Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần và Huỳnh Thục Vy được chọn Giải Nhân Quyền 2012


WESTMINSTER (NV) - Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam vừa thông báo chọn Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên và Tạ Phong Tần, ba phụ nữ hiện đang sống trong nước, để trao Giải Nhân Quyền 2012, qua một cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa và Báo Chí, bên trong nhà hàng Zen Vegetarian, Westminster, hôm Thứ Sáu.

nguyenbatungTiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng nói về ba nhà đấu tranh nữ được Giải Nhân Quyền 2012. (Hình: Linh Nguyễn)

Ðược biết, mỗi người sẽ được thưởng $3,000, và lễ trao giải sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật, 9 Tháng Mười Hai, tại nhà văn hóa Côte-des-Neiges, Montreal, Canada, vào dịp kỷ niệm lần thứ 64 Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.

“Sau hơn một tháng xem xét các đề nghị, chúng tôi trước hết xin công bố kết quả Giải Nhân Quyền năm nay về tay ba phụ nữ tranh đấu cho nhân quyền. Ðó là Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần và Huỳnh Thục Vy,” Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, chủ tịch Mạng Lưới Nhân Quyền, tuyên bố. “Kế đến, chúng tôi cũng mong có sự đóng góp ý kiến của mọi người sao cho cuộc đấu tranh được hữu hiệu hơn.”

Sau đó, cựu Luật Sư Trần Thanh Hiệp giới thiệu về cô Phạm Thanh Nghiên.

Ông nói: “Ðiểm đặc biệt là phong cách tranh đấu cho nhân quyền của cô. Năm 2007 cô được biết đến khi từ Hải Phòng lên Hà Nội để biểu tình chống Trung Cộng. Năm 2008 cô viết bài phóng sự ‘Uất ức biển ta ơi’ lên án chính quyền CSVN vô trách nhiệm với ngư dân Việt Nam. Ðiểm nữa là cô có sáng kiến biểu tình tại nhà.”

“Theo tôi, dù mới trên 30 tuổi, cô đã viết và sẽ còn viết về những người dân không sợ bạo lực. Cô là một phụ nữ gương mẫu, đáng được kính nể,” ông khen ngợi.

Cựu Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm nhắc đến trường hợp của nhà báo Tạ Phong Tần.

Ông nói: “Nhà báo Tạ Phong Tần sinh năm 1968 ở Bạc Liêu, gốc Hoa, là đảng viên Cộng Sản và là sĩ quan công an nhiều năm, nhưng đã giác ngộ và làm vinh dự cho nhà báo khi cô lập ra Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Cô tranh đấu cho nhân quyền, bị tù 10 năm và không được phép dự đám tang của thân mẫu của cô là bà Ðặng Thị Kim Liên, người đã tự thiêu.”

Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên sau đó nói đến người thứ ba đoạt giải là cô Huỳnh Thục Vy.

“Ðiểm đáng chú ý là năm nay cả ba người được chọn đều là phụ nữ. Họ chưa bao giờ nhận tội và xin khoan hồng. Cô Huỳnh Thục Vy mất mẹ từ khi lên 6 tuổi, và cha cô vào tù khi cô 7 tuổi. Sinh năm 1985, mới 27 tuổi mà đã là một nhà báo tự do. Cha cô là Huỳnh Ngọc Tuấn, bị bắt năm 1992, bị tù 10 năm và 4 năm quản chế vì vi phạm điều 88, tuyên truyền chống chính quyền. Cô vẫn kiên cường tranh đấu.”

Trong phần đóng góp ý kiến, ông Ðoàn Thế Cường thắc mắc sao lại có ba giải và được Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng cho biết là có một mạnh thường quân ủng hộ thêm $3,000. Vì thế, ngoài số tiền Mạng Lưới Nhân Quyền thường trao cho hai người, năm nay lên ba người.

Giáo Sư Trần Huy Bích hỏi ai là người đề cử cô Huỳnh Thục Vy và mọi người bất ngờ biết được là do nhà văn Huy Phương đề cử.

Một số người nêu vấn đề gây quỹ, Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên nói: “Ðể giữ vai trò độc lập, Mạng lưới Nhân Quyền không nhận tài trợ của Mỹ và bất cứ tổ chức nào, trừ những đồng bào và thân hữu có lòng đóng góp thường xuyên.”

Trước đó, sau phần nghi lễ, người tham dự đã dành một phút để mặc niệm cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và các chiến sĩ đã hy sinh, tranh đấu cho nhân quyền.

Tiểu sử của ba người nhận giải nhân quyền năm nay được ghi lại trên trang nhà của Mạng Lưới Nhân Quyền tại http://www.vietnamhumanrights.net.

Giải thưởng được thành lập từ năm 2002 và được trao hàng năm nhằm tuyên dương thành tích xuất sắc của các cá nhân có thành tích đấu tranh nhân quyền cho Việt Nam. Ngoài ra, giải còn nhằm bày tỏ quyết tâm liên đới và hậu thuẫn của người Việt khắp nơi đối với cuộc đấu tranh giành lại quyền làm người và công lý tại quê nhà.

Từ ngày thành lập đến nay, Giải Nhân Quyền Việt Nam được trao cho nhiều nhân vật đấu tranh hàng đầu tại quốc nội, như Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, Ðại Tá Phạm Quế Dương, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, Linh Mục Phan Văn Lợi, kỹ sư Ðỗ Nam Hải, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà hoạt động công đoàn Ðoàn Huy Chương, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, và một số nhân vật khác.

Switch mode views: