Bà Hillary Đối Đầu Với Ông Trump
- Thứ Tư, 11 tháng Năm năm 2016 19:09
- Tác Giả: Vũ Linh
Sau cuộc bầu sơ bộ tại Indiana, nội chiến Cộng Hòa chấm dứt. Trong cuộc chiến này, 17 sứ quân đánh nhau túi bụi trong gần một năm, sứ quân Donald Trump đại thắng, tiêu diệt hết 16 đối thủ.
Hai đối thủ ngoan cường cuối cùng đã đầu hàng vô điều kiện sau khi thảm bại trên chiến trường Indiana.
Bên Dân Chủ, nội chiến tuy kết quả đã rõ nét, nhưng phe bại trận vẫn kiên cường không bỏ cuộc, nhất định đi tới Đại Hội Đảng để có tiếng nói.
Bức tranh cuối cùng: nước Mỹ đến tháng Mười Một tới, sẽ lựa chọn tổng thống giữa hai đại diện, bên CH là tỷ phú Donald Trump, bên DC là cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, với điều kiện không có biến cố đặc biệt gì xẩy ra, như bà Hillary bị FBI truy tố chẳng hạn, hay ông Trump bị “đảo chánh” tại đại hội đảng CH.
Việc bà Hillary đại diện cho DC là chuyện ai cũng biết trước từ ngày bà chưa bắt đầu chạy đua. Nhưng việc ông Trump đắc cử bên CH đã là một biến cố tuyệt đối bất ngờ khi cuộc đua mới bắt đầu.
Cách đây 10 tháng, ông Trump có tỷ lệ hậu thuẫn đâu 2%, xếp hạng 15-16 gì đó trong số 17 ứng viên, trong đó có cả nửa tá thống đốc và thượng nghị sĩ hàng đầu.
Ngay sau khi kết quả bầu sơ bộ tại Indiana được công bố thì bức tranh cuối cùng đã hiện rõ nét, khiến hai ứng viên Ted Cruz và John Kasich bên CH phải mau mắn rút lui.
Và truyền thông đã không chậm trễ một giây phút nào, nhẩy vào bàn luận ông Trump so với bà Hillary, ai sẽ đắc cử tổng thống. Hầu hết các cơ quan truyền thông lớn đều đã đưa ra hàng loạt kịch bản để phân tích hy vọng thắng cử của mỗi bên.
Đại để trong 10 kịch bản thì đã có tới 9 kịch bản bà Hillary thắng cử. Thăm dò dư luận đầu tiên cho thấy bà Hillary dẫn đầu tỷ lệ hậu thuẫn với 54% trong khi ông Trump lẹt đẹt theo sau với 41%.
Khoảng cách 13%, tức là xấp xỉ 40 triệu dân Mỹ, có nghiã là ông Trump muốn thắng, phải xoay chuyển quan điểm của ít nhất hai chục triệu người trong vòng chưa tới sáu tháng nữa.
Đáng quan tâm hơn là việc bà Hillary dẫn đầu trong hầu hết các khối cử tri, đặc biệt là khối trí thức, phụ nữ, giới trẻ, và dân da đen, nâu, vàng.
Ông Trump chỉ dẫn đầu trong khối các ông da trắng già hay ít học.
Trong lịch sử cận đại, chỉ có một lần duy nhất là Thống Đốc Reagan mấy tháng trước bầu cử thua đương kim TT Carter cả chục điểm, nhưng rồi cuối cùng thắng tới 10 điểm.
Không ai nghĩ ông Trump có thể được hậu thuẫn mạnh như TĐ Reagan mà cả đảng CH tôn thờ, trong khi cả khối lãnh đạo CH đã tìm đủ cách để ngăn chặn ông Trump, chưa kể một số không nhỏ chính khách, nhà báo, chuyên gia CH thề sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump.
Ngay bây giờ một số chính khách lớn của CH như TĐ Jeb Bush, TNS John McCain, TNS Lindsey Graham, TĐ Mitt Romney,… đã thông báo sẽ không tham dự đại hội đảng CH rồi.
Hai cựu tổng thống Bush cha và con, cũng như Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, đều đã từ chối không hậu thuẫn ông Trump.
Đảng CH đoàn kết cũng đã khó thắng đảng DC, bây giờ chia rẽ nặng, càng ít hy vọng hơn.
Trên thực tế, các thăm dò dư luận không có ý nghiã gì nhiều, nhất là còn cách quá xa ngày bầu bán. Tổng thống được bầu cũng không phải dựa trên tỷ lệ dân số tổng quát, mà theo kết quả đầu phiếu từng tiểu bang.
Đây là cách bầu gián tiếp mà nhiều người không hiểu và chỉ trích, nhất là mấy ông bà theo DC sau khi thấy PTT Al Gore thua TĐ Bush con. Bầu gián tiếp là hình thức tôn trọng quy chế của một liên bang, bảo đảm các tiểu bang nhỏ, ít dân, vẫn có tiếng nói tương xứng.
Nếu chỉ bầu dựa theo tỷ lệ phiếu cử tri thì tiếng nói của các tiểu bang ven biển đông dân như Cali và Nữu Ước sẽ lấn át trọn vẹn tiếng nói của các tiểu bang như Wyoming, Idaho, Delaware,... có thể đưa đến tình trạng bất mãn và rút ra khỏi liên bang.
Trên căn bản, mỗi tiểu bang có một số phiếu cử tri đoàn hay đại biểu tương đương với tổng số dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang.
Tổng số có 535 dân biểu và nghị sĩ, cộng 5 đại biểu cho vài vùng không có đại diện quốc hội như Guam, Puerto Rico, tổng cộng 540 đại biểu, tức là phải cần có 271 phiếu (50% + 1) thì mới đắc cử tổng thống.
Những đại biểu này được đề cử theo kết quả bầu tháng Mười Một, rồi họ sẽ là những người bầu tổng thống thực thụ vào tháng Mười Hai trong một đại hội cử tri đoàn tổ chức tại thủ đô Washington DC.
Quá trình bầu tổng thống từ hơn hai chục năm qua đã giúp các chuyên gia đoán trước khá chính xác tiểu bang nào theo CH hay DC. Trên căn bản, có:
- 19 tiểu bang với tổng cộng 237 phiếu chắc chắn sẽ bầu cho DC, bất kể mưa nắng, phần lớn ở hai vùng biển đông và tây nước Mỹ cũng như vùng trung bắc quanh đại hồ, trong đó có những tiểu bang đông dân như New Jersey, New York, Massachusetts, Illinois, Cali,…
Tại Cali và New York chẳng hạn, cho dù bà Hillary mời Cậu Ấm Ủn đứng chung liên danh, bà vẫn thắng cử như thường. Hay bà có bị FBI truy tố, cử tri vẫn bầu cho bà. Tất cả dân tỵ nạn Việt tại San Jose và Little Saigon đi bầu cho ông Trump, bà Hillary vẫn thắng.
- 22 tiểu bang với 198 phiếu đã bầu cho CH, phần lớn là các tiểu bang vùng núi tây bắc và miền nam, trong đó đáng kể là Texas, Georgia,… Tất cả dân tỵ nạn ở Houston đi bầu cho bà Hillary, ông Trump vẫn thắng.
- 9 tiểu bang xôi đậu bất định tổng cộng 110 phiếu có thể bầu cho bất cứ bên nào. Đây mới chính là chiến trường thực sự giữa hai phe.
Gồm có các tiểu bang Florida, Ohio, North Carolina, New Hampshire, Iowa, Colorado, Virginia, Nevada, và Wisconsin. Thắng hay thua là do kết quả tại các tiểu bang này, nhất là ba tiểu bang lớn nhất Florida, Ohio và North Carolina.
Quý độc giả theo dõi cuộc bầu cử tổng thống chỉ cần xem tin tại những tiểu bang này. Phần lớn các kịch bản dự đoán đều dựa trên các kết quả tại những nơi này, kiểu như nếu thắng tại Ohio mà thua tại Florida, hay nếu thắng tại Colorado và New Hampshire mà thua tại Virginia và Iowa thì sao?
Nhìn vào các con số trên, tóm lại như sau: ví dụ bà Hillary thắng tại tất cả các tiểu bang theo DC và ông Trump thắng tại tất cả các tiểu bang CH, bà Hillary chỉ cần thắng thêm 2 tiểu bang xôi đậu, trong khi ông Trump cần tới 7-8 tiểu bang xôi đậu lớn nhất.
Trong số những tiểu bang này, có Colorado và Nevada với số dân gốc Nam Mỹ rất lớn, ông Trump khó có thể thắng được.
Con đường của ông Trump khó gấp trăm lần con đường của bà Hillary. Nhưng nếu ông Trump thắng được tại Nevada thì coi như ông đại thắng tại tất cả những nơi khác và sẽ trở thành tổng thống thứ 45.
Cũng có một trường hợp nữa ông Trump có thể đắc cử: nếu tỷ lệ hậu thuẫn chung của ông hiện đang ở mức 41%, bất thình lình tăng vọt lên 52%. Một chuyện dễ hơn trường hợp vừa nêu, nhưng rất hy hữu.
Trong suốt mùa tranh cử qua, tỷ lệ hậu thuẫn của ông Trump chưa bao giờ lên đến 45%, bây giờ muốn leo lên tới 52% không phải là chuyện dễ.
Đó là chưa nói tới truyền thông dòng chính sẽ tìm đủ cách hạ ông Trump, như khui từng hột cát trong quá khứ của ông để giúp bà Hillary.
Không ai có thể coi nhẹ ảnh hưởng của truyền thông trên đất Mỹ này. Họ cũng chính là yếu tố lớn đã giúp ông Trump chiến thắng qua việc liên tục đưa hình ảnh và mọi chuyện về ông này lên trang nhất, một cách gián tiếp quảng cáo miễn phí cho ông trong suốt thời gian qua.
Người ta có cảm tưởng truyền thông cố tình giúp ông Trump đắc cử bên CH vì cho rằng ông này sẽ là mồi ngon nhất cho bà Hillary. Bây giờ truyền thông sẽ quay mũi dùi lại để đánh ông.
Nói cách khác, ông Trump coi như tuyệt đối vô vọng. Không những vậy, mà có nhiều triển vọng ông Trump sẽ là một Goldwater thứ hai, tức là sẽ thua đậm, may ra thắng được từ 5 đến 10 tiểu bang bảo thủ cực đoan phiá nam thôi. Nhiều người ủng hộ ông Trump và căm ghét bà Hillary sẽ buồn hơn năm phút.
Tuy nhiên, phải nói ngay là lập luận và tính toán kiểu này chính là lập luận và tính toán theo mô thức cổ điển.
Cái mô thức đã khiến nhiều người coi thường ông Trump ngay từ đầu khi mới nghe tên ông, cho đến bây giờ ngã ngửa, trợn mắt ra nhìn ông hạ tất cả 16 đối thủ.
Trong suốt mùa tranh cử sơ bộ, truyền thông và chuyên gia đã khai tử ông Trump không biết bao nhiêu lần, dựa trên những lập luận và tính toán cổ điển. Và tất cả hiển nhiên đã chẩn đoán sai bét hết.
Khó ai có thể giải thích một cách thoả đáng hiện tượng Trump và sự thành công của ông được. Mỗi lần ông phát ngôn bừa bãi, xóc họng thì hậu thuẫn của ông lại tăng vọt. Trong khi bất cứ người nào khác phát ngôn tương tự là tiêu đời ngay.
Có lẽ cả nước, không ai nắm vững tâm lý quần chúng qua truyền thông đại chúng bằng ông Trump. Ta không nên quên ông đã có nhiều show trên TV, do đó, có kinh nghiệm biết cách thu hút khán thính giả hơn ai hết.
Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với ông Trump, nhưng bảo đảm không ai ngủ gật khi nghe ông nói chuyện.
Chiến lược tranh cử của ông Trump không phải là dựa trên những chương trình hay kế hoạch vĩ đại nào, mà chỉ là dựa trên khả năng khai thác và thao túng truyền thông như ông đã làm một cách thật suất sắc trong thời gian qua.
Chính trị đã thành một tuồng hát tiêu khiển lớn và chính khách đều đã biến thành diễn viên hết. Chỉ cần biết nghệ thuật đóng tuồng là ăn khách, không cần thắc mắc chuyện chính sách kinh bang tế thế gì cho nhức đầu.
Cuộc chiến chống bà Hillary ai cũng đoán biết trước có thể sẽ là cuộc vận động tranh cử dĩ nhiên hấp dẫn nhất thế kỷ, nhưng đặc biệt cũng... dơ bẩn nhất.
Được hỏi về việc ông có dám đánh bà Hillary dưới giây lưng quần kiểu hạ đẳng nhất không thì ông trả lời ngay “bà Hillary đánh đâu tôi sẽ đánh đó, không chịu thua một ly nào, cho dù bà là phụ nữ”.
Nhiều người nghĩ ông Trump sẽ là người ra đòn hạ đẳng trước. Với cái kho xì-căng-đan khổng lồ của bà Hillary và ông chồng, ông Trump chắc chắn sẽ không thiếu đề tài và vũ khí.
Đây cũng là cách có lẽ duy nhất mà ông Trump có thể chống đỡ bà Hillary khi bị bà chiả mũi dùi vào chuyện ông Trump không có một chút kinh nghiệm chính trị nào mà lại có vẻ thiếu tư cách tổng thống và vô trách nhiệm.
Phản ứng đầu tiên của bà Hillary khi nghe tin ông Trump đại thắng: gọi ông này là “loose cannon”, nghiã là loại đại bác bắn bừa bãi không ai điều khiển được.
Cử tri Mỹ rất khoái nghe các chính khách bôi bác nhau, mặc dù bề mặt ai cũng than phiền những chuyện đấu đá dơ bẩn.
Mà nếu nói về đánh mạnh, không ai có thể đánh mạnh và hiệu quả bằng ông Thiên Lôi Trump. Trong khi đó, bà Hillary lại không phải là một đối thủ nhanh nhẹn né đòn giỏi như ông chồng của bà.
Đã vậy, ngoài những xì-căng-đan mà ông Trump sẽ khui và quậy cho nát bấy, sự kiện bà Hillary trước đây coi như chỉ chờ ngày đăng quang mà bất ngờ bị ông vô danh Obama đánh vong mạng, cũng như hiện nay đang gặp khó khăn vô vàn từ ông già xã nghiã Sanders, chứng tỏ bà không phải là một ứng viên xuất sắc lắm trong nghệ thuật vận động tranh cử.
Ngoài xì-căng-đan ra, bà Hillary thế nào cũng bị hỏi giấy về vụ sử dụng hộp thư email cá nhân, và nhất là những quan hệ của bà với giới tài phiệt Wall Street. Cái mâu thuẫn một mặt nhận bạc triệu từ các ngân hàng và mặt khác sỉ vả tài phiệt sẽ bị ông Trump mổ xẻ kỹ.
Bà Hillary nổi tiếng là làm chuyện gì cũng tính toán rất kỹ, từ cái cười đến cách chỉ tay, nháy mắt, hay nói gì cũng phải uốn lưỡi bẩy lần trước. Chỉ khiến nhiều người tưởng tượng đến những cuộc tranh luận tay đôi giữa ông Trump và bà Hillary mà lo ngại cho bà sẽ bị dập mặt, không đỡ nổi những đòn cương ẩu của ông Trump.
Trong cuộc chạy đua này, có hai yếu tố chưa ai thẩm định đúng mức được: đó là hậu thuẩn của các ông da trắng bảo thủ, cũng như hậu thuẫn của giới thợ thuyền.
Ông Trump cho đến nay đã thành công lớn vì được hậu thuẫn của khối các ông da trắng bảo thủ, chán ngấy những chuyện phải đạo chính trị, cũng như lo sợ cho các giá trị tôn giáo, văn hoá cũng như mạng sống của họ.
Mấy ông này bình thường không để ý đến chính trị, rất lười đi bầu, do đó đã khiến cho các ông McCain và Romney đại bại.
Như cột báo này đã bàn qua, chỉ cần tỷ lệ dân da trắng đi bầu trong khối cử tri tăng 10 điểm, lên đến khoảng 70% là ông Trump sẽ có triển vọng tuyên thệ đầu năm tới.
Mấy ông già da trắng bảo thủ này đang sống khá nhiều tại vài tiểu bang xôi đậu như Florida, Colorado, và Nevada, sẽ có thể mang những tiểu bang này về phe ông Trump.
Vấn đề là phải kéo họ ra khỏi nhà để đi bầu, và ông Trump đã chứng tỏ rất giỏi trong việc này.
Bằng chứng? Kết quả bầu cử tại Indiana cho thấy có hơn một triệu người đã đi bầu sơ bộ bên CH, trong khi chỉ có khoảng hơn nửa triệu người đi bầu bên DC. Tình trạng này tiếp tục, bà Hillary sẽ thua nặng, cho dù huy động được dân da đen, da nâu, da vàng đi bầu đủ 100%.
Ngoài ra còn giới thợ thuyền đang bất mãn nặng vì thất nghiệp lâu ngày hay bị lãnh lương thấp hơn trước.
Họ bực mình vì chính sách kinh tế của TT Obama, nhất là việc đảng DC từ TT Clinton đến TT Obama suốt ngày lo cổ võ cho những hiệp ước thương mại quốc tế, mà họ cho là thủ phạm gây khó khăn cho cuộc sống của họ, qua những cạnh tranh của các nước như Trung Cộng, Ấn Độ, Mễ,... Họ cũng lo ngại việc chính quyền DC bất lực không cản được các đại công ty đóng cửa hãng xưởng tại Mỹ, mang việc làm qua các nước khác.
Ngay cả việc chính quyền Obama dung túng cho di dân lậu gốc La-tinh cũng bị coi như hành động đe dọa đến việc làm và mức lương của họ.
Dĩ nhiên bà Hillary không phải là TT Obama, nhưng việc bà là chính khách cột trụ của chính quyền Obama, là một trong những người đã giúp vẽ ra hiệp ước thương mại Liên Thái Bình Dương TPP, hay là bà vợ đã tiếp tay cho ông chồng TT Clinton ban hành hiệp ước bắc Mỹ NAFTA, đã là những chuyện mà giới thợ thuyền không ưa lắm.
Trái lại quan điểm chống các hiệp ước, nhất là chống Trung Cộng của ông Trump nghe bùi tai hơn nhiều.
Nếu khối này nhất loạt chạy qua phiá ông Trump như trước đây họ đã chạy theo TT Reagan, thì bà Hillary sẽ bị nguy cơ mất hàng loạt các tiểu bang kỹ nghệ lớn vùng đại hồ như Pennsylvania, Ohio, Michigan, Indiana, và Wisconsin.
Như vậy dĩ nhiên sẽ mất luôn cơ hội vào Nhà Trắng. Hay cho dù họ không đi bầu cho ông Trump, mà chỉ nằm nhà ngủ thì bà Hillary cũng bị nguy to.
Một câu hỏi lớn khác nữa là khối cử tri trí thức trẻ, cấp tiến cực đoan của cụ xã nghiã Sanders. Đây chính là khối cử tri cột trụ đã đưa ông Obama vào Nhà Trắng năm 2008.
Có thể phần lớn họ sẽ vuốt ngực đi bầu cho bà Hillary vì dù sao thì bà cũng cấp tiến hơn ông Trump. Nhưng cũng rất có thể một số lớn sẽ bất mãn, không đi bầu thì cũng phiền lớn cho bà Hillary.
Ông Sanders vẫn nhất định không bỏ cuộc và dọa sẽ tranh đấu đến cùng tại đại hội.
Ai cũng biết ông không có chút hy vọng nào để thắng bà Hillary, nhưng mọi người đều nghĩ ông sẽ dùng khối cử tri khá cuồng tín của mình để đổi chác tại đại hội, ép bà Hillary phải chấp nhận một số chính sách hay chương trình cấp tiến nặng đổi lấy phiếu của họ.
Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho bà Hillary khi mà ai cũng biết trong cuộc bầu cử cuối cùng, lá phiếu ôn hòa của khối độc lập không đảng nào cực kỳ quan trọng. Bà Hillary rẽ qua phiá tả quá nhiều sẽ khó ăn nói với khối này.
Yếu tố cuối cùng chưa rõ ràng là việc đề cử phó tổng thống đứng chung liên danh. Ai được lựa sẽ mang nhiều ý nghiã, nhất là phiá ông Trump, may ra sẽ giúp có thêm dữ kiện để đoán mò tiếp.
Ở đây hiển nhiên ta chưa bàn đến vài yếu tố rất tai hại có thể bất ngờ xẩy ra cho bà Hillary, chẳng hạn như một cuộc tấn công lớn của khủng bố, kết quả cuộc điều tra vụ Benghazi, bà Hillary bị đau ốm bất ngờ,...
Hầu như đại đa số thiên hạ cũng vẫn chẳng ai tin ông Trump sẽ hạ nổi bà Hillary, nhưng có ai dám mang căn nhà mình ra cá độ không?
Chuyện gì xẩy ra trong những năm tháng tới, chẳng ai làm gì khác được ngoài việc tiếp tục … đoán mò.
Một điều chắc chắn sẽ xẩy ra: dù ông Trump thắng hay thua, đảng CH sẽ lột xác và sẽ không còn như đảng CH mà ta đã biết từ lâu nay.
Sẽ tốt hơn hay xấu hơn chỉ có trời biết. (08-05-16)
Tin mới
- Châu Âu phát hiện chất cấm trong hải sản Việt Nam - 13/05/2016 02:56
- Trăn trối trước khi chết: 'Đừng bỏ phiếu cho bà Clinton' - 13/05/2016 01:30
- Apple thu được hơn 1 tấn vàng từ iPhone và computer cũ - 13/05/2016 01:23
- Mỹ khởi động hệ thống lá chắn chống tên lửa tại Rumani gây căng thẳng với Nga - 13/05/2016 01:12
- Syria : Daech cô lập thành phố cổ Palmyra - 13/05/2016 00:51
- Pháp : Nội các Valls bị Hạ Viện bỏ phiếu bất tín nhiệm? - 12/05/2016 23:58
- Sau "nem", "phở" và "bò bún" đi vào từ điển Pháp - 12/05/2016 23:44
- Nhật Bản : Xu thế chọn Việt Nam làm bàn đạp xuất khẩu tăng mạnh - 12/05/2016 16:11
- Trung Quốc khẳng định : Lập trường Biển Đông được ủng hộ rộng rãi - 12/05/2016 16:06
- Việt Nam tuyên bố hoan nghênh khả năng Mỹ bỏ cấm vận vũ khí - 12/05/2016 16:00
Các tin khác
- Nhà Trắng công bố chương trình công du Việt Nam của tổng thống Mỹ - 11/05/2016 17:15
- Pháp : Sản phẩm nhà dòng ngày càng quyến rũ - 11/05/2016 16:47
- Liên hoan Cannes khai mạc dưới sự bảo vệ an ninh chặt chẽ - 11/05/2016 16:38
- Trung Quốc tung chiến đấu cơ bám sát tàu Mỹ ở Đá Chữ Thập - 11/05/2016 13:07
- Thành phần nhân sự của chính phủ Trump sẽ ra sao? - 11/05/2016 01:35
- Panama Papers : Công bố dữ liệu của các công ty bình phong - 11/05/2016 01:25
- Châu Âu hy vọng sớm ra được thỏa thuận về nợ Hy Lạp - 11/05/2016 01:18
- Tàu chiến Mỹ lại đến gần một đảo tranh chấp ở Biển Đông - 11/05/2016 00:12
- Tổng thống mới của Philippines sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc ? - 10/05/2016 21:36
- Vụ kiện Biển Đông : Một tổ chức luật của Đài Loan nhập cuộc - 10/05/2016 16:15