Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trại ‘Gà Đi Bộ’ Lớn Nhất Texas

trai ga đi bộ
Trong khi hầu hết người Việt làm nghề nuôi gà chọn cách nuôi gia công cho các hãng lớn của Mỹ theo hợp đồng có giá trị từ 10 đến 15 năm, thì ông Dương Minh Dũng, cư dân thành phố Austin, tiểu bang Texas, lại chọn một con đường đi khác hẳn cho mình. Đó là nuôi “gà đi bộ,” loại gà được người Việt ở Mỹ đặc biệt ưa chuộng.

Từ vài chục con gà nuôi chơi trong nhà, đến nay, ông Dũng đã là chủ của công ty gà đi bộ Đồng Nai, với 54 chuồng nằm rải rác quanh khu vực Austin, mỗi chuồng trung bình khoảng 30,000 con.

Gà đi bộ Đồng Nai không chỉ có mặt trong các chợ, nhà hàng Á Châu quanh vùng mà còn được đưa đến bán ở gần 30 tiểu bang Hoa Kỳ.

Công nhân hãng đồ hộp, bán “taco” và khởi nghiệp nuôi gà thả rông

Sang Mỹ năm 1995, khi chưa đến 40 tuổi, ông Dũng bắt đầu cuộc đời mới bằng việc đi làm cho hãng đồ hộp để mưu sinh.
“Tình cờ một bữa ăn trưa, người bạn làm chung mua cho tôi một cái ‘taco.’ Tôi vừa ăn vừa quan sát và nhận thấy cái taco rất dễ làm, chỉ ăn thua mùi vị thôi. Tôi nhẩm tính chi phí cho một cái taco như vậy chỉ khoảng 25 cents, trong khi họ bán ra là $1.25. Lời quá. Lúc đó lương làm hãng đồ hộp chỉ $400-$500 cho hai tuần, mà rất cực. Thế là tôi quyết định sắm xe đi bán taco.”

ong Duong minh Dung

Ông Dương Minh Dũng, chủ nhân công ty gà đi bộ Đồng Nai ở Austin, Texas.

Ông Dũng kể chuyện “khởi nghiệp” tại Mỹ trong lúc lái xe đưa phóng viên báo Người Việt đi thăm các trại gà của mình.


Xe “taco” bán cho công nhân hãng xưởng, nên hai ngày cuối tuần công nhân nghỉ thì ông Dũng cũng nghỉ để “đi chợ trời mua gà vịt sống về ăn.”
Là người có “khiếu làm ăn,” nên ông Dũng ghi nhận được ngay hình ảnh, có rất nhiều người Việt đi mua gà vịt sống giống ông.

“Ở đây bắp lúa nhiều quá, lại rẻ, vậy sao mình không thử nuôi gà để ăn, để bán?” Một cách thức kinh doanh xuất hiện trong đầu ông.
Ông kể, “Lúc đó, một người bạn cho tôi mượn miếng đất 10 mẫu, tôi lấy lưới vây lại một góc và mua 100 con gà con thả vô nuôi trong đó.

 

Bốn tháng sau, tôi mang gà về làm ăn, ai cũng khen thịt gà ngon, không như ăn gà Mỹ. Thế là tôi mua gà bỏ thêm vô nuôi.
Cuối tuần hai vợ chồng bắt gà về nhà làm, cắt cổ, nhổ lông bằng tay, y như hồi ở Việt Nam, rồi bán cho người quen, bạn bè.”

Gà đi bộ được nuôi tại một trong số 54 chuồng gà của công ty gà Đồng Nai Austin, Texas do ông Dương Minh Dũng làm chủ.

Từ 100 con, ông Dũng nuôi lên 500-600 con, rồi 1,000 con.

“Lúc đó tôi vẫn còn bán taco. Khi đi bán thì để sẵn bịch bắp bịch đậu trong xe, chiều về ghé chỗ nuôi thảy bắp, đậu cho gà ăn. Thấy dễ dàng lắm.
Đến lúc thấy gà nuôi bao nhiêu bán cũng không đủ, nhu cầu người ta mua gà đi bộ này nhiều, thì tôi quyết định mua 50 mẫu đất, tập trung vào nghề nuôi gà đi bộ, nghỉ hẳn nghề bán taco. Khi đó là năm 2000.” Ông chủ gà Đồng Nai nhớ lại.

Thất bại ngay lần đầu “làm ăn lớn”

Vừa đứng nhìn những người làm đến bắt gà chuyển qua lò mổ, ông Dũng vừa kể tiếp: “Khi mình nuôi chơi thì rất thành công, nuôi 10 con y chang 10 con, 100 con y chang 100 con, con nào cũng ngon lành.
Nhưng khi nuôi lên tới 1,000 con thì đã có vấn đề, nhưng vấn đề nhỏ. Đến lúc thả 6,000 con thì vấn đề khác hẳn.”

Ông chủ trại gà Đồng Nai nhớ lại, “Tôi nhớ thời gian đó tôi không ngủ được, hầu như mỗi ngày tôi ở trong chuồng gà từ 20 đến 22 tiếng với đủ thứ lo lắng mà không biết hỏi ai. Nó quần mình không chịu nổi. Mà kinh khủng nhất là chuyện cho gà ăn và uống.”
Không có kinh nghiệm nuôi gà theo kiểu “công nghệ dây chuyền” cho ăn cho uống hoàn toàn bằng máy, ông Dũng, vào thời điểm đó, vẫn mày mò làm theo cách thức “nông dân.”

“Châm nước cho gà uống theo kiểu từ đầu trên xuống đầu dưới. Mới châm đến 2/3 đường thì đầu trên tụi nó đã uống cạn. Lúc đó suốt ngày gần như chỉ làm mỗi việc cho gà uống nước.
Chưa nói đến chuyện chế biến đồ ăn riêng cho gà. Thất bại là ngay lúc đó,” ông nói.
Gà chết mà không biết lý do vì sao cũng là vấn đề khiến ông Dũng mệt mỏi.

“Khi nuôi nhiều thì không chỉ nó ỉa nhiều, mà còn đạp nhau, cắn nhau chết. Gà này khi nuôi lớn đến hai tháng rưỡi, ba tháng thì bắt đầu nó cắn nhau, mổ nhau nó chết. Khi đó, một ngày nó chết cỡ 200 con luôn.
Nhìn nó chết mà mình không hiểu lý do, cứ nghĩ là chuột vô cắn chết, lo đi bỏ thuốc diệt chuột, bịt hết các lỗ nghĩ là chuột chạy vô, chứ không biết là gà mổ nhau chết. Rồi đồ ăn cũng vậy.
Mình đổ từ đầu này đến đầu kia thì đầu này nó đã ăn hết rồi. Cứ vậy, mình không trong nghề nên không biết gì hết,” ông Dũng mỉm cười nhớ lại quãng thời gian “đau đớn.”
xuong che bien
Ông Dương Minh Dũng, chủ nhân công ty gà đi bộ Đồng Nai ở Austin, Texas, đang đứng xem công nhân đang bắt gà đưa qua xưởng chế biến.

Tuy nhiên, sau đó ông Dũng gặp may khi có một người bạn từng làm công việc “bắt điện” cho một trại gà công nghiệp của Mỹ, đến chơi và thăm chuồng gà của ông.
“Tôi nhớ khi đó chuồng gà tôi làm chả giống ai hết nhưng cũng tốn cỡ $200,000 chứ không ít.
Nhưng anh bạn vô coi rồi la lên ‘không phải làm như vầy đâu Dũng ơi!,’” Ông kể tiếp.

Thế là nhờ sự “mai mối” của người bạn, ông Dũng có cơ hội vào xem hệ thống trại gà công nghiệp của Mỹ, để từ đó mới biết đến hệ thống cho ăn uống tự động là như thế nào, chuồng phải có máy sưởi, có màn cửa ra làm sao.

Ông nói một cách đầy cảm kích, “Phải công nhận người Mỹ họ hay lắm, mình hỏi cái gì thì họ chỉ dẫn cặn kẽ cái đó. Nhiều thứ mà họ không chỉ không nói thì mình không làm sao biết được. Từ những kinh nghiệm đó, từ từ tôi mới bắt đầu bung ra, hết trại thứ nhất, đến trại thứ hai, thứ ba, đến giờ là 54 chuồng rồi.”

Có tên “gà Đồng Nai” vì “đụng” Health Department!

Vẫn bằng giọng kể chuyện vui nhộn, rộn ràng, ông Dũng tiếp tục câu chuyện trong lúc đi xem chuồng trại, “Lúc mới bắt đầu, chỉ hai vợ chồng tôi làm y chang như kiểu Việt Nam. Khi bỏ quảng cáo ở nhà thờ, họ tới nhà mua đông quá. Mình phải nuôi thêm. Rồi từ nhổ lông bằng tay, chuyển qua mua một máy nhổ lông gà nhỏ nhỏ để nơi góc vườn nhà để làm. Rồi khi gà bắt đầu dư ra thì tôi mang ra chợ Mỹ Thành ở Austin gửi bán.”

Nhưng. Sự đời vốn dĩ luôn có chữ “nhưng” như một cái thắng gấp trước khi bất kỳ ai có thể trượt dài.

“Nhưng mới từ chợ chạy về đến nhà thì đã nghe người chủ chợ gọi cho biết có Sở Y Tế xuống kiểm tra.
Khi đó tôi không hiểu luật gì hết. Mà Mỹ hay lắm, khi biết mình không có giấy tờ, không biết luật, là họ tận tình hướng dẫn cách cho mình xin giấy phép, chở tôi đến chỗ làm giấy tờ.
Đến lúc họ hỏi tên công ty là gì để điền vào, tôi mới giật mình, không chuẩn bị sẵn, chỉ nhớ hồi xưa mình ở Đồng Nai, nên đề nghị họ cho mình lấy tên Đồng Nai.”
Thương hiệu gà đi bộ Đồng Nai đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.

ga Dong nai


Gà Đồng Nai được bày bán ở chợ Mỹ Thành ở Austin, Texas.

Cũng theo lời ông Dũng, ngay lúc đó, ông được cấp giấy phép cho làm thịt dưới 10,000 con gà mỗi năm, cùng lời dặn “nếu làm trên 10,000 con mỗi năm thì phải báo.”
“Nhưng mà chỉ mới vài tháng thì tôi đã phải đến gặp họ vì mình đã làm hơn số 10,000 con. Họ nói trên 10,000 con thì phải làm kiểu khác.


Cứ vậy, mình làm theo cách họ hướng dẫn, làm mỗi lúc một nhiều, họ phải cho bác sĩ và người kiểm dịch xuống đóng chốt tại lò mổ của mình mỗi ngày để bảo đảm an toàn vệ sinh khi gà đến tay người tiêu thụ,” ông Dũng cho biết.

Gà đi bộ được người Á Đông ưa chuộng hơn “gà Mỹ” do thịt gà đi bộ chắc hơn, dai hơn và ngọt hơn.

Ông Dũng cho rằng, “Cách nuôi gà đi bộ khác nuôi gà công nghiệp chủ yếu ở thức ăn, và giống gà. Chuồng trại thì gần giống nhau.
Gà Mỹ cũng nuôi chuồng, nhưng chỉ nuôi trong thời gian 6-7 tuần, mà trọng lượng con gà có thể đến 9 lbs. Còn gà mình nuôi tới 4 tháng rưỡi. Con gà này khi làm ra chỉ nặng từ 3.8-4.2 lbs.
Gà Mỹ nuôi thức ăn chứa protein rất cao, và giống gà như thổi. Còn gà đi bộ nuôi như ép xác, chỉ cho ăn no nhưng protein rất thấp. Cách nuôi của mình là làm cho con gà tăng trưởng chậm để có thịt ngon.”

Khi gà đi bộ Đồng Nai làm ra bán cho khu vực Austin có dư ra, ông Dũng bắt đầu tiến ra thị trường Dallas, Houston.
Đến bây giờ, như ông Dũng nói, “Gà Đồng Nai đã có mặt ở gần 30 tiểu bang Hoa Kỳ. Tại tiểu bang Texas, ngoài các chợ Việt, chợ Tàu, chợ Đại Hàn đều có gà Đồng Nai, hiện giờ các chợ của Ấn Độ, Mễ, Pakistan cũng lấy gà đi bộ Đồng Nai về bán theo như cầu của khách.”

Hiện nay, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, mỗi ngày trung bình trại gà Đồng Nai của ông Dương Minh Dũng đưa ra thị trường khoảng 10,000 con gà đi bộ.
Riêng ngày Giao Thừa Tết Nguyên Đán, ngày Lễ Tạ Ơn và ngày Giáng Sinh là những ngày tiêu thụ gà đi bộ nhiều nhất trong năm, số lượng tăng lên rất nhiều, và công ty ông phải làm việc suốt 7 ngày trong một thời gian để có đủ gà cung cấp cho khách hàng.
image
Nhìn lại công sức của mình, ông Dũng nói, “Ở đây có rất nhiều trại gà nhưng đều là nuôi gia công cho các công ty Mỹ, còn trại gà Đồng Nai là của riêng tôi.
Tháng Tám này, tôi sẽ hoàn thành nhà máy giết mổ bò để xuất cảng sang thị trường Đại Hàn và Việt Nam. Nếu không sai thì tôi là người Việt Nam đầu tiên ở đây lập công ty riêng về chăn nuôi từ gà và giờ là bò.”

Ông Dương Minh Dũng, chủ nhân công ty gà Đồng Nai lớn nhất của người Việt tại Mỹ, quả thật, có thể tự hào về những gì ông đã tạo dựng lên từ đôi bàn tay của chính mình trên quê hương thứ hai này.


Switch mode views: