Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Venezuela tuyên bố «tình trạng khẩn cấp về kinh tế»

Caracas- Venezuela

Người dân xếp hàng chờ mua các mặt hàng thiết yếu, bên ngoài một siêu thị ở Caracas, Venezuela ngày 15/01/2016
REUTERS/Marco Bello

Sau khi ban bố « tình trạng khẩn cấp kinh tế » kéo dài 60 ngày, Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro lần đầu tiên đã phát biểu trước một Quốc hội đối lập, nhìn nhận tình trạng « thảm họa » của đất nước.

Vài giờ trước đó, Ngân hàng Trung ương Venezuela vốn không đưa ra số liệu nào từ tháng 12/2014, loan báo lạm phát từ tháng Giêng đến tháng Chín năm 2015 đã lên đến 108,7%, một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới ; và GDP cùng kỳ giảm 4,5%.

 Theo quy định của Hiến pháp, hàng năm vào tháng Giêng, Tổng thống phải báo cáo về chính sách trước Quốc hội.

 Nhưng lần đầu tiên kể từ năm 1999, ông Nicolas Maduro phải đối mặt với một Quốc hội thù nghịch, đã tự hạn định trong vòng sáu tháng phải làm cho ông rời ghế tổng thống.

Lên án cánh hữu về « cuộc chiến tranh kinh tế » được Mỹ hỗ trợ nhằm làm Venezuela sụp đổ, Tổng thống Nicolas Maduro nhìn nhận đất nước đang « nằm trong trận cuồng phong kinh tế », nơi « hai mô hình đối đầu nhau ».

 Theo ông, mô hình xã hội chủ nghĩa đã giúp kìm hãm bớt tác động của cuộc khủng hoảng thế giới.

Để ra khỏi « ma trận » này, ông Maduro đã tuyên bố « tình trạng khẩn cấp về kinh tế ».
Chính phủ có thể trưng dụng các phương tiện của các doanh nghiệp tư nhân (trong giao thông, phân phối) để đảm bảo nhu cầu thực phẩm, dược phẩm và các mặt hàng thiết yếu, cũng như kiểm soát ngoại hối.

Mức sản xuất của các công ty công và tư cũng dự kiến tăng lên, đồng thời Tổng thống có thể áp đặt các biện pháp khác về xã hội, kinh tế, chính trị phù hợp với hoàn cảnh. Ngoài ra ông Maduro kêu gọi đối lập tiến hành đối thoại để đối phó với khủng hoảng.

Hôm 06/12/2015, liên minh đối lập đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội với 112/167 ghế, nhờ dân chúng bất mãn trước nạn lạm phát phi mã và hàng hóa thiếu hụt trầm trọng.

Nền kinh tế của Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lửa thuộc loại dồi dào nhất thế giới và nguồn thu từ tài nguyên này chiếm đến 96% ngân sách, đã bị suy sụp nặng nề khi giá dầu bị lao dốc, hiện chưa đến 30 đô la một thùng.

Bên cạnh khủng hoảng kinh tế còn là khủng hoảng chính trị, khi Tòa án Tối cao ra những quyết định khiến lập pháp bị tê liệt.

Các chuyên gia độc lập khuyến cáo để vực dậy nền kinh tế, cần thống nhất ba hối suất chính thức hiện nay (chưa kể tỉ giá chợ đen hiện cao gấp 125 lần), hủy bỏ kiểm soát giá cả, tăng giá xăng dầu, khuyến khích tư nhân đầu tư và giảm chi tiêu công.

Switch mode views: