Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kinh tế Châu Á đối mặt với tăng trưởng dưới trung bình năm 2014

Achau-chungkhoan

Sở giao dịch chứng khoán ở Kuala Lumpur, Malaysia, 19/12/13.


BANGKOK — Một bản phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc nói rằng các nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương đối mặt với tăng trưởng dưới mức trung bình trong năm 2014, mà nguyên do là chủ trương bảo hộ mậu dịch quốc tế và trong bối cảnh của những bất định thêm vào sau khi Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ loan báo sẽ giảm bớt các nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, trong khi Trung Quốc vẫn còn là trụ cột của tăng trưởng khu vực, các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Liên hiệp châu Âu và  Hoa Kỳ đã gây thiệt hại trên 60 tỷ đôla về thất thu thương mại cho các nước xuất khẩu trong hai năm vừa qua.

Bản phúc trình công bố hôm nay của Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc đặc trách châu Á Thái Bình Dương, còn gọi là UNESCAP, nói rằng tăng trưởng khu vực vẫn ở dưới các mức trước năm 2008 trong bối cảnh bất định của các nền kinh tế Hoa Kỳ là Liên hiệp châu Âu cũng như các vấn đề khu vực và tình trạng bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng.

Trung Quốc vẫn là trụ cột của cơ cấu kinh tế khu vực, và các kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá hơn 7% trong năm 2014 nhưng tăng trưởng toàn diện của khu vực châu Á Thái Bình Dương đang phát triển sẽ ở mức dưới trung bình 6%.

Quyết định của Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ giảm bớt chương trình kích hoạt ồ ạt trong năm 2014 chắc sẽ cắt giảm các khoản tiền đang được đưa vào các thị trường đầu tư khu vực.

Các kinh tế gia nói tình trạng vốn bấp bênh có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế ở Malaysia, Liên bang Nga, Philippin và Thái Lan.

Kinh tế gia của UNESCAP, ông Anizuzzaman Chodhury, nói rằng triển vọng yếu kém hơn sẽ tác động đến cách thức các chính phủ giải quyết những vấn đề như môi trường và sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng.

Ông Chowdhury nói: “Có phần chắc chúng ta sẽ tiếp tục có tăng trưởng dưới mức trung bình và điều đó có thể gây ra những tác động đối với những gì chúng ta có thể làm để giải quyết những bất bình đẳng, để giải quyết các vấn đề về môi trường, bởi vì ta cần phải có tăng trưởng và cần có tiền để giải quyết những việc đó.

 Ðó là lý do vì sao chúng ta nói rằng khu vực đang ở một điểm phải thay đổi để có chuyển biến.
Ta cần phải thực sự xét kỹ cách thức tiến hành công cuộc làm ăn, các trở ngại về cơ chế.”

Các nền kinh tế Ấn Ðộ và Trung Quốc gộp lại chiếm trên một nửa sản lượng quốc dân, tức GDP, của khu vực châu Á Thái Bình Dương đang phát triển và vẫn còn là những lực đẩy thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Chowdhury nói sự thay đổi chính sách của Trung Quốc hướng vào việc thúc đẩy chi tiêu trong nước chắc sẽ có những ý nghĩa rộng lớn hơn cho khu vực.

Ông Chowdhury giải thích: “Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho đến nay vẫn do đầu tư thúc đẩy. Nay tăng trưởng sẽ là những gì mà chính phủ Trung Quốc cố ý làm – định hướng lại các chính sách này để giải quyết những sự cách biệt khác nhau – nay họ sẽ cứu xét việc tăng lương bổng.
Như thế sẽ có nhu cầu về hàng tiêu thụ từ Trung Quốc. Ðối với các nước đang xuất khẩu hàng tiêu thụ qua Trung Quốc, họ sẽ được hưởng lợi, Vậy là có sự tái quân bình đang xảy ra.”

Liên Hiệp Quốc nói một mối quan tâm chủ chốt là sự gia tăng về chính sách bảo hộ mậu dịch quốc tế, đã khiến các nền kinh tế đang phát triển của châu Á Thái Bình Dương bị thiệt hại hơn 62 tỷ đôla vì thất thu xuất khẩu trong riêng hai năm 2012 và 2013, đặc biệt bị tác động của các biện pháp do Liên Hiệp châu Âu và Hoa Kỳ áp dụng.

Các mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch xuất hiện bất chấp thỏa thuận mới về các vòng thương nghị Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Các chính sách bảo hộ bao gồm các biện pháp chống phá giá, thuế nhập khẩu, thủ tục hải quan và các hạn chế khác.

Liên Hiệp Quốc nói nền kinh tế Trung Quốc bị tác động nặng nhất với lượng xuất khẩu trị giá 13,5 tỷ đôla bị ảnh hưởng tiêu cực trong 2 năm vừa qua, cùng với Nga, Nam Triều Tiên, cũng như các nước xuất khẩu ở Nam Á và Đông Nam châu Á.

Bản phúc trình nói Thái Lan và Malaysia đứng trước tình trạng tăng trưởng dưới trung bình gọi là “bình thường mới” và kêu gọi các chính phủ thực thi các chính sách quản lý tốt hơn tình trạng bấp bênh châm ngòi bởi luồn vốn ngắn hạn, cũng như hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa.

Switch mode views: