Thủ tướng Liban rời Ả Rập Xê Út đến Paris
- Thứ Ba, 21 tháng Mười Một năm 2017 00:44
- Tác Giả: RFI
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tiếp thủ tướng Liban Saad Hariri, ngày 01/09/2017, tại Paris.
AFP/Ludovic Marin
Thủ tướng từ nhiệm Liban Saad Hariri đã tới Paris hôm nay 17/11/2017, theo lời mời của tổng thống Pháp, nhằm tìm giải pháp đối phó với nguy cơ khủng hoảng chính trị trầm trọng tại quốc gia Cận Đông này, sau tuyên bố từ chức ngày 04/11 của ông, được đưa ra từ Ả Rập Xê Út.
AFP cho hay, đoàn xe đón thủ tướng Liban, gồm bảy chiếc, đã rời sân bay quốc tế Bourget, ngoại ô Paris, vào lúc 7 giờ sáng nay.
Kênh truyền hình Liban LBCI truyền trực tiếp hình ảnh thủ tướng Hariri cùng vợ về đến nơi ở của ông tại Paris.
Trưa nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có kế hoạch tiếp đón trọng thể thủ tướng Liban và gia đình tại Điện Elysée.
Số phận của thủ tướng Liban, 47 tuổi – mang quốc tịch Ả Rập Xê Út - là tâm điểm thời sự quốc tế từ hai tuần nay, sau tuyên bố từ chức bất ngờ của ông.
Việc thủ tướng Liban rời Ả Rập Xê Út đến Pháp chính thức xóa tan phần nào không khí lo âu bao trùm, do giả thuyết về khả năng ông bị Ả Rập Xê Út « cầm giữ ».
Chắc chắn nhiều người Liban thở phào trước kết cục hôm nay, nhưng nỗi lo ngại xung quanh số phận của thủ tướng Hariri và gia đình chưa hoàn toàn được xua tan.
Báo chí Liban nói đến khả năng « Ông Hariri được Ả Rập Xê Út trả tự do có điều kiện ».
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết cụ thể :
« Tổng thống Liban Michel Aoun cho rằng ông đã thực hiện được mục tiêu đầu tiên, đó là đưa được thủ tướng Saad Hariri ra khỏi Riyad.
Tuy vậy, nguyên thủ Liban và các quan chức khác vẫn tỏ ra thận trọng, một sự thận trọng xen lẫn lo ngại.
Tổng thống Michel Aoun lấy làm tiếc là con gái và một trong những người con trai của ông Saad Hariri vẫn ở lại Riyad, với cái cớ là họ tiếp tục đi học ở đây.
Như vậy, sang Paris chỉ có thủ tướng Liban cùng phu nhân và người con trai cả vốn sinh sống và học đại học ở Anh Quốc.
Có một lý do khác gây lo ngại, đó là tin nhắn trên twitter của ông Saad Hariri, vào tối hôm qua, sau cuộc gặp với người hùng ở Riyad, thái tử kế vị Mohammad Ben Salman.
Ông Hariri viết : Thời gian tôi ở lại vương quốc Ả Rập là nhằm tiến hành các tham vấn về tương lai tình hình tại Liban và các quan hệ của Liban với môi trường Ả Rập.
Thủ tướng Liban cũng nói thêm rằng tất cả những thông tin về lý do ông ở lại Ả Rập Xê Út, hoàn cảnh ra đi của ông cũng như hoàn cảnh gia đình ông đều chỉ là những tin đồn.
Cuối cùng, các lãnh đạo Liban cũng phân vân về phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông nói rằng thủ tướng Saad Hariri sẽ quay lại Liban trong những ngày hoặc những tuần sắp tới.
Thế nhưng, các lãnh đạo Liban đòi hỏi là ông Hariri phải trở về nước vào thứ Hai hoặc thứ Ba tuần tới và họ đã đồng ý hủy bỏ lễ kỷ niệm quốc khánh, dự trù vào thứ thứ Tư, và thay vào đó là các cuộc biểu tình đòi thủ tướng hồi hương ».
Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy, cho dù thủ tướng Hariri đi Pháp, căng thẳng trong hồ sơ Liban vẫn tiếp diễn, với việc Ả Rập Xê Út hôm nay triệu đại sứ tại Đức về nước, để phản đối phát biểu hôm qua của ngoại trưởng Đức, tố cáo Riyad gây áp lực lên thủ tướng Liban.
Theo các nhà quan sát, nước Pháp có vai trò môi giới quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Liban, quốc gia Cận Đông nhỏ bé đa tôn giáo (hơn nửa dân số theo Thiên Chúa Giáo với nhiều hệ phái, phần còn là người theo Hồi Giáo với hai hệ phái Shia và Sunni), nằm tại khu vực tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc khu vực, Iran và Ả Rập Xê Út.
Lực lượng Hezbollah Liban – đồng minh của Iran – có ảnh hưởng rất lớn tại Liban.
Thủ tướng Hariri đã hai lần nỗ lực xây dựng « chính phủ liên hiệp » với Hezbollah, nhưng không thành công.
Hồi đầu tháng 11, vào lúc đưa ra quyết định từ chức, thủ tướng Liban cho biết ông cảm thấy « sinh mệnh bị đe dọa » và so sánh tình hình hiện nay ở Liban với không khí hồi năm 2005 trước khi cha ông – cố thủ tướng Rafic Hariri - bị ám sát ở Beyrouth.
Lực lượng Hezbollah bị tình nghi đứng sau vụ sát hại này. Nhiều người lo ngại Liban có thể trở thành một Syria thứ hai.
Tin mới
- Bắc Triều Tiên: Mỹ đánh vào cả công ty Trung Quốc - 22/11/2017 16:57
- Sau khi đảng đối lập bị giải thể, Cam Bốt sẽ ra sao ? - 21/11/2017 23:59
- Mỹ, Nhật, Hàn gây sức ép « tối đa » với Bắc Triều Tiên - 21/11/2017 23:47
- Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un loại bỏ nhân vật số 2 trong quân đội ? - 21/11/2017 22:49
- Trung Quốc : Một luật sư nhân quyền bị kết án 2 năm tù - 21/11/2017 22:40
- Tổng thống Đức Steinmeier không muốn bầu lại Quốc Hội - 21/11/2017 22:26
- Syria : Putin gặp Assad trước thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ - 21/11/2017 20:26
- Pháp : Nhà hàng khỏa thân đầu tiên ở Paris - 21/11/2017 20:04
- THAAD: Hàn Quốc khuất phục Trung Quốc sau đòn hiểm về kinh tế - 21/11/2017 01:51
- Indonesia: Bắt giam chủ tịch Quốc Hội vì tham nhũng - 21/11/2017 01:11
Các tin khác
- Trung Quốc đề xuất giải pháp cho cuộc khủng hoảng Rohingya - 21/11/2017 00:25
- Đức : Thất bại đàm phán thành lập chính phủ liên minh - 21/11/2017 00:19
- Hoa Kỳ : Tranh luận về việc sử dụng vũ khí nguyên tử - 20/11/2017 23:41
- Tại hội nghị Liên Đoàn Ả Rập, Riyad chỉ trích gay gắt Teheran - 20/11/2017 18:44
- Ba thi hài nạn nhân gốc Việt trong vụ cháy ở San Jose có thể đưa về Việt Nam - 20/11/2017 18:04
- Ông Hun Sen ‘thách’ Mỹ cắt mọi viện trợ cho Campuchia - 20/11/2017 01:56
- Jack Ma, hãy tránh xa Việt Nam! - 20/11/2017 01:45
- Tàu khu trục Mỹ va chạm với tàu kéo Nhật - 19/11/2017 21:33
- Quân đội Trung Quốc lập website chống tin giả, rò rỉ thông tin - 19/11/2017 20:33
- Liban, chiếc máy bay không người lái - 19/11/2017 02:10