NHỮNG CHUYỆN LINH TINH
- Thứ Hai, 10 tháng Năm năm 2021 16:11
- Tác Giả: Vũ Đăng Khuê
Kiếp người thường trải qua 4 giai đoạn: Sinh, Bệnh, Lão, Tử, lẽ dĩ nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ.
Thằng tôi đã bước hẳn vào giai đoạn 3, trước khi được ….”gọi về”. Ở cái giai đoạn 3 này thì đầu óc vật vờ, lúc nhớ lúc quên, nói trước quên sau, nói một đàng làm một nẻo.
Nếu bạn ta hỏi: hôm qua đã ăn gì? Sẽ không thể có câu trả lời ngay được mà phải “mông lung” một lúc.
Ở nhà, buồn buồn khi nói chuyện đời với mẹ cháu thì thỉnh thoảng thấy mẹ cháu đưa 2 ngón tay, hoặc 3 ngón….Ý nghĩa?
Xin được “chuyển ngữ” ngay vì quá hiểu: “ông ơi là ông, ông đã nói chuyện này với tôi ít nhất là 3 lần rồi, nội dung vẫn như thế nhưng ông cứ thêm mắm muối vào mỗi lần ông kể, ông có nhớ không”, Chỉ biết hà hà và… lỉnh sang chuyện khác. Chuyện thường tình thôi bạn ta
Nhưng những chuyện linh tinh của vài chục năm về trước thì lại nhớ “rành văn mạch” và tuôn ra “vanh thị vách”.
Dạo này có dịp trao qua đổi lại với một ông bạn mới quen thuộc hàng chuyên gia về ăn uống.
Chat qua chít lại thì thấy có một số quân ta cũng góp lời, trong đó có một “dáng huyền”: “em ở gần nhà thờ Bàn Cờ, em biết ‘gành’ khu này lắm”, thế là quân ta ào ào kể lại chuyện cái chợ Bàn Cờ, chỉ cách nhà mình khoảng 10 phút đi bộ, nào là:
- Chợ Bàn Cờ là một chợ lớn ở Sài Gòn, bán lẻ đủ thứ, chỉ thua Bến Thành.
- Chợ có bán nếp nướng, ăn bốc không dính tay…
- Có bún riêu bà Kiều quấn khăn mỏ quạ, đường vào chung cư Nguyễn Thiện Thuật có bà bán bún bò người miền Trung bán một ngày 3 nồi “to đùng”
- Khúc Nguyễn Thiện Thuật gần Hồng Thập Tự có cà phê Năm Dưỡng ngon bá cháy, khiến thiên hạ đồn sảng là có pha “ma túy”,
- Cùng đường có bánh cuốn Thăng Long, bánh mì Hà Nội, tiệm đàn Đức Thắng chuyên bán “đàn guitar Yamaha, gần đó có tiệm đàn Phúc Lợi. đàn được chính chủ nhân làm và có những cây đàn giá trị rất cao”, nay nghe nói gọi là phố đàn.
- Đầu đường Phan Đình Phùng thông qua Lý Thái Tổ có xôi chẻ Hiển Khánh ăn ngọt lịm.
- Từ nhà bước ra 1 phút có bà bán cơm tấm có người con học cùng năm khác trường, 2 thằng cùng thi Tú Tài 2, một thẳng thì đậu còn một thằng phải đầu quân… sáng sáng cứ thấy nó lệnh khệnh bưng vác đồ nghề cho bà mẹ.
Mà thôi để chuyện Bàn Cờ trong một dịp khác nếu còn…..”khí thế”, giá mà cái nhà ông chuyên gia: “đi, ăn và viết” để mắt thì… cảm động lắm..
Nói tóm lại chỉ cần: một câu nói, một ánh mắt, một tấm hình, một bài hát, một câu chuyện vãn …. là chuyện “dĩ vãng” sẽ tuôn ra như sấm v.v…., Mời quân ta nghe lại một câu chuyện nhớ rất rành mạch có thể bạn ta đã nghe.
Từ 6 nốt nhạc dạo đầu.
Cách đây vài tháng, tình cờ được cho nghe ké một youtube của hai bạn đang ở Việt Nam: Một nàng hát và một chàng đàn. Kết và thích ngay vì hai bạn này đúng là đang thực hiện lại những bản thời “Chiêu Hòa Việt Nam” (nhạc tiền chiến, nhạc “vàng” hay văn vẻ hơn là những tình khúc thời chinh chiến), cái thời mà cùng với những người bạn … cứ gục lên gục xuống trong những quán cà phê bên đường gần trường học, lẩm nhẩm hát theo.
Riêng 6 nốt nhạc dạo đầu phần intro của bài hát “Nắng Thủy Tinh” này đã khiến lòng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm có một không hai của 44 năm về trước.
Lúc đó vào khoảng cuối tháng 1 năm 1973 gần Tết Việt Nam, nhớ nhà ghê gớm. Sau một ngày miệt mài với sách vở và arubaito (làm thêm), leo lên chiếc xe điện quen thuộc về nhà.
Tokyo đang trong những ngày đông lạnh giá, ngoài trời tuyết rơi lất phất. Xe chạy được một lúc thì hình như có âm thanh hơi lạ: ở đâu đó gần chỗ mình đứng có tiếng huýt sáo rất nhỏ, tiếng được tiếng mất vừa lọt đủ vào tai, định thần để cố gắng nghe cho rõ vì thấy melody rất ư là quen thuộc, cũng mất khoảng vài phút và cuối cùng thì biết đó là bài hát “Xuân tha hương” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Trời ơi!
Ngày xưa xuân thắm quê tôi
Bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành
Vun tưới hoa mùa xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm
Tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm
(Xuân Tha Hương)
Ngoái nhìn xung quanh để tìm “tác giả” nhưng xe điện đã đến ga kế tiếp, dòng người đổ xuống rồi tràn lên và “lời thì thầm” bỗng dưng mất hẳn, ngọ ngoạy cố tìm nhưng vẫn không biết ai đó đã “tặng” cho mình hưởng cái giây phút thật bất ngờ đầy kỳ thú.
Lòng tiếc ngẩn tiếc ngơ rồi…. 44 năm đã trôi qua như gió thoảng và lẽ dĩ nhiên vẫn không biết “người đó là ai”.
Bây giờ, Nói theo kiểu của cố ký giả Bê Tê: “biết thì tốt mà không biết… cũng chả sao”. Tạm chấm dứt chuyện kể ờ đây để lẩm cẩm ít hàng sang chuyện khác.
Người viết sinh ở Sơn Tây, cũng là quê mẹ của cố nhạc sĩ Pham Đình Chương, vào Nam lúc còn bồng ẵm, nên chả biết gì về quê hương cả.
Thường nghe mẹ kể: có những đêm trăng cả nhà ông ngoại ra sân đập lúa, phía trước có cây hoa gạo cao ngất bên cạnh chiếc cổng đình.
Còn bố thì “tán”: Sơn Tây có sông Đà uốn khúc, có núi Ba Vì với huyền thoại hai thánh “Tản” ngồi đánh cờ trên đỉnh đến nỗi quên cả thời gian và ở chợ Phùng, trên đường từ Hà Nội đến Sơn Tây, có một ông làm nhiều bài thơ tình hay lắm chẳng hạn như:,
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc
Sáo diều vi vút thổi đêm trăng
(Đôi mắt người Sơn Tây – thơ Quang Dũng)
Ngoài ra, còn có một bài mà quân ta cũng rất thích: “Tây Tiến”, không nhớ nhiều đành phải nhờ bác Google tìm hộ, theo bác Google thì: “Quang Dũng tham gia đoàn quân Tây Tiến năm 1947 và hành quân lên Tây Bắc với nhiệm vụ phối hợp với quân đội nước bạn để bảo vệ vùng biên giới Việt Lào.
Ban đầu, bài thơ được đặt tên là Nhớ Tây Tiến. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên”.
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
— Phù Lưu Chanh, 1948
Đến đây đã tạm đủ. Thôi xin ngừng ở đây.
Úi cha, nhớ nhà quá bạn ta.
Tin mới
- TỬ BIỆT - 25/05/2021 23:40
- ĐẢO ĐIÊN 3 - 17/05/2021 00:13
- ĐẢO ĐIÊN 2 - 16/05/2021 22:58
- ĐẢO ĐIÊN - 15/05/2021 19:14
- Ai cũng có một người mẹ vĩ đại mang tên Bà Ngoại - 14/05/2021 21:04
- VC Đã Tiêu Huỷ Sách Vở VNCH Với Chính Sách Ngu Dân - 14/05/2021 16:21
- Little Saigon, Quận Cam Có Còn Là Thủ Đô Của Người Tị Nạn??? - 13/05/2021 21:46
- Chuyện Ở Hãng - 13/05/2021 20:17
- Tôi Yêu Tiếng Nước Mỹ - 12/05/2021 20:00
- Trại ‘Gà Đi Bộ’ Lớn Nhất Texas - 11/05/2021 01:28
Các tin khác
- CHUYỆN THÀY TRÒ - 10/05/2021 04:00
- NẤM - 08/05/2021 20:36
- SAIGON DỄ THƯƠNG - 08/05/2021 18:12
- Chuyện Thành Ngữ “BỎ QUA ĐI TÁM!” - 07/05/2021 18:57
- Người Tị Nạn Và Việt Kiều - 07/05/2021 04:06
- Tấm Lòng Một Người Bà - 06/05/2021 00:57
- Cái Đói Thời Bao Cấp - 04/05/2021 18:18
- Tân Gia Ba Lập Kế Hoạch Sống Dưới Lòng Đất - 03/05/2021 19:45
- NHỮNG THÁNG TƯ ĐÃ QUA - 03/05/2021 17:53
- Làm Sao Để Áp Huyết Không Cao? - 02/05/2021 02:02