Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Liban, chiếc máy bay không người lái

lebanon-politics-france-macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tiếp bộ trưởng Ngoại Giao Liban Gebran Bassil, tại Paris ngày 14/11/2017 nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Trung Đông.
REUTERS/Francois Mori

Nước Pháp, với quan hệ chặt chẽ với mọi tác nhân trong khu vực Trung Đông, tìm cách « đem » thủ tướng Liban Saad Hariri về nước.

 Tuy nhiên, khả năng của Paris có giới hạn trong lúc Liban như con tàu bay không người điều khiển.

Sau Libya, khí hậu và hạt nhân Iran, nước Pháp một lần nữa lên tuyến đầu với một hồ sơ nóng bỏng Liban.
Tổng thống Emmanuel Macron, sau khi đích thân gặp thái tử nối ngôi Ả Rập Xê Út, tiếp ngoại trưởng Liban tại điện Elysée chiều thứ Ba và qua hôm nay (15/11), ngoại trưởng Pháp bay sang Iran.

Theo tuyên bố cúa ngoại trưởng Liban, Gebran Bassil, thủ tướng Saad Hariri đang ở trong hoàn cảnh « không rõ ràng, không bình thường ».
Sự kiện thủ tướng Liban Saad Hariri tuyên bố từ chức gây ra nhiều bình luận, đồn đoán, nào là Hariri bị Ryad bắt cóc, Israel sắp tấn công…
Tổ chức Hezbollah-Liban thì cho rằng Ả Rập Xê Út đứng sau vụ khủng hoảng này.

Căng thẳng với Iran và Hezbollah

Theo AFP, điều chắc chắn là Ả Rập Xê Út Sunni, ủng hộ Saad Hariri, và Iran Shia, bảo trợ cho Hezbollah-Liban, đang tranh giành ảnh hưởng qua những cuộc khủng hoảng trong vùng từ Syria cho đến Yemen.

Do vậy, Hezbollah tố cáo Ả Rập Xê Út tìm cách can thiệp vào Liban không phải là thiếu cơ sở.
Vấn đề là tổ chức võ trang Shia này nhận vũ khí của Iran và sát cánh với « tình nguyện quân » Iran tiếp tay với chế độ Damas.

Xem xét động cơ thúc đẩy thủ tướng Saad Hariri bỏ nhiệm sở có thể giúp hiểu được phần nào tình trạng bế tắc ở Liban.
Cách nay đúng một năm, khi nhận lời mời làm thủ tướng Liban, doanh nhân trẻ tuổi này, theo đạo Hồi hệ phái Sunni, chấp nhận bỏ Riyad về Beyrouth.

Ông cũng chấp nhận trả giá « hòa giải » với Hezbollah, tổ chức bị tình nghi ám sát thân phụ của ông, Rafic Hariri, tháng 02/2005, lúc đó là thủ tướng Liban, bạn thân của tổng thống Pháp Jacques Chirac.
Tuy nhiên, sự hy sinh của Saad Hariri không đem lại kết quả mong muốn cho Liban.

Chiến tranh Syria đã vô tình đặt « Thụy sĩ của Địa Trung Hải » ra ngoài ống kính truyền hình thế giới.
 Công cuộc tái thiết trì trệ, quốc tế chỉ ủng hộ yếu ớt, Riyad cũng phớt lờ đồng minh, trong khi kinh tế Liban biểu hiện nhiều dấu hiệu « khủng hoảng cấu trúc », hệ quả của tình trạng tham ô bất trị, theo nhận định của Peter Harling, một chuyên gia về Trung Đông.

Rất có thể thủ tướng Liban đánh lá bài báo động để thúc đẩy công luận chú ý hơn về tình hình Liban.
 Đối với Riyad, chiến thuật này có lợi theo nghĩa sẽ gây sức ép lên tổ chức Hezbollah càng ngày càng nguy hiểm : Tích trữ vũ khí và hỗ trợ cho các nhóm dân quân Shia khắp khu vực.

Mỹ và Israel cũng đang gia tăng áp lực lên Iran và Hezbollah Liban. Tình thế này, theo Peter Harling (Le Monde 15/11/2017) có thể đưa Liban vào một cuộc chiến tranh mới vì Iran không bao giờ hy sinh Hezbollah.

Giới hạn thiệt hại

Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng này, nước Pháp của Emmanuel Macron lên tuyến đầu.
Theo phân tích của chuyên gia Denis Bauchard, thuộc Viện quan hệ quốc tế IFRI, khác với Washington, Paris có thể đối thoại với tất cả mọi phe kể cả phe Shia.

Nước Pháp phải dấn thân một phần vì bổn phận lịch sử với Liban, một phần vì Liban biết trông cậy vào ai ?
Chính sách của Donald Trump như thế nào ?
Ở châu Âu, Anh Quốc đang bối rối vì Brexit, Đức Quốc cũng phân tâm vì nội tình chính trị chưa giải quyết xong.

Giáo sư chính trị Ziad Majed, người Pháp gốc Liban, giảng dạy tại đại học Mỹ ở Paris tỏ ra lạc quan hơn cho rằng Paris có thể trợ giúp làm giảm bớt thiệt hại trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài. Giải pháp đó đến từ Washington.

Trong khi chờ đợi, người dân địa phương hy vọng chiếc tàu bay Liban, dù thiếu phi công, sẽ hạ cánh bình yên.
Với điều kiện, không bị trúng tên lửa của Israel.

Switch mode views: