NATO-Nga : «Hành lang Suwalki», tử huyệt vùng Baltic
- Thứ Sáu, 08 tháng Bảy năm 2016 18:54
- Tác Giả: Trọng Thành
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (G) chụp ảnh với các nhân viên quân sự tại Vacxava 08/07/2016
Agencja Gazeta/Adam Stepien/ via REUTERS
Một trong những mục tiêu chính của thượng đỉnh khối NATO diễn ra trong hai ngày, 08 và 09/07/2016, tại Vacxava, thủ đô Ba Lan, là tăng cường khả năng phòng thủ của Liên minh Bắc Đại Tây Dương trước đe dọa từ Nga.
Trên thực địa, điều khiến lãnh đạo quân sự các nước phương Tây đặc biệt lo ngại là Nga có thể sử dụng « hành lang Suwalki », một địa bàn hiểm yếu nằm giữa Ba Lan và các tiểu quốc vùng Baltic để tách lìa khối nước này với phần còn lại của NATO.
« Hàng lang Suwalki » ("przesmyk Suwalski" trong tiếng Ba Lan), thuộc Ba Lan, kéo dài khoảng 65 km, sát với Litva, có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, với đồi, hồ, thung lũng, và nhiều ngôi làng có lịch sử lâu đời.
Thế nhưng vùng đất du lịch nổi tiếng Suwalki cũng là một tử huyệt của khối NATO.
Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014, các nhà quân sự NATO lo ngại Matxcơva có thể sử dụng « hàng lang Suwalki » để chia cắt ba nước Baltic với NATO, và dùng địa bàn này làm bàn đạp tấn công.
Trong thế đối đầu với Nga hiện nay, « hành lang Suwalki » được so sánh với « hành lang Fulda » nằm ở miền trung nước Đức trước năm 1989, nơi hàng ngàn binh sĩ Mỹ luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, trước nguy cơ quân đội Liên Xô từ Đông Đức tràn sang.
Trả lời phỏng vấn báo Đức Die Zeit, tướng Ben Hodges, tư lệnh lục quân NATO tại châu Âu, nhận xét : « Nga có thể xâm chiếm các nước Baltic nhanh hơn khả năng phòng vệ của chúng ta ».
Một báo cáo mới đây của Rand Corporation, một viện tư vấn về chính trị có trụ sở tại Hoa Kỳ, cũng đưa ra cảnh báo : « Quân đội Nga chỉ cần tối đa 60 giờ là có thể đánh được tới Tallinn (thủ đô Estonia) và Riga (thủ đô Latvia) ».
Ông John R. Deni, chuyên gia ở Viện nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ, thuộc US Army War College, nhấn mạnh : chắc chắn là Nga sẽ nhắm vào hành lang Suwalki trong bất cứ xung đột nào với NATO, có liên quan đến các nước Baltic.
Một phân tích của NBC News hồi năm ngoái (Bài “Suwalki Gap Keeps Top U.S. General in Europe Up at Night”) dẫn lời tư lệnh lục quân NATO, theo đó, nếu muốn, quân đội Nga có thể nhanh chóng biến các cuộc tập trận thành một chiến dịch lấn chiếm đất đai.
Lo ngại của lãnh đạo quân sự NATO xuất phát từ thực tế, ngay trong hiện tại Nga đã bố trí rất nhiều phương tiện quân sự hiện đại tại tỉnh Kaliningrad (Nga), phía bắc hàng lang Suwalki, và phía nam của hành lang này là Belarus, một trong những đồng minh mật thiết nhất của Nga.
Mặc dù, trong hiện tại xác suất của việc Nga tấn công vào « hành lang Suwalki » được đánh giá là hết sức thấp, nhưng theo nhiều chuyên gia, rất có thể Matxcơva sẽ sử dụng những căng thẳng giữa dân địa phương Ba Lan với người thiểu số Litva, tại khu vực này để lấy cơ can thiệp (Bài “NATO's Vulnerable Link in Europe: Poland's Suwalki Gap” trên trang mạng của viện tư vấn Atlantic Council).
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan Antoni Macierewicz, quân đội Ba Lan sẵn sàng đối phó với các xâm nhập từ Nga, nhưng chắc chắn một mình sẽ không đủ sức.
Việc triển khai các đơn vị lưu động, có khả năng triển khai nhanh, tại khu vực này, là sách lược chính của NATO để đối phó với Nga.
Lực lượng này bao gồm bốn tiểu đoàn, với quân số từ 600 đến 800 người. Một tiểu đoàn triển khai nhanh sẽ do một quốc gia trụ cột của NATO đóng vai trò nòng cốt.
Hoa Kỳ phụ trách tiểu đoàn bảo vệ Ba Lan, Đức phụ trách Litva, Anh Quốc phụ trách Estonia và tiểu đoàn Canada giúp Latvia.
Theo thứ trưởng Quốc Phòng Ba Lan, đơn vị can thiệp nhanh của NATO tại Ba Lan dự kiến sẽ được triển khai tại hành lang Suwalki.
Bên cạnh phương án bốn tiểu đoàn nói trên, hồi tháng 3/2016, bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra sáng kiến triển khai tại miền đông của châu Âu một lữ đoàn thiết giáp vận, với hơn 4.000 quân, kể từ đầu năm 2017.
Hành lang Suwalki ắt hẳn cũng nằm dưới sự bảo vệ của lực lượng này.
Tin mới
- Chung quanh chuyện đạo văn! - 20/07/2016 21:17
- Phán quyết về Biển Đông: Khả năng gây áp lực hạn chế của phương Tây - 20/07/2016 13:16
- Biển Đông : Nước Pháp trong thế dấn thân trở lại - 18/07/2016 15:43
- Pháp vẫn là mục tiêu ưu tiên của khủng bố Hồi Giáo - 15/07/2016 16:23
- ASEAN im lặng trước phán quyết Biển Đông do áp lực Trung Quốc - 14/07/2016 20:57
- Biển Đông : Mỹ đấu dịu các bên, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài - 14/07/2016 20:36
- Phán quyết Biển Đông: Báo chí Philippines hân hoan, nhưng kìm chế - 14/07/2016 18:57
- Ý nghĩa 5 thất bại của Trung Quốc tại Tòa án La Haye - 13/07/2016 19:51
- Biển Đông : Bắc Kinh chọn đối đầu hay tuân thủ phán quyết La Haye ? - 13/07/2016 18:27
- Châu Á sẽ nóng thêm sau phán quyết về vụ kiện Biển Đông - 12/07/2016 18:56
Các tin khác
- Phán quyết về Biển Đông trắc nghiệm sự đoàn kết của ASEAN - 08/07/2016 13:13
- Mỹ -Trung xung đột sau phán quyết vụ kiện Biển Đông ? - 05/07/2016 15:53
- Biển Đông : Nếu Philippines thắng kiện, Trung Quốc phản ứng ra sao ? - 05/07/2016 14:47
- Nhận định tình hình Trung quốc - 28/06/2016 21:25
- ĐỒ THIỆT HAY ĐỒ DZỖM? - 28/06/2016 00:52
- Hai sự kiện đáng kể về Trung Quốc - 27/06/2016 23:19
- Biển Đông : Các kịch bản phán quyết của Tòa Án Trọng Tài và hệ lụy đối với Việt Nam - 27/06/2016 17:22
- Ấn Độ bị chấn động vì Brexit - 27/06/2016 17:05
- Chuyện tình giữa Luân Đôn và Bruxelles : Khi lý trí trên cả tình cảm - 23/06/2016 20:27
- Brexit thắng hay thua, châu Âu và Anh Quốc sẽ thay đổi - 23/06/2016 20:01