Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp : Nội các Valls bị Hạ Viện bỏ phiếu bất tín nhiệm?

france-politics-reforms

Thủ tướng Pháp Manuel Valls và bộ trưởng Lao Động Myriam El Khomri, tại Hạ Viện ngày 10/05/2016.
REUTERS/Charles Platiau

Giới công đoàn dọa tiếp tục xuống đường chống cải tổ luật lao động một ngày sau khi chính phủ dùng điều khoản 49.3 thông qua dự luật cải tổ lao động.

Chiều ngày 12/05/2016, cánh hữu ở Hạ Viện Pháp đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các của thủ tướng Manuel Valls.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, kiến nghị này ít có khả năng được thông qua.

Vào 4 giờ chiều ngày 12/05, giờ Paris, chủ tịch hai đảng Những Người Cộng Hòa - Les Républicains cánh hữu và đảng UDI cánh trung trình bày kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của thủ tướng Valls.

Dự án cải tổ luật lao động là nguyên nhân gây căng thẳng trên chính trường Pháp. Thủ tướng và tổng thống thuộc đảng Xã Hội bị chính một nhóm các đại biểu ở Hạ Viện trong nội bộ chống đối.

Để lật đổ nội các của thủ tướng Valls kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ cần phải được 288 trên tổng số 577 dân biểu thông qua trong cuộc bỏ phiếu vào chiều nay.
Kịch bản này ít có khả năng xảy ra do đảng Xã Hội và đồng minh trong cánh tả chiếm đa số ở Hạ Viện.

Dù vậy, theo giới phân tích, trong bốn năm cầm quyền, đảng Xã Hội đã bốn lần sử dụng điều khoản 49.3 để thông qua một dự luật mà không cần có ý kiến của Hạ Viện, và đây là dấu hiệu cho thấy cả tổng thống François Hollande lẫn thủ tướng Manuel Valls đang yếu thế, đảng Xã Hội đang bị chia rẽ sâu rộng một năm trước ngày bầu lại tổng thống.

Hai tổ chức công đoàn lớn là GCT và FO kêu gọi tiếp tục đình công trong hai ngày 17 và 19/05/2016.
Trên mạng internet, một bản kiến nghị chống dự luật này cũng đã được tung ra và đã được 150 nhân vật nổi tiếng ký tên ủng hộ.

Trong lịch sử của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, tới nay, mới chỉ có chính phủ của thủ tướng Georges Pompidou, năm 1962 bị Hạ Viện bất tín nhiệm.

Trước đó, tướng De Gaulle đã dùng quyền giải tán Quốc Hội tránh để chính phủ bị lật đổ.
Đến năm 1997, tổng thống Jacques Chirac cũng đã áp dụng chiến thuật tương tự và mở ra một thời kỳ, hai cánh tả hữu cùng chia sẻ quyền lực.


Switch mode views: