Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đi phiên dịch

di phien dich

Hình minh họa:Bảo Huân



Từ cuối năm 2018 đến nay, tôi đi làm thêm, phiên dịch cho người Việt ở Leeds ở phòng khám và bệnh viện.

Ði phiên dịch cho mảng y tế thường chẳng được bao nhiêu, nhưng thường vui vì làm cầu nối cho bác sĩ/y tá và các bệnh nhân người Việt hoặc không hiểu tiếng Anh hoặc chỉ nói được chút ít.

Phiên dịch không chỉ là chuyển tải điều mỗi bên nói để giúp bệnh nhân và bác sĩ đối thoại, mà đôi khi còn là cầu nối văn hóa, giải thích sự khác biệt giữa thói quen và cách nghĩ ở Anh và của người Việt.
Làm phiên dịch trực tiếp không chỉ là dịch từ ngữ (bám sát nội dung và tone của người nói), mà đôi khi còn làm cầu nối thông tin khi nhân viên y tế cần biết gì đó về bệnh nhân mà chỉ thông dịch viên có thể biết vì cùng là người Việt.
 Chẳng hạn, đôi khi midwife cần thông dịch viên hỗ trợ khi nghi ngờ ai đó là nạn nhân buôn người.

Vì hiểu tiếng Việt, và cùng là người Việt, đặc biệt khi tôi càng không phải là nhân viên y tế hay nhân viên xã hội, đôi khi tôi có thể nghe thấy hoặc nhìn thấy điều gì đó nhân viên y tế không thấy, hoặc ít nhất, khi được chuẩn bị, có thể chú ý quan sát hơn và sửa cách dịch câu hỏi.

 Có lần, tôi đi dịch ở bệnh viện cho một cô. Khi người ta hỏi ngày tháng năm sinh, cô ấy nói năm 1986, tôi dịch lại 1986.
Tôi cũng để ý, khi người ta hỏi số điện thoại, cô ấy đưa ra điện thoại rất xoàng, loại rẻ tiền (kiểu người Việt gọi là cục gạch).


Tới khi ngồi ở phòng chờ, tôi và cô ấy nói chuyện. Nửa chừng điện thoại reng, cô ấy rút ra một cái điện thoại thứ hai, loại smartphone (có lẽ iPhone).
Nói chuyện một lúc tôi biết thêm vài chi tiết khác, chẳng hạn, cô ấy thật ra sinh năm 1964, và có con lớn tuổi hơn tôi. Tên cũng không phải là tên thật.
Câu hỏi đặt ra là, phải làm gì? Mặc kệ? Nói lại với bệnh viện?

Một trong những nguyên tắc chính khi làm thông dịch viên là phải giữ thông tin bí mật(confidential),
chẳng hạn, nếu tôi đi dịch cho người không giấy tờ đang được bệnh viện chăm sóc hoặc midwife giúp đỡ, tôi không thể báo cảnh sát cô kia đang ở lậu ở Anh; Tôi tất nhiên không được phép nói với người ngoài là ai nói gì trong cuộc hẹn, bệnh nhân mắc bệnh gì, bác sĩ nói gì…

Nhưng quan hệ của thông dịch viên với bệnh nhân không phải như quan hệ giữa luật sư với thân chủ, hay thậm chí quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, thông dịch viên đứng giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.
Chẳng hạn, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị hành hung trong gia đình, thông dịch viên phải báo bệnh viện.

Trong trường hợp này, tôi không nói gì về cái tên giả, hay hai cái điện thoại, nhưng sau khi đắn đo phải báo về năm sinh.
Bản thân cô ấy có thể nghĩ tuổi tác không quan trọng, nhưng khoảng cách giữa 1986 và 1964 là quá lớn—tuổi tác có thể ảnh hưởng đến cách chẩn bệnh và trị bệnh.

 Nhiệm vụ của thông dịch viên chỉ là chuyển ngữ và giúp hai người đối thoại khi không nói cùng một thứ tiếng. Nhưng đôi khi, có một vài trường hợp làm tôi muốn biết thêm, muốn giúp.

Có vài lần tôi đi phiên dịch cho một số phụ nữ mang thai, sống ở Leeds không giấy tờ.
Có lẽ họ bị buôn người, cũng có thể họ chọn leo lên xe tải chui vào Anh để có tương lai tốt hơn, tôi không biết.
Nhưng họ đang sống bấp bênh ở Leeds, không gia đình, không giấy tờ. Có người đang mang thai vẫn phải dọn nhà.

Có người sống với bạn nhưng phải đẻ con chăm con một mình ở Leeds, biết bạn trai ở London nhưng không biết ở đâu.
Có người nói tên bạn trai nhưng họ tên đầy đủ không biết, ngày sinh không biết, số điện thoại cũng không biết.
Người Việt sống chui ở Anh có thể có người Việt khác giúp, nhưng khi một chữ tiếng Anh cắn đôi cũng không biết, quyền lợi cũng không có, rất dễ dàng bị người khác lừa và lợi dụng.

Những trường hợp như vậy luôn làm tôi băn khoăn, rồi họ sống thế nào? Nuôi con thế nào? Cứ sống như thế được bao lâu?
Chọn liều mình đến Anh, hoàn cảnh ở Việt Nam của họ ra sao để phải liều như thế?

Ði phiên dịch trực tiếp không phải lúc nào cũng dễ dàng và đơn giản như tôi từng nghĩ.
Làm phiên dịch đôi khi phải lãnh trách nhiệm nặng nề là báo tin xấu cho bệnh nhân, dù không được huấn luyện như bác sĩ cho những tình huống khó khăn như vậy.

Thông dịch viên có thể được học, bản thân tôi được huấn luyện cho safeguarding (cách giúp đỡ và bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương, khỏi bạo lực, lạm dụng, và bỏ bê) và cho sức khỏe tinh thần (mental health), nhưng vẫn không bao giờ đủ.

Phải làm gì khi nửa chừng bệnh nhân ứa nước mắt hoặc bật khóc?
 Làm sao để nói với người mẹ là em bé vài ngày tuổi phải chịu đau và chịu lấy máu lần thứ hai vì lần trước y tá không đưa thông tin vào hệ thống?
Làm sao để báo cho một phụ nữ đến siêu âm là không còn thấy thai nhi nữa, đã bị sẩy thai?
Làm sao có thể nói cho một bệnh nhân đã bị ung thư nhiều lần rằng lần này là giai đoạn cuối, đã thử vài cách nhưng không còn chữa được nữa, chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ (palliative care)?


Switch mode views: