Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc đổi vũ khí lấy cao su để thu hút thị trường châu Á

thailand-defence

Sĩ quan Thái Lan tại Triển lãm Quốc Phòng và An Ninh 2017, tại Bangkok, ngày 06/11/2017.
REUTERS/Panu Wongcha Um

Không những Trung Quốc chào bán vũ khí với giá rẻ, mà còn đề xuất nhiều cách thanh toán không thể cạnh tranh hơn được.

Các nhà công nghiệp Trung Quốc có thể đổi xe tăng lấy cao su, dầu hỏa và khoáng sản.

Đây là nhận xét trong bài phóng sự của nhà báo Lionel de Conick, đăng trên trang La Tribune của Pháp (16/11/2017), sau khi tham dự triển lãm Quốc Phòng và An Ninh tại Bangkok từ ngày 06-09/11/2017.

Ngân sách quốc phòng của Thái Lan không ngừng tăng, gần 5% mỗi năm, kể từ khi quân đội lên cầm quyền vào năm 2014, và có thể sẽ chiếm đến 7,7% ngân sách Nhà nước vào năm 2017.
 Tuy nhiên, Thái Lan không phải là trường hợp đặc biệt. Thị trường châu Á và châu Đại Dương tăng ổn định từ năm 2012 và hiện chiếm 43% các thương vụ vũ khí trên thế giới.

Vì vậy, các nhà sản xuất công nghiệp vũ khí trên khắp thế giới đã có bốn ngày tại triển lãm Quốc Phòng và An Ninh Bangkok để trưng bày, quảng cáo cho sản phẩm của mình trước sự theo dõi của các tướng lĩnh Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Pháp có một khu trưng bày giản dị, giới thiệu một vài nhà vô địch bán vũ khí của nước này như Thales, Nexter hay MBDA.
Tại đây, tất cả ngành công nghiệp vũ khí thế giới “hy vọng hưởng lợi từ nhu cầu mạnh về tái trang bị hải quân tại Nam Á và Đông Nam Á”, theo một nhà bán vũ khí Pháp có mặt tại triển lãm.

Trong trung hạn, “các nước trong vùng muốn phát triển và hiện đại hoá đội tầu của họ hoặc bắt đầu xây dựng đội tầu ngầm”, theo khẳng định của một quan chức của GICAN, một nhóm các nhà công nghiệp đóng tầu và hoạt động hải quân Pháp.

Trung Quốc “đổi chác”

Thế nhưng, trước các “lão làng” Mỹ và Nga, tập đoàn Pháp khó lòng tìm được một chỗ đứng.
 Thế mà một “tân binh”, Trung Quốc lại thu hút được gần hết các thị trường.
Thái Lan vừa mua ba tầu ngầm chạy bằng diesel S26T của Trung Quốc với khoản tiền gần 860 triệu euro.

Malaysia, Miến Điện và Indonesia cũng nằm trong danh sách các khách hàng chính của ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc.

Tác giả bài báo nhận định vũ khí của Trung Quốc rẻ hơn, và để thanh toán, “mọi thứ đều có thể”, theo lời của một nhân viên tại gian hàng Nirinco, nhà sản xuất xe thiết giáp hàng đầu của Trung Quốc.
Các nước Đông Nam Á có ngân sách hạn chế và các thương vụ thường diễn ra với việc chuyển giao công nghệ hoặc đơn giản hơn là “trao đổi”.

Trả lời với phóng viên của La Tribune, vẫn người bán hàng Trung Quốc cho biết : “Người ta có thể đổi mọi thứ để lấy xe tăng của chúng tôi. Chúng tôi lấy tất : dầu lửa, khoáng sản, cao su.
Trong vùng này, đổi lấy cao su, rất chạy”. Kết quả là năm 2016, Trung Quốc vượt qua Pháp trên bảng xếp hạng các nhà xuất khẩu vũ khí thế giới.

Đông Nam Á vẫn là những nguồn cung cấp cao su chính cho Trung Quốc.
Trang lecourrier.vn, trích truyền thông Thái Lan (22/07/2017), cho biết ba nước sản xuất cao su lớn nhất khu vực này là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thảo luận về việc giảm khối lượng xuất khẩu vào trong 6 tháng cuối năm 2017 để giảm bớt tác động của việc giá bán cao su trên thế giới bị giảm.

Hàng năm, đại diện ba nước vẫn họp với nhau nhằm tìm giải pháp để ổn định giá cao su, cũng như các giải pháp về lâu dài cho ngành công nghiệp cao su.
Sản lượng cao su của ba nước Đông Nam Á này chiến khoảng 60% sản lượng thế giới, tương đương với khoảng 12 triệu tấn mỗi năm, trong đó Thái Lan sản xuất 4,5 triệu tấn, Indonesia là 3,1 triệu tấn và Malaysia là 720.000 tấn.

Tuy nhiên, theo trang CommodAfrica.com, trong nhiều năm trở lại đây, cao su từ các nước châu Phi cũng bắt đầu cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc, hiện chiếm gần 2% thị trường quốc gia Đông Á này, với giá rẻ hơn so với giá trung bình của các nguồn cao su được Trung Quốc thu mua : Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) đứng vị trí thứ 5, tiếp theo là các nước Liberia (thứ 9), Cameroun (thứ 11)…

Hiện đại hóa đội tầu hải quân châu Á

Với sức cạnh tranh mạnh như vậy, nhiều nhà công nghiệp bắt đầu mơ đến việc luật pháp nước Pháp sẽ bớt cứng rắn và một quan niệm thương mại vũ khí, “đôi khi còn quá nhỏ mọn, thậm chí đa nghi”, theo giải thích của một nhà trưng bày Pháp.

Giám đốc một doanh nghiệp Pháp, tham gia triển lãm tại Bangkok, khẳng định sắp ký một đơn đặt hàng quan trọng cho một lực lượng cảnh sát địa phương, nhưng không chắc sẽ nhận được giấy phép xuất khẩu.
Ông tỏ ra bất bình, vì với ông, “Điều này không thể hiểu nổi. Cứ như nước Pháp xấu hổ vì bán vũ khí, điều này không chấp nhận được về mặt chính trị.

Vậy ngay cả khi chúng tôi tạo ra việc làm, và chúng tôi sản xuất ra hàng “made in France”, thì vẫn phải kín đáo, vì các chính trị gia luôn lo sợ”. Vì thế, “chúng ta đang đánh mất thị trường, và các nước cạnh tranh thì vớ bở”.

Theo nhà sản xuất Pháp, “tất cả điều này có những hậu quả trực tiếp đối với cuộc sống của nhiều doanh nghiệp”, có nghĩa là liên quan đến việc làm.
“Những nước khác, đôi khi thậm chí là một vài nước châu Âu, không tự đặt ra quá nhiều câu hỏi để biết họ làm ăn với ai…”.

Với sự gia tăng căng thẳng lãnh thổ xung quanh các đảo ở Biển Đông, “tất cả các nước trong vùng muốn phát triển và hiện đại hóa đội tầu và tùy tình hình, thành lập đội tầu ngầm”, theo nhận định của người phụ trách GICAN, đơn vị tổ chức triển lãm cho các nhà trưng bày Pháp.

Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan, có nghĩa là gần như tất cả các nước trong vùng, đều đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Theo tác giả, có thể đây là một mối lợi cho các nhà công nghiệp Pháp.

Căng thẳng Biển Đông, cơ hội cho nước Pháp?

Theo ông Guillaume Verney-Carron, tổng giám đốc của công ty Verney-Carron Défense, “căng thẳng giữa các nước trong vùng sẽ buộc một vài nước trong số này chọn các nhà đầu tư khác.
Vì vậy, họ có thể quay sang Pháp như lựa chọn thứ ba”.

Công ty Verney-Carron có quy mô nhỏ, nằm ở thành phố Saint-Etienne, với hơn 50% doanh thu của công ty là nhờ xuất khẩu.
Vị tổng giám đốc nhấn mạnh : “Phải để chúng tôi làm việc. Tại thị trường phát triển mạnh này, có rất nhiều cơ hội.
Tất cả mọi người đều có lợi ở đây : chúng tôi tạo việc làm, và điều này cũng sẽ tốt cho cán cân ngoại thương”.

Trang Challenges của Pháp nhận định châu Á là một thị trường tiềm năng vô cùng lớn.
Nếu như Trung Quốc giảm bớt nhập khẩu trang thiết bị quân sự từ sáu năm nay, thì các nước Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản lại tăng số đơn đặt hàng trong cùng thời điểm này.
Indonesia đã tăng nhập khẩu vũ khí thêm 40% từ năm 2009. Malaysia, Việt Nam và Philippines luôn có những đơn đặt hàng chắc chắn.
 Thậm chí, Úc trở thành nước nhập khẩu vũ khí thứ tư trên thế giới vào năm 2017, với tổng số tiền là 3,4 tỉ đô la.

Năm 2017, Pháp đã vượt qua Đức để chiếm vị trí thứ ba trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới, với 5,2 tỉ đô la tổng số hàng được giao, dù vẫn thua Hoa Kỳ (26,9 tỉ đô la) và Nga (7,2 tỉ đô la).
Vẫn theo trang Challenges, thành tích mà Paris đạt được là nhờ ba hợp đồng bán 84 chiến đấu cơ Rafales cho Ai Cập, Qatar và Ấn Độ.

Ngoài ra, còn phải kể đến một hợp đồng bán tầu hộ tống chống tầu ngầm FREMM cho Ai Cập. Với nhiều đơn đặt hàng được ký vào cuối năm 2016 với tổng trị giá là 54 tỉ đô la, Pháp có thể vượt qua được Nga trong năm 2018 về xuất khẩu vũ khí, theo thẩm định của HIS, để đứng thứ hai, sau Hoa Kỳ.

Switch mode views: