Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyện Ở Hãng

Boss

Bà Kiều Diệp đi làm ngày đầu tiên. Bà bận cặp đồ xoa đen cho nổi nước da trắng của bà. Đó là sự cố ý.

Qua Mỹ đã ba năm theo diện đoàn tụ, do người em gái bảo lãnh, bà vẫn nghĩ sẽ sống cuộc sống nhung lụa hơn ở Việt Nam.


Nhưng qua đây, bà nhìn quanh quất, với khả năng và học lực của bà, chẳng có công việc gì để làm, ngoài những chuyện như đi làm bồi bàn ở nhà hàng, đi cắt chỉ hoặc may ở các shop may.
Bà cũng thử làm những công việc đó được mấy tháng. Bà thấy không hợp, vì chủ trả tiền rẽ quá, cũng như nghề nầy hạ thấp giá trị của bà, bà vẫn nhân danh là vợ của một Thiếu Tá Nhảy Dù.

Với lại, cái sở đoản của bà, là muốn làm công việc gì đó nhàn hạ một chút, mà được ăn lương giờ.
Bà chạy đi gặp mấy cái Agency, bà cũng làm hai ba “chốp” rồi, nhưng cuối cùng bà cũng bị “lay ốp”. Lần nầy là lần thứ tư.

Tuần trước, Mẫn, em gái bà, gọi điện thoại cho bà:
– Hãng em đang làm có “ô pen chốp” đó, chị xin vô làm đi.
Bà theo lời cô em, đến Agency người em đã chỉ, ghi danh rồi qua một cuộc phỏng vấn nhỏ, bà được thu nhận. Hãng làm dụng cụ y khoa, công việc tương đối nhẹ.

Kiều Diệp tìm người supervisor, đó là một người đàn bà người Phi, gương mặt tròn, nước da trắng, đôi mắt to đen, khoản trên dưới bốn mươi tuổi. Kiều Diệp nở một nụ cười thật tươi, rồi nói với mớ tiếng Anh bập bẹ của bà:
– Chào bà, tôi được Agency Untimate thu nhận, bảo đến đây làm việc, tôi đến trình diện bà.

Người Supervisor nhìn Kiều Diệp với đôi mắt quan sát, rồi trả lời:
– Tôi đã được Agency thông báo. Bà theo tôi đến chỗ sản xuất.
Kiều Diệp nói cảm ơn, và nói thêm vài câu xã giao khen tặng làm quà, như là bà trẻ, đẹp lắm, khiến cho người đàn bà Phi luôn miệng nói, cảm ơn, cảm ơn.
Người supervisor dẫn Kiều Diệp tới chỗ khu sản xuất và đến trước một người đàn bà người Mễ, da nâu đen và mập.
Bà supervisor nói:
– Có công nhân mới cho mầy nè, mày training nó nhe.
Bà người Mễ trả lời:
– OK, mày để nó đó cho tau.
Kiều Diệp được đưa tới chỗ một cái bàn dài, đã có nhiều người công nhân đang làm việc. Công việc đầu tiên là dán các label lên trên các hộp giấy.
Kiều Diệp được chỉ qua về cách dán label, dán cho ngay ngắn trên từng cái bag, và nhất là dán cho thật nhanh.
Ngồi vào bàn, Kiều Diệp cố làm ra vẽ chăm chỉ, không nhìn ai, chỉ chăm chú vào công việc, luôn luôn miệng nói Yes, nói Thanks với người chỉ dẫn.

Đến giờ nghỉ giải lao, Kiều Diệp đi vệ sinh rồi vào phòng ăn. Bà ngồi vào chỗ ghế trống. Đâu đó số công nhân Việt Nam đang hâm lại đồ ăn, có người ngồi vào bàn uống nước ngọt hoặc nước trà hoặc ăn trái cây.
Bà soạn cái giỏ đồ ăn của bà ra, bà đem theo nhiều trái cây, bánh ngọt và một số kẹo chocolat. Theo thói quen, bà nở nụ cười với một cô gái Việt Nam ngồi cạnh. Cô gái hỏi:
– Chị mới vô làm hả?
– Dạ, mới vô sáng nay, làm việc ở đây có khó không em?
– Cũng được, không có gì khó lắm, nhưng phải chăm chỉ. Chị làm ở line nào vậy?
– Mới vô nên ngồi dán label ở line bà Mễ mập.
– A, thế là line làm con mèo. Bà đó là bà Flor, bả là “lit đơ” đó.
– Bả có khó không?
– Cũng được thôi, mình làm tốt thì được thôi.
Kiều Diệp lấy thỏi kẹo chocolat mời cô gái, bà nói lấy lòng cô gái:
– Mời em ăn với chị cái kẹo cho vui.
Cô gái cầm lấy cây kẹo.
– Cảm ơn chị.
Kiều Diệp không ăn cơm, bà tính để giờ nghỉ sau. Bây giờ bà phải tranh thủ làm quen với các công nhân ở đây. Bà chào hỏi, đon đả với người nầy, người kia, hỏi họ đủ thứ chuyện về công việc ở hãng. Ai bà cũng cho một thỏi chocolat hay quả mận, quả chuối, bà nói:
– Em là công nhân mới vô nên cần sự chỉ dẫn của mấy anh chị, coi như là lính mới vậy, anh chị có gì chỉ bảo em nhé.

Kiều Diệp nói chuyện rất ngọt. Ai bà cũng xưng em, dù có nhiều người còn trẻ hơn bà. Đó là cách xã giao để gây cảm tình. Bà đã kinh nghiệm chuyện nầy từ ngày bà trưởng thành, trải qua bao nhiêu truân chuyên trong đời sống.
Bà biết, trong một tập thể, muốn chiếm ưu thế không có gì tốt hơn là gây cảm tình với người khác, với những người chung quanh, bằng cách là cho họ một món quà gì đó, dù nhỏ cũng được.

Trong lần nghỉ giải lao thứ nhì. Cũng những người Việt Nam ngồi cùng bàn với nhau hay những bàn kế bên. Bà tự khai:
– Ông xã em là thiếu tá Dù, tiểu đoàn trưởng, tử trận năm bảy ba ở Ái Tử, Quảng Trị.
Với ai, bà cũng tự khai như vậy. Nhưng thật ra, bà là tài phán cho một vũ trường ở Sài Gòn trước năm bảy lăm.
 Lúc đó bà còn trẻ, Thiếu Tá Ngộ có đến đó ăn chơi, có gặp bà và hai người kết nhau một thời gian, cái cảnh già nhân ngãi non vợ chồng.
Thiếu Tá Ngộ đã có gia đình, nên Kiều Diệp chỉ là người tình của ông. Sau nầy bà có với ông một đứa con trai nên bà ngang nhiên nói bà là vợ ông thiếu tá Nhảy Dù.
Cũng đúng thôi. Sau ngày ông Ngộ tử trận, bà kết thêm mấy người đàn ông nữa, nhưng không có ai nổi bật, chỉ có ông Ngộ là sáng giá, nên bà thường đem ra khoe.
Một người đàn ông Việt Nam hỏi:
– Chị đi theo diện HO hả?
– Không, diện bảo lãnh. Ông xã chết đã lâu nên đâu có đi ở tù mà đi diện HO.
Thế là trong ngày đầu tiên đi làm, bà làm quen và gây cảm tình với nhiều người ở hãng.

Trong thời gian sau đó, Kiều Diệp lần lần tìm hiểu ra những nhóm người Việt Nam chơi với nhau. Cái gì cũng vậy, trong một tập thể nào, cũng có những người thích nhau hoặc không thích nhau, họ tập họp lại thành từng nhóm nhỏ, ăn cơm chung, chia sẻ nhau những vui buồn xãy ra ở hãng, ở nhà hoặc ngoài xã hội.
Rồi trong những lúc chuyện trò, bày tỏ niềm tâm sự, họ cũng nói lên thêm những cái nhìn của họ ở hãng, như chuyện về công việc làm ở đây, chuyện chạy chọt, nịnh bợ của người nầy, người kia. Chuyện muôn đời của người Việt Nam là chuyện ngồi lê đôi mách.

Sau hai tuần làm việc là Kiều Diệp rành rẻ mọi sinh hoạt ở hãng. Biết tổng quát là ai có máu mặt, ai nịnh hót bợ đở để kiếm điểm với cấp trên, và ai muốn ăn hối lộ.
Thật sự, bà đã có trong đầu óc một kế hoạch để được tiến thân, mà theo bà, ở đâu cũng vậy, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.

Kiều Diệp hiểu bà Phi trắng, supervisor, là một người thích được tặng quà. Những món quà nhỏ thôi, như kem thoa mặt, phấn, son, những cái áo vải mịn mỏng, hay các loại trái cây như sầu riêng, xoài.

Cũng mấy năm trước, bà supervisor nầy đã nhận quà của công nhân, có người báo lên cấp trên, bà trả lời tỉnh bơ, là tụi nó cho tau thì tau nhận chứ tau đâu có đòi hỏi gì.
Lần đó bà bị warning, bà liền dặn những người thường cho quà bà nên đưa cho những người Phi thân cận, rồi họ sẽ chuyển cho bà.
Phương pháp nầy thế mà hữu hiệu. Bà đã nhận được nhiều quà do đàn em thân tín của bà trao lại. Bà im lặng mà hưởng.
Dĩ nhiên bà cũng đáp lại những người cho quà bà bằng cách giữ họ lại làm việc, trong lúc bà cho off những công nhân khác. Đó là quyền lực của một supervisor mà không ai có quyền khiếu nại. Những món quà nhỏ thế mà thật hữu hiệu khôn lường.

Kiều Diệp nhất quyết tiến hành ý đồ của mình. “Mua” cho được bà supervisor.
Bà biết supervisor thích ăn đậu hủ chế tạo ở các tiệm đậu hủ Việt Nam như Thanh Sơn Tofu hay Nam Đô. Vì đậu hủ ăn làm bớt mập, không có choresteron.
Lần đầu tiên, bà làm một nghĩa cử đẹp. Đến Thanh Sơn Tofu mua liền trên năm pounds đậu hủ chiên. Gói trong bao giấy đàng hoàng rồi bà đem vô hãng.

Nhân lúc giờ nghỉ, bà không xuống phòng ăn mà nhìn thấy người supervisor ngồi trong phòng một mình, bà liền bước vô.
Bà supersor nhìn bà cười hỏi:
– Có chuyện gì đó Kiều?
Kiều Diệp nở nụ cười thật tươi:
– Biết bà thích ăn tofu nên tôi mua biếu bà một ít.
– Sao mầy biết hay vậy. Cảm ơn mầy nhiều lắm.
– Không có chi, món quà nhỏ mà.
– Mầy thích công việc ở đây không? mọi chuyện tốt chứ?
– Tôi thích lắm. Mọi chuyện nhờ bà giúp đỡ.
– OK. Có cần gì mầy nói với tau nhé, những chuyện xãy ra chỗ mầy làm việc, ai làm tốt ai làm xấu, ai nói chuyện nhiều khi làm việc, mầy báo cáo với tau nhe. À, mà lần sau, mầy có cho tau quà đừng đem vào đây. Đưa cho con Earny, nhé.
– Vâng, tôi biết.

Kiều Diệp lui ra và lấy làm mãn nguyện. Đến giờ làm, bà tâm sự với người bạn ngồi bên:
– Bà Phi supervisor tốt lắm, kêu tôi vào phòng nói chuyện, bảo tôi làm việc tốt.
Bà quyết tâm theo dõi những đứa hay chửi đổng, bảo bà là kẻ hay nâng bi, đội đĩa. Bà tức lắm, nên bà quyết tâm hạ đo ván tụi nó.

Từ đó, Kiều Diệp bắt đầu quan sát hết người nọ đến ngươì kia, nhất là người Việt Nam. Bà thường lẽn vào phòng supervisor để báo cáo.
– Bọn thằng Lân, con Phương nói xấu bà lắm, nó nói bà ăn hối lộ, nhận quà. Bọn con Thu, con Anh, con Kim, con Thuỷ hùa theo nhau. Nó chửi tôi là đồ ăng ten, nịnh nọt bà, vì tôi thích bà hay biếu quà cho bà.

Bà Phi supervisor đỏ mặt lên. Kiều Diệp gải đúng huyệt của supervisor. Năm trước bà cũng bị tố một lần vì chuyện nhận quà. Cấp trên đã cảnh cáo bà. Bây giờ lại tái diễn cảnh cũ, bà hơi choáng.
Một điều là bà phải ra tay diệt ngay sự chống đối nầy. Bà nói với Kiều Diệp:
– Mầy về đi, chuyện ấy để tau xử.

Bà supervisor đã dùng quyền hành bà đang có, báo cáo lên với manager người Mỹ. Trong lúc hãng đang down, nên bốn người được Kiều Diệp nêu tên, bị kêu lên văn phòng. Ông manager nói với giọng thật ôn tồn:
– Tôi sorry với các bạn nhé. Hiện hãng chúng ta bị down quá. Không có order từ mấy tháng nay, nên chúng tôi đành cho các bạn nghỉ việc. Khi nào hãng up một chút, cần công nhân, tôi sẽ gọi các bạn lại.

Đó là cách nói cho qua việc để đuổi việc bốn người. Đó cũng là cách cư xử của nhiều người đối với cấp dưới.
Kiều Diệp được dịp vênh cái mặt lên, bà về chỗ làm và tuyên bố một câu xanh rờn:
– Ai đụng đến bà là bà sẽ cho “đi đái” hết.

Dương xin vào hãng làm assembly. Mới đầu Dương dè dặt trong cách cư xử. Với ai anh cũng gật đầu chào xã giao. Việt Nam thì chào anh, chào chị. Mỹ thì hello, sir.
Dương có cái nhìn tiếp cận từng người và đánh giá từng người. Ai là người chỉ huy trực tiếp, có quyền sinh sát trên công việc làm của anh. Dĩ nhiên, đó là lít đơ và supevisor. Supervisor thì ở xa, chỉ có lít đơ là ở gần, hàng giờ hàng phút bên anh, trong từng công việc làm, nên anh phải lấy lòng xếp.

Xếp ở chế độ nào, Tư Bản hay Cộng Sản, Tự Do hay Độc Tài, xếp vẫn giữ địa vị độc tôn.
Làm việc mà xếp để ý, không bằng lòng, là mất nồi cơm như chơi, mà xếp tư bản còn có quyền hơn nhiều.
 Xếp không bằng lòng, xếp đề nghị off là off. Đợi đến công đoàn can thiệp còn lâu. Mà ở hãng nầy đâu có công đoàn, mà vào công đoàn thì phải mất tiền trả hàng tuần trừ ngay trên check.
Dương biết như vậy, như anh đã từng biết như vậy trong thời gian anh ở lính. Xếp mà thương rồi thì mọi việc đều trôi chảy, được nâng đở, được đề bạt, được nắm chức vụ.
Như ngày trước, ở trường Võ Bị ra, anh không đi tác chiến, chỉ làm văn phòng mà cấp bậc và chức vụ anh vẫn thăng đều đều. Anh thành công cũng nhờ anh biết nguyên tắc sống.

Bây giờ trãi qua bao thăng trầm, đến Mỹ tuổi đời ngót nghét năm mươi, anh không học thêm được, phải đi làm để kiếm tiền, mà thời gian nầy nền kinh tế Mỹ đang lúc đi xuống, nên kiếm một cái «chốp» tương đối ổn định và nhàn hạ một chút cũng khó, nên anh quyết tâm ôm cái chốp mới nầy.
Dương quyết tâm thực hiện những tiêu chuẩn về bài học đắc nhân tâm anh đã đọc được trong sách cổ lẫn sách mới. Trước tiên là anh cố ý làm cho xếp chú ý, là anh làm việc cố ra vẽ chăm chỉ, siêng năng, cẩn thận.

Mỗi lần anh đóng thùng hàng, anh cố ý làm cho thật kỹ, tìm thật nhiều cái hư, cái no good để báo cáo với xếp. Đến cuối giờ, anh đưa từng cái cho người lít đơ coi.
Thằng lít đơ người Phi tuổi trạc bằng tuổi con anh, luôn miệng nói good, good.
Kinh nghiệm lính tráng đã dạy cho Dương cách lấy lòng xếp. Như ngày trước, mỗi tháng anh lãnh lương thường hay mời xếp đi nhậu. Có món ngon vật lạ thì đem cho xếp ‘’đại bàng ăn với em một miếng lấy thảo’’.
Ngày Tết, ngày lễ thì mua cho xếp cái cà vạt, chai nước hoa loại xịn hay chai rượu tây đắt tiền. Bây giờ ở hãng, tuy chỉ làm assembly thôi, nhưng anh đi nước cao hơn.
Nếu làm ở đây được lâu thì mấy món quà lót đường kia có đáng gì, khỏi mất thì giờ chạy lòng vòng xin việc.

Suy nghĩ, tính toán, nên anh cố lấy lòng thằng lít đơ. Mỗi lần nó gọi thì Dương chạy, hay anh cố làm như ra vẽ chạy, chạy lúp xúp, như nói là anh sốt sắng với công việc đến thế là cùng.
Bây giờ thì anh bước thêm một bước cho sự tin tưởng của xếp lên cao. Đang làm over time, công chuyện ở hãng ít, ai cũng muốn làm over time để kiếm thêm tiền mà xếp chọn anh, nên anh được nhiều cặp mắt công nhân nhìn vào, cả xếp lớn cũng nhìn vào.

Anh chơi một đòn ngoạn mục, là anh đi ra ngoài chỗ bấm thẻ ra vào tính giờ, anh kéo thẻ, coi như anh đã về, nhưng rồi anh trở vào lại làm tiếp, làm không công, không lảnh tiền của hãng.

Thằng lít đơ thấy Dương trở vô làm, ngạc nhiên hỏi:
– Sao mầy gạch thẻ về rồi mà còn vô đây làm gì?
Dương nói, cố diễn tả ý mình:
– Tau bấm thẻ là coi như về. Nhưng tau thấy hàng còn nhiều quá, tau phải làm, tau làm không công cho hãng đấy.

Lít đơ lấy làm lạ nhưng như chợt hiểu ra, thằng công nhân nầy chỉ muốn làm cho hết việc thôi, nó trách nhiệm đầy mình, good, good.
Thằng lít đơ nói good luôn miệng và hôm sau, nhân lúc gặp người supervisor, nó nói ra điều nó nghĩ:
– Sir, thằng Dương công nhân ở ca buổi sáng, khá lắm, nó làm không cần nhận tiền, hôm qua nó ở lại làm thêm hai tiếng đồng hồ cho xong việc đó.

Như thế là công việc thu phục nhân tâm của Dương đã thành công một phần.
Khi có supevisor, Dương luôn luôn xuất hiện với gương mắt thật quan trọng, lúc thì xung phong chui xuống gầm máy lau chùi những chỗ bẩn, khi thì chạy lúp xúp lấy món hàng nầy món hàng nọ.
Nghĩa là Dương đóng vai trò xuất sắc của một công nhân nhẫn nại, chịu cực, chịu khó, để làm hoàn tất công việc. Cho nên khi hết giờ, mà công việc chưa xong thì lít đơ thường giao việc cho Dương.
Anh đắc chí. Không có xếp ở bên cạnh, Dương thở phào nhẹ nhõm. Anh nhẫn nha làm việc, anh kéo dài thêm công việc của mình ba bốn tiếng đồng hồ.

Trong hãng, những nhóm công nhân, ngoài mặt như thích nhau lắm, đon đã, chào hỏi. Nhưng bên trong mỗi người đều có phe nhóm riêng. Họ nói xấu nhau sau lưng và nói tốt nhau trước mặt.
Thế rồi, theo đà xuống dốc của nền kinh tế Mỹ, hãng thông báo đóng cửa trong vài tháng tới. Tất cả cơ sở vật chất đều dời về Canada.
Mọi công nhân còn hai tháng để lo cho công việc mới.

Khi người ta hết chạy theo quyền lực và vật chất, con người trở nên hiền lành và dễ thương hơn, thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy.
Các tay cán bộ gộc VN khi còn quyền chức thì vung chân múa tay, hét ra lửa, ra khói. Nhưng khi về vườn thi thấy họ đổi khác ngay. Cởi mở. Nhẹ nhàng. Đó là điều dĩ nhiên.

Các tướng tá của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa cũng thế, lúc trên dưới có lính, tiền hô hậu ủng, thì họ hoạch hoẹ đủ điều, vừa quân phiệt vừa quan quyền vừa tham nhũng.
Đến khi thua trận, bỏ nước chạy qua Mỹ, hết quyền lực trong tay, trông họ dễ thương hơn và đàng hoàng hơn.
Dương mấy năm bon chen kiếm chút cháo. Nay hãng đóng cửa, anh trở lại con người bình thường, cười nói hỉ hả như người vô tư nhất trên đời.

Bảo là dân HO, là công nhân hạng hai, nghĩa là tempory. Anh đóng vai một công nhân bình thường, không phe nhóm. Anh nhiều lúc cũng cần làm over time để kiếm tiền thêm, nhưng anh không thể lăng xăng được như Dương.
Khi anh thấy hết công việc thì anh về, không thể chậm chạp để tìm cách ở lại. Đó là cái sỉ diện, cái nhân cách hay là cái tính bẩm sinh của trời phú cho anh.

Khi không có công việc, đứng không, anh thấy tay chân mình như thừa thải ra, không biết để vào đâu. Anh có cảm tưởng như mọi người công nhân đều nhìn vào anh, cả lít đơ, supervisor đều nhìn vào anh. Anh đâm ra bối rối.

Bây giờ, hãng đóng cửa, thì đi xin chỗ khác làm thôi. Ỏ xứ Mỹ nẩy đâu có ai đói, chỉ sợ mình không có sức mà làm việc.
Khi thấy Dương cười nói huyên thuyên với đám công nhân Việt Nam, Bảo hỏi Dương:
– Sao? Hãng đóng cửa rồi còn lăng xăng gì đây? “Thủ trưởng” của ông đâu rồi?
Dương đỏ mặt, nhưng anh cũng vớt vát:
– Đóng cửa thì mình về vườn đuổi gà cho vợ. Chuyện thường mà.
Bảo nói một câu nghe thấm thía:
– Cái miếng đỉnh chung quý lắm ông ạ, nhưng làm gì thì làm, đừng để mất mặt bầu cua dân HO.
Hãng đã đóng cửa nên mọi chuyện cũng khép lại.


Switch mode views: