Chuyện tình giữa Luân Đôn và Bruxelles : Khi lý trí trên cả tình cảm
- Thứ Năm, 23 tháng Sáu năm 2016 20:27
- Tác Giả: Minh Anh
Vận động ủng hộ Anh quốc ở lại với Liên Hiệp Châu Âu.
REUTERS/Neil Hall
Ngày hôm nay, 23/06/2016, người dân Anh sẽ bỏ phiếu quyết định đi ra hay ở lại với Liên Hiệp Châu Âu.
Phải chăng mối lương duyên giữa Anh với lục địa châu Âu sắp đến hồi kết thúc ?
Thế nhưng theo Le Figaro số ra ngày 16/6/2016 thì trong 43 năm qua cuộc hôn nhân đó chưa bao giờ êm thắm cả.
Mối quan hệ giữa Luân Đôn và Bruxelles « cơm không lành, canh không ngọt » không phải chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.
Anh gia nhập mái nhà chung Châu Âu chỉ vì « tính toán hơn là bằng con tim ». Cũng giống như Paris nhục nhã ra đi sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, Luân Đôn đã từng hai lần đệ đơn xin gia nhập thị trường chung châu Âu EEC : lần thứ nhất vào năm 1961 và lần thứ hai là năm 1967.
Nhưng cả hai lần Anh đều bị tướng De Gaulle của Pháp công khai bác bỏ chỉ vì nghi ngờ là với đảo quốc này « cho đi thì nhiều nhưng nhận lại chẳng có bao nhiêu ».
Vương quốc Anh phải đợi đến 12 năm sau, chính xác là vào tháng Giêng năm 1973, mới được hội nhập với EEC. Sự hội nhập đó hai năm sau đã được 67% người dân ủng hộ trong một kỳ bỏ phiếu trưng cầu dân ý.
Lần này, cuộc trưng cầu dân ý do thủ tướng David Cameron đưa ra được cho là sẽ rất sít sao. Cuộc hôn nhân đã úa tàn, nhưng sự chia ly mới là điều đáng nói.
Thế giới tuy thay đổi, nhưng trong cuộc chơi đầy ảo ảnh đến chóng mặt đó thì những vấn đề gây tranh cãi vẫn luôn là thế : Đó là chủ quyền quốc gia, quan hệ với Washington và dĩ nhiên mối liên hệ với lục địa, kết quả của sự tính toán hơn là tình cảm.
« Tôi chẳng thích Bruxelles » là lời tuyên bố của lãnh đạo đảng bảo thủ đưa ra cách đây vài tháng trong chiến dịch vận động ở lại với Liên Hiệp Châu Âu.
Chủ quyền là một vấn đề hay đấy, hơn nữa đó lại là trong một nền dân chủ nghị viện, vốn dĩ đã tồn tại từ nhiều thế kỷ nay.
Bất kể mầu da là gì, người dân Anh chưa bao giờ hòa mình vào sự năng động của « châu Âu », từ lâu được Paris và Berlin thúc đẩy.
Họ công khai thách thức một « siêu quốc gia » của châu lục.
Họ cản trở mọi chính sách quốc phòng chung châu Âu ngoại trừ khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Lo lắng cho « túi tiền » của mình, họ nói không với « euro », đồng tiền chung châu Âu.
Bận lòng cho đường biên giới và tình trạng nhập cư, họ cũng quay lưng với khối không gian tự do lưu thông Schengen.
Trên nền tảng bài châu Âu lan tràn, Boris Johnson và những người tuyên truyền cho Brexit đã chọn cách lùi bước : Nghĩa là phải ra khỏi Châu Âu.
Trong các thùng phiếu hôm nay, quyết định chọn sẽ là giữa sự biểu tượng và thực tế.
Nếu phe « Out » thắng, người dân Anh có lẽ sẽ được độc lập hơn, nhưng chắc chắn sẽ nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn, như những gì phe « In » thường nhắc đi nhắc lại.
Bởi vì, đối mặt với Ấn Độ và Trung Quốc, thì tiếng nói của 65 triệu thần dân của Nữ hoàng sẽ có trọng lượng là bao ?
Trong cuộc đối đầu với Putin, lệnh trừng phạt của Anh sẽ có giá trị gì ?
Với Ankara hay nơi khác, ai thèm quan tâm đến ý kiến của số 10 Downing Street về vấn đề nhập cư ?
Ông Jean-Claude Piris, từng là cố vấn pháp lý cho Liên Hiệp Châu Âu trong các cuộc họp thượng đỉnh trong vòng 12 năm có cho rằng :
« Về mặt hình thức, Anh quốc có lẽ sẽ tìm lại được chủ quyền quốc gia của mình. Nhưng nước Anh cũng sẽ mất đi chủ quyền thực sự, chủ quyền mà họ đang thực thi chung với 27 nước thành viên khác trong Liên Hiệp.
Trong câu lạc bộ các cường quốc, Luân Đôn dường như sẽ mất đi vị trí của mình trong các bàn họp ra quyết định ».
Và ý kiến này cũng có giá trị tương tự cho những nước nào có ý định cản đường như Hà Lan, Đan Mạch thậm chí là cho chính cả Pháp nữa.
Về quan hệ với Mỹ ư ?
Câu trả lời cũng không mấy gì khác. Những người ủng hộ ra khỏi Châu Âu thì hồ hởi tuyên bố « mặc xác châu Âu » và tỏ ra tự tin cho rằng trong túi ta còn có một giải pháp thay thế : Đó là vẫn còn Hoa Kỳ như là chiếc ô che chắn và Commonweath như là một cộng đồng.
Chính vì thế mà huyền thoại « khối Anh ngữ » đã được sống lại, 13 năm sau khi đã phục vụ cho chính quyền Bush, thất vọng vì bị Berlin và Paris bỏ rơi trong cuộc chiến chống lại Saddam Hussein.
Nhưng Le Figaro cảnh báo, Donald Trump, trong suốt cuộc vận động chống lại giới chính trị truyền thống và vận động cho sự thu mình đang vờ tin vào điều đó.
Bởi vì cả ông Obama lẫn bà Clinton đều không để bị mắc câu : Mối quan hệ « đặc quyền » đương nhiên Hoa Kỳ rất quan tâm, nhưng với điều kiện là Luân Đôn vẫn phải giữ được tầm ảnh hưởng của mình lên « nội bộ » Liên Hiệp…
Câu hỏi đặt ra : Từ cuộc trưng cầu dân ý năm 1975 đến lần này 2016, các cử tri đã thay đổi về điều gì ?
Câu trả lời cho lần bỏ phiếu xưa kia là sự biến mất của mối họa Xô Viết.
Cách đây 41 năm, Margaret Thatcher bỏ phiếu « ủng hộ » cho Châu Âu là vì « trên phương diện chính trị, đó là một vấn đề hòa bình và an ninh ».
Nghịch lý là trong lần này, câu trả lời lại liên quan đến sự thịnh vượng mà Anh đã có được từ trong lòng Liên Hiệp.
Một trong những người tổ chức kỳ trưng cầu dân ý lần này có nhắc lại là :
« Vào năm 1973, chính là một nước Anh đã kiệt quệ đến xin gia nhập vào một châu Âu được kích thích từ một nền kinh tế Đức thần kỳ và 30 năm vinh quang của Pháp.
Bây giờ thì ngược lại, vương quốc Anh cảm thấy thoát khỏi cuộc khủng hoảng khá hơn là các nước tại lục địa. »
Để rồi sau đó đưa ra một kết luận phũ phàng « Chúng tôi những người Anh chưa từng bao giờ có một cái nhìn lãng mạn về châu Âu cả ».
Cuộc sống chung bằng « lý trí » hơn là « tình cảm » này đã khiến cho Liên Hiệp Châu Âu đôi khi cũng phải dở khóc dở cười.
Có lẽ cũng đúng như sự ngờ vực của tướng De Gaulle là với Anh quốc « cho nhiều nhận chẳng bao nhiêu ».
Les Echos thử điểm lại « những gì nước Anh đã mang đến cho châu Âu ? », trong suốt 43 năm chung sống.
Có thể nói trong suốt gần nửa thế kỷ, Luân Đôn dường như chưa bao giờ hết lòng với bạn.
Nếu như châu Âu đánh giá cao vai trò của Luân Đôn trong việc thúc đẩy và mang đến một tầm cỡ khác cho thị trường chung EEC, thì trong nhiều hồ sơ quan trọng, Anh quốc được xem như là « kẻ phá đám ».
Với lĩnh vực quốc phòng, Anh quốc luôn giữ một vai trò mập mờ, có thể bỏ phiếu phủ quyết nếu thấy cần.
Trên các hồ sơ xã hội, nhất là trong việc tăng ngân sách, Luân Đôn luôn nằm trong nhóm những nước thành viên « phá đám ».
Các vấn đề xã hội và thuế khóa cũng là những lĩnh vực mà Anh hay tìm cách cản trở ngay khi có thể.
Một quan chức Anh cho biết : « Nước Anh rất ghét người ta bàn về các quyền và thời gian làm việc. Đó cũng chính là những góc tấn công cho các phe bài châu Âu ».
Và cứ như thế, mọi ý định mới chớm của châu Âu trên phương diện này đã nhanh chóng bị dập ngay từ đầu.
Dẫu sao thì cũng không nên « trăm dâu đổ đầu tằm ».
Les Echos cho rằng Anh quốc cũng không phải là trường hợp đơn lẻ duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu chẳng hạn như là Luxembourg trong lĩnh vực tài chính.
Related news items:
Tin mới
- Châu Á sẽ nóng thêm sau phán quyết về vụ kiện Biển Đông - 12/07/2016 18:56
- NATO-Nga : «Hành lang Suwalki», tử huyệt vùng Baltic - 08/07/2016 18:54
- Phán quyết về Biển Đông trắc nghiệm sự đoàn kết của ASEAN - 08/07/2016 13:13
- Mỹ -Trung xung đột sau phán quyết vụ kiện Biển Đông ? - 05/07/2016 15:53
- Biển Đông : Nếu Philippines thắng kiện, Trung Quốc phản ứng ra sao ? - 05/07/2016 14:47
- Nhận định tình hình Trung quốc - 28/06/2016 21:25
- ĐỒ THIỆT HAY ĐỒ DZỖM? - 28/06/2016 00:52
- Hai sự kiện đáng kể về Trung Quốc - 27/06/2016 23:19
- Biển Đông : Các kịch bản phán quyết của Tòa Án Trọng Tài và hệ lụy đối với Việt Nam - 27/06/2016 17:22
- Ấn Độ bị chấn động vì Brexit - 27/06/2016 17:05
Các tin khác
- Brexit thắng hay thua, châu Âu và Anh Quốc sẽ thay đổi - 23/06/2016 20:01
- Châu Âu chia rẽ về chiến lược hậu trưng cầu dân ý Anh Quốc - 22/06/2016 18:58
- Brexit : Nga bị thiệt hại nếu Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu - 21/06/2016 18:32
- Dân tộc và dấu hiệu một cơn bão tố - 20/06/2016 04:52
- Châu Âu phản công lại Bắc Kinh tại Biển Đông - 17/06/2016 01:46
- Hillary Hay Trump? - 16/06/2016 14:46
- Hillary Clinton, Donald Trump và tương lai quan hệ Việt-Mỹ - 15/06/2016 16:29
- Mục đích chính chuyến đi thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Obama - 14/06/2016 04:13
- Tổng thống Pháp hy vọng Euro 2016 giúp tăng uy tín - 10/06/2016 18:59
- Mỹ sẽ “san phẳng” toàn bộ đảo Trung Cộng ở Biển Đông nếu xảy ra chiến sự - 09/06/2016 23:27