Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Âu phản công lại Bắc Kinh tại Biển Đông

biendong

Pháp đã chính thức nhảy vào cuộc tranh cãi gay gắt về Biển Đông, kêu gọi các quốc gia Châu Âu đi tuần tra trong vùng biển nhiều tranh chấp này.

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, phát biểu tại Hội nghị An ninh ở Singapore kêu gọi hải quân Châu Âu phải có mặt “thường xuyên và rõ rệt” trong vùng Biển Đông để duy trì luật biển và quyền tự do hải hành.

 Ông nói, “Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột thì chúng ta phải bảo vệ quyền này và phải tự tay bảo vệ.”

Mặc dầu ông Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp không nêu đích danh Trung Quốc, phát biểu của ông chẳng khác gì lời chỉ trích Bắc Kinh.

Ông nói, “Nếu luật biển không được tôn trọng ngày hôm nay tại Biển Đông thì luật biển sẽ bị đe dọa mai đây tại vùng Bắc Cực, vùng Địa Trung Hải, hoặc các vùng biển khác.”

Lập trường của Pháp là phản ứng bất lợi mới nhất của quốc tế đối với thái độ ương ngạnh của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, nơi có hơn 5 nghìn tỉ đô la hàng hóa chuyển vận hàng năm.

Cuộc hội thảo an ninh tại Singapore quy tụ các viên chức quốc phòng cao cấp và giới ngoại giao để bàn luận các thách thức an ninh mà Châu Á đang đối diện.

Bắc Kinh ra sức bảo vệ chính sách của họ tại diễn đàn này và cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện trong vùng.
 Tuy thế Trung Quốc lại là đối tượng bị các quốc gia khác chỉ trích một cách gián tiếp. Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông Ash Carter đưa ra lời cảnh báo Trung Quốc tại hội nghị.

 Trung Quốc sẽ gặp phải “hành động” của Hoa Kỳ nếu họ tìm cách xây đắp bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Phi Luật Tân.

Vào ngày Chủ Nhật, Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ John Kerry phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Bắc Kinh về các vấn đề an ninh và kinh tế, kêu gọi Trung Quốc đừng công bố vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông vì đó là một hành vi “khiêu khích và gây bất ổn.”

Kể từ khi tuyên nhận chủ quyền trên Biển Đông, ra sức xây đắp đảo, gây hấn với các quốc gia khác về quyền đánh bắt cá, Bắc Kinh đã tìm cách để các tranh chấp này không bị “quốc tế hóa”, và chọn giải quyết song phương. Trung Quốc thường xuyên nỗ lực để gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình họp của ASEAN.

Nhưng thái độ cứng rắn của Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải, cộng với việc triển khai thêm nhiều tàu cảnh sát biển, hiện đại hóa hải quân, bồi đắp đảo, đã đẩy nhiều quốc gia Đông Nam Á đến gần Hoa Kỳ.
Điển hình là Hoa Kỳ vừa tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, và đã tăng cường thêm quan hệ quốc phòng với Phi Luật Tân.

Các quốc gia Châu Á khác cũng quan tâm về hành vi của Trung Quốc.
Nhật Bản cho biết là sẽ xem xét việc đi tuần tra tại Biển Đông mặc dầu chính Nhật và Trung Quốc đang có tranh chấp tại vùng Đông Hải.
Ấn Độ cũng lên tiếng quan tâm hơn đến thách thức của Trung Quốc đối với tự do hải hành tại Tây Thái Bình Dương.

Jean-Yves Le Drian

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Hội nghị An ninh ở Singapore hôm 2-6-2016.

Và bây giờ với sự lên tiếng của Pháp, ngay cả các quốc gia Châu Âu cũng cổ võ cho phản ứng mạnh hơn đối với sự lấn lướt của Trung Quốc.

 Đối với Pháp và Châu Âu, vấn đề không phải chỉ là bảo vệ quyền lợi giao thương và kinh tế trong vùng mà còn là duy trì trật tự thế giới và luật pháp quốc tế.

Thời điểm tuyên bố của Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp không phải là điều ngẫu nhiên. Trong tháng này tòa trọng tài tại The Hague sẽ ra phán quyết về đơn kiện Trung Quốc của Phi Luật Tân.

Theo bà Mira Rapp-Hooper, nghiên cứu gia tại Trung Tâm cho Nền An Ninh Mới Hoa Kỳ, “Liên Âu can dự vào Biển Đông là điều mà Hoa Kỳ đã mong đợi từ lâu.
Thời điểm kêu gọi của Pháp còn có thể có nghĩa là các chính quyền Liêu Âu sẽ hỗ trợ mạnh mẽ phán quyết của tòa trọng tài sắp tới đây.”

Switch mode views: