đen, da nâu, da vàng. Theo thăm dò kết quả bầu cử, 95% dân da đen, 70% dân da nâu (gốc Mỹ La-Tinh), 75% dân da vàng, và gần 60% phụ nữ, nhất là phụ nữ độc thân, ủng hộ TT Obama.

Sự kiện này cho thấy đảng Cộng Hòa nếu không nhận định rõ chuyển biến trong dân số Mỹ và có biện pháp thích ứng để đáp ứng nhu cầu của các khối dân mới lớn mạnh, thì sẽ mau chóng trở thành đảng của khối thiểu số và sẽ vĩnh viễn đứng ngoài lề đường để nhìn vào Toà Bạch Ốc.

TT Barack Obama là một hiện tượng mà lịch sử sẽ tốn rất nhiều giấy mực viết về ông. Một tổng thống có một không hai, không phải chỉ trong lịch sử Mỹ không mà cả trong lịch sử nhân loại cận đại.

Không cần biết lỗi tại TT Bush, hay lỗi của bao nhiêu đời tổng thống tích lũy lại, hay lỗi tại các tài phiệt ngân hàng, hay lỗi người dân Mỹ đã quá tham lam muốn làm giàu bằng đường tắt, vung tay xài tiền quá trán, chỉ biết là gia tài của TT Bush để lại năm 2009 là một khúc xương khổng lồ, trên phương diện kinh tế và tài chánh. Đã vậy, nước Mỹ phải trực diện với khủng bố quá khích Hồi giáo, lại còn vướng vào hai cuộc chiến không ai thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Trong tâm lý bình thường thì đây là lúc đất nước vĩ đại với hàng hà sa số nhân tài này sẽ phải lựa một thiên tài, một người với kinh nghiệm cao như núi, với khả năng kinh bang tế thế được cả nước nhìn nhận qua thành tích cụ thể tích lũy trong cả một đời phục vụ đất nước này. Một người có khả năng kinh tế, tài chánh, quân sự, ngoại giao, ... tuyệt đối hơn người.

Nhưng nước Mỹ lại không phải là một nước… bình thường, và dân Mỹ cũng lại là dân không có cách suy nghĩ bình thường.

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó, họ đã lựa một chính khách trẻ, hoàn toàn vô danh, với hồ sơ lý lịch viết chưa hết nửa trang giấy, tuyệt đối không một chút kinh nghiệm kinh tế, tài chánh, quân sự, ngoại giao, ... gì hết. Một con số không khổng lồ.

Bình tâm mà suy nghĩ một cách tuyệt đối không thiên vị thì không có một lý do nào có thể biện minh được lá phiếu dành cho ông Obama năm 2008. Tại sao? Dựa trên thành tích gì ngoài tài ăn nói, hứa trăng hẹn biển hơn người của ông?

Ngoài “Hy Vọng” mù mờ? Kẻ viết này chưa từng nghe được một người nào đưa ra được một lý do chính đáng tại sao TNS Obama đáng được bầu làm tổng thống ngoài tài ăn nói, hứa trời hẹn biển khi ông ra tranh cử năm 2008, chưa từng thấy một người nào đưa ra được một thành tích cụ thể xứng đáng nào của TNS Obama để bầu ông lên trách nhiệm lãnh đạo tối cao của đất nước này.

Dĩ nhiên là ông đã hứa rất nhiều, nhưng ta có thể bầu một người lãnh đạo hoàn toàn dựa trên những lời hứa được sao?

Không cần biết khả năng người đó như thế nào? Chỉ có một cách giải thích duy nhất: năm 2008, nước Mỹ đã đi vào cơn mê tập thể vĩ đại.

Kết quả như thế nào?

Trên internet, có một trang mạng đặc biệt chỉ làm một việc duy nhất là kiểm chứng thành quả của TT Obama so với những lời hứa của ông. Theo trang mạng này, lớn nhỏ có tổng cộng trên 500 lời hứa của ứng viên Obama khi ông tranh cử năm 2008. Bỏ qua những lời hứa có tính chi tiết cục bộ, ta thử kiểm điểm lại những lời hứa quan trọng nhất, so với thành quả thực thụ.

- TNS Obama hứa sẽ thực hiện đại đoàn kết dân tộc, không còn một nước Mỹ xanh hay đỏ. Kết quả, lại là tổng thống tạo phân hoá lớn nhất lịch sử cận đại Mỹ, theo Washington Post.

- TT Obama một tháng sau khi tuyên thệ năm 2009, hứa sẽ phục hồi kinh tế trong ba năm, nếu không được, sẽ chấp nhận làm tổng thống một nhiệm kỳ. Kết quả, bốn năm sau, kinh tế tăng trưởng 1%-2%, 23 triệu người thất nghiệp, 45 triệu người sống bằng phiếu thực phẩm. Nhưng ông vẫn ra tranh cử lại.

- TT Obama xin 800 tỷ kích cầu kinh tế, và hứa sẽ mang tỷ lệ thất nghiệp xuống 5% trước cuối nhiệm kỳ đầu. Tuần qua, tỷ lệ thất nghiệp là 7.9%.

- TNS Obama nhìn vào thâm thủng ngân sách và mức công nợ của TT Bush, và gọi ông Bush là “tổng thống vô trách nhiệm nhất lịch sử Mỹ”. TT Obama trong một nhiệm kỳ đầu đã tăng thâm thủng ngân sách của Bush lên gấp bốn lần, tăng công nợ gần gấp ba lần.

- TNS Obama đả kích TT Bush cắt thuế nhà giàu và quả quyết ông sẽ hủy bỏ luật đó. Cuối năm 2010, khi đảng Dân Chủ còn nắm đa số tuyệt đối tại cả hai viện, TT Obama lẳng lặng gia hạn luật giảm thuế của TT Bush đến cuối năm 2012. Xong rồi quay ra tiếp tục sỉ vả TT Bush và Cộng Hoà chủ trương cắt thuế nhà giàu.

- TNS Obama hứa với dân gốc Nam Mỹ sẽ ban luật đại xá trong năm đầu. Trong hai năm đầu, TT Obama với hậu thuẫn của đảng Dân Chủ kiểm soát cả hai viện quốc hội, không nhắc gì đến luật di dân, tuyệt đối không làm gì hết. Đợi sau khi Cộng Hòa thắng năm 2010, TT Obama hùng hổ tố cáo Cộng Hòa ngăn cản ông sửa đổi luật di dân.

- TT Obama hứa hẹn một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ–Hồi Giáo, dựa trên tương kính và hòa bình ổn định. Bốn năm sau, dân Hồi giáo trên 27 nước xuống đường biểu tình chửi Mỹ, đại sứ Mỹ tại Libya bị giết chết, đồng minh Hồi giáo lớn nhất, Ai Cập, trở thành đồng minh mạnh nhất của Iran, Iraq trở thành nhịp cầu nối liền trục Iran-Syria.

TT Obama đã không giữ được một lời hứa quan trọng nào, nhưng vẫn tái đắc cử. Như vậy mới thấy ông Obama quả là một thiên tài hiếm có trong nghệ thuật vận động tranh cử. Năm 2008, ông không có thành tích gì hết, nhưng đắc thắng nhờ tài hứa hẹn. Năm 2012, ông tranh cử cũng vẫn chẳng phải dựa trên thành tích nào của 4 năm qua, cũng chẳng còn dựa trên những hứa hẹn cho 4 năm tới nữa. Chẳng ai nghe được kế hoạch đối phó với những vấn nạn kinh tế, tài chánh, thất nghiệp trong bốn năm tới sẽ như thế nào, ngoài việc “tăng thuế nhà giàu”.

Nói tóm lại, năm 2008, TNS Obama không có một kinh nghiệm gì đáng kể để được trao cho trách nhiệm lớn lao và khó khăn nhất thế giới.

Nhưng 53% dân Mỹ đi vào cơn mê tập thể bầu cho ông. Sau bốn năm, thiên hạ đã thấy TT Obama đã không giữ lời hứa trong những vấn đề nghiêm trọng nhất.

Hơn 9 triệu người đã thất vọng, bỏ ông. TT Obama là tổng thống duy nhất trong lịch sử cận đại đã tái đắc cử với số phiếu ít hơn lần đầu, nhưng vẫn đủ để tiếp tục giữ Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm nữa.

Ông có làm được việc gì trong bốn năm tới hay không là chuyện khác, sẽ bàn đến trong những bài tới. (11-11-12)

Switch mode views: