Bầu TT Pháp: Jean-Luc Mélenchon, nhà hùng biện “bất khuất”
- Thứ Bảy, 08 tháng Tư năm 2017 02:44
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Jean-Luc Melenchon, Lãnh đạo đảng La France Insoumise diễn thuyết trong cuộc mít tinh vận động tranh cử tổng thống tại Rennes ngày 26/03/2017.REUTERS/Stephane Mahe
Càng gần đến vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp (23/04/2017), các ứng cử viên càng ra sức vận động.
Trong số 5 ứng cử viên được gọi là « lớn », nhân vật nổi bật trong một vài tuần lễ nay là ông Jean Luc Mélenchon, ứng viên thường được liệt vào diện cực tả, đại diện cho phong trào được chính ông mệnh danh là Nước Pháp Bất Khuất - La France Insoumise, và được đảng Cộng Sản Pháp ủng hộ.
Jean Luc Mélenchon đã gây được sự chú ý nhờ tài hùng biện.
Một ví dụ mới nhất là trong cuộc tranh luận trực tiếp truyền hình hôm 04/04/2017 vừa qua, tập hợp 11 ứng viên lớn, nhỏ, một cuộc thăm dò dư luận qua internet thực hiện ngay sau đó đã cho thấy rằng ông được đánh giá là người có sức thuyết phục nhất, hơn cả đối thủ Emmanuel Macron, cũng nổi tiếng có tài thu phục nhân tâm.
Cùng ngày, kết quả một cuộc thăm ý định bầu của cử tri do hãng Ifop-Fiducial thực hiện cũng cho thấy rằng ông Mélenchon là ứng cử viên duy nhất trong số 5 ứng cử viên lớn được thêm cử tri ủng hộ, tăng 2% so với một tuần lễ trước đó.
Ở hai vị trí đầu của cuộc thăm dò, vẫn là hai gương mặt quen thuộc là ứng cử viên Marine Le Pen, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia FN (25%) và Emmanuel Macron, phong trào Tiến Bước (24,5%).
Điều đáng ghi nhận là nếu thoạt đầu, ông Mélenchon đứng cuối bảng trong số năm ứng viên chủ chốt, thì giờ đây, với 16% ý định bầu trong cuộc thăm dò Ifop-Fiducial, ông đã vượt qua ứng cử viên của đảng Xã Hội và đảng Xanh là Benoit Hamon (10%), vươn lên hạng tư, và nhất là bám sát ứng viên cánh hữu và đảng Những Người Cộng Hòa LR François Fillon, chỉ còn hơn ông hai điểm.
Kết quả trên đây đã củng cố thêm kết quả một cuộc khảo sát sau cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên ngày 20/03, lần đầu tiên đặt ông Mélenchon trước ứng cử viên đảng Xã Hội Hamon với một khoảng cách 2 điểm.
Một cách khái quát, nếu xếp ứng viên Macron vào vị trí trung dung, không tả, không hữu, thì rõ ràng là ông Mélenchon đã mặc nhiên trở thành ứng cử viên số một của cánh tả Pháp.
Cuộc biểu dương lực lượng ngày 18 tháng Ba 2017
Ở vào tuổi 66, đây không phải là lần đầu tiên mà Jean-Luc Mélenchon lao vào cuộc đua tranh chức tổng thống Pháp.
Năm 2012, ông đã từng là ứng cử viên, và khi ấy chỉ được 11,1% phiếu bầu nhân vòng 1, đứng thứ tư và thua khá xa François Hollande, đảng cánh tả Xã Hội PS, Nicolas Sarkozy, đảng cánh hữu Liên Minh vì Phong Trào Nhân Dân UMP, và Marine Le Pen, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc gia FN.
Rút kinh nghiệm từ lần tranh cử đó, năm nay ông đã chuẩn bị chiến dịch vận động một cách bài bản, thành lập phong trào La France Insoumise – Nước Pháp Bất Khuất – rất năng động trên hiện trường và trên internet.
Khi phong trào tự nhận là có được hàng trăm ngàn cảm tình viên, nhiều phản ứng hoài nghi xuất hiện, thế nhưng ngày 18 tháng Ba vừa qua, phong trào Nước Pháp Bất Khuất đã cho thấy là họ không hề nói quá : Cuộc tuần hành mà ông Mélenchon tổ chức đi từ quảng trường Bastille đến quảng trường République ở Paris, với hàng chục ngàn người tham dự - 130.000 theo ban tổ chức – đã được mọi nhà quan sát đánh giá là một thành công.
Cuộc tập hợp đó là dịp để phong trào Nước Pháp Bất Khuất biểu dương lực lượng, và để cho lãnh đạo phong trào nêu bật cương lĩnh tranh cử của mình, tập trung trên những yếu tố căn bản từ việc thiết lập nền Đệ Lục Cộng Hòa cho đến ý muốn rút nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và NATO.
Trên diễn đàn, Jean Luc Mélenchon tuyên bố : " Phong trào của chúng ta là một biểu hiện chính trị, là một sự nổi dậy của công dân chống lại chế độ quân chủ tổng thống".
Còn trong đám đông cảm tình viên của phong trào tập hợp về đây, ước muốn nổi dậy chống lại các định chế bị cho là đã xa rời quần chúng cũng không ít.
Một thanh niên nói thẳng : « Cũng là một điều hay nếu chúng ta thay đổi được cái thể chế hiện nay, vốn cho phép các chính trị gia, muốn làm gì thì làm mà không cần đến ý kiến của người dân.
Đến khi người dân xuống đường thì họ lại không hài lòng ! Các chính khách quả là không thèm lắng nghe chúng ta ».
Kết liễu nền Đệ Ngũ Cộng Hòa
Theo Jean-Numa Ducange, sử gia chuyên về các phong trào cánh tả tại Đại Học Normandie, đề án chính trị của ông Mélenchon là kết liễu nền Đệ Ngũ Cộng Hòa mà ông cho là không chính đáng, để tiến tới cái mà ông gọi là nền Đệ Lục Cộng Hòa :
Việc chuyển từ Đệ Ngũ qua Đệ Lục Cộng Hòa sẽ được tiến hành thông qua một Quốc Hội Lập Hiến.
Đây không phải là cái gì mới lạ, chúng ta vẫn đi theo chiều hướng mà cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 đã vạch ra, theo đó, để thiết lập một bản Hiến Pháp mới, dân chủ hơn, cho những người làm công ăn lương nhiều quyền lợi hơn, cho quyền thải hồi các đại biểu dân cử không xứng đáng… tất cả các thay đổi đó đều cần phải thông qua một Hiến Pháp mới, mà muốn làm ra Hiến Pháp mới đó, thì lại phải thông qua một Quốc Hội mới, có đầy đủ tính đại diện, và Quốc Hội này soạn ra bản Hiến Pháp mới đó.
Sự tồn tại của một Quốc Hội Lập Hiến đã từng được thấy nhiều lần trong lịch sử nước Pháp, và như vậy thì Quốc Hội Lập Hiến đó sẽ soạn ra bản Hiến Pháp tương lai mà ông Mélenchon mong muốn.
Có một điểm quan trọng khác cần lưu ý là theo ông Mélenchon, chức tổng thống có thể sẽ vẫn tồn tại trong tương lai, nhưng quyền hạn của tổng thống sẽ không còn như hiện nay.
Điều mà ông Mélenchon rất đả phá, là chế độ tổng thống do bản Hiến Pháp năm 1958 quy định, dành cho tổng thống Cộng Hòa Pháp quá nhiều quyền hạn, với vai trò của tổng thống nằm ở vị trí trung tâm trong hệ thống hiện nay.
Thành lập nền Đệ Lục Cộng Hòa, đã trở thành yếu tố hàng đầu trong cương lĩnh chính trị của Jean Luc Mélenchon. Ông sẵn sàng xóa bỏ cái hệ thống đã làm nên sự nghiệp của ông, từ Thượng Viện cho đến bộ Huấn Nghiệp, và bây giờ là Nghị Viện Châu Âu.
Từ bỏ đảng Xã Hội bị cho là ngày càng hữu khuynh
Để có thể thực hiện mong muốn thay đổi triệt để của mình, Jean-Luc Mélenchon đã bắt đầu bằng việc cắt đứt sợi dây gắn liền ông với đảng Xã Hội trong ròng rã 32 năm, điều đã được ông thực hiện nhân đại hội đảng Xã Hội năm 2008 ở thành phố Reims, miền đông bắc nước Pháp.
Đối với Stéphane Alliès, phóng viên chuyên trách mảng chính trị (Pháp) trên báo mạng Mediapart, đồng tác giả một quyển tiểu sử của ông Mélenchon được nhà xuất bản Robert Laffont phát hành, ngay từ năm 2005, ông Mélenchon đã cảm thấy không thoải mái với xu thế bị ông cho là hữu khuynh, thỏa hiệp của đảng Xã Hội.
Bên cạnh đó, ông còn nhận thức được rằng ông có tài thu phục quần chúng.
Hai yếu tố đó đã thúc đẩy ông rời bỏ đảng Xã Hội.
Ông ấy đã ghi nhận là không tài nào cứu vớt được đảng Xã Hội đang sa vào hướng đi theo chủ nghĩa tân tự do, hay là chủ nghĩa xã hội dân chủ. Đây một xu hướng mà những người như François Hollande, Pierre Moscovici hay Dominique Strauss Kahn chủ trương.
Bản thân ông Mélenchon đã thấy là ông cần phải từ bỏ đảng Xã Hội ngay sau cuộc trưng cầu dân ý về châu Âu năm 2005.
Ông Mélenchon lúc ấy là một trong những người chủ trương bác bỏ bản Hiến Pháp châu Âu.
Và chiến thắng của câu trả lời Không đối với bản hiệp định châu Âu vào lúc ấy, mà những người bỏ phiếu chủ yếu thuộc cánh tả, đã củng cố thêm quyết tâm của ông Mélenchon là cần phải làm một cái gì khác.
Hơn nữa, khi tham gia cuộc vận động cho cuộc trưng cầu dân ý về Hiến Pháp châu Âu trong một mặt trận thống nhất của cánh tả, ông Mélenchon đã nhận ra rằng những phát biểu của ông rất được cử tọa tán thưởng và vỗ tay hoan hô.
Là người không hề thấy là mình kém cỏi, ông Mélenchon đã đánh giá rằng thời cơ đã chín muồi, và đã đến lúc ông phải ra tay để tô thêm một chút màu đỏ cho lý tưởng của đảng Xã Hội.
Đối với giới quan sát, căn cứ vào tình hình hiện nay, khả năng ứng viên của Nước Pháp Bất Khuất vượt qua được vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đây để bước vào vòng 2 hầu như không có.
Động lực đang giúp ông vươn lên đã phát sinh quá trễ vì chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu.
Đối với Jean-Luc Mélenchon, vượt qua được ứng cử viên cánh hữu François Fillon để đứng thứ ba đã là một thành công vượt bực. Và đây là một điều nằm trong tầm tay của ông.
Related news items:
Tin mới
- Chính giới Mỹ phản ứng khác nhau về quyết định tấn công Syria của Donald Trump - 09/04/2017 19:46
- Biển Đông : Trung Quốc « quan ngại » về lệnh đưa quân đến các đảo của Philippines - 09/04/2017 19:37
- Bình Nhưỡng: Vụ Syria khẳng định cần lực lượng răn đe nguyên tử - 09/04/2017 19:17
- Nghị sĩ Mỹ muốn giám sát quyền can thiệp quân sự của tổng thống Trump - 09/04/2017 19:10
- Quốc tế bày tỏ đoàn kết với Thụy Điển sau vụ tấn công khủng bố tại Stockholm - 08/04/2017 18:09
- Bắc Triều Tiên : Hoa Kỳ sẳn sàng « hành động một mình » nếu cần - 08/04/2017 17:16
- Donald Trump nói đã tạo quan hệ cá nhân tốt với Tập Cận bình - 08/04/2017 15:01
- Ngoại trưởng Pháp: Vắng Mỹ thế giới không thể chống lại biến đổi khí hậu - 08/04/2017 04:31
- Mỹ lo ngại Trung Quốc mua công ty năng lượng nguyên tử Westinghouse Electric - 08/04/2017 04:13
- Tái chiếm Deir Ezzor, canh bài sống còn đối với chế độ Syria - 08/04/2017 03:54
Các tin khác
- Biển Đông: Ảnh vệ tinh xác nhận việc Trung Quốc đưa tiêm kích đến Hoàng Sa - 07/04/2017 23:19
- Trump hứa sẽ có "quan hệ rất tốt" với Tập Cận Bình - 07/04/2017 23:11
- Tập Cận Bình, Biển Đông và Mar-a-Lago - 07/04/2017 22:42
- Việt Nam: Biểu tình ở nhiều nơi đánh dấu một năm thảm họa Formosa - 07/04/2017 22:19
- GIA ĐÌNH LUẬT KHOA BẮC CALI. VÀ BUỔI ĂN THÂN TÌNH VỚI CÁC NẠN NHÂN BÃO LỤT - 07/04/2017 20:47
- Mỹ : Cố vấn Steve Bannon bị loại khỏi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia - 06/04/2017 22:21
- Chính quyền Donald Trump cũng cứng rắn với Nga như thời Obama? - 06/04/2017 22:08
- Nga xác nhận thủ phạm khủng bố ở St-Pétersbourg là người Kyrgyzstan - 06/04/2017 14:10
- Biển Đông : Tổng thống Duterte điều quân đội đến các đảo có tranh chấp - 06/04/2017 13:47
- Donald Trump: Mỹ “tăng cường” quân sự để đối phó với Bắc Triều Tiên - 06/04/2017 13:41